Hồi còn thơ dại, sáng hôm nào chuẩn bị đi học mà mẹ bảo: “Trưa nay học xong thì về thẳng nhà bà ăn giỗ, con nhé!” là tôi thích thú lắm. Trên đường tới trường, tôi như một con chim chích vui tươi nhảy nhót. Trong lớp, tôi học hành có vẻ tích cực trông thấy. Nhưng đến khoảng gần 11 giờ là tôi bắt đầu ngóng chờ tiếng trống và tưởng tượng mọi chuyện khi về tới nhà bà. Những thứ tôi hình dung hầu như đều chuẩn xác. Bà làm giỗ bao giờ cũng đầy đủ và nhiều món ngon. Anh em con chú con bác con cô con cậu gần xa cũng về đủ cả rồi chúng tôi kể cho nhau nghe bao điều về bạn bè, những tình huống trong lớp học, những câu chuyện nghe lỏm được, những sự vụ xung quanh chòm xóm nhà mình. Trên Giời, dưới bể rồi cười phá lên. Thi thoảng lại có bác hay chú thím nói vọng ra vườn cam trước sân chỗ chúng tôi đang ngồi tán chuyện một vài câu về việc học hành hoặc chơi bời gì đó. Trong nhà, trên bàn trà, trên sập, trên giường là các cụ các ông các bà các bác trưởng chi uống nước, ăn trầu. Ngoài nhà, ngồi ở trên cái chiếu trải đầu hè là các bác trung tuổi cũng trà nước và ăn trầu, thi thoảng có người hút thuốc lào. Bên giếng khơi, phần đông là phụ nữ đang dọn dẹp và rửa bát. Tiếng nói tiếng cười, lúc to lúc nhỏ, khi ngược khi xuôi đều diễn ra theo từng nhóm sau bữa cơm. Nói chung là toàn những chuyện mà chúng tôi chưa thể hiểu và cũng chưa muốn quan tâm lắm.

Thời gian dần trôi, những lần ăn giỗ trên nhà bà, những câu chuyện của anh em chúng tôi cũng tỉ lệ thuận với độ tuổi. Khi thế hệ chúng tôi lần lượt vào học đại học thì các em trẻ ở nhà vẫn là những câu chuyện ở vườn cam trước sân. Sự dịch chuyển dần vị trí như một lẽ tự nhiên của Tạo hóa. Hồi là sinh viên năm thứ nhất, trong một lần từ Hà Nội tranh thủ về thăm nhà và cũng là tiện thể mang cho em gái mấy quyển sách nâng cao, lại đúng vào dịp trên bà có giỗ cụ. Thú thực, từ ngày đi học xa nhà, tôi cũng ít về với bà thành ra mỗi lần ngồi nói chuyện là bà tôi thường kể cho tôi nghe nhiều thứ. Tôi hiểu tính người già là thế nên cũng thường động viên bà kể chuyện. Rồi bà nói đến mối quan hệ của những người cùng dòng họ mà còn điều này ứng xử chưa được, người kia ăn ở chưa phải nhẽ, nhất là những dịp giỗ Tết. Bác tôi thấy thế thường cười đùa: “Họ hàng hang hốc, nội ngoại dại khôn, nhà nào chả có người thế này người thế nọ, bà cứ kể cho cháu nó nghe làm gì nhiều”. Bà bảo “Sống Tết, chết giỗ”. Rồi bà kể lúc bé, bà được cụ nói cho nghe ở Ta không giống như ở Tây. Ở Tây họ sinh nở khó nên rất quý trọng ngày sinh nhật, còn ở Ta lại coi trọng ngày giỗ vì ngày ấy người sống sẽ cùng ôn lại những công lao của người mất. Để bày tỏ lòng biết ơn, người sống thường làm giỗ và thắp hương là vì thế.... Nghe đến đấy, tự nhiên tôi thấy mình vừa bừng tỉnh ra một điều gì đó mà có lẽ khó có thể diễn tả hết cảm xúc trong giây phút ấy.

Thứ bảy chủ nhật nên con cháu có vẻ đông đủ hơn, mọi thủ tục cũng nhanh hơn. Rồi thứ bảy chủ nhật ấy cũng qua nhanh, tôi lên Hà Nội với bao nhiêu tâm tình từ quê hương xứ sở. Hoa nhãn vẫn nở thơm hương, con đường quanh co qua những cánh đồng xanh lúa, một vòm trời xa xa hoa gạo đỏ rực như lửa cháy. Cổng chính vào ký túc xá của chúng tôi ở là một Thư viện khá lớn cho sinh viên nội trú. Tôi nghĩ ngay tới tấm biển được đặt rất trang trọng ở cửa chính đầu tiên khi bước vào Thư viện. Tấm biển đề câu nói của Hồ Chủ tịch “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Tôi bắt đầu thấy thấm thía dần. Nhân dân chính là những người như cụ tôi, như bà tôi. Rồi tôi thấy mình thật tồ khi nghĩ lại ngày đầu tiên đặt chân vào Thư viện này. Ngày ấy, trước khi bước vào cửa, tôi vẫn cứ hình dung là trong đây sẽ có rất nhiều sách báo tự chọn và các tấm biển ghi những câu nói ngợi ca vai trò cũng như tác dụng của việc đọc sách. Hóa ra trong trí tưởng tượng của tôi chỉ đúng một phần. Rồi tôi thấy mình cần phải cố gắng, cần phải trau dồi nhiều thứ chứ không phải vào Thư viện để thành “mọt sách”.

Tôi nhận lời ngay với một anh cùng phòng khi anh mời cả phòng cuối tuần tới về quê anh và lên thăm khu di tích Đền Hùng. Cả phòng rất vui vẻ, háo hức. Tiếng ai đó vang lên bài ca dao quen thuộc về ngày mùng 10 tháng 3 khiến tôi nhớ ra những lời ca trong bài dâng văn “Chầu Tổ”:

“Cây có gốc mới nở cành xanh lá,

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.

Người ta sinh trưởng bởi đâu,

Có tổ tiên trước rồi sau có mình…”

Sau chuyến đi vô cùng ý nghĩa ấy, tôi thấy mình có thêm nhiều niềm tin yêu để trưởng thành hơn. Tôi thấy biết ơn những gì của sự sống mà cha ông ta đã dày công vun trồng để lại. Một màu xanh mãi mãi… 

Vũ Văn Cương