Tản mạn chuyện ghiền sách (Huỳnh Văn Quốc)

 

Không biết tự bao giờ, những người ghiền sách được gắn cho “nhãn hiệu” “con mọt sách”, nghe rất gợi hình, hơn nữa, lại rất ý tại ngôn ngoại, mỗi người có thể nhìn nhận một kiểu.

Tôi nghĩ việc chọc vui này (hay chính các “chú mọt” tự trào) cũng không có gì đáng phải tự ái, ngược lại còn thấy đó là hình ảnh đẹp và lương thiện. Không phải nói cho mình, mà nhìn chung “mọt sách” là một loại nghiện dễ thương nhất trần đời. Với nhịp sống hiện nay, tìm cho ra những “con mọt sách” trong mỗi nhà là điều đang dần trở nên hiếm có, thay vào đó là “mọt smartphone”, “mọt ipad”, “mọt tivi”…

Dĩ nhiên, trong những máy móc hiện đại đó cũng gồm cả sách, có điều sách có đến được với người đang lướt màn hình hay không, lại là việc khác. Có người bạn là tiến sĩ văn chương, nhà giáo, xưa cũng là mọt sách sẵn rồi, giờ với phương tiện thời @, anh chuyển cái tính “mọt” ấy từ tủ sách gỗ sang “tủ sách” máy.

Anh khoe với tôi: “Tui mới tậu được máy đọc sách, chứa cũng cỡ cả thư viện chứ không ít. Tiện lắm, pin đọc được cả tuần, ánh sáng không hại mắt như điện thoại. Ông cũng dân ghiền, nên kiếm một chiếc, chứ chứa sách giấy chật nhà”. Thấy anh ta phấn khởi mà tôi vui lây, cũng muốn kiếm cho mình một chiếc thật. Tuy nhiên, tình cảm của tôi từ lâu đã dành trọn cho sách giấy mất rồi.

Còn nhớ vài năm trước, cũng người bạn ấy mua giúp tôi thùng sách từ TP Hồ Chí Minh về vào một chiều cuối năm, những bộ sách mà ở địa phương không có vì ít người mua. Tôi rinh thùng sách xuống xe mà muốn chúi mũi, mới hình dung ra cái vất vả của bạn vì giúp tôi mà khác nào Đường Tăng thỉnh kinh ngày xưa.

“Cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, vậy mà tôi “nướng” vào thùng sách này một khoản kha khá gần tháng lương, có nghĩa phải giảm thiểu các khoản chi khác chứ đâu có rải đều được. Anh bạn rất chi là ủng hộ, chia sẻ ra chiều… thông cảm: “Một sở thích lương thiện mà, không có gì phải áy náy! Có người thích chơi gà đá, có người thích nhậu, người thích hát hò, người thích bài bạc, người thích gái gú…

Toàn những sở thích phá gia. Nhưng tui chưa thấy người nào không thích gì. Hì hì…”. Hai “cha nội” cùng ghiền sách giống nhau nên an ủi nhau nghe… cũng được, tuy việc trả giá cho cái sự ghiền này cũng không hề nhẹ giữa lúc cái Tết cận kề. Cũng lạ, khi đem về, cả nhà thấy tôi hí hửng với thùng sách, lại xúm vào trầm trồ mới hay chứ, xem ra thật là hạp trong sự chia sẻ nên niềm vui càng được nhân lên rất nhiều!

Tuy không phải là người thuộc thành phần dư dả gì, nhưng với tôi khi mua sách là không hề tiếc tiền nếu vẫn còn đủ mua. Có những bộ sách lớn (như dạng Từ điển bách khoa chẳng hạn), giá từ vài ba trăm đến hàng triệu đồng trở lên.

Có người sẵn sàng mua chú chim cảnh hàng chục triệu, nhưng khi thấy tôi mua sách như vậy thì lắc đầu lè lưỡi, cho là… xa xỉ quá! Còn tôi thì lại nghĩ: Nếu bỏ trí tuệ và công sức viết ra một cuốn hoặc một bộ sách lớn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), như Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi… thì tốn biết bao nhiêu năm?

Trong khi hiện tại chỉ có mấy trăm ngàn (thậm chí mấy triệu cũng vậy) là ta có cả mấy chục năm lao động trí tuệ của tác giả nằm gọn trên bàn, để mỗi người tùy theo ngành nghề của mình mà chỉ việc ung dung tận hưởng thành quả của tác giả sách, chẳng phải là một cái giá quá mềm và quá lãi cho tri thức sao? Tuy nhận ra như vậy, nhưng tôi vẫn muốn giá các bộ sách quý được “mềm” hơn nữa để dễ dàng đến được với người hâm mộ, trong đó có mình!

Có một câu nói rất cảm động: “Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy” (Horace Mann).

Và đây là câu khác của một người Nho học thời xưa: “Kẻ sĩ ba ngày mà không đọc sách thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe” (Hoàng Đình Kiên). Và câu nữa của một… fan cuồng sách: “Tiền vốn đặt vào công việc gì cũng không lợi bằng đặt vào việc mua những sách hữu ích” (H.N.Casson). Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, hương thơm của sách đã tỏa ngát mọi tâm hồn nhân loại.

Đó là nói những sách hữu ích, còn sách giả, sách nhảm thì miễn bàn.

HUỲNH VĂN QUỐC


Phamngochien.com - 18:36 - 26/04/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận