Văn minh du mục và nông nghiệp dưới góc nhìn Cái Cò (Phú Hanh)

 
     Từ khởi thủy đến nay, tuy không còn nền văn hoá thuần du - mục - nông, nhưng đôi khi cũng cần một chút tư duy đơn giản để có một góc nhìn thoáng đạt, nhẹ nhàng hơn. Riêng về yếu tố du mục vẫn còn tính co giãn nước đôi, giữa yếu tố "du" trong săn bắt, hái lượm hoà với yếu tố "mục" để dần hình thành nền văn minh nông nghiệp. 
    Nhưng, giai đoạn du mục là căn nguyên của sự đàn áp, giết chóc tàn bạo, chiếm hữu nô lệ, cướp đồng cỏ (đây là "mục" của tiền văn minh du mục). Sự ánh xạ triệt để giữa hai nền văn hoá, chính là giao thoa (tính mâu thuẫn, tiến bộ) đan xen, pha trộn bởi cơ cấu thiết yếu trong suốt chiều dài lịch sử phát triển văn hoá loài người. Thô bạo, dã man trong cơ cấu du mục luôn là sự thắng thế tế vi ứng biến của nông nghiệp...Để tồn tại, con người phải chống chọi và giết muông thú để ăn thịt, phải cướp bóc, chiếm hữu lâu dần thành lệ, làm lợi thế chinh phục.
    - Biểu trưng của văn minh du mục là "Mao" chỉ mãnh thú, mà đại biểu là Hoàng đế du mục.
   - Biểu trưng của văn minh nông nghiệp là "Vũ" chỉ chim. Ca dao trong thời kỳ văn minh lúa nước phát triển, đã nói nhiều về Cái cò...trong chữ "Cái" không phải là giống cái, mà trường nghĩa thuộc giống đực:
          "Cái cò, là cái cò quăm
    Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai.
           Có đánh thì đánh buổi mai
    Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm."
Đây là sự dung dị trong lời cảnh báo có tính thoả hiệp an lành, vui vẻ pha chút sắc màu phồn thực. 
    Nhưng, một sớm mai quân cướp bóc, chiếm đoạt đã vu vạ mà rằng: 
             "Cái cò, con vạc...cái nông
         Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò..."
Sự yên bình đã bị phá vỡ, mà còn cáo rằng:
- đây là tài sản, công quả của tao sao mi dám xâm hại, phá phách. Đáng ra "cò" phải trả lời:
- Ông chẳng có công quả, của cải gì ở đây cả, chỉ toàn lời lẽ xuồng sả, cướp bóc... hơn nữa đây là tài sản của chúng tôi, nào có dẫm đạp gì nhà ông? Nhưng, đang bị thất thế, nên mới: 
             "Không, không tui đứng trên bờ
        Mẹ con nhà nó đổ thừa cho tôi."
Mới nghe, những tưởng "con vạc, cái nông" là xa lạ, kỳ thực chúng lại là người nhà của nhau (vợ, con)...đều là phận manh lệ nhóc nheo, cơ cực nên phải đổ bừa cho qua chuyện, nhưng chúng nào buông tha, đành tỏ lời cuối:
           "Có xáo thì xáo nước trong
      Đừng xáo nước đục đau lòng cò con."
Con cò phải chết dưới tay bọn xâm lược. Từ giữa lòng lịch sử chỉ còn tiếng kèn đưa ma vang vọng lời ca dao:
           "Con cò chết rũ trên cây
     Cò con mở sách xem ngày làm ma
            Cái cò chết tối hôm qua
     Có hai hột gạo với ba quan tiền
            Một đồng mua trống mua kèn
    Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong
            Một đồng mua mớ rau dong
   Đem về thái nhỏ thờ vong con cò."
  Làng nước chia buồn, đồng phúng điếu:
          "Dang sen, cun cút, manh manh
    Quạ con mua nếp đăng đàn làm chay.
           Con cú đánh trống ba ngày,
    Chào mào đội mũ làm thầy đọc văn.
Uẩn ức...nỗi oan khiên, mỏi rạc cánh cò để dệt thơm màu bông lúa, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, vẹt gót cùn hơi trên dặm dài đường thiên lý...đời người.   
          Cò quăm sao giống ông đùng
  Giấu voi đụn rạ, đánh bùn sang ao.       
Phú Hanh
 

Phamngochien.com - 11:28 - 15/01/2023 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận