Thương quê nhà mùa lũ (Lê Thị Thùy Dung - SV ĐH Bình Dương)

Đó là biển nước mênh mông đục ngầu, rác rưởi nhấn chìm cả khu làng nhỏ. Rải rác trên đó là những khúc gỗ, những cành cây, những xác động vật, những đồ dùng gia đình, thậm chí đâu đó là những xác người... Vậy là mùa lũ nữa lại đến.

Hằng năm cứ độ tháng chín, tháng mười, làng tôi lại đối mặt với nỗi kinh hoàng đó. Cơn lũ ập tới cuốn phăng đi mọi thứ, cơn lũ làm cho người làng quê tôi ám ảnh, sợ hãi.

Làng tôi nằm ngay cạnh con sông Ngàn Phố, những ngày không có lũ, con sông phẳng lặng một cách kì lạ. Ai cũng thấy con sông là nguồn nước giúp cho làng tôi vượt qua mùa hè khô hạn, giúp cho mùa màng không bị thất thu. Đối với bọn trẻ chúng tôi, con sông là nơi quẫy đạp, tắm mát những trưa hè. Con sông trở thành kỷ niệm đẹp cho những người xa quê.

Nào ngờ đâu khi mùa lũ tới, con sông trở nên hung dữ với những con nước cuồn cuộn, há hốc như một con quái vật đang muốn nuốt trôi mọi thứ. Nước sông tràn bờ, cứ thế nhấn chìm đường làng, nhà cửa, súc vật...

Lần đầu tiên tôi chứng kiến lũ về là khi lên 9 tuổi, năm ấy cũng độ cuối tháng chín, những cơn mưa kéo dài hết ngày này qua ngày khác. Mưa to dần, nặng hạt, mưa làm nước sông cuồn cuộn chảy. Thế là làng tôi ngập nước. Tôi còn nhớ cả nhà nhốn nháo lên, bố mẹ và chị dọn đồ lên gác lửng những bàn ghế, giường chiếu, chăn màn, đồ áo... Ai cũng hốt hoảng, chỉ có tôi chưa biết gì cứ loay hoay với đống đồ chơi. Đêm ấy lũ vào thật, nước ngập thềm rồi vào nhà, cứ thế nó dâng lên. Cả nhà tôi ngồi trên gác lửng, bố mẹ lo sợ thấp thỏm cầu mong cho nước rút. Cả đêm ấy ai cũng thức trắng chỉ có tôi là ngủ ngon lành.

Một đêm qua đi, mưa vẫn rơi, nước vẫn dâng lên. Ngoài làng tiếng quang quác của lũ gà vịt, tiếng eng éc của bầy lợn, tiếng kêu của những con bò,... Xen lẫn đâu đó là tiếng khóc của những đứa trẻ đang sợ hãi, tiếng khóc của những gia đình đêm qua có người bị lũ cuốn, tiếng đội cứu hộ đưa những gia đình bị ngập nước đi lánh nạn...

Bố tôi bắt đầu ra khỏi gác và bên ngoài có tiếng của đội cứu hộ, bố từ từ xuống, nước dưới nhà đã lên gần tới bụng, bố lội nước đi ra ngoài, đội cứu hộ ghé tới đưa cho bố những gói bánh quy và mì tôm. Chúng tôi mới biết là mình đói vì chiều qua tới giờ vẫn chưa có gì vào bụng. Thế rồi ngày thứ hai, thứ ba với những thức ăn dự trữ và cứu hộ, cả gia đình tôi chỉ biết chờ đợi mong nước đừng lên nữa.

Rồi nước bắt đầu rút, mưa tạnh dần, trời bắt đầu sáng tới chiều thứ tư thì nước rút hết. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm vì nó không lấy đi thứ gì quý giá, chỉ để lại một lớp bùn dày đặc bám vào nền và tường.

Đó là gia đình tôi, còn những gia đình khác thì mất mát nhiều lắm, những thiệt hại về vật chất và tinh thần do lũ gây ra thật khủng khiếp, không thể nào tả xiết.

Các bạn có thể tưởng tượng một khung cảnh tan hoang, nhầy nhụa. Nhìn từ xa cả làng như một mớ hỗn độn, nhất là khu vực ven sông Ngàn Phố. Tất cả bị san bằng.

Cuộc đời thật lạ thay! Tạo hóa cho ta sự sống, cho ta những mầm xanh, những vòm trời trong vắt... Nhưng cũng chính tạo hóa lấy đi cuộc sống yên bình của chúng ta, đẩy chúng ta vào những thách thức, những cơn hồng thủy hung bạo.

Tôi tự hỏi: Biết bao giờ những con người nhỏ bé ấy mới thoát khỏi nanh vuốt của thủy thần? Biết bao giờ họ mới có cuộc sống bình yên?

 

Lê Thị Thùy Dung - ĐH Bình Dương


Phamngochien.com - 14:14 - 21/10/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận