Truyện ngắn của Nam Cao có một thứ đặc biệt, mà có lẽ, không một tác giả nào khắc hoạ hay và sâu lắng như vậy: Miếng ăn. Ai đó đã từng đọc "Một bữa no", chắc hẳn sẽ cảm nhận sâu sắc về điều này. Bà lão trong truyện đã có một "bữa no" cuối đời - no không hẳn vì cơm, mà vì nhục. Bà ăn nhanh, bà ăn gấp, cố theo kịp người ta vì sợ người ta ăn hết mất. Bà lão lập cập ăn vội đến rớt cả nắm cơm ra ngoài. Sau đó, bà lại còn cạo nồi sồn sột. Đúng là vì đói quá nên bà mới phải làm thế. Sau bữa no ấy, bà lão chết. Bà lão chết vì no, no cái cục tức mãi không tiêu được. Nam Cao nói về miếng ăn nhiều hơn cái đói, về cái nhục nhiều hơn cái khổ. Nhục đến độ, Nam Cao phải cất tiếng cầu cứu: Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị huỷ diệt, những linh hồn đang héo hắt, chết mòn vì miếng cơm, manh áo ("Sống mòn").
Còn anh Chí hiền lành của chúng ta cũng chết đi vì cái đói ấy. Chí Phèo có ba lần đến nhà Bá Kiến đáng nhớ. Lần thứ nhất, đến vì đói công bằng. Lần thứ hai vì đói ăn. Lần thứ ba vì đói nhân cách. Cả ba lần, Chí đều đòi được "miếng ăn". Nhưng "miếng ăn" ấy không dễ nuốt trôi.
Sau lần thứ nhất đến nhà Bá Kiến ăn vạ, Chí Phèo ra về rất hả hê trong vị thế người chiến thắng. Nhưng anh không hề biết có một "cục tức" ứ nghẹn vào lòng mà anh không nhận ra. Người ta gọi Bá Kiến là cụ Bá. Không dưng mà cái từ "Bá" lại được gắn vào một con người. Tôi luôn có ấn tượng xấu với nó. Bởi, để có được cái danh xưng ấy, một người đã tự ép mình lại, đã luồn lách qua biết bao nhiêu ngóc ngách cái xã hội nhơ nhuốc thuở đó. Một kẻ giàu có, giàu cả về tiền tài và sự độc ác, ranh ma. Tôi nhớ rất rõ cái "châm ngôn" thống trị kẻ dưới Bá Kiến rút được sau cả cuộc đời sống ác: Mềm nắn, rắn buông, sợ kẻ cố cùng liều thân, bám thằng có tóc. Một người khôn ngoan thì chỉ bóp đến nửa chừng, ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Chí Phèo đã thua, nhưng như Bá Kiến nói, ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn, Chí Phèo ngỡ mình đã được cứu. Bá Kiến có những cách giết người kín đáo vô cùng độc ác, không ném đá giấu tay, không phân bua, không chạy tội. Nhưng người ta không ai nạt tội được hắn. Một kẻ khốn nạn! Anh nuốt miếng thịt gà, nuốt li rượu, và nuốt những lời ân cần giả dối. Anh đã không đòi lại được cội nguồn tuổi trẻ như hằng mong đợi. Nhưng có lẽ, vì đã đau quá rồi, nên người ta chẳng còn nhận ra mình đang đau thêm nữa.
Lần thứ hai đến nhà Bá Kiến cũng là chặng thứ hai của cuộc đời Chí: Chí đi đòi miếng cơm. Hãy xem Nam Cao kể:
- Lạy cụ ạ. Bẩm cụ... Con đến cửa cụ để kêu một việc ạ.
Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó. Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành: hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải:
- Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt con ở tù, con lại sinh thích đi ở tù; bẩm có thế, con có dám nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm quả đi ở tù sướng quá. Đi ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước đất cắm dùi cũng không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù...
Đúng là khi đói, người ta có thể bỏ đi cả tính người của mình. Lúc anh đi đòi nhân cách, đòi công bằng, anh hung dữ bao nhiêu, thì bây giờ, anh lành hiền bấy nhiêu. Cái lành hiền nhẫn nhục xa lạ với những gì lẽ ra anh nên làm lúc này. Nghe tiếng Lạy cụ phát ra từ miệng anh, tôi như nghe có cái gì chạy dọc xương sống mình, buốt lạnh, tái tê. Rồi cuộc đời sẽ đi về đâu khi người ta đã tự hạ nhân cách của mình xuống? Phải lạy, phải bẩm một kẻ xô mình xuống vực là điều khủng khiếp. Thế mà, một Chí Phèo từng vác vỏ chai đến đòi lại công bằng, giờ vì miếng ăn mà làm thế đấy! Với tôi, Chí Phèo trở thành quỷ dữ không phải từ tiếng chửi đời đầu tiên, mà bởi câu lạy lúc này đây. Không còn là người, thì có nghĩa là quỷ dữ. Câu Lạy cụ ạ phát ra từ miệng Chí đã chính thức xoá tên Chí khỏi xã hội loài người.
Kết quả của lần gặp gỡ này là hai kẻ thất trận.
Chí Phèo vênh vênh ra về: hắn thấy oai thêm bậc nữa. Hắn tự đắc: "Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta!". Cụ bá thấy mình thắng bên địch mà không cần đến hội đồng làm biên bản chừng thích chí.
Nghe thì có vẻ như cả hai đều đắc chí vì mình đã thắng. Nhưng thực chất, trong đầu Bá Kiến đã mơ hồ một sự sợ hãi Chí Phèo, sự sợ hãi không lớn lao, rõ ràng, mà như cây kim đâm nhẹ vào da, nghe đau nhói. Tôi ghét sự ngạo mạn của Bá Kiến lúc đó. Sự ngạo mạn giả dối hình thành bởi thói quen chiến thắng.
Khi lập trình mà bị một lỗi về ngữ nghĩa, chương trình sẽ vẫn chạy với ngữ pháp chuẩn. Thế nhưng, sai lầm ấy sẽ âm ỉ, sẽ lớn dần, sẽ không làm máy móc dừng hẳn, mà làm nó chậm đi, và sai sót. Chí Phèo dường như đã mắc phải một sai sót như thế đấy! Có điều, máy móc nó không biết đau. Còn con người, có một lỗi trong người là điều không dễ chịu. Nhất là, ngày ngày, nó lớn dần lên theo bát cơm ta ăn, chén nước ta uống. Chí đã đau như thế đấy! Không quặn thắt, không dâng tràn, âm ỉ thôi, nhưng nhức trong người thôi, nhưng quả thực làm người ta muốn chết quách đi. Chí Phèo đã sống bao nhiêu lâu với nỗi đau ấy nhỉ? Tôi không biết, Nam Cao không biết. Chỉ biết rằng, nếu tôi cũng mắc phải một lỗi trong thể xác hay tâm hồn như thế, tôi sẽ chết, nhanh thôi, chứ không đến từ từ như với Chí. Chí đã thất bại như thế, thất bại mà không biết mình đang thất bại. Thất bại mà đầu luôn niềm nở với một chiến thắng con trẻ: "Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta!". Thật tồi tệ khi người ta chưa đủ lớn để sống mà mái đầu đã điểm gió sương.
Bi kịch đâu dừng lại ở đấy. Khi người ta đã thành quỷ dữ, thì người ta chẳng còn ý thức được điều gì đang trôi qua kẽ tay, hơi thở. Vì thế mà, hẳn Chí đâu biết rằng, mình đã nhận lời đòi nợ Đội Tảo, đang bước đi trên con đường làng với bước nam, bước xiêu, đang cất tiếng chửi Đội Tảo. Đấy! Những tiếng chửi ấy là của con quỷ đấy, không còn là của anh Chí lành hiền, đáng thương.
Dường như Nam Cao thích viết về những khoảnh khắc cùng cực của con người, khoảnh khắc mà con người ta mấp mé bên ranh giới. Bước qua thì anh chết với nghĩa con vật, không bước qua, thì anh chết đi với trái tim méo mó vì đau.
Tôi muốn nói về rượu.
Đọc Chí Phèo, lúc nào tôi cũng nghe một mùi rượu nếp thoang thoảng bên mọi giác quan của mình. Mùi rượu nếp thơm nồng, cay, và chua ngắt. Như chính cuộc đời Chí.
Chí uống rất nhiều, uống từ khi mới ra tù. Nhưng, tôi thật sự cảm thấy Chí đói rượu bắt đầu từ khi anh không còn là con người nữa. Chí cũng biết mình không còn là người nữa đấy chứ! Thế nên, mọi chua chát, đau đớn, cùng cực nhất anh tìm cách đổ lên người mình. Cốt để bớt đau đấy thôi! Những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, doạ nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Thế thì đâu còn là con người nữa! Người có nghĩa là sống, và biết mình đang sống. Nhưng Chí đâu còn biết mình đang sống! Và cũng chưa hẳn Chí đang sống. Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo để nhớ rằng có hắn ở đời. Chí chỉ biết mình đang đau thôi! Đau quá, nên chẳng còn biết mình đang làm cái gì khác ngoài đau. Chí đói cả những cơn đau.
* * * * * * * *
Rồi, Chí sống với linh hồn quỷ dữ suốt thời gian dài. Bao nhiêu năm ấy nhỉ? Điều ấy không còn cần thiết. Bởi phải sống mà không được xem là con người, thì dù một phút, một giây, cũng đã đáng dài hàng thế kỉ. Ngần ấy năm Chí dằn vặt, lồng lộn vì đau. Hãy xem, Chí rạch mặt ăn vạ, Chí mắng chửi, Chí phá phách, đâm chém, hại người, ... vì quá đau đó thôi! Tôi đã nghĩ, cuộc đời Chí, có lẽ sẽ kết thúc tại đây mất! Nhìn xem, gương mặt anh có còn chỗ nào là da thịt con người không? Nghe xem, tiếng anh phát ra có tiếng nào là của người gọi nhau? Toàn tiếng chửi. Tiếng con vật lạ nào đó đang chửi người ta đấy! Chửi người ta độc ác, bỏ hoang nó, để nó đói khát, đau khổ đến nhường này!
Rượu và những tiếng chửi theo anh già đi. Thời gian nó vậy đấy! Nó thích được chiều chuộng, thích được người ta vuốt ve, nâng niu. Ai làm nó giận dỗi, thì nó trả đũa đấy! Ừ! Chí Phèo đâu có biết chiều chuộng ai! Thế nên, thời gian giận anh bằng sương gió. Anh già rồi. Gìa mất rồi. Những nỗi đau lấn át tâm hồn anh, khiến anh chẳng còn biết mình có già không nữa. Nhưng anh biết, thời gian đã và đang trôi.
Bởi vì Những việc ấy là chính cuộc đời hắn. Đúng vậy, đau đã trở thành cuộc đời anh! Đập phá cuộc đời trở thành cuộc đời anh! Tha thiết muốn làm người trở thành cuộc đời anh! Và bất lực cũng là cuộc đời anh! Có một lúc, ta cảm nhận rõ nhất tâm niệm làm người tha thiết ấy và sự bất lực khôn cùng.
Tôi thích viết và thích đọc những câu chuyện về tình yêu. Tình yêu là nơi con người biết đến tình người với một nghĩa lớn lao nhất.
Anh nhìn thấy trời đã sáng lâu, mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ, nghe thấy tiếng chim ríu rít bên ngoài. Và anh biết, chưa bao giờ anh thấy thế, bởi chưa bao giờ hết say.
Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dây sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không thèm nhấc.
Những cảm giác đầu tiên của con người đã trở lại với anh rồi kìa! Những cảm giác trên thân thể trên người trở lại. Chỉ có con người mới biết miệng đắng, lòng mơ hồ buồn, người bủn rủn, chân tay không thèm nhấc. Anh đang đặt những bước chân đầu tiên rời khỏi thế giới quỷ dữ để trở về.
Rồi anh nghe tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng ấy hôm nào chả có. Ừ! Bởi đó là cuộc sống mà. Cuộc sống luôn hiện hữu quanh đây, chỉ có điều con người ta chưa tìm ra, hoặc cố tình không nhìn thấy. Tận hôm nay, anh mới nghe thấy. Và chao ôi là buồn! Vì sao thế nhỉ? Vì sao buồn? Vì anh là người. Là người thì lòng luôn buồn.
Chí nghe tiếng những người đàn bà buôn vải nói với nhau. Anh nghe cuộc sống chạy dọc theo cột sống, tan dần vào từng tế bào, từng giọt máu đỏ, rồi thấm vào tim. Trái tim anh thổn thức, trái tim anh dâng trào, bởi nó đang đau đớn khi gặp lại một người yêu cũ. Đó là cái gì rất xa xôi, cái gì mơ hồ, hình như là một ước mơ. Anh nhớ, hình như có một thời anh ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, nuôi một con lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng cày. Nhưng anh Chí ạ! Nó chỉ nho nhỏ với Chí thời hai mươi, hai mốt. Còn bây giờ, đó đã là cái gì xa xôi quá mất rồi! Những con người đã từng là cuộc sống của anh, nay đã là những người chồng, người vợ. Còn anh, bao năm qua, anh làm được gì? Không gì cả! Anh tụt dần, tụt dần trên một con dốc vô hình. Không ai níu anh lại, không ai muốn níu anh lại, không ai đủ yêu thương đến níu anh lại. Trong khi, cuộc sống luôn đi ngược con dốc số phận với vận tốc và gia tốc ổn định. Ai không tiến được thì lùi, lùi lại phía sau cuộc sống. Như Chí.
Tỉnh dậy, hắn thất hắn già mà vẫn còn cô độc ... Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời... Chí Phèo dường như đã thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc...
Tôi luôn thấy thương sự cô độc nơi anh. Từ ngày bị vứt bỏ ở cái lò gạch cũ, cuộc sống của anh chưa bao giờ thôi cô độc. Và rồi, biết mình cô độc, cảm nhận được mình đang cô độc cũng là điều đáng thương hơn nữa. Một con quỷ rạch mặt ăn vạ, đốt nhà, cướp của, mưu hại người... giờ biết buồn, và sắp khóc vì cô độc.
Nhờ đâu thế? Nhờ đâu anh có được những xúc cảm rất người đến vậy?
Thị Nở!
Ừ! Nhờ Thị cả đấy! Người đàn bà thứ nhất và duy nhất cuộc đời anh.
Họ đã yêu nhau.
Tôi đã đắn đo thật lâu khi viết dòng này. Có thật là họ yêu nhau?
Một buổi tối say về, đi ngang bờ sông, Chí Phèo gặp Thị Nở đang nằm ngủ hớ hênh bên gốc chuối. Họ đã ăn nằm với nhau. Và rồi, giữa họ nảy sinh nên cái tình cảm mà tôi gọi là tình yêu.
Thị Nở là một người đàn bà mà người ta dùng ba từ để gọi: Nghèo, xấu và ngẩn ngơ. Ba từ ấy như ba mặt của cái lô cốt hình chóp tam giác, nơi tác giả nhốt chặt nhân vật của mình vào trong đó. Nhưng có thật Thị chỉ có ba cái ấy? Nam Cao đã làm bật lên những điều quý giá hơn ở Thị mà đến tận cuối truyện, ta vẫn còn yêu quý biết bao những điều ấy.
Ta hãy cùng nếm bát cháo hành Thị mang cho Chí. Và lặng nào! Lặng đi một lúc, để thấy hương vị bát cháo ấy thấm đẫm vào từng giác quan, vào tâm hồn.
Chí đã rút ra một châm ngôn sau khi ăn bát cháo hành của Thị: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết cháo hành rất ngon. Bát cháo mơ hồ gợi cho anh về một thời trai trẻ, một thời mà người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt, một thời anh biết anh chưa được người đàn bà nào yêu thương.
Nam Cao chế biến món cháo hành rất kĩ, cảm đến từng làn khói, từng chút hương, hạt gạo mềm trong cháo. Bát cháo khiến anh nghĩ đến một điều mà bao năm nay anh quên khuấy đi, bao năm nay đã bị cái đau làm cho nhoà nhạt: Làm người phải sống hoà thuận với nhau. Đột nhiên anh thèm lương thiện, thèm biết bao nhiêu cái lương thiện. Và anh nhủ: Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Anh đã tự gắn cuộc đời mình với một người, lại là một người đàn bà. Anh đã mong mọi người sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, xã hội của những người lương thiện. Anh muốn nắm tay người đàn bà ấy đi đến hết cuộc đời Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Câu hỏi không hề có dấu chấm hỏi. Hình như là một lời cầu hôn. Chí đã cầu hôn Thị.
Đôi lúc tôi cứ nghĩ, tình cảm Thị dành cho Chí như của người đàn bà dành cho người đàn ông đã lỡ ăn nằm, còn Chí nhìn Thị giống một thanh vịn hơn, thanh vịn để Chí nương vào mà tiến về thế giới con người. Nhưng tôi lại thấy tình cảm của họ giống tình yêu hơn. Họ về ở với nhau trong năm ngày trước khi ác mộng trở về. Họ cố gắng tất cả vì nhau. Chí cố gắng uống ít, để yêu Thị thật nhiều. Trong vô thức, họ đã trót yêu nhau.
Nguyễn Đặng Tường Vi