Phai lạt phương ngữ xứ Nẫu (Phùng Hi)

 Hiệp hội giám sát ngôn từ toàn cầu GLM (Global Language Monitor) công bố hôm tháng 4 năm 2009 rằng kho từ vựng tiếng Anh đã đạt tới con số 1 triệu. Ứng cử viên từ vựng thứ một triệu có thể là: Web 2.0, Defriend, N00b, Jai ho hoặc Slumdog. Cái cách họ sưu tra, nâng niu từ vựng phát sinh, làm chạnh nghĩ về sự phai lạt phương ngữ của xứ Nẫu tui.

Trong bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, sử dụng ở cấp tiểu học suốt mấy thập niên nửa đầu thế kỉ 20, luôn chú thích sự khác biệt từ vựng của ba miền Bắc - Trung - Nam. Xin thí dụ mấy câu văn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư (nxb Trẻ, tái bản năm 1993): "Không ý tứ, thường làm hỏng (92) (sai) việc, và có khi nguy đến thân". "Ta phải giữ gìn thân thể, quần áo, sách vở cho thật sạch. Có sạch thì người ta mới ưa. Bẩn thỉu (74) (nhớp nhúa) thì ai cũng ghét". Tác giả ghi chú: Những tiếng trong ngoặc đơn là tiếng Trung kỳ, những tiếng đánh số là tiếng Nam kỳ, (92): , (74): dơ dáy. Ngày đó các tác giả soạn sách giáo khoa rất lưu tâm phổ biến ngôn ngữ vùng miền. Nói vậy để thấy quan ngại cho việc phai lạt dần phương ngữ Nẫu hiện nay.

Tui ở Phú Yên nhưng mỗi lần nghe người Bình Định phát âm, cứ tưởng nẫu là người Phú Yên như mình. Đi trên đường phố Qui Nhơn nghe trẻ em cười giỡn, ngỡ mình chưa ra khỏi thành phố Tuy Hòa, giống nhau đến thân thương lạ. Chúng ta có xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng ... và còn có xứ Nẫu. Cái tên "xứ Nẫu" độc đáo ở chỗ "nẫu" không phải địa danh, "nẫu" là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều. Thí dụ thay vì hỏi: "Người ta làm gì vậy?" thì hỏi: "Nẫu làm gì dzậy?".

Ở đây tui không bàn đến cách phát âm sai của người xứ Nẫu, như là:

Vần ôi thành vần âu, thí dụ: trái ổi thì nói trái ẩu.

Vần ươi thành vần ư, thí dụ: cười thiệt tươi thì nói cừ thiệt tư

v.v...

Việc này có cần phải sửa hay không, không quan trọng. Nhưng vốn từ vựng xứ Nẫu mà người dân dùng giao tiếp hằng ngày sau đây, ít được hoặc gần như không được đưa vô văn viết hoặc văn nói trên các phương tiện thông tin. Xin chia làm hai nhóm từ đặc biệt sau:

Nhóm từ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba:

ảnh = anh ấy, anh ta; chỉ = chị ấy, chị ta; ổng = ông ấy, ông ta; bả = bà ấy, bà ta; cổ = cô ấy; cô ta. Nhưng chú ấy, dì ấy ... thì không có từ thay thế.

nẫu = người ta, nậu = người ta, nẩu = người ta.

"nậu" tương đương "nẫu", nhưng cách dùng khác hơn. Thí dụ nói nậu trển dìa, hiểu là nhiều người ở phía tây hoặc ở vùng cao xuống. Đôi khi nhân viên cấp dưới còn dùng nậu trển dìa chỉ ngầm cán bộ cấp cao hơn về thăm cơ quan mình. Xin chép mấy câu ca dao thú vị:

Con cá nó lội dưới sâu

Trên bờ nẫu lấy cần câu nẫu quờ.

 

Chiều chiều mây phủ Đá Bia

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm.

Nẩu cũng được dùng như nẫu, có lẽ do cách phát âm.

Thương chi cho uổng công tình

Nẩu dìa xứ nẩu bỏ mình bơ vơ.

Nẫu, nậu, nẩu đôi khi được dùng như ngôi thứ ba số ít, như nẩu trong câu ca dao vừa thượng dẫn.

Nhóm từ chỉ phương hướng:

dìa trỏng = về trong đó, về trong ấy; dìa quảy = về ngoài đó, về ngoài ấy; lên trển = lên trên ấy, lên trên đó; ra quảy = ra ngoài ấy, ra ngoài đó; qua bển = qua bên đó, qua bên kia ...

Theo cách biến âm trong thành trỏng, trên thành trển thì về ngoài đó phải nói là dìa ngoải, nhưng đọc chệch tiếp lần nữa thành dìa quảy cũng chẳng sao, chẳng sợ lầm lẫn với ai. Thí dụ một mẩu đối thoại:

- Ổng tính đi đâu dzậy?                  

- Ổng dô trỏng một chút, tui chở ổng đi.           

-  Nói ổng đi rầu dìa sớm, còn theo bả ra quảy nghen!

- Ời.

- Còn chừng nào mày đưa dzợ con dìa trển?

- Dạ, chắc mai.

Những từ như: Trưa trật (quá trưa), sớm bửng (rất sớm), tối hù (tối lắm), khác quảy (rất khác) ... người xứ Nẫu dùng hằng ngày, nghe rất đặc trưng, rất Nẫu. Nhưng người viết văn xứ Nẫu rất ngại dùng vốn từ vựng đặc trưng này, phần sợ người đọc không hiểu, phần thiếu tự tin rằng nó không hay, không phổ thông. Thảo nào không trách học trò làm văn, thay vì viết ba má tụi em, thì viết bố mẹ chúng em. Nếu không giữ được bản sắc là đồng nghĩa với tha hóa vậy.

Tui biết nhiều người cho rằng số từ vựng khác biệt của xứ Nẫu, chỉ là một thứ khẩu ngữ. Hiểu vậy có sai không? Vì xét cho cùng phần lớn từ vựng phát sinh chủ yếu qua giao tiếp. Đáng tiếc là, ngay cả những người xứ Nẫu làm công tác báo chí, văn nghệ, phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân địa phương nhưng trong cách nói, cách viết ngày càng phai lạt phương ngữ Nẫu. Không hiểu vì lí do gì!

Trên con đường hội nhập toàn cầu, chẳng lẽ ta cứ cởi dần những "hành trang văn hóa" mà đi tay không đến dự cuộc chơi lớn với nhân loại sao?

Phùng Hi

 


Phamngochien.com - 14:00 - 08/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận