Miền Tây, xao xuyến một niềm thương…(Dương Thế Toàn)

Miền Tây chim đậu đất lành
Tình người thắm thiết, cây xanh bạt ngàn
Trên sông đò dọc đò ngang
Cùng nhau hát tịch tình tang ngỏ lòng…

Miền Tây Nam Bộ - với miệt vườn sông nước mộc mạc, với những câu vọng cổ mùi mẫn và thuần hậu, chất phác, từ lâu đã trở thành một điểm đến đầy thương nhớ… Khám phá miền Tây, với nhiều người, không đơn thuần chỉ là để mở mang hiểu biết mà còn để làm giàu thêm cảm xúc trong tâm tư. Tựa như một cái duyên, tập thể lớp DVA1191 cùng Cô Thầy ngành Văn đã có dịp ghé thăm và trải nghiệm vùng đất nghĩa tình mến khách này. Chỉ với bốn ngày ngắn ngủi nhưng nơi đây đã mang lại bao xao xuyến những niềm thương trong lòng Thầy trò mà nơi chốn thị thành vội vã của Sài Gòn chẳng thể nào có được…

Ngày đầu tiên, chúng tôi đã có mặt tại trường Đại học Sài Gòn từ lúc tờ mờ sáng để bắt đầu hành trình về miền Tây sông nước. Qua thành phố Vĩnh Long, chúng tôi dừng chân tại thành phố Sa Đéc – thủ phủ của các loài hoa vào dịp Tết tại các tỉnh miền Tây. Điểm tham quan đầu tiên của đoàn tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất vùng Nam Bộ. Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn chúng tôi tại làng Chăm Châu Giang, thuộc địa bàn của tỉnh Đồng Tháp. Mỗi năm đến mùa nước nổi, lũ từ thượng nguồn sông MeKong sẽ tràn về đây đầu tiên tạo nên cảnh sắc rất riêng cho vùng sông nước này. Chúng tôi tiếp tục xuôi ngược trên những nẻo đường để về với thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đoàn chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về vùng đất tâm linh – Thất Sơn bảy núi. Thẩy trò chúng tôi tìm hiểu về lăng Thoại Ngọc Hầu. Bên cạnh đó, nhắc tới mảnh đất này, người ta không thể không nhớ đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nơi đây. Khi tạm biệt Châu Đốc, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình của mình, khám phá rừng tràm Trà Sư – một trong những địa điểm hấp dẫn những người yêu thiên và miền sông nước. Vả rồi đoàn chúng tôi tiếp tục xuôi về vùng đất Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang: tham quan đầu tiên tại nơi đây chính là nhà lưu niệm Đông Hồ; Thạch Động - một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên; lăng mộ dòng họ Mạc – dòng họ người Hoa có công khai phá vùng đất nên thơ, trữ tình này. Ngày cuối cùng, xe tiếp tục lăn bánh đưa đoàn chúng tôi về đến Cà Mau – vùng đất tận cùng của Tổ Quốc. Từ Hà Tiên về Cà Mau, chúng tôi di chuyển trên con đường Xuyên Á, dọc hai bên đường là cảnh sắc vườn quốc gia U Minh Hạ. Tại đây, cả đoàn chúng tôi cùng nhau chụp hình lưu niệm tại Gốc tọa độ GPS001, pano biểu tượng con tàu Đất Mũi.

Hành trình của chúng tôi đến đây là kết thúc. Rong ruổi trên những cung đường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giờ đây đoàn chúng tôi quay về lại chốn Sài Gòn hoa lệ. Chỉ bốn ngày ngắn ngủi nhưng chuyến đi thực tế này đã để lại trong lòng tôi nhiều kỉ niệm mà có lẽ tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời của mình. Tôi đã học hỏi và tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân từ những bậc tiền bối. Hay những lúc quay quần cùng bạn bè, những lúc vô tư hát hò để lại sau lưng bao chất chồng của bộn bề cuộc sống, miền Tây đã mang lại thức quà vô giá dành cho tôi đó chính là sự an yên trong lòng. Với những chuyến đi như thế này, tôi càng tâm đắc câu nói: “Đi đến đâu không quan trọng, quan trọng là đi cùng ai”. Tập thể lớp DVA1191 cùng Cô Thầy ngành Văn đã cùng nhau viết nên những trang lưu bút tươi đẹp về chuyến đi thực tế này…

Tôi chưa có cơ hội được khám phá hết những nét văn hóa độc đáo của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, cũng chưa có cơ hội để hiểu thêm về tính cách của con người miền Tây. Những cảm nhận ban đầu chỉ là những nét vẽ vụng về trên bức họa phác thảo về miền Tây nhưng tôi tin đó là cơ sở vững chắc để bức họa miền Tây sẽ rõ nét hơn trong những lần trở lại trong tương lai… Bởi miền Tây đã để lại trong tôi xao xuyến một niềm thương!

Dương Thế Toàn (lớp DVA 1191 - ĐH Sài Gòn)


Phamngochien.com - 17:03 - 21/11/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận