100 câu hỏi lý thuyết môn Văn

Năm 2010, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM và công ty sách Thành Nghĩa ra mắt cuốn "100 câu hỏi lý thuyết môn văn" (ôn thi tốt nghiệp THPT, luyện thi CĐ, Đại học) của Phạm Ngọc Hiền. Cuốn sách gồm hai phần: Câu hỏi lý thuyết và hướng dẫn làm bài.

Trích một số câu trong sách

Câu 78: Hãy chỉ ra sự khác nhau về cách nhìn đời của hai nhà văn Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam thông qua hai tác phẩm Số đỏ và Hai đứa trẻ.

    - Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945. Các nhà văn theo xu hướng này chủ trương vạch trần "sự thực ở đời", đó là bộ mặt xấu xa, giả dối của xã hội đương thời. Dưới con mắt của Vũ Trọng Phụng, tất cả xã hội thượng lưu trong tiểu thuyết Số đỏ đều xấu xa, giả tạo. Ngay cả những chỗ đáng ra phải được trang nghiêm nhất như đám tang của cụ cố tổ mà cũng đầy rẫy sự nhố nhăng. Tác giả đã phê phán nó bằng giọng văn trào phúng, sâu cay.

    - Thạch Lam là một trong những nhà văn tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, một tổ chức văn học theo khuynh hướng lãng mạn nổi tiếng đương thời. Những nhà văn theo xu hướng này thường miêu tả cuộc sống thi vị nên thơ, chuyên khai thác đời sống tình cảm con người. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã miêu tả khung cảnh một phố huyện tẻ nhạt, hiu hắt buồn dưới con mắt của hai chị em Liên - những đứa trẻ mới lớn luôn khao khát những khung trời mới lạ. Tác giả có cái nhìn trìu mến, yêu thương nhân vật, giọng văn trữ tình, giàu chất thơ.

Câu 93: Theo anh (chị), những yếu tố nào trong cuộc đời Hàn Mặc Tử có thể giúp ta hiểu sâu sắc thêm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ?

    - Trước hết, Hàn Mặc Tử từng học trung học ở Huế nên ông am hiểu vẻ đẹp con người và phong cảnh thôn Vĩ, sông Hương... Cũng ở đây, có một cô gái mà ông đem lòng thầm yêu trộn nhớ là Hoàng Cúc. Họ quen biết nhau từ thời cha cô đưa gia đình vào Quy Nhơn làm ở Sở đạc điền, cùng chỗ làm với Hàn Mặc Tử. Khi Tử vào Sài Gòn làm báo thì Hoàng Cúc theo gia đình về Huế. Sau này biết Tử trở về Quy Nhơn, cô gửi tặng một tấm hình chụp cảnh sông nước Vĩ Dạ. Cảm tấm lòng của Hoàng Cúc nhưng mặc cảm vì mắc bệnh nan y nên Tử đã làm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (năm 1938). Tác phẩm bày tỏ sự yêu thương trân trọng tình cảm của người con gái nhưng có chút hoài nghi và khéo léo khước từ lời mời của người yêu vì hoàn cảnh đặc biệt. Bài thơ cho thấy tình yêu trong sáng, cao thượng, tấm lòng thiết tha gắn với đời và bi kịch của nhà thơ.

 


Thứ Ba ngày 01 tháng 06 năm 2010 - 22 giờ 04 phút          

Gửi bình luận