Sau hai buổi tối chấm thi văn nghệ tại báo Tuổi Trẻ, tối nay tôi lại được mời dự kỷ niệm 40 năm ngày thành lập báo. Có các quan chức lớn đến dự: Lê Thanh Hải, Võ Văn Thưởng, Lê Hoàng Quân, Thân Thị Thư, Phạm Chánh Trực, Nguyễn Chơn Trung, Trương Minh Nhựt, Võ Ngọc An... Phần lớn cán bộ cũ của báo qua các thời kỳ và hiện tại đều tham dự song không thấy chị Vũ Kim Hạnh, anh Lê Văn Nuôi.
Báo Tuổi Trẻ trải qua chặng đường phát triển tự thân: từ một bản tin thanh niên từ những ngày đầu, đến đầu thập niên 1990 đã có ba số báo/tuần. Và cứ thế dần dần phát triển 4,5,6 tờ và cuối cùng trở thành nhật báo. Năm 1990, báo nổi lên với loạt bài về Đường Sơn quán, đạt được con số 120.000 tờ/ngày. Và cứ thế trong thập niên này, có lúc con số đạt đến 400.000 tờ/ngày - một con số ấn tượng trong làng báo. Tuổi Trẻ là một trong số hiếm hoi những tờ báo không nhận tài trợ của Nhà nước để hoạt động. Báo tự kiếm sống bằng ngòi bút của mình, nói khác đi đồng lương của CBCNV do nhân dân chi trả. Ròng rã gần 40 năm báo sống như vậy. Những thế hệ người làm báo từ ngày đầu đã nỗ lực, chắt chiu công sức để xây dựng thương hiệu của mình, để lại cảm tình và sự khâm phục trong lòng bạn đọc. Thập niên 1990 là thời kỳ mạnh mẽ của báo, với sự lèo lái tốt đẹp của ba tổng biên tập có tâm và bản lĩnh vững chắc: Vũ Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng - những người xông xáo từ trong phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh miền Nam trước 1975. Các anh chị ấy đã tiếp nối được tinh thần báo chí sinh viên miền Nam trước đây, luôn vì lý tưởng yêu nước, tranh đấu cho độc lập, tự do, phản đối mọi bất công, áp bức, tù đày trong chế độ cũ. Nhưng cũng chính bản lĩnh ấy đã khiến các anh chị ấy phải ra đi vì không còn được tin cậy.
Tôi còn nhớ trong một cuộc họp với sự có mặt của một cán bộ tuyên huấn Thành ủy thời ấy, anh Lê Văn Nuôi bị phê bình gắt gao. Tôi không ngờ vì một thiếu sót không đáng nào đó mà anh bị phê bình thiếu bản lĩnh chính trị. Anh ấy đã đứng dậy phản bác quyết liệt. Anh em ai cũng biết trước đây anh là thủ lĩnh Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn-Gia Định trong phong trào tranh đấu, từng viết báo, từng vào tù ra khám và sau 1975 đã là đại biểu Quốc hội đơn vị TP.HCM. Một người từng trải như thế lại là thiếu bản lĩnh chính trị ư? Tôi nhắc lại chuyện này và không biết vị cán bộ kia giờ đây có nghĩ rằng mình đã phê bình nặng quá chăng? Một chuyện khác vào thời kỳ anh Lê Hoàng làm tổng biên tập. Lần ấy, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần đăng một bài viết ngắn về văn học của Ngô Minh từ Huế gửi vào, trong bài có nhắc đến tên Đỗ Hoàng Diệu, tác giả tiểu thuyết "Bóng đè". Để đảm bảo cho lập luận của mình, tác giả gửi kèm bài viết dài của Phạm Xuân Nguyên về đề tài liên quan. Vài hôm sau, báo nhận một thư khiếu nại của hội cựu chiến binh của một phường của TP gửi ban tuyên huấn Thành ủy và ban biên tập tố cáo ý đồ xấu của bài báo! Một cuộc họp gấp chỉ có tổng biên tập, thư ký tòa soạn và tôi. Tất cả xem lại bài và cho rằng tác giả không hề ca ngợi gì nhà văn nữ kia. Tôi phát biểu do tôi đề nghị không cắt bỏ một dòng nào của Ngô Minh và bảo vệ quan điểm đó. Không biết sau đó anh LH có bị phê bình gì không. Làm báo khó vậy, nhất là đối với cách đọc dưới nhãn quan suy diễn và qui chụp mang tính chính trị theo não trạng cũ của một số người!
Giờ đây, trong xu thế chung toàn cầu, báo giấy đã bị thu hẹp rõ rệt trước sự phát triển của báo mạng. Báo Tuổi Trẻ cũng như nhiều báo khác, số ấn bản ngày mỗi giảm sút. Song còn lý do nữa, báo không còn "hay" như trước. Tính chiến đấu sắc bén không còn được như xưa, do đó bản sắc tờ báo đã nhạt nhòa. Tuổi Trẻ vô tình cùng xếp hàng ngang với các báo, thậm chí còn bước đi sau nhiều báo khác. Báo đã bỏ qua nhiều sự kiện nóng hổi của tình hình đất nước mà nhân dân quan tâm, do đó khó đáp ứng được yêu cầu của người đọc. Có khi nào các bạn cầm bút sau khi cầm đồng lương đã tự vấn như Phùng Quán đã làm chưa: "Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?/Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?/Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở?/Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa?/Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?". Anh là nhà báo, dù lớn hay nhỏ, đã ăn lương từ nhân dân thì đã mắc nợ nhân dân. Nếu anh không trả nợ, không màng đến ý nguyện của nhân dân thì người đọc sẽ còn quay lưng lại với anh thôi.
30-8-2015
Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.p.yen/posts/10200878244474489
Xem thêm bài trên báo Tuổi trẻ