Trương Đăng Dung với luận thuyết "Tác phẩm văn học như là quá trình" (TS. Mai Liên Giang)

      Trước hiện trạng lí luận văn học ở Việt Nam chưa thoát khỏi "mù mờ" trong quan hệ với phê bình văn học và nhiều vấn đề khác như hiện thực, văn bản, sáng tạo, tiếp nhận, liên văn bản, liên chủ thể tiếp nhận..., việc đọc lại Tác phẩm văn học như là quá trình của PGS.TS Trương Đăng Dung sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều điều lí thú. Tác phẩm xuất bản năm 2004 trên cơ sở những công trình nghiên cứu công phu về lí luận văn học, những bài giảng độc đáo của ông dành cho hệ đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh trong nhiều năm ở các trường đại học và cơ sở đào tạo trong cả nước. Đây là công trình có nhiều thông tin mới về lí thuyết tiếp nhận văn học ở nước ta những năm đầu thế kỷ XXI.

      Từ phần dẫn nhập, tác giả đã có những đánh giá quan trọng về tình  hình nghiên cứu lý luận văn học. Ông cho rằng: "do không có được cái bản sắc riêng của đối tượng, lí luận văn học ở Việt Nam không thoát khỏi thế nhập nhằng trong quan hệ với phê bình văn học. Với tình trạng đó, lý luận văn học chẳng những không thể làm chỗ dựa cho nghiên cứu, phê bình văn học mà bản thân nó cũng tự triệt tiêu dần theo thời gian. Rốt cục, người ta chỉ còn thấy những bài viết mang tính chất tổng kết hoặc phát biểu ý kiến về tình hình văn học hơn là các bài nghiên cứu lý luận văn học được xây dựng bằng các luận điểm có hệ thống" (1). Ở một bài viết khác, ông nói cụ thể hơn: "Do mơ hồ trước đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học, người ta đồng nhất sự phân tích tác phẩm văn học trong nghiên cứu lịch sử văn học với sự phân tích vấn đề tác phẩm trong lý luận văn học, nơi vai trò của những khái quát hóa lý luận và việc tiếp cận bản thể tác phẩm văn học đều xảy ra trên bình diện trừu tượng"(2). Từ những nghiên cứu về bản chất của tư duy lý luận văn học từ tiền hiện đại đến hậu hiện đại một cách có hệ thống, tác giả khẳng định cần phải tiếp cận vấn đề ở cả hai hướng.

      Một là vận dụng những thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện đại, của kí hiệu học và lí thuyết thông tin, chúng ta nghiên cứu quá trình từ sự sáng tạo ra văn bản đến sự tiếp nhận nó như là quá trình thông báo kí hiệu ngôn ngữ, hay là mối quan hệ giao tiếp giữa nhà văn và người đọc. Hướng nghiên cứu này chú ý trước hết đến ý đồ tác giả, điều mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc như là nghĩa và ý nghĩa của tác phẩm văn học. Hai là, trên cơ sở triết học, tâm lý  học và thi pháp, chúng ta nghiên cứu quá trình tiếp nhận như là quá trình ấn tượng hay tác động của văn bản đối với người đọc (3). Với cách trình bày có hệ thống, trong phần dẫn nhập, tác giả cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề sẽ đưa ra bàn luận trong cuốn sách. Để hiểu được ý đồ của tác giả, gần như chúng ta không thể bỏ sót câu nào khi đọc phần này. Sự chặt chẽ trong mỗi câu chữ, mỗi luận điểm là một đặc điểm thường thấy trong các công trình nghiên cứu lí luận văn học mang tính trừư tượng cao của Trương Đăng Dung.

       Ngoài phần dẫn nhập, cấu trúc cuốn sách gồm 3 phần. Mỗi phần là một hệ thống quan điểm nhưng tất cả đều tập trung giải quyết vấn đề trong quan niệm tác phẩm văn học như là quá trình, một quá trình tạo nghĩa mang tính chất quan hệ của văn bản văn học. Phần 1 trình bày hệ thống quan điểm: Tác phẩm văn học như là cấu trúc ngôn từ động. Ba luận điểm tác giả đề cập ở đây là: Hình thức như là thủ pháp, kí hiệu và chức năng thẩm mỹ, văn bản văn học  và sự cụ thể hóa văn bản. Qua đây chúng ta hiểu thêm, lý luận văn học hiện đại nghiên cứu tác phẩm văn học như là khách thể tự thân, sản phẩm do ý thức tạo thành, độc lập với điều kiện ra đời của nó. Tác giả trình bày những vấn đề cốt lõi và nhận xét về tư tưởng cơ bản chi phối đến quá trình phát triển của tư duy lý luận văn học hiện đại. Ví dụ tư tưởng của Nietzsche, Husserl, Freud, tư tưởng của các tác giả thuộc trường phái hình thức Nga, các tác giả thuộc chủ nghĩa cấu trúc Séc và trường phái hội nhập Ba Lan... Đặc biệt trong những người chịu ảnh hưởng của hiện tượng học Husserl, Trương Đăng Dung chú ý đến Martin Heidegger, Roman Ingarden. Theo ông, trong lí luận văn học, tầm ảnh hưởng của Martin Heidegger lớn hơn nhiều so với Jean Paul Sactre. Điều quan trọng là tác giả không chỉ giúp người đọc hiểu về những quan  niệm của Heidegger mà còn cho thấy những ảnh hưởng của Heidegger đối với tư duy lí luận hiện đại và hậu hiện đại. phần 2 trình bày hệ thống quan điểm: khái niệm trò chơi và ý thức lịch sử tác động, kinh nghiệm thẩm mỹ và tầm đón đợi, ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa, sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản. Ở đây, ông dành nhiều trang nghiên cứu về Hans Georg Gadamer - là một trong những học trò xuất sắc nhất của M. Heidegger (4). Nghiên cứu về học giả này, Trương Đăng Dung nhận định Gadamer đã đưa ra những khái niệm có ý nghĩa then chốt, xét từ quan điểm Mỹ học, như định kiến, truyền thống, ý thức lịch sử tác động, sự dung hợp tầm nhìn, tình huống. Tất cả đều là những phạm trù của những quá trình tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học thông qua người tiếp nhận. Khái niệm cơ bản của tường giải học bản thể vì thế là trò chơi, là hành động tư chương học. Từ những nhận định đánh giá rất mới mẻ về Gadamer, tác giả bàn về khái niệm sự cắt nghĩa "Đối với tường giải học thì sự cắt nghĩa tức là hành động tạo lập, nó thông  báo và nói lên cái sự kiện hiểu văn bản văn học" (5). Trào lưu có ý nghĩa nhất, liên quan đến tường giải học Heidegger, vượt lên Gadamer là Mỹ học tiếp nhận Đức. Trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học được xem là tuyên ngôn về mỹ học tiếp nhận Đức, Hans Robert Jauss cho rằng phương pháp văn học sử đã trở nên cứng nhắc, chỉ bó hẹp phạm vi nghiên cứu ở việc liệt kê theo niên đại tiểu sử nhà văn và tác phẩm. Từ đây, tác giả đưa ra những nhận xét về công trình Hoạt động đọc của Wolfgang Iser trong mối quan hệ với Jauss và Roman Ingarden. Điều này đã giúp người đọc nhận ra sự thống nhất và khác biệt trong quan niệm về sự đọc của mỗi tác giả ở mỗi giai đoạn khác nhau. Từ đó tác giả đưa ra hệ thống quan điểm của Derrida, Umberto Eco, Jonathan Culler để lý giải vấn đề ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa, sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản. Nhưng sự tồn tại đích thực của văn bản không phải là không gian cấu trúc mà là quá trình, là thời gian sử dụng văn bản. Bằng  những dẫn chứng sinh động khi nói về Paul de Man, tác giả đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản. Đây là vấn đề mà lý luận văn học Việt Nam trước đây chưa được đề cập toàn diện. Còn ở phần 3, với hai quan điểm về tính lịch sử của quá trình tiếp nhận văn học và những giới hạn của lịch sử văn học, tác giả đã mở ra cho người đọc những suy nghĩ về tính lịch sử và chủ thể tiếp nhận. Trương Đăng Dung nhấn mạnh: "lịch sử văn học không thể bằng lòng với sự mô tả tác phẩm trên cơ sở các yếu tố ngữ văn, tiểu sử và tư tưởng, xem tác phẩm văn học là tác phẩm thuần túy của một tình trạng xã hội, là phát ngôn tư tưởng của nhà văn theo kiểu suy diễn một cách thô thiển mà nên nghiên cứu tính chất đặc trưng của văn học trong các tác phẩm, xem các tác phẩm như là những cấu trúc đang chờ được giải mã; những cấu trúc ẩn chứa trong chúng sự thông báo mà quá trình khám phá ra nó thì nghĩa và cái biểu đạt đều phải được chú ý như nhau (6). Ngoài những nội dung trên, người đọc được tiếp cận những công trình lí luận văn  học nổi tiếng của thế giới do tác giả dịch được sắp xếp khoa học ở phần cuối. Đó là những công trình lí luận văn học quan trọng của các tác giả đã được thế giới quan tâm như: Martin Heidegger: Trên đường đến với ngôn ngữ, Roman Ingarden: Tác phẩm văn học, Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học. Nyiro Lajos: Trường phái hình thức Nga. Thực ra, ở nước ta, không phải chỉ riêng Trương Đăng Dung dịch những tác phẩm lý luận văn học. Nhưng điểm khác là ở các công trình của ông bao giờ cũng có phần giới thiệu, phân tích công phu các luận điểm quan trọng.

       Như vậy, cuốn sách đã phần nào làm rõ hơn quan điểm của tác giả về tư duy lí luận văn học hậu hiện đại. Theo ông, những thành tựu của lí luận văn học hiện đại đã thể hiện những bước tiến quan trọng trọng việc khám phá văn bản như là cấu trúc ngôn từ động. Với việc nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, lý luận văn học hiện đại đã vượt lên tư duy lý luận văn học tiền hiện đại. Nhưng đến lượt mình, tư duy lí luận văn  học hậu hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản nghệ thuật trong quan hệ với những yếu tố khác. Đối diện với khái niệm  nghĩa đang tồn tại của lý luận văn  học hiện đại là khái niệm nghĩa được thiết lập của lý luận văn học hậu hiện đại. Trong ba hoạt động chính được phân chia theo tường giải học truyền thống là sự hiểu, sự cắt nghĩa và sự vận dụng văn bản thì sự vận dụng văn bản có vị thế nổi bật trong cách nhìn nhận của các nhà tường giải học. Đây là đặc điểm quan trọng cần xét đến khi chúng ta nghiên cứu sự phát triển của tu duy lí luận văn học từ hiện đại đến hậu hiện đại. Nó cho thấy đằng sau câu hỏi chúng ta cần phải đọc như thế nào là một câu hỏi cơ bản chi phối tất cả: phương thức tồn tại của văn bản văn học là gì? Vậy là sau khi lí luận văn học hiện đại xác định được vai trò trung tâm tạo nghĩa của văn bản văn  học, độc lập với tác giả và môi trường ra đời của nó, lý luận văn học hậu hiện đại đã khám phá ra quá trình tạo lập đời sống của văn bản văn học trong quan hệ với sự tiếp nhận của người đọc. Nói cách khác, lý luận văn học hậu hiện đại đã phá vỡ những  giới hạn của tư duy lí luận hiện đại nhằm tiếp cận một cách triệt để hơn bản chất của tác phẩm văn học. Hơn nữa, công trình của Trương Đăng Dung cũng đã khiến cho nhiều người phải suy nghĩ lại khi nhìn nhận, đánh giá về bản chất của hậu hiện đại trong giới hạn của tư duy lí luận văn học ở Việt Nam hiện nay.

TS.  Mai Liên Giang,

Trường ĐH Quảng Bình

Chú thích

1, 2, 3, 4, 5, 6. Trương Đăng Dung, Tác phẩm văn học  như là quá trình, Nxb KHXH, Hà Nội 2004, tr 35, 39, 81, 134, 135, 149, 157, 217, 379.

(*) Nhiều nội dung ở trên được trích dẫn lại từ bài viết Vấn đề chủ thể tiếp nhận qua một công trình lý luận của tác giả, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, số 10, 2006, trang 88.


Phamngochien.com - 13:40 - 29/01/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận