Nhìn lại chặng đường Văn học Việt thì có rất nhiều văn sĩ thi sĩ nổi tiếng được lưu danh vào lịch sử Văn học nước nhà qua các thời kỳ vàng son, sáng giá nhất trên bầu trời Nghệ thuật văn chương là cụ Nguyễn Du với truyện Kiều 3.254 câu lục bát bất hủ, cụ Du là nhà thơ có sức học uyên bác vào thời Văn học Trung Đại, tác phẩm truyện Kiều đưa Cụ cùng thể thơ lục bát đạt đến đỉnh cao của danh vọng và nghệ thuật thơ ca.   

     Từ ngày cụ Du tạ thế năm 1820, mãi đến khi Trịnh Công Sơn ra đời mới có ngôi sao Nghệ thuật Tân nhạc lấp lánh trên bầu trời Đất Việt. Hai trăm năm không quá dài không quá ngắn, cụ Du có đủ thời gian ra thách thức và tự khẳng định mình là số một thi ca từ cổ chí kim, không nhân vật tài ba nào có thể sửa dùm cho Cụ một chữ trong 3.254 câu lục bát tuyệt tác. Tuy nhiên cụ Du vẫn hiểu là “nghệ thuật không có đỉnh cao tuyệt đối”, nghệ thuật sau cao hơn nghệ thuật trước là định luật phát triển tự nhiên xưa nay. Và thời gian còn là cái nôi sinh ra nhân tài cho đất nước, đất nước có nhiều nhân tài thì sự tôn trọng cũng bắt nguồn từ đó, đó còn là sự may mắn cho một dân tộc. Trịnh Công Sơn là nhân vật hậu thế, nổi danh khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20, danh của ông lan rộng ra nước ngoài vì tài năng âm nhạc xuất chúng của ông, nhất là dòng nhạc Phản Chiến, thể hiện rõ tấm lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người và hòa bình của ông; ông có “Đĩa vàng” và Giải thưởng âm nhạc tại Nhật, có tên trong Tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp (1) . Năm 2019, do nhạc và danh tiếng của ông có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong nước và cộng đồng quốc tế, Google đã vinh danh ông vì sự cống hiến đó.

     Ngôn ngữ ca từ của Trịnh Công Sơn được giới chuyên môn xem là thơ, nếu xem Trịnh Công Sơn là một thi sĩ “nói lạ” độc đáo thì Văn chương Việt có thêm một nhà thơ cá biệt và hiếm có.

    Thơ cụ Du sinh động hiện thực bởi muôn màu cuộc sống tả chân, người đọc Kiều cảm cùng cảnh ngộ với nhân vật mà cụ Du quan niệm Tài – Mệnh tương đố, đồng thời bừng bừng căm giận chế độ phong kiến hà khắc và thối nát, quan lại tham ô sách nhiễu dân lành, chà đạp lên thân phận người phụ nữ như: Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà,vv….

     Bút pháp của cụ Du đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tả chân bằng lối thơ lục bát có thủ pháp điêu luyện. Trái với cụ Du, ngôn ngữ ca từ của Trịnh Công Sơn được xem là thơ thì bãng lãng sương mai của thể thơ siêu thực khó hiểu. Ngôn ngữ lạ kỳ của Trịnh Công Sơn dẫn đến người yêu thích nhạc của ông gọi ông với nhiều mỹ danh thán phục: Phù thủy văn chương/Phù thủy ngôn từ/Phù thủy của chiếc đũa thần: ví như ông gõ vào con chữ nào thì lập tức nó biến hóa có hồn có xác theo ý ông muốn. Các nhà chuyên môn gọi ông là “hiện tượng Trịnh Công Sơn”, họ còn tìm thấy ở ngôn ngữ của ông chứa đựng nhiều tầng nghĩa: Triết học/Phật học/Thiền học, vv…Từ cổ chí kim có ngôn ngữ nghệ thuật nào cùng một lúc chứa đựng nhiều tầng nghĩa như vậy không? Hỏi thiên tài âm nhạc thế giới là có ngôn ngữ ca từ nào như Trịnh Công sơn không?

     Tài năng của Trịnh Công Sơn có thể nằm trong 2 câu mà cụ Du đã tả tài nghệ nàng Kiều:

Thông minh vốn sẵn tư trời

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

      Trịnh Công Sơn có thông minh không, tất nhiên là có, ông là thi sĩ, họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, vì vậy ngôn ngữ ca từ của ông mang đậm thơ và họa, có thể hai cái này làm ngôn ngữ của ông nhòa nhạt vào nhau nên bãng lãng khói sương của bức họa như thơ: họa tức thơ, thơ tức tình, tình tức cảnh,…Cứ nối tiếp xuyên suốt đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai: quá khứ hư ảo, hiện tại mờ nhòa, tương lai bãng lãng, nó làm người nghe quay cuồng không bắt kịp hình ảnh nào là thực và hình ảnh nào là hư….

       Về niềm tin sáng tác cụ Du chủ trương Tài-Mệnh tương đố:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.

       Trịnh Công Sơn thì tin kiếp luân hồi huyền bí trong giáo lý nhà Phật, như: Một cõi đi về/Cát bụi/Ngẫu nhiên,…

      Cụ Du và Trịnh Công Sơn đều lấy thiên nhiên làm thước đo cái đẹp, Cụ tả chị em nàng Kiều:

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (Thúy Vân)

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh (Thúy Kiều)

      Trịnh Công Sơn tả mỹ nhân của mình:

Nắng có hồng bằng đôi môi em

Mưa có buồn bằng đôi mắt em

Tóc em từng sợi nhỏ

Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Gió sẽ mừng vì tóc em bay

Cho mây hờn ngủ quên trên vai (Như cánh vạc bay)

      Cụ Du tả thực một cách tài tình, như sờ như thấy trước mắt, Trịnh Công Sơn thì thần kỳ hư ảo, hai ông thổi hồn vào mây gió, hoa lá,…đều biết ghen biết hờn.

      Tóm lại, hai ông đã đứng trên đỉnh núi cao của Nghệ thuật ngôn từ, bút pháp tả chân của cụ Du đạt đến đỉnh toàn bích; bút pháp của Trịnh Công Sơn  phù phiếm biến hóa của thế giới siêu thực. Hai ngọn núi Ngôn từ hùng vĩ của thơ ca sừng sửng đứng giữa bầu trời Đất Việt: đệ nhất thắng cảnh trong kho tàng Văn hóa văn học Việt cho đến tận ngày nay: “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, ví như cụ Du đã tả vẻ đẹp cân phân của chị em Thúy Kiều.

      Phần cụ Du tới đây là hết.

      Trịnh Công Sơn có hơn 600 ca khúc, mỗi ngôn ngữ ca từ được xem là một bài thơ hay, đem nối các ca khúc đơn lẻ thành một bản “Trường ca về tình yêu thân phận và quê hương đất nước” thì số câu chữ khá kinh ngạc. Giã sử mỗi ca khúc có 32 trường canh, mỗi trường canh là 5 chữ ca từ (xin tính dùm).

     Người ta đồn là nhạc của Trịnh Công Sơn chứa nhiều chữ “học”: Triết học/Phật học/Thiền học,vv…Mấy chữ ‘học’ này là ngoài sự hiểu biết, người viết cảm được cái gì thì nói ra cái đó:

     Nghe nhạc Trịnh rất cần sự yên tỉnh nhất là lúc đi ngủ, bên cạnh chiếc máy nghe nhạc, nằm nhắm mắt hít thở thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng làm nhiều lần cho tâm bình ổn như khi ngồi Thiền, sau đó lắng nghe Hồng Nhung, Ngọc Lan, Khánh Ly hát nhạc Trịnh…Nên chọn tiếng hát Khánh Ly trước 1975, khi đó chị còn trẻ, tâm trạng của một người trẻ khi yêu hay bị dỡ dang thường có khác hơn lúc lớn tuổi, mọi cảm xúc được thể hiện rõ qua giọng hát nồng nàn tình ái và sâu lắng của chị. Là người trẻ thì chọn những ca khúc đầu tay của Trịnh Công Sơn: Ướt my/Biển nhớ/Diểm xưa,…vì Trịnh Công Sơn lúc này còn trẻ, ông yêu cuồng nhiệt và say đắm hơn. Người già bệnh tật, sắp chết thì chọn: Một cõi đi về/Cát bụi/Ngẫu nhiên, nghe thường xuyên thì không còn hoang mang sợ chết khi bệnh tật tuổi già, hoặc nghe những ca khúc có triết lý suy niệm sâu xa thì rất tuyệt. Đây chỉ là gợi ý.

      Đúng là nhạc Trịnh cho ta nhiều tầng nghĩa như chữ “học” nói ở trên, nghe nhạc Trịnh đêm khuya, tính Thiền xuất hiện lúc cái tâm đuổi rượt theo ca từ nói lạ, nó làm quên đi mọi thứ buồn vui của cuộc đời, bởi sự chiêm nghiệm về cuộc đời được Trịnh Công Sơn khắc họa vào lời ca tiếng hát, người nghe tập trung cao độ vì sự khó hiểu của ngôn ngữ ca từ nói lạ của ông, người nghe cố suy viễn cách nào đi nữa thì cũng không ngoài những ý đẹp mà Trịnh Công Sơn muốn đưa vào ca khúc của mình. Và chính cái này đã làm cái tâm như được thanh lọc qua «lớp lọc ca từ»(như sỏi, cát, đá của bình lọc nước) nhằm loại bỏ cặn bã: phiền muộn lo âu sẽ biến mất khi tâm được thanh lọc qua lớp ca từ, rồi dần dần đi vào giấc ngủ bình yên.

      Giai điệu slow, boston đi thư thả cùng lời ca tiếng hát, tựa hồ như gõ mõ tụng kinh của các vị thiền sư ở chùa ngồi Thiền: tay gõ mõ, mắt nhắm nghiền, miệng râm rang kinh Phật, mọi hành động chìm sâu vào vô thức, lúc ấy, sắc dục không còn xâm thực nội tâm, chỉ có lời kinh Phật như cây bút tẩy, tẩy xóa vết hằn dục vọng nơi trang giấy lòng đã bị thời gian hoen ố lâu ngày bởi cuộc sống kim tiền bề bộn. Ví như mặt hồ nước: tâm động làm sóng động, sóng động che tâm, dẫn đến tâm hành động thiếu sáng suốt; tâm tịnh sóng yên, lúc đó tâm nhìn tận đáy của tâm một cách sáng suốt nhất để biết đâu là đúng là sai. Nghe nhạc Trịnh thường xuyên làm tâm bớt vọng động, sáng suốt trong cách nghĩ cách làm: đó là Thiền tâm khi nghe nhạc Trịnh, cũng không nhất thiết phải nghe ban đêm, nghe bất kỳ lúc nào và ở đâu.

      Có lẽ Trịnh Công Sơn đúc rút từ chân lý cuộc sống thực và sách vở mà ông đã chiêm nghiệm nó, ông lấy đó làm nền tản cho triết lý sống của mình bằng ba trụ cột: Chân – Thiện – Mỹ, đây là hình dạng của chữ Đức trong mọi ý nghĩ của những con người có trí tuệ; ông nhìn sự vật hiện tượng nào thì ở đó lóe lên cái đẹp, cái chân thiện, vì vậy mọi sự vật hiện tượng đối với ông đều có hồn có xác như một sinh linh thật sự, dẫn ông đến mọi ý nghĩ và hành động: yêu thương cỏ cây, sỏi đá, yêu thương con người và quê hương đất nước của ông, nổi bật ở dòng Phản Chiến ông luôn ngầm kêu gọi mọi người cần hướng đến ba đức tính cao đẹp đó. Nghe nhạc Trịnh cho ta triết lý sống đẹp, sống chân thành, sống vị tha, sống cho đến lúc hai tay buông xuôi, chỉ để cho gió cuốn tấm lòng đẹp đó bay đi, một triết lý diệu mỹ của Phật pháp về tình yêu thương bất vụ lợi mà Trịnh Công Sơn đã cảm tác vào nhạc.(…)Triết lý sinh tử trong các ca khúc: Một cõi đi về/Cát bụi/Ngẫu nhiên, nó làm người nghe tỉnh tâm không lo sợ chết và an nhiên trong cuộc sống bề bộn, vì chết không phải là hết, chết là sự bắt đầu cho kiếp sống mới.

      Thuở thiếu thời Trịnh Công Sơn có dịp xây cho mình một tượng đài vững chắc đó là tính Phật trong ông, theo như ông mô tả dưới đây:

      Tôi là Phật tử trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đi đến chùa vì thích yên tĩnh. Có những năm tháng bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những cầu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây nhặt được, còn có kinh kệ vô tình nằm ở đấy. (2)

      Trong ông thấm nhuần triết lý nhà Phật về lòng từ bi hỉ xả chúng sinh, vì vậy, trong các ca khúc ông luôn thể hiện một tình yêu cao đẹp với mỹ nhân của mình “yêu em yêu thêm tình phụ”,vv….Ở dòng nhạc Phản Chiến, tính Phật của ông bừng bừng sự phẫn nộ khi chiến tranh làm cho đồng bào và đất nước ông điêu linh. Nghe nhạc Trịnh ta thấy: yêu thương không thù hận/ bao la không hẹp hòi/ vị tha không cố chấp,… đây là Phật tính nổi bật nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

      Ảnh hưởng nhạc Trịnh trong đời sống xã hội đương thời: Thế giới ngày nay không quá cách xa, âm nhạc trở thành những người bạn kết nối và giao lưu không biên giới ngày tràn ngập thị trường âm nhạc trong nước bằng nhiều thể loại nhạc trẻ trung, mang nhiều phong cách mới lạ và phong phú đa dạng, góp phần đẩy nhanh nền Tân nhạc Việt theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu nghe nhạc của đông đảo người nghe, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, một bộ phận của giới trẻ ngày tỏ ra mệt mỏi với lối sống nhanh sống gắp, họ muốn tìm về cội nguồn: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” để ngẫm lại chính mình. Và tìm cách thanh lọc nội tâm đã có ít nhiều tham vọng trong cuộc sống kim tiền, qua con đường “Nghe hát nhạc Trịnh”. Nhạc Trịnh dẫu có mơ hồ khó hiểu, trừu tượng hay siêu thực ra sao thì ở đó họ vẫn bắt gặp được cái đẹp, mong tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn vốn nặng nề của cuộc sống thực dụng. Nghe nhạc Trịnh như nghe ông thầy sống giảng luân lý, hoặc cùng một lúc nghe nhiều môn học:Triết học/Phật học/Thiền học/Ngữ học/Văn học, vv…phụ thuộc độ nhạy và sự hiểu biết của mỗi người, vì lẽ đó, nhạc Trịnh mới tồn tại và được mọi giới mọi ngành hát và nghe như một “Thánh kinh” về cuộc đời tạm bợ. Có thể khẳng định: bao giờ “Chân – Thiện – Mỹ” không còn trong đời sống xã hội thì nhạc Trịnh sẽ biến mất vĩnh viễn.

      Xin bịa câu chuyện vui để kết:

     Cụ Du và cụ Sơn, hai cụ thắp trầm hương bàn chuyện thơ nhạc, cụ Sơn gọi cụ Du bằng cụ Cố thầy vì tài làm thơ xuất chúng của cụ Du, cụ Du đỉnh đạc trong bộ áo dài khăn đống thời Trung Đại, Cụ nói với học trò Trịnh Công Sơn khả quý của mình:

     - Ta rất mừng vì có đồ đệ xuống đây để cùng ta đối ẩm và đàm đạo chuyện thơ văn…- cụ Du vuốt râu trầm ngâm - Gần 200 năm nay ta rất cô đơn buồn tẻ vì không thấy ngôi sao nào lấp lánh trên bầu trời Văn học nghệ thuật Đất Việt như ta từng mong muốn bấy lâu, nay có đồ đệ là Ngôi sao Tân nhạc sáng chói trên bầu trời Nghệ thuật văn chương Đất Việt làm ta rất mừng vui! – cụ Du cười mãn nguyện – Ta biết hậu sinh khả quý mà! – Cụ nhắm trà thơm trông thích thú.

     Trịnh Công Sơn trong bộ veston lịch lãm, vẫn cặp kính trắng ngày nào cùng nụ cười hiền lành, ông vuốt mái tóc dài nghệ sĩ nói:

    - Dạ thưa cụ Cố, con nói ra điều này xin Cụ thứ lỗi…- Trịnh Công Sơn ởm ờ, cụ Du giục:

    - Trò nói mau cho ta biết chuyện là sao?

    - Dạ, tại cái thuyết Tài – Mệnh tương đố của Cụ đã làm con không sống tới tuổi “thất thập cổ lai hi”, để con có thêm thời gian cống hiến cho những người yêu thích nhạc cùng bạn bè quốc tế ạ!

     - Vậy mi tạ thế năm bao nhiêu tuổi? – cụ Du vuốt chòm râu bạc như tiên, hỏi:

    - Thưa Cụ, 62 tuổi ạ! – Trịnh Công Sơn buồn buồn.

     Cụ Du ngẫm nghĩ rồi cười:

     - Trò còn thọ hơn ta 8 tuổi!

     -… !!!

     Câu chuyện vui trên đây cho thấy sự mất mát trong nền Văn học nghệ thuật Việt là không nhỏ.

Phan Thanh Tâm

 *Chú thích:

(1) Bách khoa toàn thư mở

(2) Trịnh Công Sơn, Tập san Giác Ngộ, năm 2004.

Người viết không có ý so sánh Thi hào Nguyễn Du với Trịnh Công Sơn, chỉ gợi lên những gì đã đọc qua Kiều và nghe nhạc Trịnh, cảm nghĩ ra sao thì viết ra vậy. Nếu Trịnh Công Sơn lọt vào tốp thiên tài âm nhạc thế giới như Mozart, Beethoven thì Đất Việt có vui  không, tất nhiên là có. “Tài năng xuất chúng sẽ mang vinh quang cho tổ quốc”, đúng như Google đã vinh danh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.