Vốn chậm hiểu lại có 'tí tuổi' nên ngay khi bắt đầu học môn Hán văn tôi đã nghĩ nó sẽ là nỗi ám ảnh mình đây! Và quả thật, tôi học nó trầy trật, ngán ngẩm như nhai cơm nguội vậy. Nó khô, khó và khổ. Tôi nói thế bởi nó là tử ngữ, một thứ ngôn ngữ chết. Vả lại nó là Hán cổ, là ngôn ngữ mà người ta có thế nói 'xưa rồi Diễm ơi!' Có chăng nó chỉ dành cho những bậc thầy, những nhà nghiên cứu văn học. Nó không còn thông dụng. Hơn nữa văn phạm tiếng Hán 'rối' như mớ bòng bong. Gỡ hoài không thấy mối ra. Người học không thấy ở đó một sức hấp dẫn nào để tiếp tục. Nhưng dù sao tôi cũng cố để mong đừng... nộp tiền ngu, học lại.
Sau ba học kì 'cày' Hán văn, dĩ nhiên tôi chưa thấy khả quan lắm về mặt kiến thức, nhưng ít ra tôi đã tìm được cho mình cái thú để chịu khó nhai nó, nếm vị lạ từ nó.
Trước hết đó là tôi học chữ 'nhẫn'. Học bất cứ một ngoại ngữ nào thì cũng cần kiên nhẫn. Nhưng với Hán cổ chữ nhẫn đó đòi hỏi ở người học một 'cái tâm'. Không phải cứ biết từ vựng, biết âm tiết ráp vô là đọc là dịch ngay được như tiếng Việt, Anh, Pháp... tiếng Hán cần biết nét, thuộc bộ, hiểu văn phạm để phiên âm và dịch nghĩa của từng chữ trong từng hoàn cảnh khác nhau. Hơn nữa chữ Hán có nhiều kiểu từ đời xưa như: Giáp Cốt, Kim, Triện, Lệ, Khải, Thư, thì Khải thư mà tôi học lại được phân ra hai cách viết gọi là Hành thư và Thảo thư. Tôi chỉ học viết kiểu chữ Hành ở dạng chỉnh thể (không viết giản thể như người Trung Hoa đương thời hay dùng). Thế nên cần người học sự chú tâm, kiên nhẫn viết rõ, đủ, đều nét và vuông chữ. Đấy là chưa kể mỗi nét lại cần đậm nhạt, mạnh yếu khác nhau. Do đó cái tâm của người học cần lắng xuống, cẩn thận gò từng nét chữ cho ngay cho đều. Học chữ Hán là học chữ nhẫn là vậy!
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó là tôi được học 'làm người' qua chính những bài học mang đậm tính triết lý nhân sinh trong giáo trình Tiếng Hán, tập I của Nguyễn Tri Tài[i]. Con người ta được sinh ra và lớn lên chưa hẳn đã 'là người' thật sự, tức là 'thành nhân'. Bởi con người có phần 'con', phần bản năng chi phối. Thế nên để 'là người' cần 'làm người'. 'Làm' là tất cả quá trình sống có ý thức và hành động sao cho mỗi ngày ta mỗi 'nên người' hơn.
'Làm' theo gương Bác[ii] là cần có một 'tinh thần thép' vượt qua gian khổ để đạt được sự nghiệp. Không ngồi than van 'bóng tối', than vãn số phận mà 'thắp lên một ngọn nến', chuẩn bị tinh thần và thể xác được tráng kiện để hướng đến tương lai.
'Làm' theo gương của Hai Bà Trưng[iii] là đánh đuổi quân tham tàn, cướp nước. Mang thân phận nữ nhi nhưng không thường tình phải cúi đầu chịu lụy. Người ta giết chồng Bà Trưng Trắc, lấy đi sự bình yên của Quê hương, Bà đã cùng em dấy binh đòi lại danh dự cho chồng mình và đem lại sự an bình cho đất nước. Bà là bậc nhất anh hùng trong thiên hạ. Dũng khí của Hai Bà còn sáng mãi với sử sanh hào hùng của dân tộc.
'Nam Quốc Sơn Hà' là bài tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khích lệ, động viên tinh thần của người chiến sĩ đứng lên tiêu diệt kể thù xâm lược, gìn giữ non sông. Tinh thần yêu nước ấy thấm vào máu thịt của từng người dân Việt và truyền lại cho hậu thế, để con cháu cũng biết gìn giữ và phát triển đất nước giàu mạnh.
Học làm người trọn vẹn còn là học chữ trung với nước, hiếu với vua, một lòng vì nước non, tiếng thơm ngàn đời sau còn ca tụng tài đức của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn[iv], của Nguyễn Trãi[v]...
Bên cạnh những bài học có 'tính lịch sử' trong nước, thì còn có những bài học có tính triết lý sống chung cho nhân loại. Đó là những truyện ngụ ngôn với đầy ẩn ý của những bậc thầy trong thiện hạ như Hàn Phi Tử, Mạnh Tử, Trang Tử...
Với 'Kiêu tương Đông tỷ'[vi] tôi học bài học hãy tự điều chỉnh chính mình, sửa những cái gồ ghề, góc cạnh, những điều thô tục, không hợp người, hợp cảnh. Nếu không biết tự sửa mình thì đi đến đâu tôi cũng không được đón nhận. 'Dương Bố phác cẩu'[vii] thì ngụ ý khuyên tôi nên cảnh tỉnh xét lại lỗi của mình trước khi trách người, không vì cậy quyền mà làm càn hại người. 'Nhương kê giả' (sđd, tr.83) thì nhắc tôi nếu biết điều mình làm là xấu thì ngừng ngay, không chần chừ, không khoan nhượng. Và 'Liêm' (sđd, tr. 123) cho tôi thấy nó là điều quý nhất của con người mà cần phải chiến đấu với chính mình để chiến thắng lòng 'tham'. Còn với 'Thủ châu đãi thố' (tr. 77) thì nhìn và đánh giá một sự việc để đi đến hành động là rất quan trọng. Con thỏ không có nhiều và không thể ngày nào cũng có chuyện chúng húc đầu vào gốc cây để cho anh cày ruộng bắt được. Thế nên sẽ là ngớ ngẩn nếu tôi xem một hiện tượng chỉ có tính ngẫu nhiên thành quy luật để hành động. Ngược lại nếu quy luật của tôi hay của ai đó đã lỗi thời thì khi áp dụng vào đối tượng mới thì cũng cần phải cân nhắc, như trong bài 'Khắc chu cầu kiếm' (tr. 88). Có những việc làm, những nhận định tại thời điểm đó thì đúng, nhưng trải qua thời gian thì nó không còn phù hợp nữa. Còn bài 'An tri ngư lạc' (tr. 111) lại cho tôi hiểu về cái nhìn chủ quan của mỗi người. Thế nên, áp đặt ý của mình nên người khác cũng là điều không hợp lý vậy.
Như thế học Hán văn không phải chỉ học những nét chữ chết mà học được ý lực sống từ những câu chuyện chuyển tải. Tôi đã bắt đầu thích chữ Hán hay đúng hơn thích khám phá cái hay, cái đẹp, cái mà làm cho con người 'nên người' hơn từ tiếng Hán. Tuy nhiên biết tiếng Hán, học những bài học 'làm người' từ tiếng Hán, nhưng thực hiện lại là điều không dễ. Phải chăng nó sẽ còn 'ám ảnh' tôi mãi mỗi khi tôi không sống những gì mình đã học?
Kim Nhung (08 NV ĐH Văn Hiến)
[i] NGUYỄN TRI TÀI, Giáo Trình Tiếng Hán, tập 1, Nxb ĐH QG Tp HCM, năm 2002.
[ii] Sđd Bài Ngục trung nhật ký, tr. 21.
[iii] Sđd Bài Trưng Nữ Vương, tr. 35.
[iv] Sđd Bài Hưng Đạo đại vương, tr. 47.
[v] Sđd Bài Nguyễn Trãi, tr. 59.
[vi] Sđd Bài Kiêu tương Đông tỉ, tr.73.
[vii] Sđd Bài Dương Bố phác cẩu, tr. 100.