Thèm về ngày ấy (Vĩnh Thông - Sài Gòn)

 

Ta và bạn ngẫu hứng hẹn cà phê cùng nhau trong một ngày trưa ngập nắng - cái nắng miền Nam hắt vào thịt da rát bỏng. Vào thời điểm gần cuối năm học, lại là những năm cuối cấp, hầu như ai cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Ta và bạn cũng vậy, mỗi ngày đều phải tất bật bên đống sách vở chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng, mệt lả người. Hôm nay có được thời gian cà phê tán dóc thế nầy cũng đã may mắn rồi.

Ta và bạn trầm ngâm bên ly cà phê, nhìn nhau chẳng nói câu nào. Mà, thực ra đâu cần phải nói với nhau, đôi lúc nhìn thôi cũng đủ hiểu nhau rồi. Dường như cả hai muốn thời gian chậm lại, muốn được cảm giác nhẹ nhỏm như lúc nầy, muốn rằng…

Ta nói với bạn dạo nầy sao con người trở nên lười biếng hơn trước nhiều quá, mệt mỏi và chán nản quá chừng! Bạn thở dài, gật đầu, cũng chẳng khác gì ta, thi cử tới nơi rồi mà tự dưng có cảm giác chán lắm, mệt mỏi lắm! Nghiêng cặp mắt tròn giấu sau lớp kính cận nhìn ra con đường trước quán cà phê, bạn chợt nói rằng tự dưng thèm được trở về những ngày xưa. Ta ngỡ ngàng, hỏi ngày xưa là ngày nào? Bạn không nhìn, bảo rằng đó là thời thơ ấu, là khi tụi mình còn nhỏ, còn nhỏ, là khi…

Ôi! Khi nào bạn nhỉ? Sao thấy mênh mông quá chừng. Ta ngỡ ngàng không phải vì ước muốn của bạn lạ lẫm, mà vì câu nói đó hay quá, có lẽ ta cũng từng hơn một lần nghĩ đến, nhưng chưa từng nói như bạn. Sách vở, bài học, chữ nghĩa, dự định… bỗng dưng rủ nhau bay mất. Trong đầu cứ như trống rỗng.

Còn lại chăng là chút nắng vàng nhè nhẹ hắt vào khung cửa sớm mai, khi ta trèo lên xe đạp tung tăng đến trường. Còn đây là những gốc cây, mảng tường, sân gạch mà ta hay chơi trò trốn tìm bịt mắt. Còn những cánh phượng giả làm bướm, những lá thuộc bài ép vào trang vở (những trang vở còn lốm đốm những dấu chéo màu xanh đỏ khi chơi cờ ca rô cùng lũ bạn mà lúc nào ta cũng là người thua cuộc). Và, từ trong một góc nào đó rất sâu của ký ức, chợt một ý nghĩ lóe ra và bừng sáng trước mắt, rằng ta cũng thèm, thèm lắm được về với tuổi thơ.

Có phải con người sinh ra trên đời nầy hầu hết ai cũng mắc phải chứng “sợ già” (có lẽ ngoại trừ các vị thiền sư). Sợ - không chỉ đơn giản là sợ mất đi vẻ đẹp trong giai đoạn sung mãn nhứt của đời người, mà còn sợ buông rơi nhiều thứ khác. Sợ rằng khi thời gian càng trôi qua, ký ức về tuổi thơ sẽ không còn giữ được nữa. Sợ rằng những ngày tháng bên nhau rồi cũng là gió là mây trôi tít mù. Sợ ngày mai sẽ lạc nhau giữa thành phố ồn ào. Sợ bỗng dưng quên mất một cái tên nào đó từng gọi… Và, sợ…

Một ngày nào đó ta cũng chợt hỏi mình liệu đã có bị… “lây lan” chứng bệnh nầy chưa? Và, đâu đó, mang máng trong đầu, hình như ta cũng đã có nỗi sợ nầy rồi, dẫu mình vẫn còn đang rất trẻ. Nó tiềm ẩn đâu đó chực chờ để hiện ra và hù dọa cuộc sống yên bình thường ngày. Nói đúng hơn là sợ rằng ngày mai, cũng ngay lại chỗ nầy, ta không còn được là ta của hôm nay nữa.

“Chỗ nầy” là khoảng sân gạch rất rộng, nằm giữa ba dãy phòng xếp thành hình chữ U ngay ngắn. Đã có lúc nào đó ta từng nấp sau lùm cây và nhìn trộm cô gái đang tung tăng rời trường. Có khi ta ngồi tỉ tê cùng lũ bạn những chuyện trên trời dưới đất, để rồi cùng nhau phá lên cười giòn tan, vỡ cả nắng trưa hè. Ta cũng đã từng ngồi giữa khoảng sân nầy để đợi một ai đó, biết chắc rằng họ sẽ không đến, nhưng vẫn chờ và lặng lẽ mang về nỗi buồn mênh mang.

“Chỗ nầy” là gian phòng nhỏ gọn, vừa vặn chứa đủ ba mươi cái đầu tinh nghịch, quỷ quái. Đã có lúc nào ta giấu chiếc dép mà thằng bạn bàn trên vừa bỏ khỏi chân, để rồi hắn la oái oái lên làm rộn vang cả lớp. Có khi nào ta tặng một món quà nho nhỏ cho cô bạn học mà chỉ lén để dưới ngăn bàn chứ không dám đưa tận tay. Và, ta cũng có lúc bậc khóc trong phòng nầy vào buổi học cuối cùng khi nghe câu nói: “Ngày mai thầy về hưu”.

“Chỗ nầy” là cái bục dài vài mét, đủ để thầy đứng giảng bài và trò lên làm bài tập. Rất khiêm nhường như nó lại là nơi thiêng liêng nhứt trong đời người học sinh. Có lúc nào đó ta bỗng thấy dáng vẻ thầy cô bỗng cao lớn phương phi, còn mình thì nhỏ nhoi, bé bỏng và khờ khệch. Ta đã từng sướng rân lên khi tại cái bục cao cao ấy, thầy cô đã hướng dẫn gọn hơ cái bài tập mà mình còn đang lúng túng. Vậy mà cũng có đôi lúc, tại nơi ấy, ta thấy thầy cô khóc.

“Chỗ nầy” là con đường ốm teo, dài ngoằn, dẫn từ quốc lộ vào trường. Nơi đó có những ngày buồn hẹn nhau cà phê, những chiều tan học cùng lũ bạn dầm mưa đùa nghịch, những đêm học tối lang thang tìm quán ăn vỉa hè lót dạ, tồi sáng sớm mai lại mỉm cười cùng nhau đi trên con đường đó vào trường. Con đường ta qua suốt bao năm, quá quen thuộc, thậm chí biết cả từng nhánh cây bên đường. Khi xa rồi làm sao không nhớ?

Và còn nhiều “chỗ nầy” khác nữa. Nhưng, ngày mai, khi trở lại những “chỗ nầy” ấy, ta có còn được trở về với thời áo trắng ngày xưa không?

Bởi vậy bạn ta (và cả chính ta nữa chứ) đều sợ già, đều muốn trở về tuổi thơ. Vì khi con người qua đi khoảng thời gian đẹp nhứt nầy, biết rằng mình sẽ mãi không bao giờ tìm lại được. Cũng sân trường cũ nhưng chỉ có thể ngắm nhìn, không còn được nghịch phá như thuở ấy. Cũng bàn ghế cũ nhưng chỉ có thể ngồi, không còn được nghe tiếng thầy cũ, bạn xưa. Cũng con đường cũ, nhưng chỉ có thể lang thang ăn uống, không còn cái cảm giác la cà, chia sẻ ấm cúng nữa.

Một ngày trở về trường cũ, thời áo trắng đã xa, tuổi thơ đã xa, ngày tháng bên bạn bè đã xa, và chính ta - ta cũng đã xa ta của ngày xưa. Thèm mùi ấu thơ và muốn trở về với tuổi thơ là điều mà nhiều người muốn, nhưng có ai làm được? Mai nầy, khi chông chênh sẽ không còn thầy cô, bạn bè để nương tựa, chỉ còn chăng những ký ức nhạt mờ là niềm an ủi cuối cùng cho ta. Ta và bạn, hơn ai hết, là những người chỉ còn lại khoảng thời gian ngắn ngủi trên ghế nhà trường, nên càng thèm được dừng thời gian lại, được quay lại lúc mới bắt đầu. Để ta còn là đứa học trò hồn nhiên bên bạn bè!

Yêu thương xưa ơi, bao giờ quay trở lại? Bao giờ…

VĨNH THÔNG


Phamngochien.com - 14:25 - 20/09/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận