Về chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 (Ths. Hà Tùng Sơn)

    Tôi thực sự vui mừng khi cầm trên tay cuốn chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 của TS. Phạm Ngọc Hiền, giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Văn Hiến. Trước hết bởi đó là một công trình nghiên cứu, biên khảo nghiêm túc về một thể loại quan trọng của nền văn học hiện đại nước nhà.

    Nói cho công bằng, trước Phạm Ngọc Hiền đã có không ít công trình và bài viết về tiểu thuyết Việt Nam của nhiều nhà phê bình, lý luận văn học trong khoảng thời gian 30 năm đầy biến cố này của đất nước. Trong đó nổi bật nhất là những công trình của GS. Phan Cự Đệ như Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại(1), Tiểu thuyết sử thi trong thế kỷ XX(2), Văn học Việt Nam thế kỷ XX(3) v.v. Tuy nhiên phạm vi đề tài của những công trình này hoặc quá rộng khi phải đảm nhận vai trò là nói về toàn cảnh tiểu thuyết Việt Nam qua mọi thời đại hoặc ngược lại là hẹp hơn khi chỉ dừng ở phạm vi của một bài báo.

    Chuyên luận gồm VI chương:

    Chương I: Những cơ sở của sự ra đời và phát triển

    Chương II: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954

    Chương IV: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964

    Chương V: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975

    Chương VI: Những đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1965 - 1975

    Chương VI: Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975

    Cuối chuyên luận còn có phần Phụ lục giới thiệu các tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975.

    Đó là một bố cục chặt chẽ và hợp lý của chuyên luận dày 370 trang này.

    Đóng góp lớn nhất của Phạm Ngọc Hiền ở chuyên luận là anh đã hệ thống một cách đầy đủ với những đánh giá xác đáng về diện mạo một giai đoạn quan trọng của 30 năm tiểu thuyết Việt Nam, một giai đoạn mà xã hội nước ta đã có quá nhiều biến động với hai cuộc chiến tranh lớn đi qua và được in hằn dấu vết trong văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

    Phương pháp tiếp cận và nghiên cứu của Phạm Ngọc Hiền trong Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 là anh đã biết cách vận dụng và phối hợp  khá nhuần nhuyễn giữa những phương pháp nghiên cứu mới và hiện đại, nhất là những thành tựu của thi pháp học lí thuyết do nhà nghiên cứu lý luận văn học Nga thời Xô viết là M. Bakhtin khởi xướng từ những năm 70 của thế kỉ trước với phương pháp nghiên cứu truyền thống của các nhà lí luận văn học trong nước. Điều đó đã góp phần làm nên sự hoàn hảo của công trình nghiên cứu.

     Ở chương mở đầu, tác giả chuyên luận đã lí giải xác đáng về những cơ sở của sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 với bốn yếu tố: truyền thống, ngoại nhập, hiện thực xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cuối cùng là nhu cầu tự thân của các nhà viết tiểu thuyết. Dù thiếu sự khẳng định nhưng qua cách trình bày của tác giả, người đọc thấy rõ hai yếu tố sau là mang tính quyết định nhất bởi ai cũng biết rằng từ hiện thực sinh động của đời sống xã hội mà hình thành nên đề tài, chất liệu cho sự ra đời của tiểu thuyết, một thể loại dài hơi của văn học. Nó đóng vai trò của chất liệu như là một sự có bột mới gột nên hồ. Tuy nhiên ý thức viết tiểu thuyết của các nhà văn mới là yếu tố mang tính quyết định nhất. Và ở điểm này Phạm Ngọc Hiền đã có lí khi anh dẫn lời nhà nghiên cứu văn học Xô viết danh tiếng N.I. Niculin: "Chúng tôi rất phấn khởi trước những thành tựu của các nhà văn Việt Nam đã nắm vững một thể loại vô cùng phức tạp như tiểu thuyết sử thi. Thể loại này được tạo ra bởi quy mô rộng lớn của những biến động xã hội vốn tiêu biểu đối với lịch sử Việt Nam vào mấy chục năm gần đây."(4)

     So với những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam của các tác giả khác là thường dồn hết sự chú trọng cho nội dung và phương pháp sáng tác, trong chuyên luận của mình, Phạm Ngọc Hiền còn dành sự quan tâm thích đáng đến yếu tố hình thức bên ngoài tác phẩm từ cách đặt nhan đề đến lời giới thiệu cũng như cách trình bày sách như là một trong những đặc điểm phổ biến của các nhà tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975. Điều đó đã đem đến một cái nhìn toàn diện hơn cho chuyên luận này.

     Khi nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975, Phạm Ngọc Hiền có thuận lợi là đã tiếp nhận được nhiều thành tựu và kết quả từ những công trình của những nhà nghiên cứu bậc thầy đi trước. Song đó cũng chính là cái khó cho anh khi lịch sử nghiên cứu của đề tài đã khá dày dặn.  Tuy nhiên tác giả chuyên luận đã biết lùi xa để có một cái nhìn bao quát hơn về vấn đề mà mình theo đuổi. Chẳng hạn ở Chương VI: Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, anh đã nêu rõ chính kiến của mình: "Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh. Trước đổi mới nhìn chung chỉ có ý kiến khen, thậm chí cho là nó đoạt thành tựu cao hơn tiểu thuyết trước 1945 và dĩ nhiên cũng tiến bộ hơn tiểu thuyết ở miền Nam dưới chính quyền quốc gia. Tuy nhiên sau đổi mới, tiêu chí đánh giá có sự thay đổi lớn. Người ta chú ý nhiều hơn đến chất lượng nghệ thuật. Bởi vậy có hiện tượng nhiều tác phẩm văn học bị phê phán trước đây nay được phục hồi giá trị. Còn nhiều tác phẩm được đánh giá cao trước đây thì nay bị rơi vào quên lãng".(5) Đó là một nhận định mạnh dạn và rạch ròi. Tuy nhiên cái mà bạn đọc chuyên luận cũng rất cần biết là nguyên nhân do đâu lại có hiện tượng trái chiều như vậy của giới nghiên cứu văn học thì Phạm Ngọc Hiền lại chưa đề cập đến. Những khiếm khuyết kiểu như vậy của anh còn có ở nhiều chỗ khác của chuyên luận đã làm suy giảm chiều sâu của công trình nghiên cứu.

     Nói như vậy cũng là để đề cập đến những hạn chế của chuyên luận này. Điều rõ nhất là sự thiếu nhất quán trong phạm vi đề tài. Tên của chuyên luận in ở bìa là Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 nhưng thực chất phạm vi của nó lại là tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Điều này được thể hiện rõ và đầy đủ ở nội dung cũng như tên gọi các chương của chuyên luận. Bởi nếu theo như tên ghi ở bìa sách thì vấn đề đặt ra sẽ rất rộng, bao hàm cả tiểu thuyết của dòng văn học theo trường phái của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán trước 1954 và cả tiểu thuyết thuộc nền văn học miền Nam dưới chế độ Sài Gòn cũ.  Bởi vậy cần đặt lại cho đầy đủ tên gọi của chuyên luận: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Trong nghiên cứu khoa học, sự nghiêm cẩn của từ ngữ và tên gọi của khái niệm là một yếu tố không bao giờ thừa. Tuy nhiên ở trường hợp này không thể nói là nhận thức của tác giả chưa tới mà chỉ có thể là do anh muốn rút bớt cho gọn. Và điều này có thể thể tất được.

    Tuy nhiên điều đọng lại sau khi đọc hết chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền vẫn là một diện mạo đầy đủ của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam với cách tiếp cận khoa học và mới mẻ, chứa đựng được những gì cần phải có trong phạm vi nghiên cứu của đề tài. Điều đó nói lên khả năng to lớn của tác giả trong khoa nghiên cứu văn học, nhất là khả năng về một phương pháp luận nghiên cứu còn rất nhiều hứa hẹn. Và trên hết, điều không thể phủ nhận là tinh thần say mê nghiên cứu khoa học của tác giả, TS. Phạm Ngọc Hiền.

                                                                                                                               HÀ TÙNG SƠN

(GV Đại học Văn Hiến)

  

(*) Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền, NXB văn học, H. 2010

(1)   NXB Đại học và Trung học  chuyên nghiệp, H. 1974

(2)   Tạp chí Nhà văn, số 4, 2003

(3)   NXB Giáo dục, H. 2004

(4)   Sách đã dẫn tr. 29.

(5)   Sách đã dẫn tr. 199      

 

Bài đã đăng trên:

http://www.sachhay.com

Tạp chí Khoa học và đào tạo (ĐH Văn Hiến), số 11 / 2010

 



Phamngochien.com - 10:39 - 30/11/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận