Vấn đề đào tạo - bồi dưỡng và quản lý đội ngũ giảng viên ĐH (PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng)

 

Đặt vấn đề

            Những năm vừa qua và hiện nay, do nhu cầu học tập của xã hội và việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, hàng loạt trường Đại học - Cao đẳng công lập và ngoài công lập được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc (hiện có gần 400 trường Đại học và Cao đẳng) cho nên nhu cầu đội ngũ giảng viên Đại học - Cao đẳng là rất lớn, rất quan trọng cả về mặt số lượng và chất lượng. Về số lượng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức trung bình là 20 sv/1 giảng viên. Ví dụ một trường Đại học quy mô nhỏ khoảng 5000 sv thì cần có 250 giảng viên. Ở quy mô trung bình 10,000 sv thì cần có 500 giảng viên. Ở quy mô tương đối lớn 20,000 sv thì cần có 1000 giảng viên!

            Thực tế rất nhiều trường Đại học kể cả công lập và ngoài công lập không thể nào đảm bảo được yêu cầu trên, nhiều giảng viên thuộc diện cơ hữu ở trường này nhưng là thỉnh giảng ở nhiều trường khác.

            Đó là nói về mặt số lượng. Còn về chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học thì còn nhiều vấn đề phải bàn đến. Trong tương lai gần yêu cầu tối thiểu của giảng viên Đại học là phải có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ thuộc lĩnh vực chuyên môn tương ứng, nhưng ngay đến người có bằng Tiến sĩ thì cũng chưa hẳn sẽ giảng dạy Đại học tốt, có thể chỉ thích hợp làm công việc quản lý điều hành hoặc nghiên cứu khoa học. Vậy vấn đề đặt ra là có thể đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Đại học được không? Và nên quản lý thế nào cho tốt?

 

Về đào tạo - bồi dưỡng

            Việc đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Đại học ở đây chỉ đề cập giới hạn ở phương pháp và kỹ năng cần thiết của người giảng viên Đại học, có thể đào tạo - bồi dưỡng tập trung hoặc tại chức với thời gian tối đa là 6 tháng và tối thiểu khoảng 2 tháng.

            Chúng ta dễ thống nhất là giảng viên Đại học có 2 nhiệm vụ chính: giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bởi vì phải trực tiếp tham gia đào tạo một đội ngũ trí thức có trình độ tương đối cao (Đại học, Cao đẳng) nên giảng viên Đại học phải có khả năng truyền đạt, thuyết giảng và khả năng nghiên cứu, suy luận, phân tích, tổng hợp, tổng kết, tóm tắt những vấn đề thuộc chuyên ngành của mình.

            Các trường Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học nghiên cứu ... là những "lò" đào tạo giảng viên các cấp, kể cả Đại học nhưng chưa đủ. Giảng viên Đại học phải qua một số năm làm công tác giảng dạy ở một trường Đại học hoặc Cao đẳng nào đó mới thấy cần được bổ sung thêm những vấn đề gì. Nếu có những trường lớp, những trung tâm có thể đào tạo bồi dưỡng bổ sung thêm thì rất tốt.

            Một hình thức đào tạo bồi dưỡng khác ở quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ, đó là bồi dưỡng ngay tại Khoa hoặc Bộ môn mình làm việc. Nhiều trường Đại học lựa chọn các sinh viên tốt nghiệp hội đủ các yêu cầu tối thiểu để giữ lại trường nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên, nhưng không nên để những anh chị này "tự thân vận động" mà phải được Khoa, Bộ môn, các đồng nghiệp, đặc biệt các thầy cô đã có thâm niên giúp đỡ đào tạo. Bồi dưỡng, chỉ dẫn thêm, phải tổ chức giảng thử, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, thực sự quan tâm và dìu dắt để ngày càng vững vàng, tự tin hơn trong chức trách giảng viên.

         Thực tế cho thấy rằng, những người có quyết tâm, có ý chí trở thành giảng viên Đại học thì sau khoảng 3-4 năm có thể đạt được điều đó, không kể thời gian dành để học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh.

 

Về quản lý đội ngũ giảng viên Đại học

           Quản lý đội ngũ giảng viên Đại học không giống như quản lý đội ngũ cán bộ viên chức hành chính, cũng không giống như quản lý đội ngũ đơn thuần làm nghiên cứu khoa học. Tại sao vậy? Bởi vì người giảng viên Đại học thường xuyên phải làm việc với một đội ngũ sinh viên đông đảo, đã có một trình độ nhất định (tốt nghiệp trung học phổ thông) trong khi các giảng viên dù trẻ vẫn được gọi là các thầy, cô. Mặt khác các thầy, cô phụ trách những môn học ở Đại học thường rất chuyên sâu nên có tính độc lập nhất định. Vấn đề là quản lý các thầy, cô sao đây để đảm bảo sự nghiêm túc và chất lượng giảng dạy, đào tạo?

         Trước hết phải thực hiện phân cấp quản lý theo 3 cấp:

                        TRƯỜNG - KHOA - BỘ MÔN

thực tế có những Khoa còn nhỏ bé thì chỉ có 2 cấp:

                        TRƯỜNG - KHOA

hoặc có khi chỉ là:

                        TRƯỜNG - BỘ MÔN TRỰC THUỘC

          Cấp TRƯỜNG lo những việc liên quan trực tiếp đến quản lý nhân sự đội ngũ giảng viên cơ hữu. Cấp KHOA và BỘ MÔN quản lý cả đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (thực tế giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn cơ hữu) phải có thông tin kịp thời về tình hình giảng dạy của tất cả các thầy cô trong phạm vi ngành hoặc chuyên ngành của Khoa mình, Bộ môn mình phụ trách. Quản lý thông qua quy chế, quy định, đề cương, tiến độ, lịch trình, thời khóa biểu và sự phản ảnh của người học. Quản lý theo khối lượng, theo định mức. Không để tình trạng giảng viên dạy quá nhiều giờ, dạy nhiều môn khác nhau dẫn đến kém chất lượng, không cải tiến phương pháp giảng dạy, không đánh giá sát đúng kết quả học tập của sinh viên.

 

Kết luận

            Đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng và có tính chất quyết định trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của một trường Đại học.

            Việc đào tạo - bồi dưỡng và quản lý đội ngũ này là việc thường xuyên của các trường. Cấp Khoa và Bộ môn có vai trò rất cụ thể và trực tiếp, vừa tôn trọng các thầy cô đồng thời đảm bảo quyền lợi của người học./.

 

PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng

(Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến)


Phamngochien.com - 21:15 - 15/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận