Muốn trở thành nhà thơ nhà văn có dễ không ? Dễ mà khó: có năng khiếu thì dễ, không thì khó. Một người dễ dàng học để trở thành bác sĩ kỹ sư nhưng không thể học để trở thành một nhà văn nhà thơ đúng nghĩa. Hãy tính nơi thành phố bạn ở có mấy nhà thơ và nhà văn trong một triệu người được bạn đếm trên đầu ngón tay, hoặc một vùng nông thôn rộng lớn hỏi có mấy ai là nhà thơ nhà văn mà bạn thường gặp và quen biết ? Ở đây không có ý nói đến sự khan hiếm để tôn sùng các nhà thơ nhà văn, nhưng đó là thực tế hiển nhiên từ xưa nay - bởi vì không có trường học cụ thể nào dạy để trở thành một nhà thơ và nhà văn đúng nghĩa thực: chính vì thế mà không có số đông nhà thơ nhà văn như các trường đào tạo các ngành nghề khác trong xã hội.
Học ở đâu để trở thành nhà thơ nhà văn ? Thiết nghĩ trường lớp đầu tiên là: Trường thiên phú/ Trường di truyền/ Trường tiền kiếp /Trường đời và lòng đam mê học hỏi, tôi luyện để trở thành một nhà thơ nhà văn đúng nghĩa thực. Ở những ngành nghề khác: khi đã trở thành nghề nghiệp chính thống thì đôi lúc không cần đến sự đam mê sáng tạo, chỉ cần thao tác chăm chỉ lặp đi lặp lại thường xuyên để trở thành bản năng nghề nghiệp. Nhưng đối với nhà thơ nhà văn thì không thể như vậy: vì đam mê và sáng tạo là hai thứ không thể thiếu để giúp nhà thơ nhà văn sáng tác dễ dàng và tạo ra giá trị mới trong văn chương, nhằm giúp độc giả có cái để thưởng thức mà không chán văn chương cũ nhàm, giống như một nhà khoa học luôn nghiên cứu và tìm tòi ra cái mới lạ để phục vụ đời sống vật chất của con người ngày một tiện ích.
Theo quan niệm Á đông: những người làm trong ngành văn chương nghệ thuật đa phần là người có năng khiếu bẩm sinh hồi còn nhỏ. Vì vậy mới có thần đồng thơ, thần đồng âm nhạc, thần đồng vẽ….Hoặc không là thần đồng thì cũng là năng khiếu vượt trội như thích vẽ, thích ca hát,vv…Rồi lớn lên đeo đuổi cái mà mình thích để thành đam mê. Chính cái đam mê và năng khiếu giúp cá nhân vượt lên những người khác không có năng khiếu để trở thành tài năng, đôi khi còn là xuất chúng về cái tài của mình: vì không phải ai thông minh là đều học được làm được như nhà thơ nhà văn (không nói đến nhà văn ở lãnh vực báo đài, cơ quan nhà nước…). Như vậy nhà văn và nhà thơ hồi còn chưa là bầu thai cho đến lúc sinh ra đến khi trưởng thành rồi chết thì họ phải qua hai trường học cơ bản: thứ nhất là trường học siêu hình (thiên phú, tiền kiếp), thứ hai là trường học cuộc đời (kinh nghiệm sống và các bậc học…) mà họ đang sống. Khác hơn nhà văn, nhà thơ thường được người đời ví von là người cưỡi mây lướt gió:
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu)
….
Hồn thi sĩ sáng mưa chiều nắng
Nắng rơi thềm thi sĩ nói là mưa
Mưa rơi thềm thi sĩ hỏi ông Trời
Cớ vì sao Trời kia lại khóc
Thi sĩ ngốc không chịu mình là dại
Dại bao giờ thi sĩ biết làm thơ (Thanh Tân)
Con người nằm trong thế giới “Thiên-địa-nhân”, ngoài các quy luật hiện hữu còn có những quy luật siêu hình chi phối cuộc sống con người nên có những điều không tự giải thích được bằng khoa học thì mượn niềm tin huyền bí để trả lời cho câu hỏi nhiều thắc mắc: «vì sao và tại sao ?» là lẽ đương nhiên trong cuộc sống muôn đời nay. Vì vậy mà các nhà bác học vĩ đại trên thế giới luôn tin vào Đấng toàn năng và cũng tin vào bộ óc vĩ đại có một không hai của mình về lãnh vực khoa học : Niềm tin khoa học sẽ là 70% + 30% niềm tin siêu hình tạo ra đời sống tinh thần và vật chất một cách quân bình. Nên mới có chuyện đứa bé chỉ năm ba tuổi mà biết kể chuyện về cuộc đời trước đó của nó : Nó cho mình là một nhà thơ, thế là nó đọc vanh vách những câu thơ bài thơ không biết có từ đâu, giống như các bậc thi sĩ thời cổ điển bên Tàu thường đi ngao du khắp thiên hạ khoe cái tài « xuất khẩu thành thơ » rất được mọi người ca ngợi. Rồi cha mẹ nó phải kinh hồn thất vía, nghĩ nó bị hồn ma của đại thì hào nào đó nhập vào xác con mình, sợ quá, cha mẹ một hai thỉnh cầu thầy pháp ở tận núi non hiểm trở về lập đàn trừ ma diệt yêu, nhưng có diệt được yêu quỷ gì đâu. Thế là nó trở thành thần đồng thơ được mọi người ca tụng và ái mộ. Cha mẹ nó bây giờ mới thở phào nhẹ nhỏm và rất hãnh diện về tài năng xuất chúng của con mình. Hoặc một họa sĩ đã tái hiện lại một thành phố cổ bị chôn vùi cách đó nghìn năm…Anh ta vẽ các đặc điểm giống hệt như các nhà khảo cổ khai quật. Mọi người ngẩn ngơ cho anh ta là cư dân của thành phố cổ - tức tiền kiếp của anh ta là họa sĩ thì anh ta mới vẽ đúng như vậy. Hay chuyện một đứa trẻ 10 tuổi ở nước Anh, không học tiếng Pháp lại nói được tiếng Pháp như lặt rau. Mọi chuyện xảy ra tương tự như vậy thường cho là tiền kiếp của người đó là thế này thế nọ, vv…Trời đất sinh ra vạn vật trong đó có con người, thường thì ưu ái cho người này người kia một tài năng gì đó, nhưng cũng tước đoạt bớt đi sự may mắn của họ, ví như cụ Nguyễn Du tin vào thuyết Tài – Mệnh tương đố mà gán cho nàng Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.
Trường tiền kiếp cho rằng con người sau khi tái sinh cũng sẽ truyền lại cái nghề nghiệp mà mình vốn có trước đó nếu như thuận nghiệp làm người lần nữa. Khi sống bản thể con người ví như chiếc thuyền con, đến lúc chết thì thuyền con hóa thành thuyền mẹ tức có bản thể lớn hơn. Như vậy trong bản thể thuyền mẹ luôn có bản thể của thuyền con, vì vậy bản thể con người sẽ theo kiếp luân hồi nếu không mắc vào các nghiệp chướng khác.
Nói đến nghiệp văn thơ thường cho đó là người có tâm hồn văn chương, hoặc đó là một tâm hồn nhạy cảm ở tầng siêu thức linh thức, kể cả nhạy cảm với thiên nhiên cảnh vật và đời sống thực của nhà văn nhà thơ. Một điều không thể phủ nhận là chính các nhà thơ nhà văn là người luôn làm cho ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ ngày một phong phú và mới mẻ hơn từ trong « văn viết đến văn nói ». Thử hỏi không có nhà thơ nhà văn thì ngôn ngữ mẹ đẻ có được như ngày nay không ?
Một người thực dụng có tư duy logic thường bác bỏ các quy luật siêu hình, nhưng liệu anh ta có hoàn toàn bác bỏ khi anh ta không thể giải thích được việc anh ta thoát chết trên đường xe cao tốc trong gang tấc. Anh ta điếng người rồi thốt lên: « Chúa ơi !, Phật ơi !, Trời ơi !... ». Nếu như không có Đấng vô hình nào đó cứu anh ta thì anh ta đã bỏ mạng nơi xa trường. Ở đây không cổ xúy cho lòng mê tín dị đoan, chỉ muốn hiểu hơn trong cách nghĩ về nhà thơ và nhà văn mà ở đó có lắm điều bí hiểm không thể giải thích thỏa đáng theo mong muốn của mọi người.
Người ta cho tâm hồn là phần tinh anh của linh hồn nên sau khi chết linh hồn sẽ thoát khỏi thân xác thối rửa…Và chính từ lúc còn sống con người tạo nghiệp ác hay nghiệp lành thì lúc chết các nghiệp này tự biến thành tầng số nào đó như tầng số điện từ chẳng hạn, vì vậy, khi bắt gặp tầng số bầu thai của người mẹ có cùng tầng số thì linh hồn sẽ tái sinh vào bầu thai để ra đời kiếp sống mới, ít nhiều mang đặc điểm của con người xưa cũ nên ký ức của nghìn năm quá khứ sẽ nằm nơi tiềm thức của mỗi người khi tái sinh. Vì vậy mà nhà thơ và nhà văn khi sáng tác thì nguồn tư liệu lấy từ tiềm thức, siêu hình âm thầm cung cấp bất vụ lợi…Nên một nhà văn nhà thơ hay tự đắc là tại sao mình giỏi quá mà không ai bằng. Người ta gọi đó là sáng tác bằng trực giác linh giác. Vì thế có những bài thơ bài văn xa thực tế thì người ta hay gán cho «tâm hồn lãng mạn». Suy cho cùng trong bản thể con người luôn tồn tại chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực: Lý trí thuộc chủ nghĩa hiện thực, tâm hồn thuộc chủ nghĩa lãng mạn…Như vậy trong bản thể cái nào mạnh hơn thì làm chủ cái đó. Tuy nhiên nhà văn và nhà thơ thường là người biết dung hòa: không cho cảm xúc đi quá đà và cũng không cho lý trí quá độc đoán. Người ta còn ví lý trí là dây cương, cảm xúc là con ngựa chứng bất kham…Nó có thể hí hé chòm nhảy rồi bức cương để được tung hoành ngang dọc nhằm thoát khỏi sợi dây cương đã kiềm hãm nó bấy lâu. Vì vậy khi nhà thơ nhà văn hứng khởi, nhất là nhà thơ : anh ta cảm ngực mình như có một lực cảm xúc ùn ùn kéo đến… Anh ta chộp ngay giấy viết rồi viết ngoằn ngoèo những ý nghĩ tràn tuôn đến nổi anh ta viết tắc mà vẫn không đuổi kịp ý... Khi cảm hứng không còn họ thở phào nhẹ nhỏm như nguồn năng lượng hứng khởi vừa thoát khỏi thân xác mà bay đâu đó. Họ coi lại bài thơ vừa thi hứng, có sửa thì chỉ một vài từ, vì « ý và tứ » đều có sẵn trong một bài thơ hoàn chỉnh về hình thức lẫn nội dung: lời hay, ý đẹp, hàm súc, sự truyền cảm. Tuy nhiên, một bài thơ không thuộc thi hứng mà sáng tác theo sự trăn trở ấp ủ thì thường phải sửa rất nhiều, vì phải chọn ý chọn tứ ra sao để diễn một bài thơ trở nên hay theo mong muốn của lý trí hơn là cảm xúc.
Tứ thơ là gì ? Tứ thơ được bàn tới cách đây 1.500 năm trong Văn tâm Điêu long, ở Thiên thần tứ, Lưu Hiệp (đời nhà Lương) đã bàn rất sâu và rất kỷ về tứ. Theo ông tứ thơ là cái gì đó rất phi thường : « Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm ». Ở Việt Nam: Phan Kế Bính, Bửu Kỳ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Nam,…..có bàn đến tứ thơ, mỗi người có cách trình bày riêng. Chế Lan Viên cho: «Tứ chẳng qua là ý lớn toàn bài» (Nghiên cứu Văn học, 11/1961). Nguyễn Xuân Nam lại quan niệm «Tứ là hình tượng xuyên suốt bài thơ» (Lý luận văn học, tập 2, nxb Giáo dục 1987). (1)
Ý thơ là gì ? Là khởi nguồn cho thơ, khi gặp cảm xúc mạnh thì nhà thơ có ý tưởng lưu lại cảm xúc đó, lúc này mới là suy nghĩ trừu tượng trong đầu. Tứ thơ là việc nhà thơ dùng những kỷ năng thơ của mình để diễn đạt(thể hiện) những cảm xúc đó, ý thơ của mình bằng hình ảnh, ngôn ngữ hàm xúc và có vần điệu thành bài thơ (2). Theo Từ điển Thuật ngữ văn học thì tứ thơ là cảm xúc thơ hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ.
Theo thiển ý của người viết có thể ví von vừa vui vừa cụ thể nhằm diễn tả «ý thơ và tứ thơ» như câu chuyện sau đây :
Ngày xưa nước Tàu rất hùng mạnh nên các nước nhỏ trở thành chư hầu. Họ thường đi sứ đi cống để tạo mối ban giao hữu hảo nhằm tránh nước Tàu nổi giận mà xâm chiếm. Lúc đó các sứ An Nam, Xiêm La, Lèo, Cao Miên….cùng dự yến tiệc mừng Lễ đăng quang Thiên tử là con của trời xuống trị vì thiên hạ của vua Tàu. Mọi người ăn uống vui vẻ bỗng có một tên quân ăn mặc chỉnh tề cầm dùi trống đánh vào chiếc trống ba cái rồi đưa dùi chỉ thẳng lên trời rồi lặng lẽ đi vào. Sứ thần các nước nhược tiểu ngơ ngác là không biết chuyện gì. Họ bàn tán một lúc rồi mau mau bỏ ăn bỏ nhậu, lấy bút nghiêng gằm mặt viết mà không dám ngóc lên vì sợ vua Tàu đang láo liêng cặp mắt hung dữ nhìn mọi người như muốn ăn thịt.
Anh sứ An Nam thấy vậy cũng đi tìm giấy viết, anh ta không biết viết gì nên gạch chéo gạch ngang rồi vẽ rồng vẽ rắn như con nít phá phách bút mực. Anh ta suy ngẫm một lúc rồi đem nộp cho quan giám khảo, giám khảo nộp cho vua Tàu. Nhân lúc đi nộp bài anh An Nam lướt mắt copy bài viết của các sứ thần: thì ra thằng lính mắc dịch hồi nảy nó đánh ba cái rồi chỉ dùi lên trời là có ý nói «Hãy làm bài phú về chữ Thiên» để chúc tụng vua Tàu nhân ngày xưng Thiên tử xuống đây để cai quản thế giới rộng lớn.
Các sứ thần nộp bài. Vua Tàu đọc rồi vuốt râu cười khoái chí với bài phú của sứ Xiêm La, Lèo, Cao Miên, sứ nào cũng có lời chúc tụng dễ dàng lấy được cảm tình một ông vua đam mê sắc dục và hung bạo. Các sứ thần được khen và được trọng thưởng hậu hĩnh. Họ vênh váo nhìn sứ thần An Nam trong dáng vẻ khinh thường khi thấy vua Tàu đổi sắc mặt giận dữ. Vua Tàu cầm tờ giấy lộn ngược lộn xuôi mà không đọc được chữ nào, vì thời đó nước An Nam xài chữ Hán của Tàu làm quốc ngữ. Vua Tàu trừng trừng cặp mắt đỏ ngầu vỗ đầu rồng giận dữ quát: « Ê, thằng sứ An Nam mắc dịch kia ! Nhà ngươi viết chữ gì… mà ta đọc hổng được hả !? » Anh sứ An Nam bèn ung dung cung kính: « Thưa Thiên tử bớt giận ! Nước An Nam của sứ thần vừa phát minh ra chữ mới, sứ thần xin đọc chữ mới đó cho Thiên tử nghe ạ ! » Anh sứ An Nam đủng đỉnh vén tay áo rồi bước lên đọc hùng hồn bài phú « chữ Thiên » một cách trôi chảy làm các sứ thần, Thiên tử, quan văn võ của Tàu nghe đều kinh hãi cho cái đầu sắp rụng của sứ An Nam. Thiên tử giận dữ đứng lên: « Cha chả ! Quân sĩ đâu mang tên khi quân này chém đầu cho ta !»
Thế là đại tiệc trở náo loạn chia phe chia phái, bên đòi chém bên can ngăn…Bất ngờ có một đại trung thần đứng ra giải thích là sứ An Nam thật lòng trung thành và có ý tốt với Thiên tử và nước Tàu của ta. Theo bài phú mà sứ thần An Nam vừa xuất khẩu: nghĩa là chúc Thiên tử «bớt ham sắc dục» thì Thiên tử mới «sống lâu muôn tuổi», «bớt tiệc tùng đình đám» thì con dân mới được nhờ, «thiên hạ mới thái bình», Thiên tử có băng hà thì thiên hạ mới «thương tiếc sùng bái», tiếng thơm Thiên tử sẽ lưu truyền nghìn đời sau về đức hạnh vị «Thiên tử anh minh đức độ» lúc nào cũng lo cơm áo gạo tiền cho con dân của mình, vv…Còn các nước sứ thần xu nịnh: chúc cho Thiên tử đam mê sắc dục để mau chết mà hiệp lực chiếm lĩnh nước Tàu của ta, đây là ý đồ xấu cần phải diệt trừ hậu loạn. Cuối cùng sứ thần An Nam được vua Tàu chiêu đãi tiếp rồi thưởng ngọc ngà châu báu chở về nước trăm xe. Các sứ thần khác đều bị chém đầu và bị phạt cống gấp mười lần về tội xu nịnh có ý đồ xấu.
Như vậy, kết quả cùng một chủ đề bài phú «chữ Thiên» là có bao nhiêu sứ thần thì có bao nhiêu tứ khác nhau để diễn đạt ý: khi đó chỉ có một ý. Sứ thần An Nam là người diễn đạt ý và tứ hoàn hảo như: lời hay, ý đẹp, hàm xúc và truyền cảm. Tứ vừa cụ thể vừa trừu tượng, ý sinh tứ tứ sinh ý, vì vậy ý đẹp sinh tứ đẹp, ý xấu sinh tứ xấu…như bài phú của các sứ thần Xiêm La, Cao Miên, Lèo là có ý xu nịnh lấy lòng, chứ không nói lên cái lợi hại như sứ thần An Nam có tính cương trực hữu hảo, nhằm giúp Thiên tử tránh làm điều xấu sẽ có hại cho thanh danh và Thiên quốc.
Như vậy, ý của bài phú là « chúc tụng vua Tàu nhân ngày đăng quang Thiên tử». Tứ của bài phú là: bớt ham sắc dục/sống lâu muôn tuổi/bớt tiệc tùng đình đám/thiên hạ thái bình/thương tiếc sùng bái/Thiên tử anh minh đức độ….Nếu bài thơ ngắn thì ít tứ, bài thơ dài thì nhiều tứ. Ngôn ngữ thơ phải đẹp hình đẹp ý, ý thơ gợi cho tứ thơ tung hoành ngang dọc để diễn lại cái ý thâm thúy. Ví dụ: Một nghệ nhân chuyên chơi cây cảnh : ông ta đến nhìn một thân cây cổ thụ, hình dáng thân cây gợi cho ông hình ảnh một con rồng nghênh gió, bay lượn trên bầu trời xanh bao la mà ông đang nghĩ tới. Như vậy, ông chỉ mới bắt đầu sinh ra ý tưởng(ý thơ), vì cái gốc và hình dáng của cây cho ông sinh ra ý trước nhất : cái ý là nền tản chính. Thân cây gồm có cành lá xum xuê, to nhỏ khác nhau cho ông ý tưởng phát triển thành hình con rồng nghênh gió hoặc tung hoành trong không trung (tứ thơ). Khi nghệ nhân hoàn chỉnh tác phẩm con rồng, du khách đến thưởng ngoạn rồi ai nấy đều trầm trồ thốt lên: «Ồ ! Con rồng đẹp quá, trông nó như đang lồng lộn dưới nền trời xanh !», «Ồ ! Con rồng y như thật, nó đang lồng lộn trong gió xuân !»… Vì nghệ nhân đặt hình con rồng dưới nền trời xanh, gió ào ạt làm cho hình rồng lắc lư như bay như lượn tạo ra sức tưởng tượng cho người xem mặc sức hình dung. Như vậy ý gợi tứ tứ diễn ý, câu thơ trước gợi ý câu thơ sau, tứ trước gợi tứ sau tạo mắc xích liên hoàn như thế đứng của con rồng bay trong gió mà nghệ nhân đã có ý tưởng tuyệt hảo để làm ra nó. Bài thơ tuyệt tác là bài thơ có ý và tứ như tác phẩm con rồng.
Người nghệ nhân này hình thành tác phẩm con rồng thông thường theo hai cách như thể sáng tác ra một bài thơ: Thứ nhất là sự thi hứng bất ngờ : nếu là thi hứng thì thường bài thơ ít khi phải sửa công phu, vì ý và tứ như được lập trình sẵn ở đâu đó trong tâm hồn của nhà thơ. Mỗi khi thi hứng thì tự động nó diễn ra theo lập trình định sẳn từ tiềm thức, trực giác…Thứ hai là sự suy tư ấp ủ về một đề tài nào đó : lúc này nhà thơ trăn trở tìm ý tìm tứ để diễn. Nhà thơ thường lập dàn ý ở trong đầu hoặc lập ra giấy như lập dàn ý một bài văn. Nhà thơ bắt đầu làm thơ như làm một bài văn được diễn theo dàn ý. Thường làm thơ kiểu này thì dung lượng lý trí sẽ nhiều hơn dung lượng cảm xúc, vì nhà thơ phải chọn: thể loại thích hợp, câu chữ, từ ngữ, lạ hóa,…. Nhà thơ dùng thủ thuật tạo thành một bài thơ theo ý muốn của mình. Cũng tương tự như vậy: nghệ nhân này sáng tạo ra tác phẩm con rồng một cách dễ hiểu hay khó hiểu, giống như làm một bài thơ « dung dị dễ hiểu » hoặc « rắc rối khó hiểu ». Như tác phẩm « con rồng » ở trên thì nghệ nhân đã làm ra một tác phẩm dễ hiểu: là mới nhìn là cảm thụ được ngay. Giống như nghe Nhạc Sang là loại khó hiểu so với Nhạc Bolero là loại dễ hiểu: vì lời nhạc Bolero rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Người ta có thể mượn một hai câu hát quen thuộc để ngân nga trong lúc làm việc mệt nhọc như cách tạo thêm năng lượng để hoàn thành sớm công việc được giao. Người nhạc sĩ sáng tác nhạc Bolero không phải là người không có kiến thức văn chương văn học, trái lại họ là người thấu hiểu nỗi lòng con người và thế sự tình đời rất sâu sắc. Họ thường sử dụng ngôn ngữ đời thường làm ca từ mà không nặng trau chuốt hay nâng cấp nó lên tầm văn chương chữ nghĩa để có nhiều so sánh, ẩn dụ… Chính vì vậy mà nhạc Bolero đã tồn tại và phát triển ngày một lan rộng trong cộng đồng người nghe nhạc, vì mỗi lời nhạc như có nỗi lòng người nghe trong đó. Như vậy bài thơ nào có mang đặc điểm của dòng nhạc Bolero thì làm người đọc dễ dàng nhớ hơn, chẳng hạn như một số bài thơ tình mộc mạc của Nguyễn Bính luôn ghi đậm được dấu ấn trong lòng người đọc, vì đọc thơ Nguyễn Bính dễ thấy mình ở trong đó :
Thư cho chị
Viết thư cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi
Làm sao giấc ngủ không dài
Sao đêm không ngắn, mà trời cứ mưa
…..
Hôn nhau lần cuối
Cầm tay anh khẽ nói
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi, anh đi….
Tuy nhiên, cốt yếu vẫn phụ thuộc vào tâm tính của mỗi nhà thơ: người thì làm thơ “dung dị dễ hiểu”, người thì làm thơ “ rắc rối khó hiểu” là phụ thuộc vào Trường đời/ Trường siêu hình… mà nhà thơ đã được đào tạo như nói ở trên.
Cuối cùng, văn chương không có đúng cũng không có sai: Màu trắng với tôi là sự thanh khiết thanh bạch, màu trắng với bạn là sự tang thương chia lìa. Văn chương thường là sự lặp lại của cái có trước đó, vì vậy nó rất cần sự sáng tạo mới lạ từ các nhà văn và nhà thơ để cho văn chương không cũ không nhàm chán như số người nghĩ./.
(Ngày 4/4/2019 Kỷ Hợi)
Phan Thanh Tâm
* Chú thích:
(1) theo tác giả Nguyễn Xuân Yên.
(2) theo tác giả Nguyễn Trọng Hòa.