Vấn đề sinh viên không trở về quê sau khi ra trường (Ths. Lê Sỹ Hải - ĐH Văn Hiến)

SINH VIÊN KHÔNG TRỞ VỀ NƠI XUẤT CƯ  SAU KHI TỐT NGHIỆP:

MỘT HIỆN TƯỢNG XÃ HỘI CẦN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU

 

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, về quy mô thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số nhưng đã đóng góp 20,2% tổng sản phẩm quốc gia, 26,1% giá trị sản xuất công nghiệp và 44% dự án đầu tư nước ngoài (Theo báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, năm 2009).

Với những chỉ số nêu trên, thành phố đã thu hút và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Trong số lực lượng lao động đóng góp vào sự phát triển của thành phố, ngoài lực lượng lao động tại chỗ còn phải kể đến sự đóng góp của những người nhập cư đến từ khắp cả nước đổ về thành phố làm ăn sinh sống, và họ đã đóng góp khoảng 30% GDP mỗi năm. (Theo báo cáo hội thảo do ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 3/12/2009 tại TP.HCM với chủ đề "Đại biểu dân cử các tỉnh phía Nam với chính sách, pháp luật về di dân").

Với "lực hút" là nơi tạo ra nhiều cơ hội việc làm cùng với việc Nhà nước mở rộng các chính sách về cư trú và đất đai nên TP.HCM trở thành "miền đất hứa" của nhiều người đến sinh sống, lập nghiệp[1].

Trong số những người nhập cư vào TP.HCM sinh sống, lập nghiệp góp phần gia tăng tỉ lệ dân số cơ học phải kể đến một nhóm di dân đặc thù - đó là di dân học tập. TP.HCM là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Chỉ tính riêng giáo dục bậc đại học, hiện thành phố có 46 trường đại học, học viện (bao gồm các trường có trụ sở chính và cơ sở 2) và 25 trường cao đẳng (bao gồm các trường có trụ sở chính và cơ sở 2, không bao gồm hệ cao đẳng trong các trường đại học)[2].

Nhóm di dân học tập đến các đô thị lớn như TP.HCM với mục đích đầu tiên là trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho công việc tương lai, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp tại các trường Đại học, Cao đẳng đã không trở về nơi xuất cư mà ở lại hoặc là tạm thời hoặc là lâu dài tại TP.HCM. Nhóm nhập cư này có những đặc điểm như sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn cao, năng động, dễ hội nhập.

Đối với các địa phương, di dân tự do đến các đô thị khiến nhiều vùng quê không còn lao động là thanh niên mà chỉ còn người già và trẻ em. Cơ quan chính quyền các cấp, bệnh viện, trạm y tế, trường học thì thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ. Rõ ràng vấn đề nhân lực cho việc phát triển hài hòa giữa các vùng, các địa phương đang bị lãng phí. Nếu như ở khu vực đô thị tập trung nhiều lao động trình độ cao mà không phát huy chuyên môn khi làm việc trái với ngành nghề đào tạo thì trong khi đó, ở các vùng nông thôn lại thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Nếu người nông dân rời bỏ làng quê di dân tự do vào đô thị do thiếu phương tiện sản xuất, thì những đối tượng di dân học tập không trở về quê sau khi tốt nghiệp là vì lí do gì?

Trong những năm qua, Nhà nước cũng như nhiều địa phương đã có những chủ trương, chính sách nhằm điều tiết lực lượng lao động bằng cách mở nhiều khu công nghiệp, nhà máy tại địa phương; nhiều chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", thu hút nhân tài quay về địa phương đóng góp, vừa kêu gọi với tích chất trách nhiệm, nghĩa tình với quê hương, vừa có những chính sách đãi ngộ về vật chất đi kèm như nhà ở, lương bổng và các cơ hội như làm việc lâu dài hay thăng tiến[3].

Tuy nhiên, cũng thừa nhận mặt tích cực của di dân tự do nói chung, đặc biệt là nhóm nhập cư có trình độ chuyên môn cao, như việc đóng góp vào GDP của thành phố, góp phần giảm nghèo thông qua vòng tuần hoàn chu chuyển vốn giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi đến và nơi đi. Di dân cũng mang lại kiến thức khoa học kỹ thuật, tác phong công nghiệp, nếp sống văn minh về các vùng nông thôn sau một thời gian sinh sống và làm việc ở đô thị. Mặt khác, việc di dân cũng góp phần làm đa dạng nền văn hóa và sự năng động của TP.HCM - một thành phố trẻ.

Trước tình hình và bối cảnh trên cần một nghiên cứu hệ thống thực trạng cuộc sống của sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không trở về quê đang sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM, những nhân tố tác động đến thực trạng này, những tác động tích cực và tiêu cực của nhóm di dân này tới kinh tế - xã hội của nơi xuất cư và nơi nhập cư. Từ đó đưa ra những nhận định khách quan, hệ thống các giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp và khả thi nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hài hòa, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực của hiện tượng xã hội này.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Cùng chủ đề nghiên cứu di dân nói chung, di dân từ nông thôn vào đô thị, quá trình đô thị hóa và giảm nghèo tại TP.HCM nói riêng - đặc biệt là sau giai đoạn đổi mới (1986), đã có nhiều bài viết, công trình, đề tài, dự án nghiên cứu liên quan được triển khai; nhiều hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức. Có thể kể ra những hội thảo, ấn phẩm, đề tài nghiên cứu tiêu biểu sau đây:

Nhiều nhà nghiên cứu, với các cách tiếp cận vĩ mô, đã chỉ ra rằng cùng với những chính sách đổi mới trong cơ chế thị trường (1986), đã làm sự bùng nổ sự tăng trưởng kinh tế ở các đô thị thúc đẩy quá trình đô thị hóa, và dẫn đến sự tăng nhanh dòng nhập cư nông thôn - đô thị nhằm tìm kiếm việc làm ở các thị trường lao động đô thị đang được mở rộng (Nguyễn Văn Tài và CTV, 1998).

Bên cạnh đó, không phân biệt tình trạng cư trú, người dân không còn lệ thuộc vào sự trợ cấp và phân phối của nhà nước. Hệ thống đăng ký nhân khẩu mặc dù tiếp tục tồn tại song không còn là điều kiện quy định việc ăn ở và sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực thành thị; do tình trạng thừa lao động so với nhu cầu, và do sự chênh lệnh thu nhập giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, người dân phải tìm đến những nơi mà họ cho là có điều kiện và cơ hội kinh tế tốt hơn, mà thông thường đó là những trung tâm đô thị lớn. Với lý do đó, di dân hướng tới đô thị là một quy luật tất yếu (Đặng Nguyên Anh, 1999).

Dựa trên lý thuyết đô thị hóa - là quá trình biến đổi từ hình thức kinh tế "tam nông" sang "phi tam nông", đô thị được cho là "lực hút" đối với dòng di dân. Quá trình đô thị hóa đã tạo ra một số vùng trước đây sản xuất nông nghiệp sang hình thức dịch vụ, công nghiệp. Những đô thị lớn tập trung tất cảc các nguồn lực, các điều kiện phát triển như cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, xí nghiệp, hầm mỏ...), các công trình công cộng xã hội (trường học, bệnh viện...) và các công trình văn hóa... Tất cả những yếu tố này tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với luồng di dân. Đặc biệt đây lại là khu đô thị tập trung chủ yếu các khu công nghiệp, các khu chế xuất... cần một lực lượng lao động đông đảo. Như vậy, di dân tự do vào các đô thị chủ yếu là do "lực hút" của đô thị, đồng thời do "lực đẩy" từ nơi xuất cư (Nguyễn Minh Hòa, 1997).

Lý thuyết "đô thị hóa quá mức" giải thích rằng số việc làm mới được tạo ra ở đô thị của các nước đang phát triển không đủ sức hấp thụ số di dân nông thôn- đô thị, và sự tăng trưởng dân số đô thị không phải do các lực hút ở đô thị mà là do các lực đẩy ở nông thôn. Lý thuyết này cho rằng tầng lớp thượng lưu chính trị đã thực thi một chính sách "thiên vị đô thị" (urban bias), thông qua việc đầu tư một cách không cân xứng các nguồn lực có giới hạn của quốc gia vào các thành phố và bỏ lại phía sau những vùng nông thôn bị bần cùng hóa. Chính sự nghèo khổ ở nông thôn đã "đẩy" những người nông dân ra thành phố để kiếm sống, dẫn đến sự tăng lên của khu vực kinh tế phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp cao, và các vấn nạn đô thị khác (Bradshaw, 1987) (Dẫn lại theo Lê Thanh Sang).

Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến khía cạnh vi mô của di cư. Tìm ra những tác tố thuộc phạm vi cá nhân nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu: Di dân, họ là ai?

Dựa trên các quan sát của mình Ravenstein đã tổng hợp nên 7 quy luật di cư: (1) Đa số di dân di chuyển ở khoảng cách ngắn trong khi một số di chuyển ở phạm vi xa để đến các thành phố lớn về công nghiệp và thương mại; (2) Di cư xảy ra theo nhiều giai đoạn kế tiếp nhau theo hướng chuyển dịch về các trung tâm đô thị lớn; (3) Mỗi dòng di dân luôn tạo ra một dòng di dân ngược lại; (4) Mức di cư ở nông thôn có xu hướng cao hơn mức di cư ở các đô thị; (5) Phụ nữ có xu hướng di cư nhiều hơn nam giới ở khoảng cách địa lý gần; (6) Di cư tăng lên theo trình độ phát triển của kỹ thuật; (7) Kinh tế là nhân tố quan trọng nhất của di cư, mặc dù khí hậu, môi trường, xã hội, luật lệ... cũng có những ảnh hưởng nhất định (dẫn lại theo Nguyễn Văn Tài và cộng sự, 1997).

Dựa trên cách tiếp cận kinh tế học là sự đánh giá về yếu tố kinh tế đối với dòng dân di cư - một trong những động lực thúc đẩy người dân di cư, thì lý thuyết kinh tế vi mô của Michael D. Todaro cho rằng: di cư như một quyết định chi phí - lợi nhuận, những người di cư tiềm tàng dự trù tổng hợp gia tăng tương lai ở tiền kiếm được, họ có thể trông đợi như một kết quả của việc di cư tới công việc có tiền công cao hơn được gia trọng bằng khả năng có được công việc và khấu trừ đi một thừa số phản ánh mức ích lợi thấp hơn của các thu nhập trong tương lai. Cái kiếm được từ dự tính này, họ trừ đi các chi phí có thể có, nếu cân đối giữa tiền kiếm được và chi phí dự tính là dương thì một số người sẽ quyết định di cư (dẫn lại theo Nguyễn Minh Hòa, 1997).

Di cư cũng tác động mạnh đến sự biến đổi kinh tế, xã hội cũng như gia đình, người tham gia di cư ở khu vực nông thôn. Trong nghiên cứu về "Các nguồn gốc xã hội và kinh tế của nhập cư" D. Massey đã đi đến kết luận rằng di cư là một chiến lược làm đa dạng hóa và làm giảm rủi ro thu nhập của hộ gia đình. (D. Massey, 1984).

Theo John K. Folger và Chales B. Nam (1967) trong công trình nghiên cứu Nền giáo dục của dân cư Hoa Kỳ đã nhận định rằng: Những người có trình độ học vấn cao sẽ di chuyển nhiều hơn so với những người có trình độ học vấn thấp hơn, và tỉ lệ di dân giữa những người có trình độ giáo dục thấp với những người có trình độ giáo dục cao sẽ tăng lên tùy theo khoảng cách di chuyển ngày càng xa. Những người di cư thường có tay nghề hoặc kỹ năng thành thạo hơn so với những người không di cư.

Một công trình nghiên cứu của Bộ Lao động Hoa Kỳ (1997) đã đúc kết một số tác nhân ảnh hưởng đến quá trình di dân, trong đó có: Những người thất nghiệp, những người đang tìm kiếm việc làm thường dễ phản ứng với các vấn đề kinh tế có liên quan như khả năng thu nhập, mức lương; và nói chung họ thường muốn khả năng kiếm sống tăng cao hơn nữa. Điều này trái ngược với những người đang thỏa mãn với công việc mình đang có.

Theo Huang Ping (2004): Trình độ học vấn của di dân nông thôn cao hơn những người ở lại. Tỉ lệ phụ nữ di cư từ nông thôn ra đô thị ít hơn nam giới. Truyền thông đại chúng có tác động chuyển tải cuộc sống hấp dẫn ở đô thị đã thu hút giới trẻ tham gia vào quá trình di dân.

Lê Thanh Sang (2004): Xu hướng xuất cư, trong đó chủ yếu là xuất cư ngoài tỉnh đến các vùng đô thị ngày càng tăng. Xuất cư kinh tế thường là xuất cư ngoài tỉnh và đến các vùng đô thị, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi trẻ, nam giới, độc thân, có học vấn tương đối cao, làm nghề nông, trong những gia đình ít ruộng đất và đông con. Diện tích đất canh tác trung bình nhân khẩu thấp có khuynh hướng xuất cư cao hơn.

Lương Văn Hy (2004): Những tác tố ở cấp độ hộ đối với quyết định di cư: Số người trong cùng một hộ đã ra đi trước và mạng lưới xã hội của người trong hộ tại nơi mà người ta đang xem xét di dân về đó. Cấu trúc hộ gia đình và gánh nặng phải chăm lo cho trẻ con và người già. Ruộng, thu nhập, và khoản tiền được trợ giúp và tiền người di dân gởi về, tất cả tính bình quân nhân khẩu.

Các nghiên cứu này cho thấy rằng việc di cư từ nông thôn ra đô thị có tính chất chọn lọc và sự chọn lọc này còn tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau của di cư. Mặc dù những kết quả trên là rất quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về hiện tượng di dân ở Việt Nam từ cả hai cách tiếp cận vĩ mô và vi mô, tuy nhiên những nghiên cứu trên còn một số hạn chế nhất định cần được nhận thức rõ. (1) Các nghiên cứu chủ yếu tập trung ở nơi những địa bàn nơi nhập cư, ít chú ý đến các vùng xuất cư; (2) Một số nghiên cứu gắn liền động cơ di dân với nguyên nhân di dân như: động cơ kinh tế, đoàn tụ gia đình - kết hôn, đi học - công tác; (3) Không phân biệt rạch ròi các động cơ di dân, vì mỗi động cơ khác nhau thì sẽ có những yếu tố khác nhau tác động; (4) Một số nghiên cứu nhầm lẫn trong việc khái quát hóa các thông tin liên quan đến các cấp độ phân tích khác nhau. Ví dụ như cá nhân, hộ, hay vùng; (5) Các nghiên cứu ít quan tâm đến các yếu tố văn hóa vùng ảnh hưởng đến các quyết định di dân vào đô thị của cá nhân. (6) Các nghiên cứu thường mới chỉ dừng lại ở việc tìm ra các yếu tố tác động đến di dân và các xu hướng tác động của nó chứ chưa chỉ ra mức độ (hay độ lớn) của sự biến đổi của quá trình di dân nông thôn ra đô thị; (7) Và đặc biệt, các nghiên cứu thường gộp chung tất cả các đối tượng di dân, chưa phân định rõ ràng các loại hình di dân.

3. Đề xuất hướng nghiên cứu

Như đã trình bày ở phần trên, TP.HCM là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng hàng năm đào tạo hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Và trong số những sinh viên đã tốt nghiệp đó, có một số lượng khá lớn sinh viên đến từ các tỉnh trong cả nước và họ đã không trở về nơi xuất cư sau khi tốt nghiệp. Hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không trở về nơi xuất cư trong thời gian qua rõ ràng là một hiện tượng xã hội cần được nhìn nhận khách quan nhưng chỉ được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông chính thống, đặc biệt là tờ báo dành cho giới trẻ như báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Tiền Phong. Ngoài ra, ở hầu hết các diễn dàn sinh viên trên các trang thông tin điện tử (website) của các trường Đại học, Cao đẳng đều thảo luận sôi nổi chủ đề này; những sinh viên sắp ra trường, khi gặp nhau, câu hỏi cửa miệng thường là: "ở lại hay về quê?".

Và như thế, có thể thấy chưa có nghiên cứu nào được triển khai hệ thống, quy mô về nhóm di dân học tập không trở về nơi xuất cư sau khi tốt nghiệp tại các trường ở TP.HCM. Đó cũng là lý do cho thấy tính mới mẽ và sự cần thiết của hướng nghiên cứu hiện tượng xã hội này.

Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm cung cấp một cách khách quan thực trạng cuộc sống, việc làm của một bộ phận sinh viên các tỉnh khác sau khi tốt nghiệp đang sinh sống và lập nghiệp tại TP. HCM. Nghiên cứu cũng phân tích những nhân tố tác động đến quyết định không trở về nơi xuất cư của nhóm di dân vì động cơ học tập; đồng thời phân tích những tác động tích cực và tiêu cực đối với cả nơi xuất cư và nơi nhập cư. Thông qua đó đề tài đưa ra những nhận định, các giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp và khả thi nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hài hòa, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực của hiện tượng xã hội này.

Do vậy, hướng nghiên cứu của đề tài sẽ tập trung giải đáp các câu hỏi nghiên cứu sau đây: Thực trạng nơi làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại TP.HCM là như thế nào? Họ thuộc nhóm có đặc điểm nhân khẩu - xã hội nào? Thực trạng cuộc sống như việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến, vấn đề kết hôn, nhà ở, hộ khẩu của nhóm sinh viên tốt nghiệp đang ở lại TP.HCM và nhóm đã trở về nơi xuất cư? Những yếu tố nào đã tác động đến sinh viên ra trường không trở về nơi xuất cư? Xu hướng tác động của các yếu tố là theo chiều nào? (thuận/ nghịch). Mức độ (độ lớn) biến đổi của hiện tượng là như thế nào khi có sự tác động của từng yếu tố? Đâu là những tác động của hiện tượng xã hội này đối với cả nơi xuất cư lẫn nơi nhập cư?

                                                                                                                        ThS. Lê Sĩ Hải

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Nguyên Anh (1998), "Di cư và phát triển trong bối cảnh đổi mới kinh tế, xã hội của đất nước",T/c XHH số (61).

2. Đặng Nguyên Anh (1998), "Vai trò của mạng lưới xã hội trong quá trìng di cư", T/c XHH số 2(62), tr 16, 23.

3. Hội thảo quốc tế: "Giảm nghèo, di dân - đô thị hóa Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh trong tầm nhìn so sánh", Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 02/2004.

4. Lương Văn Hy (2004), "Di dân từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam: câu chuyện của hai miền" (Trong: Giảm nghèo, di dân - đô thị hóa: trường hợp TPHCM trong tầm nhìn so sánh, Kỷ yếu hội thảo khoa học, TPHCM tháng 02/2004).

5. Ngô Văn Lệ, Michael Leap, Nguyễn Minh Hòa (tập hợp và giới thiệu) (2003), Nghèo đô thị - những bài học kinh nghiệm quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Lê Thanh Sang (2004), "Di dân nông thôn trong thời kỳ kinh tế thị trường: một nghiên cứu ờ bốn xã của tỉnh Quảng Ngãi và Long An, Việt Nam, 1986 - 2000" (Trong: Giảm nghèo, di dân - đô thị hóa: trường hợp TPHCM trong tầm nhìn so sánh, Kỷ yếu hội thảo khoa học,  TPHCM tháng 02/2004).

7. Nguyễn Văn Tài và CTV (1998), Di dân tự do nông thôn - thành thị ở Tp. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Nông nghiệp.

8. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (1997 - 2003), "Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh".

9. Scott. J.C. (1976), The Moral Economy of the Peasant, New Haven and London, Yale University Press.

10. Popkin S.L. (1979), The Rational Peasant - The Political Economy of Rural Society in Vietnam, University California Press, Berkeley, Los Angelet, London.

11. Huang Ping (2004), "Nghiên cứu nhập cư ở Trung Quốc" (trong: Giảm nghèo, di dân - đô thị hóa: trường hợp TPHCM trong tầm nhìn so sánh, Kỷ yếu hội thảo khoa học, TPHCM tháng 02/2004).

 


[1] Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở do UBND TP.HCM công bố ngày 23-10-2009, dân số của thành phố hiện có 7.123.340 người, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ đạt 1,27% do tỉ lệ sinh thấp. Tính chung, tỉ lệ tăng dân số của TP.HCM trong giai đoạn 1999-2009 là hơn 3,5%, tăng hơn 2 triệu dân trong vòng 10 năm. Tốc độ tăng bình quân dân số TP.HCM từ năm 1999 - 2009 cao hơn hẳn tốc độ tăng dân số các thời kỳ trước. Nếu như thời kỳ 1979 - 1989 và 1989 - 1999 dân số tăng chủ yếu do yếu tố tăng tự nhiên (tỷ lệ tăng của 2 thời kỳ này lần lượt là 1,61% và 1,52%) thì giai đoạn 1999 - 2009 dân số thành phố tăng chủ yếu do tăng cơ học, tỷ lệ di cư thuần bằng 2/3 tỷ lệ dân số hàng năm của thành phố. Với số lượng dân số gần 7,2 triệu dân chỉ là nhân khẩu thực tế thường trú, ngoài ra còn khoảng 300.000 - 500.000 dân vãng lai, cùng với tốc độ tăng dân số như hiện nay thì thành phố phải đối diện với nhiều vấn đề như lao động, việc làm, nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông, quản lý dân cư, quản lý an ninh trật tự, quản lý xã hội, chính sách cư trú... Trong khi đó, quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông, nhà ở, kinh tế - xã hội... của thành phố đến năm 2020 là khoảng 10 triệu dân.

[2] Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 theo quy định của Bộ GD-ĐT dành cho các trường tại TP.HCM là 117.593 thí sinh (tổng hợp chỉ tiêu của các trường theo cẩm nang tuyển sinh Cao đẳng, Đại học năm 2010 do Bộ GD-ĐT phát hành). Như vậy, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 sinh viên mới nhập học và cũng khoảng tương đương số lượng đó tốt nghiệp ra trường. Trong khi đó, ước tính chung các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thì tỉ lệ sinh viên có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh chiếm khoảng 2/3 so với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM (ước tính dựa trên số liệu báo cáo Kiểm định chất lượng đào tạo của trường Đại học Văn Hiến, Đại học Bách khoa, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học khoa học tự nhiên).

[3] Đi đầu trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài về địa phương phải kể đến các tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Dương, gần đây có thêm Hưng Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hậu Giang... nhưng thực tế số lượng trí thức về các địa phương là rất ít, nhiều sinh viên sau khi chấp nhận về quê đã không được bố trí công việc phù hợp, cung cách làm việc không tạo ra động lực cho họ cống hiến, phát huy chất xám. (Thành phố Đà Nẵng là địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nhân lực có trình độ vào các cơ quan nhà nước, tuy nhiên theo báo cáo của Sở Nội vụ, qua 5 năm thực hiện cũng chỉ thu hút được hơn 600 cử nhân tốt nghiệp Đại học hạng khá giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ về công tác).

 

Ly Ly (phoxua@yahoo.com) - (vào lúc: 14:09 - 09-15-2011)
Thầy tiếp tục phản hồi đi ạ! Hay bí rồi hả thầy?
Trần Anh Tuấn - (vào lúc: 04:12 - 12-23-2010)

Cảm ơn thầy Hải đã phản hồi, qua đó làm em sáng rõ ra nhiều điều.

Tuy nhiên, trong phần đầu của bài viết, em đã đặt vấn đề rằng: “công việc nghiên cứu khoa học suy cho cùng là tìm ra những cái mới đem lại sự tốt đẹp hơn về một mặt nào đó của đời sống xã hội.”… Như vậy, điều này có vẻ không gặp gỡ với kiến giải thứ 3 của thầy: “NC XHH cũng không đưa ra kết luận là hiện tượng gì tốt hoặc xấu, mà chỉ tìm ra thực trạng, những nhân tố tác động cũng như những tác động của hiện tượng có thể xảy ra. Vì thế, khi tiếp cận chủ đề này, tôi cũng không cho rằng hiện tượng xã hội này là tích cực hay tiêu cực mà chỉ là "nó là như thế nào? điều gì đã tác động tới nó? và nó có tác động gì?".”

Thưa thầy

          Thứ nhất, chắc thầy cũng đồng ý với em rằng, mục đích của nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu XHH  nói riêng  không chỉ là tìm, rồi hiểu, rồi cất vào viện bảo tàng… Mà nó phải được ứng dụng.

          Giá trị của tri thức bao giờ cũng phải được đo bằng tính thực dụng của nó đối với thực tiễn. Lịch sử của xã hội loài người là lịch sử tìm tòi, khám phá quy luật nhằm cải tạo hoàn cảnh ( Hưng Đạo Vương sử dụng quy luật lên xuống của thủy triều để đánh bại quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, bảo vệ nền độc lập cho Đại Việt… Hay là như việc phát hiện ra quy luật di chuyển của người dân vào mỗi dịp lễ tết mà ngành giao thông có kế hoạch tăng chuyến trong mỗi đợt cao điểm đó v…v…)

          Nghiên cứu việc xuất/nhập cư của sinh viên sau khi ra trường, lý giải được bản chất của vấn đề ấy, từ đó gợi ý cho các cơ quan chức năng có liên quan các phương án có lợi nhất cho xã hội để ứng xử với hiện tượng đó… Thưa thầy, tham mưu vì sự tiến bộ xã hội là một trong những điều cần thiết để Xã hội học trở thành một ngành khoa học quan trọng.

Thứ hai, theo như em hiểu, bất kỳ một công trình nghiên cứu nào cũng phải có phần Khuyến nghị. Có nghĩa rằng, từ cơ sở khoa học của kết quả nghiên cứu ấy, tác giả của đề tài cần đưa ra những đề nghị mang tính chất phát triển tiến bộ cho hiện tượng nghiên cứu… Nếu chỉ kết luận xong rồi để đấy thì giống như việc tìm hiểu một cây cầu bị sập, lý giải nguyên nhân sập cầu là do thi công ẩu là hết, chứ không hề đề nghị những biện pháp nhằm tư vấn cho cơ quan quản lý, quản lý chặt chẽ việc thi công….. Thưa thầy, trong một công trình nghiên cứu, phần  Khuyến nghị chính là “Đem lại sự tốt đẹp hơn về mặt nào đó cho xã hội”.

Năm 2008, trong buổi bảo vệ luận văn của khoa Xã hội học trường Văn Hiến, thầy Lê Minh Tiến có tranh luận với thầy Phạm Đức Trọng về những nội dung trong phần khuyến nghị của một đề tài. Theo thầy Tiến, đại ý rằng: Nghiên cứu chỉ cần phát hiện, làm rõ hiện tượng là đủ. Khuyến nghị không mang tính giải pháp, Khuyến nghị chỉ là việc khuyến khích những tác giả sau tập trung nghiên cứu về mặt này hay mặt kia của hiện tượng nghiên cứu. Thầy Tiến đã dẫn những tác giả XHH nổi tiếng để chứng minh cho luận điểm của mình…. Và em cho rằng thầy Tiến đã ngụy biện, bởi vì XHH không thể lấy những hiện tượng cá biệt để rút ra quy luật được…. Vì, K. Max và Max Weber, cũng những nhà XHH nổi tiếng trong những nghiên cứu nổi tiếng của mình chẳng phải là đã đưa ra những Khuyến nghị với mong muốn đem lại sự tốt đẹp cho xã hội đó sao? Max Weber đã gián tiếp cổ vũ cho Đạo đức Tin Lànhtinh thần của Chủ Nghĩa  Tư bản cần những niềm tin ấy để phát triển. Còn với khuyến nghị của mình, chủ nghĩa Max đã trực tiếp trao sứ mệnh cho giai cấp công nhân đứng lên đánh đổ TBCN, thiết lập một xã hội tốt đẹp hơn đó thôi…. Và, hình như… thầy Hải đang cùng quan điểm với thầy Tiến.?

Thứ ba, theo cảm nhận rất chủ quan của em, hình như về mặt lý luận thầy tự mâu thuẫn với chính mình. XHH không có khái niệm “tốt”, “xấu”, “tiêu cực” hay “tích cực”,…Thầy cũng khẳng định trong phần phản hồi “…tôi cũng không cho rằng hiện tượng xã hội này là tích cực hay tiêu cực mà chỉ là "nó là như thế nào? điều gì đã tác động tới nó? và nó có tác động gì?"…Vậy mà trong bài viết của thầy “…nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hài hòa, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực của hiện tượng xã hội này”….. có thể nó chỉ là vấn đề ngôn ngữ thôi, nhưng cũng rất có thể nó sẽ là lý do để thầy phải đối diện với những phản biện mang tính bắt bẻ khi thầy bảo vệ công trình này trước một hội đồng khoa học nào đó.

Thưa thầy, em phải hơi dông dài như thế để chứng minh rằng kiến giải thứ 3 của thầy không xác đáng lắm hoặc là mâu thuẫn với chính ý định muốn nghiên cứu của thầy (tất nhiên là trong sự hiểu biết của em). Quay trở lại với vấn đề mà thầy quan tâm: “Vấn đề sinh viên không trở về quê sau khi ra trường” thì cách tiếp cận vấn đề và phương pháp thu thập thông tin của thầy em không dám nói nữa. Có điều, nếu chỉ mô tả và lý giải hiện tượng mà không đánh giá nó có lợi hay không có lợi cho sự phát triển xã hội, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế hay khuyến khích quá trình đó thì liệu công trình ấy có mang tính thực dụng vì đóng góp được cho xã hội một cách rõ ràng không thưa thầy?

Cuối cùng, em vẫn muốn nhắc lại quan điểm của thầy đã giúp cho em cũng như các sinh viên lớp 05X1 lớn lên rất nhiều: ““Trong khoa học, tôi rất thích học trò “phản bội” lại thầy”… Ý của thầy là thầy luôn khuyến khích và tôn trọng những ý kiến khác biệt…

Sinh viên của thầy: Trần Anh Tuấn

 



Lê Sĩ Hải - (vào lúc: 10:12 - 12-22-2010)

Cảm ơn bạn Tuấn đã quan tâm tới bài viết của tôi cũng như có những nhận xét hết sức xác đáng và đọc được ý tưởng của tôi. Nhân đây cũng rất mong nhiều anh chị khác có những đóng góp, nhận xét cho bài viết này.

Tuy vậy, tôi cũng có những phản hồi với bạn Tuấn như sau:

1. NC XHH là nhằm tìm ra bản chất và các quy luật XH, và như vậy không thể dựa vào những hiện tượng cụ thể, cá biệt để kết luận được mà phải khái quát, tổng hợp các thông tin cá biệt thành thông tin chung. Hiện tượng SV sau khi tốt nghiệp không trở về nơi xuất cư (kể cả trong nước lẫn nước ngoài) được đề cập nhiều trên truyền thông, các diễn đàn SV... nhưng một nghiên cứu hệ thống về hiện tượng này thì chưa nhiều (có thể tôi cũng chưa tiếp cận được các NC cùng chủ đề này ở đâu đó).

2. NC XHH đòi hỏi nhà NC cần tìm 2 loại dữ liệu: sơ cấp và thứ cấp. Với 2 loại dữ liệu này cũng có nhiều cách khai thác và thu thập thông tin. Vì thế, trong số các mục tiêu mà NC này hướng tới tôi sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để có thông tin trung thực nhất, đầy đủ nhất và đỡ tốn kém nhất, chứ không phải thông tin gì mình cũng điều tra.

3. NC XHH cũng không đưa ra kết luận là hiện tượng gì tốt hoặc xấu, mà chỉ tìm ra thực trạng, những nhân tố tác động cũng như những tác động của hiện tượng có thể xảy ra. Vì thế, khi tiếp cận chủ đề này, tôi cũng không cho rằng hiện tượng xã hội này là tích cực hay tiêu cực mà chỉ là "nó là như thế nào? điều gì đã tác động tới nó? và nó có tác động gì?".

4. NCKH nói chung là khám phá ra những cái mới. Đúng là như vậy. Nhưng trong NCKH XH thì hiện tượng XH khi nào cũng có trước để rồi nhà NC mới tìm tòi, giải thích nó một cách hệ thống với những cách tiếp cận khác nhau. Những hiện tượng, nhiều khi đã quá quen thuộc, quá "cũ" nhưng với cách tiếp cận mới nó sẽ được giải thích một cách "mới" và tri thức mà con người lĩnh hội cũng trở nên "mới" hoặc phong phú hơn.

Thân ái!

Trần Anh Tuấn - (vào lúc: 21:12 - 12-21-2010)
Đọc “Vấn đề sinh viên không trở về quê sau khi ra trường” ” thấy ý tưởng nghiên cứu của thầy Hải còn mới mẻ. Đề tài hứa hẹn sự công phu và tính khoa học rất cao. Tuy nhiên, chỉ với trình độ của một sinh viên vừa tốt nghiệp, em xin mạo muội có những ý kiến sau:

Thứ nhất, công việc nghiên cứu khoa học suy cho cùng là tìm ra những cái mới, đem lại sự tốt đẹp hơn về một mặt nào đó của đời sống xã hội.
- Vấn đề của thầy Hải đưa ra đã khơi đúng vào chỗ nhức nhối, băn khoăn của đại bộ phận sinh viên cũng như các cơ quan tuyển dụng từ TP.HCM tới các địa phương cả nước. Và em nghĩ rằng, những người đó, họ từng trăn trở và cơ bản đã tìm ra được đáp án cho hiện tượng "Sinh viên ra trường muốn làm việc tại TP.HCM"  rồi. Họ chỉ không nói  hoặc không được nói ra dưới dạng những thông tin chính thức mà thôi.
- Trong dư luận, lý do về việc sinh viên tốt nghiệp không muốn trở về địa phương dường như đã được chấp nhận như là một hiện tượng bình thường. Điều này giống như việc từ lâu rồi chất lượng kém luôn được gán cho bằng tại chức, chỉ đến khi Đà Nẵng công khai tỏ thái độ với loại bằng này thì cái hiện tượng "Biết rồi, nói mãi" mới được chính thức thừa nhận...
- Vì thế, chỉ cần lý giải tại sao Lê Bá Khánh Trình(Olympic toán) sống ở Việt Nam không phát triển được như xã hội kỳ vọng, ngược lại thì GS Ngô Bảo Châu dù được hứa hẹn bao nhiêu ưu đãi, được tặng nhà mấy chục tỉ đồng nhưng nhất quyết không về VN làm việc hẳn, GS chỉ hứa dành công sức cho VN 3 tháng mỗi năm?...Nếu ví VN là một tỉnh, còn riêng TP.HCM với sự năng động và nhiều cơ hội của mình,  giống như Pháp, Mỹ thì  về bản chất, vấn đề sinh viên ra trường không muốn trở về địa phương cũng tương tự như sự phát triển vinh quang của giải thưởng Fields Ngô Bảo châu và nỗi thất vọng của Olympic toán  Lê Bá Khánh Trình thôi.

-Do đó, nên đặt câu hỏi về cơ chế, về chính sách sử dụng nhân lực tại các địa phương,… Qua đó biết được  cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, cơ hội kiếm tiền,… ở các sinh viên muốn ở lại TP có lẽ sẽ đi thẳng vào vấn đề hơn. Trả lời được câu hỏi đó(thực ra đã có câu trả lời rồi, chỉ chưa chính thức mà thôi) là lý giải được vấn đề vì sao sinh viên ra trường không muốn về quê.

- Vì vậy, với ý kiến thứ nhất, cá nhân em nghĩ rằng, trong tất cả những đề nghị nghiên cứu có giá trị mà thầy Hải đưa ra thì giá trị nhất là hướng nghiên cứu cuối cùng: “Đâu là những tác động của hiện tượng xã hội này đối với cả nơi xuất cư lẫn nơi nhập cư?”

Thứ hai, khi Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm cung cấp một cách khách quan thực trạng cuộc sống, việc làm của một bộ phận sinh viên các tỉnh khác sau khi tốt nghiệp đang sinh sống và lập nghiệp tại TP. HCM.” Thì có lẽ đây là một sự vất vả không cần thiết, cứ tìm những báo cáo của ngành giáo dục(họ báo cáo thì chắc là khách quan rồi)  về tình trạng “vênh nhau” giữa “Học” với “Hành”, giữa chuyên ngành đào tạo và công việc thực tế. .. Đồng thời kết hợp với các báo cáo của cơ quan chuyên trách về việc làm và tiền lương thì tin rằng sẽ sáng tỏ mà không cần phải mất công điều tra.

Trên đây là 2 ý kiến về vấn đề muốn nghiên cứu của thầy Lê Sĩ Hải, cá nhân em nghĩ: đây là một đề tài không mấy thực dụng và hơi lãng phí công sức nếu như nhất định bỏ tâm huyết ra điều tra, nghiên cứu…. Rất mong được thầy hoặc những ai đọc có thể giải thích kỹ hơn để em được hiểu, sáng tỏ và không băn khoăn nữa

Sinh viên của thầy: Trần Anh Tuấn


Phamngochien.com - 21:56 - 17/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận