Những ngày cận kề giáp Tết, tiếng nhạc rộn ràng vang lên từ những cửa hiệu trên đường phố tấp nập người qua lại. Ai cũng hào hứng sắm cho mình những bộ đồ tinh tươm để đón Tết. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó những con người luôn hoài niệm về cái Tết xưa giữa cuộc sống hiện đại ngày nay.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua 

(Ông đồ -  Vũ Đình Liên)

Những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tuy ra đời đã lâu nhưng thật phù hợp với hoàn cảnh xã hội bây giờ. Những giá trị xưa cũ bị mai mọt dần, người ta lãng quên những phong tục tập quán của ông cha ngày trước để hướng tới sự hiện đại và tiện nghi hơn.

Ngày bé, tôi còn nhớ mãi hình ảnh bà tôi cùng mẹ và các cậu hối hả chuẩn bị cho ngày Tết như thế nào. Bà đi chợ từ sáng sớm mua thịt, đỗ xanh, lá dong, lạt…để gói bánh chưng. Mọi người xúm xít ngồi đầy cả sân, mỗi người một công việc, người ngồi lau từng chiếc lá dong, người ngồi thái thịt lợn để làm nhân bánh. Dáng cậu tôi ngồi lom khom bên bà để học gói bánh, miệng lẩm nhẩm ghi nhớ từng công đoạn. Đêm hôm ấy, cả nhà thức canh nồi bánh chưng đang đỏ lửa, háo hức nhìn những chiếc bánh chưng vuông vức xinh xo trong nồi đang được nấu chín.

Ngày xưa, người ta đến nhà nhau biếu quà Tết bằng những đồng bánh chưng như thế, dăm ba câu chuyện cùng vài nắm hạt dưa, hạt bí, nước chè đắng vàng sóng sánh trong cái chén nhỏ. Tình quê thắm đượm như thế, nhà nào cũng mở rộng cửa đón khách sang chơi, luôn miệng nói: “Chúc mừng năm mới”.

Ngày nay, bánh chưng ngoài chợ bán vài chục ngàn một cái, người ta thi nhau mua dăm ba cái về nhà trưng Tết, vừa tiện lại đỡ tốn công gói. Thế nên, bây giờ có mấy ai còn biết gói bánh chưng. Người lớn mất dần các khái niệm về Tết và trẻ con chỉ nhớ Tết để được lì xì và nghỉ học. Xã hội ngày một phát triển, nhà mọc lên như nấm, sân vườn không có thì người ta còn không gian nào để nấu bánh chưng?

Ngày xưa cuộc sống thiếu thốn, trẻ con người lớn chỉ mong đến Tết để được ăn ngon. Mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm ngày Tết, trên mâm có món thịt đông béo ngậy, bát dưa hành cha thích ăn, con gà luộc vàng ươm mẹ nuôi cả năm đợi đến Tết. Ngày nay, bữa cơm ngày Tết no đủ hơn rất nhiều, món mặn món nhạt, món luộc món xào đủ cả nhưng ai cũng ngao ngán vì quá tải trong mấy ngày Tết. Có lẽ khổ nhất vẫn là chị em phụ nữ, mâm cơm dọn lên lại dọn xuống, đàn ông thì uống say sưa, phụ nữ thì tất bật trong bếp. Từ khi nào Tết lại trở thành nỗi ám ảnh của mọi nhà đến vậy?

Không khí Tết xưa là tiếng đùa vui của trẻ con khắp xóm khắp làng, tiếng các bà các mẹ cười nói vang cả nhà trên nhà dưới. Không khó để chúng ta bắt gặp khuôn mặt rạng rỡ hơn ngày thường của mọi người, năm nay có chuyện gì mới, nhà ai có dâu rể mới đều được nói đến.

Đối lập với không khí đó, Tết của hôm nay dừng lại sau cánh cửa, người ta ngại ra đường vào dịp Tết vì sợ tốn kém và ồn ào. Người ta coi Tết chỉ đơn giản là dịp để ngủ lâu hơn một chút, được cuộn tròn trong chiếc chăn xem ti vi. Những ngôi nhà vẫn im lặng đóng chặt chỉ hé chút khe hở để người ta biết rằng mình vẫn có nhà. Cây mai, cây đào cũng chẳng có dịp để khoe sắc xuân đến mọi người.

Người xưa hay người nay đều thích Tết, chỉ khác nhau ở chỗ, người này tận hưởng niềm vui còn người kia chỉ đón chờ tài lộc. Nhiều người bồi hồi nhớ vị Tết xưa nhưng có lẽ nó chỉ còn là kí ức đẹp không bao giờ trở lại.

Phạm Thị Lan