Những bến đò trên sông Đà Rằng xưa (Huỳnh Khang)


Sông Đà Rằng là tên gọi của dòng sông Ba, đoạn từ đập Đồng Cam ra tới biển. Đoạn sông này dài chừng 30 km và tên Đà Rằng có thể được đặt từ khi có đập Đồng Cam. Có thuyết nói rằng Đà Rằng là đọc trại từ Ea Drang của tiếng Chăm (Ea Drang có nghĩa là “con sông lau sậy”). Dân hai bên bờ sông thì gọi là Sông Cái.

Trước kia, sông Ba là con sông hoàn toàn tự nhiên. Từ năm 1924 người Pháp khi đô hộ Việt Nam đã tiến hành xây đập Đồng Cam, đến năm 1932 thì đập hoàn thành để dẫn nước về đồng bằng trù phú Tuy Hoà. Nhờ có con đập này điều tiết nên nước sông Đà Rằng luôn dồi dào, đầy ắp quanh năm. Lòng sông Đà Rằng rộng, chỉ có đoạn gành Bà là chảy hơi xiết còn lại nước chảy tương đối êm đềm. Hai bên bờ sông là những bãi soi rộng ngút mắt, người dân thường trồng sắn, bắp, mía, khoai lang, đậu phộng…trên các bãi bồi ven sông.

Ngày xưa, khi chưa có cầu, ngoài lội thì đò là phương tiện chính để qua sông hay đi các vùng lân cận. Thế nên, dọc hai bên bờ sông cũng đã hình thành nhiều bến đò.

Trên con đường thiên lý Bắc - Nam thì các bến sông thường là nơi tướng sĩ khi hành quân tắm gội, lấy nước uống…Từ các bến sông êm đềm này có thể đã xuất hiện đò để đưa tướng sĩ qua sông, mở ra các con đường đi, hình thành các làng mạc mới về phía mạn nam sông Đà Rằng.

Bến đò cũng có thể xuất hiện do nhu cầu đi lại, buôn bán của người dân hai bên bờ sông. Những người chèo đò ngang thường là người nhà ở gần sông hay có đất trồng trọt ở bãi soi gần khúc sông nước chảy êm rồi sắm ghe đánh cá và đưa đò luôn, lâu ngày thành bến đò.

Đò cũng có thể hình thành do nhu cầu kết nối, giao lưu về văn hoá giữa hai bên bờ sông. Người dân hai bên sông thường qua lại giao lưu về văn nghệ, bài chòi, hát bội, lô tô…nhất là dịp Tết. Những buổi giao lưu này là cơ hội cho trai gái hai bên bờ làm quen nhau, có tình cảm với nhau và tiến tới hôn nhân. Bến đò cũng là nơi hẹn hò của các cặp; là nơi đưa dâu, rước họ của những cặp phải lòng nhau ở hai bên sông…

Nói bến đò chứ thực ra cũng chẳng có bến bãi gì to tát lắm. Bến đò thường chỉ là một con kiệt nhỏ dẫn ra phỉnh đất nhỏ cạnh bờ sông. Đò thì cũng chẳng nhiều, thường nhất là chỉ một chiếc ghe nhỏ để đưa người và hàng hoá qua lại. Ghe để đưa đò cũng thường là ghe nan, sõng nhỏ…mỗi lần chở chừng năm, sáu người.

Theo tìm hiểu của tôi thì trên sông Đà Rằng đã từng có các bến đò ngang sau:

Đò Xóm Chiếu (phường 6, tp. Tuy Hoà) qua Đông tác (Xóm Rớ)

Đò Ngọc Lãng( Tp. Tuy Hoà)  qua Phú lễ (Hoà Thành- Đông Hoà)

Đò Phú Lộc (Hoà Thắng) - Phú Nông (Hoà Bình 1, giáp soi Vùng Bắc –Hoà Thành)

Đò Phong Niên (Hoà Thắng) – Phước Mỹ Tây (giáp Mỹ Lệ - Hoà Bình 2)

Đò Bầu Đục (Thị trấn Phú Hoà)  - Lò Giấy (Phước Thành giáp Phước Thịnh).

Đò Phú Sen (Hoà Định Tây) - Thạch Thành (Hoà Phú)

Đò Lù Cây Sộp (Hoà Định Tây) – Đồng Me (Sơn Thành)

Ngoài ra, đoạn sông gần cầu Đà Rằng cũ còn có các bến sạn. Bến Sạn là nơi ghe chở sạn về tập kết, bán sạn. Bến sạn phía bờ nam nằm ngay quán Gió. Bến sạn bên bờ bắc nằm gần chùa Ông.

Các bến đò thường gắn liền với các chợ buôn bán sầm uất và các chợ phiên như: chợ Phong Niên, chợ Đông Bình, Chợ Bầu Đục, Chợ Phú Nông, chợ Phú Thứ, chợ Mỹ Thạnh…Thế nên, các bến đò tấp nập nhất là buổi sáng: từ 4h sáng cho tới giữa trưa. 

Bên cạnh các đò ngang thì trên sông Đà Rằng xưa cũng có đò dọc. Ngày xưa, khi phương tiện giao thông chưa có, đường sá xấu nên đò dọc cũng là phương tiện di chuyển chủ yếu trên sông Đà Rằng. Các bến đò như Xóm Chiếu, Ngọc Lãng, Phong Niên…lấy hàng hoá vùng miền xuôi rồi chở đi buôn bán trên các vùng miền núi. Các chủ đò dọc thường là những thương nhân buôn bán trên sông và các chợ trên khắp Tuy Hoà.

Từ Xóm Chiếu, Ngọc Lãng đò theo dọc sông Đà Rằng lên Phong Niên, Bầu Đục- Lò giấy, Phú Sen - Thạch Thành…bỏ hàng để hàng hoá đi các chợ ở Phú Thứ, Phú Nhiêu, Đất Đỏ hay lên tận Củng Sơn, Chợ Đồn Vân Hoà (Sơn Long -Sơn Hoà)…Đò Xóm Chiếu cũng theo sông Chùa lên Bến Lội, Bến Đục, đến các xã phía bắc Tuy Hoà (Hoà Trị, Hoà Kiến, Hoà Quang) để buôn bán, trao đổi hàng hoá. Các sản vật miền xuôi như cá, mắm, muối, gạo...được chở lên miền cao để đổi các món lâm sản như trái cây, gỗ, sắn, bắp, dầu rái… Qua giao thương, buôn bán mối tình giữa hai miền xuôi - ngược được thắt chặt, gắn bó keo sơn. Ca dao có câu:

“Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”

Bến đò tấp nập, nhộp nhịp nhất trên sông Đà Rằng xưa là bến đò Phong Niên. Bến Phong Niên nhộn nhịp vì có chợ Phong Niên họp nhiều phiên trong tháng. Những ngày chợ phiên diễn ra thì bến đò Phong Niên thường đông người qua lại. Ghe từ bên mạn nam qua, trên miền ngược xuống và dưới biển lên. Đò từ biển lên thì chở theo cá, mắm, muối…Đò từ trên núi xuống thì chở theo than, heo con, bò, chuối và những trái cây khác. Đò từ mạn nam sông qua chủ yếu là chở lúa, gạo và đồ nan tre như bồ, cót, rổ rá, thúng mủng…

Các đò dọc này thường là ghe kinh, rộng gần 2m và dài chừng 10m. Thường khi đi lên ngược nước, các chủ đò sẽ lợi dụng sức gió để căng buồm lên đi. Khi đi xuống thì lựa theo con nước, dòng chảy mà đi. Những người chèo đò dọc xưa thuộc lòng từng con nước, xoáy nước trên sông nên họ đi cả ban đêm mà không cần đèn đuốc gì cả.

Bến đò trên sông Đà Rằng đã dần dần đi vào dĩ vãng kể từ khi đường sá mở mang với sự xuất hiện của những cây cầu hiện đại. Từ năm 1924 người Pháp đã cho xây cầu đường sắt Đà Rằng và đến năm 1929 thì hoàn thành. Cầu này được dùng chung cho cả đường bộ và đường sắt với hình thức lưu thông một chiều (một lượt qua, một lượt lại). Từ tháng 2 năm 1971 khi có cầu đường bộ Đà Rằng riêng với cầu đường sắt thì đò ngang Xóm Chiếu, đò Ngọc Lãng hầu như dừng hoạt động. Đò Phú Lộc – Phú Nông cũng không còn hoạt động từ lâu. Đò Lò Giấy, Phong Niên thì ngừng hoạt động gần đây khi có cầu Dinh Ông. Đò Phú Sen – Thạch Thành thì thi thoảng mới thấy đò qua lại mà chủ yếu là người hai bên sông đi thăm nhau hay đi đám tiệc qua lại.

Nước sông Ba cũng cạn kiệt từ khi có các thuỷ điện mọc lên phía thượng nguồn. Sông Đà Rằng giờ quanh cũng trơ xương, khô nước nên đò dọc cũng không còn nữa. Đoạn gần cầu Đà Rằng thỉnh thoảng có vài cái thuyền buồm nhưng chỉ là làm cảnh cho vui.

Hiện nay chỉ còn duy nhất bến đò đi từ Hoà Định Tây qua Đồng Me là còn hoạt động. Đò này đưa khách đi từ quốc lộ 25 muốn qua quốc lộ 29 để đi Sơn Thành, Sơn Giang... Quốc lộ 25 đoạn qua xã Hoà Định Tây có 3 cây sộp đứng giữa đường và trên đoạn đường này có nhiều lù âm dưới đường để thoát nước từ vùng núi phía bắc và từ suối Gấm ra Sông Đà Rằng. Có lẽ vì vậy mà bến đò này được đặt tên là bến đò Lù Cây Sộp. Bến đò Lù Cây Sộp nằm phía dưới Mặt Hàn (Đập Đồng Cam) chừng hơn 2 cây số. Con đường dẫn đi từ quốc lộ 25 xuống bến đò này dài chừng hơn 100 m, có độ dốc khá cao, hơi khó đi. Bình thường nước trên đoạn sông này chảy chậm rãi, êm ả. Đứng trên đò nhìn lên phía trên phong cảnh núi non rất hùng vĩ và thơ mộng. Bây giờ không còn dùng ghe nan, sõng nhỏ như trước nữa mà dùng chiếc phà nhỏ có gắn máy nên chở được nhiều người cùng xe máy. Bến đò này rất đông khách qua lại trong dịp tết.

Cùng với luỹ tre, đồng làng, đình làng…con đò từ ngàn xưa đã thân thuộc với đời sống của con người nơi vùng thôn quê sông nước. Hình ảnh con đò đã khắc sâu trong tâm khảm của người nhà quê. Con đò cũng là biểu tượng của làng quê xưa, được nhân cách hoá trong ca dao, văn thơ với đời sống như là một con người:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

(Ca dao)

Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách

Con đò ghếch bãi suốt ngày chơi”.

(Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi) ...

Hình ảnh người giáo viên xưa nay vẫn ví như người chèo đò. Những cặp yêu nhau mà chia ly, đứt gánh giữa đường thì ví như lỡ chuyến đò…Lỡ đò là phải chờ chuyến sau. Nếu mà lỡ chuyến cuối thì sẽ không qua được con sông hôm ấy. Thế nên, những buổi chiều tà, người ra bến đò sang sông thường đi gấp, hối hả vì sợ lỡ chuyến đò chiều!

Đò ơi, đò ơi đò…là tiếng gọi nghe rất thân thương đối với người dân vùng sông nước bao đời nay. Đi trên đò qua sông bên dưới là dòng nước lững lờ êm trôi, trên bờ là quang cảnh bãi soi xanh mát làm cho ta cảm giác bềnh bồng, sảng khoái, nhiều cảm xúc.

Các cây cầu bắt qua hai bên bờ sông là cần thiết, giúp cho giao thông thuận lợi giữa hai bên bờ sông. Nhờ có những cây cầu mà việc qua lại, giao lưu, buôn bán trở nên dễ dàng, đã giúp phát triển kinh tế theo yêu cầu của thời đại mới. Các bến đò xem như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Dù biết vậy, nhưng mỗi lần đi ngang qua các bến đò xưa tôi vẫn luôn có chút cảm giác bổi hổi bồi hồi nhớ về dòng sông Đà Rằng xưa, nhớ về bến cũ, "...tiếng ai gọi đò.” (Tú Xương).

Sài Gòn, tháng 12/2021. Huỳnh Khang.

 

Huỳnh Khang - (vào lúc: 15:12 - 12-30-2021)
Em cám ơn thầy rất nhiều! Em đã kiểm tra các địa danh lại thì quả đúng như thầy nói! Em đã nhờ anh Phạm Ngọc Hiền chỉnh sửa lại phần Phú Lộc và Phú Sen. Một lần nữa em cám ơn thầy thật nhiều! Chúc thầy và gia đình sức khỏe, an vui! Happy New Year 2022!
Đào Tấn Phần - (vào lúc: 09:12 - 12-29-2021)
Bạn Huỳnh Khang thân mến! Đọc những bài viết của bạn, tôi thấy có mình trong đó. Tôi là dân Gành Đá, Mỹ Hòa, Hòa Thắng. Cám ơn bạn Huỳnh Khang nhiều. Vì một lý do nào đó mà bạn và nhiều người khác phải xa quê nhưng những gì bạn viết đã làm cho những người "bị" ở lại thấy phần nào được an ủi. Trong một vài bài viết trước đây, bạn có nói tâm trạng của bạn trong những lần từ Sài Gòn về lại quê Phú Yên làm tôi nhớ đến những cảm giác mà mình đã trải qua, gần đúng như những gì bạn kể về những chuyến trở về của mình. Vì một lý do khá đặc biệt cho nên khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng có một vài lần đi Sài Gòn, nhưng ngay khi đặt chân xuống Sài Gòn là thấy muốn về. Thường là đi vô chiều hôm trước thì ngay chiều hôm sau ra bến xe Miền Đông để về lại Phú Yên. Mờ sáng, xe về đến Ninh Hòa, rồi sau đó đến Vạn Giã lúc này trong người thấy gần như là đã đến quê. Đặc biệt, khi thấy Đá Bia và sau đó nữa là xe bắt đầu chạm chân đèo Cả, lúc đó cứ xem như mình đã đến nhà. Cách đây vài tuần, nhân có đọc một bài thơ của bạn Quốc Sinh, bạn ấy viết về quê hương Hòn Khói đẹp như tranh vẽ và đầy kỷ niệm của bạn ấy, và mình nghĩ ai đó còn có một quê hương để nhớ như quê hương Hòn Khói của bạn Quốc Sinh thì người đó đã là người hạnh phúc. Xin nhắc nhỏ, trong các bài viết, có một số chi tiết về địa danh không được chính xác lắm, ví như: Phú Lộc thuộc xã Hòa Thắng chứ không phải Hòa An; Phú Sen không thuộc Hòa Định Đông, nó thuộc Hòa Định Tây... Một lần nữa, cảm ơn bạn Huỳnh Khang.

Phamngochien.com - 12:38 - 17/12/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận