Kiếp phù du (Nguyễn Đức Huynh)

 

Hoàng luồn lách qua bãi sậy, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo ra đến con đê đầu làng. Ngoài đê, tiếng dế, tiếng chũi kêu râm ran lúc to, lúc nhỏ, y như một bản hoà tấu của thiên nhiên. Từ xa, Hoàng đã cảm nhận được những cơn gió mang theo hơi nước của con sông Kinh Thầy. Hoàng thấy lành lạnh, rờn rợn đến dựng tóc gáy. Anh không biết cái cảm giác ấy len lỏi, chiếm lĩnh lấy tâm trí anh từ lúc nào. Những con muỗi vằn, muỗi hoa cứ vo ve vo ve trong cái lặng thinh đến đáng sợ của không gian. Thỉnh thoảng Hoàng lại lấy tay xua xua trước mặt để đuổi mấy con muỗi bướng bỉnh cứ nhằm mặt anh mà đậu, mà đốt. Có lúc, Hoàng lại vỗ cái bốp, cái chát, đen đét vào mặt. Trong bóng tối nhập nhoạng, lờ mờ ấy, có bóng người ngồi một mình trên đê. Hoàng cất tiếng gọi: “Có phải chị Lan không? Em Hoàng đây? Đêm hôm chị gọi em ra đây làm gì?”. Hoàng chưa kịp dứt lời, cái bóng người mờ mờ, lù lù, đen xì ấy lao thẳng xuống dưới đê, trầm mình vào dòng nước lạnh buốt, tê tái của con sông Kinh Thầy. Hoàng hốt hoảng, mặt cắt không còn một giọt máu, miệng lắp bắp nhưng vẫn cố hô toáng lên, giọng thất thanh: “Cứu”. Rồi Hoàng chạy lại, không kịp suy nghĩ thêm điều gì, anh nhảy phắt xuống dưới dòng nước đen ngòm, chới với, chới với, …. Một mình trong đêm. Trời tối đen như mực.

*  *  *

Mấy hôm liền, Lan cứ ru rú ở trong nhà, không ra ngoài mà cũng không chịu nói chuyện hay ngó ngàng đến ai, cứ cặm cụi viết rồi lại xoá. Giấy tờ lủng lẳng vung vãi khắp phòng. Bà Liên thấy vậy, húng hắng, quát tháo inh ỏi:

- Hết văn nghệ lại viết với chả lách, có đời thửa con dâu nhà ai về nhà chồng mà cứ đi hầu thiên hạ vậy không. Đến cơm nước cũng để cái thân già này lo sắp sửa chứ đợi cái ngữ ấy có mà đói rơi răng. Vô phúc cho nhà này vớ được đứa con dâu quý hoá quá.

Ông Hoà nghe vậy, hậm hực từ trong nhà lao ra sân cho bà Liên cái bạt tai, nổ đom đóm mắt. Bà Liên nằm lăn ra sân ăn vạ, giãy lên đành đạch. Lan thấy vậy, chạy vội ra dìu bà Liên vào thềm cửa:

- Tôi không khiến cái ngữ như chị tỏ vẻ dâu hiền rể thảo. Cái loại đĩ thoã, chốn chúa lộn chồng. Nhà tôi thật vô phúc quá rồi … Mạt kiếp … Mạt vận …

Nói đoạn bà Liên lấy tay bưng mặt, giọt ngắn, giọt dài, bù lu bù loa inh ỏi.

- Bà có thôi ngay đi không. Con Lan nó làm sao mà bà bảo nó đĩ với chả thảo, chúa với chồng gì ở đây. Bà định làm cho xóm giềng họ cười vào cái nhà này đấy à. Bà có còn coi tôi ra cái gì nữa không?

- Ông thấy đẹp mặt chưa. Con dâu quý hoá của ông đấy. Bênh cho lắm vào rồi nó đem xô cứt mà hất vào mặt hai ông bà già này.

- Mẹ … con không hiểu mẹ đang nói gì …

- Chị thì hiểu sao được, đợi thằng Long nó về chuyến này, tôi quyết cho chị ra ngô ra khoai, đồ mèo mả gà đồng. Cô là cái loại mất dạy, cha mẹ cô không biết dạy thì để tôi dạy …

- Bà có im đi không? Bà không nói rõ ràng mà cứ lu loa lên rồi con Lan nhà mình làm sao?

Bà Liên không nói gì, mắt quắc lên trợn ngược nhìn Lan, thở hổn hển. Ba cơn tam bành bà tuôn ra sa sả nãy giờ mà đầu đuôi câu chuyện làm sao ông Hoà vẫn chưa tường. Lan cũng không nói gì ôm mặt khóc chạy vào trong buồng. Ông Hoà cũng thở một hơi dài não nề rồi đi vào trong buồng mé bên tay trái đối diện buồng ngủ của Lan rồi đóng cửa cái rầm. Bà Liên còn cố nói với, giọng đanh đảnh đầy ngoa ngoắt, tay đấm thùm thụp vào ngực:

- Ối giời ơi, khổ cái thân tôi. Chồng với chả con, một lũ ăn hại, vô tích sự, chỉ biết bênh nhau, có nghĩ gì đến cái thân già này đâu. Long ơi, con về mà xem này …

* * *

Ngoài gốc đa đầu làng, có tiếng xì xèo của mấy bà đang ngồi uống nước chè quán bà Tám béo. Bà Tám béo không nghe rõ họ xì xèo cái gì nhưng thấy nghe đâu đang bàn nhau to nhỏ về chuyện nhà bà Liên với con Lan. Bà Tám béo giọng khinh khỉnh, nhếch mép cười đểu:

- Này, nói cho mấy bà biết nhé! Đã nhiều chuyện thì chớ lại còn không biết giữ mồm giữ miệng cứ ông ổng … ông ổng vậy, ai nghe thấy lại bảo chúng mình lắm điều, xía vào chuyện nhà người khác thì … mấy mụ tính sao …

- Ấy chết, bác cứ quá lời, chúng em nào có nói gì đâu, chả là chuyện rõ như ban ngày rồi, cả cái làng Chùa này ai chả biết. Chúng em chỉ nói cho vui thôi chứ có tọc mạch chuyện của ai bao giờ.

Bà béo vẫn chưa hiểu hai mụ ấy đang nói về chuyện gì:

- Thế có chuyện gì, hai bà này cứ úp úp mở mở, sốt ruột. Nói lẹ đi, tính con này mà cứ cò cưa, đò đưa là khó chịu. Nói toẹt ra xem nào …

- Thế bác ở đây mà không biết chuyện gì à? Chúng em ở làng trên mà còn biết rõ mười mươi.

Bà Liên cố vểnh đôi tai đã chảy xệ vì đôi hoa tai bằng vàng lên để nghe ngóng:

- Thế làm sao? Mà cái mười mươi từ lỗ mồm mấy mụ là cứ thối ình lên, không ngửi được. Nghe xem sao chứ mà có giời tin. Được rồi kể đi xem nào? Sốt cả ruột với mấy mụ.

- Con Lan nhà bà Liên ở cạnh giếng làng Chùa đấy. Chúng em nghe đâu, phong thanh, đẹp người mà chồng đi làm xa, nó ran ríu, suốt ngày thậm thụt với cái thằng Hoàng – trưởng ban văn nghệ xã đấy. Hôm nọ, bà Liên bà ấy bắt được hai đứa đang đi cùng nhau về cười cười nói nói, lộn tiết mới xông vào dần cho nó một trận lên bờ xuống ruộng. Nhìn ánh mắt là biết chúng nó có tư tình với nhau rồi. Em cá với bác con này dễ ễnh bụng ra rồi nên giờ có dám vác mặt đi đâu. Tội cái thằng Long … ngu ngơ … chó ngáp phải ruồi …

- Bảo sao … Thì ra là vậy …Mà kệ mẹ chuyện chúng nó … Lộn thinh. Vào tôi, tôi cũng đi tìm trai. Chồng gì mà từ ngày cưới đến giờ cứ đi biền biệt, ba năm rồi chưa một mụn con cho bà Liên được tay bồng tay bế. Con gái xuân xanh có thì, đang phơi phới lại  … Mà thôi mấy mẹ lo chuyện của mình đi. Rõ nhiều chuyện.

- Mà con Lan này cũng vớ ngay phải bà mẹ chồng tai quái. Nghe đâu, thấy con Thư nó bảo là bà Liên đã gàn thằng Long lấy con Lan vì gia cảnh nó nghèo lại còn là văn công, lương cũng chẳng đủ ăn. Bà ấy ép nó lấy con Tình xóm trên, con ông cả Lý, nhà có mấy trang trại vịt trong vùng.

- Ấy thế sao mà nó vẫn lấy được thằng này mới hay nhỉ? Các mụ nắm thông tin còn hơn cả trạm ra đa …. Hà hà … Chuyện gì của cái làng Chùa này cũng không qua được cái tai, cái mồm của mấy mẹ đâu đấy nhé … Vừa ăn vừa nói tiếp … nghe xem nào.

- Đâu, con Lan nó cũng đến nhà chào hỏi rồi, bà Liên cứ dửng dưng, coi như người dưng nước lã, lạnh nhạt, không chịu đón tiếp. Ông Hoà thì ưng ngay, định ngày cưới xin đàng hoàng. Bà này lắm trò lại bù lu lên mấy hôm. Sau thằng Hoàng nó bảo nếu không cho nó lấy con Lan, nó bỏ đi biệt xứ.

- Ôi dào ôi, cái thằng này có mà lại trốn ra ở cùng mấy thằng mà nó vẫn giao du ở xóm trên thôi, chứ gan hùm, gan sói đâu mà dám bỏ nhà đi.

- Bà Liên này cũng sợ mất con thế là đồng ý vội, nhưng mà nào có chịu đâu. Bà ta bảo, tao cho mày lấy nó nhưng mà tao không dự đám cưới chúng mày, sau này tao cũng không coi nó là con dâu tao đâu.

- Con mẹ này gớm nhỉ. Úi dào ôi, vào tôi có dải kim cương, dát vàng xuống nền đất, tôi cũng không thèm về làm dâu nhà ấy. Con mụ này khối người tha không cào vào mặt cho là may … rồi đấy …

- Có con Lan nó ngu, nó dại mới đâm đầu vào cái nhà ấy. Chứ cả cái làng Chùa này ai mà chả biết tỏng cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bà Liên. Con mẹ ấy sống thất đức, hám tiền, kiểu gì cũng hại đời con cháu, chóng lụi, sớm tàn. Em rủa cho cái con mẹ đành hanh, chua ngoa, đanh đá ấy … có mà ra đường chết tức tưởi … Chứ trước em trêu trọc gì nó … mà nó ra giữa chợ kiếm chuyện với em … Nó còn tụt quần em ra … để thiên nó cười vào mặt em … Em thề có ngày em cho nó biết tay em …. Chứ chuyện này nó … chưa xong với em đâu …

- Phủi phui mồm nhà các bà. Nói người ta có khi vạ miệng lại thành nhà mình cũng nên. Thôi uống nước, ăn bánh rồi ra đồng đi kẻo trưa trật đến nơi rồi.

- Ái chà, mẹ béo dạo này ăn nói giữ mồn giữ miệng gớm, nhân đức ghê …

- Chẳng qua, tôi không muốn dây mơ rễ má với nhà mụ Liên chứ có ngày tôi cũng chém vỡ đầu nhà chúng nó. Quân ăn cướp … Mà nói với mấy mụ có ngày vạ lây … Lại đi rêu rao cho cả cái làng Chùa này biết …Hứ, thôi ít chuyện với mấy bà cho nó lành …

- Bác cứ nói chúng em vậy, oan uổng. Tội chúng em.

- Dù gì cũng là họ hàng, anh chị em con chú, con bác với nhau, sao bác lại cũng độc mồm độc miệng với mụ Liên vậy … Vừa bảo chúng em xong … bác cũng có hơn gì em đâu … Nói toẹt ra bác … còn sôi máu hơn em … bỏ mẹ … Bác không nói … thì cả cái làng này ai chả biết bác với con mụ ấy … có thâm thù với nhau lâu rồi … Không thế sao bác phải về nhà cũ ở tạm … Đời thuở nào bác chịu thua ai … bao giờ …

- Không phải chuyện của các bà … Ăn nhanh rồi đi … Nói chuyện với mấy mụ tự nhiên thấy lộn tiết … Nhắc lại chuyện ấy bà lại thấy sôi máu, lộn tiết chỉ muốn xông vào … Đừng có để bà mày ba máu sáu cơn lên thì … chúng em bà không tha đứa nào đâu nhá … Lũ … khốn nạn … ăn cướp trắng trợn …

Bà béo thì thở phì phạch, cục tức còn nghẹn trong cổ họng. Hai bà kia ăn vội ăn vàng, để lại năm nghìn bạc kẹp dưới đít cốc nước chè xanh rồi ra hiệu cho nhau đi thật nhanh. Thoáng chốc đã khuất sau luỹ tre từ bao giờ.

Bóng chiều vừa vụt tắt sau rặng tre, tiếng mõ, tiếng sáo thu không còn văng vẳng thì ánh đèn hiu hắt khắp làng đã vụt sáng. Bà Tám béo vội dọn hàng nước. Bà ngước lên nhìn thấy Hoàng đạp xe đi qua, ăn mặc chỉnh tề:

- Nay lại đi biểu diễn đấy à anh nghệ sĩ. Chú dạo này ít qua quán chị uống nước lắm đấy nhé. Chị nhìn chú là thấy xanh xao lắm đấy, nao qua chị làm bữa tiết canh vịt tẩm bổ chứ không con vợ em nó lại nhanh chán lắm đấy. Mèo mả gà đồng lại cả một lũ.

Hoàng dừng xe, một chân chống xuống dưới đất:

- Chị biết em có hảo mấy món ấy đâu. Vả lại cũng không nhậu nhẹt thì tính gì đến chuyện tẩm bổ những thứ như vậy. Giờ vạ miệng là sinh bệnh sinh tật ngay, lắm điều nhiều chuyện rồi lời qua tiếng lại không hay. Giữ mồm còn chẳng ăn ai chứ cứ bạ đâu ăn đấy, bạ đâu ngồi đấy có ngày chết. Thôi giữ miệng cho lành. Mà chị Tám này, chị bỏ cái kiểu châm bị thóc chọc bị gạo ấy đi nhớ … chuyện chưa biết đầu cua tai nheo ra sao thì đừng có nói … vớ vẩn … không yên với tôi đâu …

Nói xong Hoàng phóng xe đi luôn. Bà Tám béo nhảy cẫng lên, giọng lanh lảnh, tiếng rít qua từng kẽ răng:

- Thằng ranh này! Mày dám chọc ngoáy bà à. Mày lại bảo bà ăn tạp, nói năng không biết giữ mồm, đâm bị thóc chọc bị gạo hả. Rồi bà cho cả cái làng Chùa này biết tỏng cái bộ mặt nhân nghĩa của chúng mày. Cứ đợi đấy. Quân mèo mả … lũ gà đồng kia … Bà truyền đời báo kiếp cho chúng mày biết  … chuyện này … chưa yên với bà đâu nhá … Quân tử mười năm hãy còn thù …. chưa xong với bà đâu … Bà chờ xem chúng mày làm gì được bà nào … Bà chống mắt lên coi chúng mày đấy …

* * *

- Bác Hoà ơi. Bác có nhà không? Giọng Mai đầy hốt hoảng. Cô vừa chạy vừa nói vừa thở dốc. Ông Hoà bỏ tờ báo xuống dưới gầm bàn, chỉnh lại cái kính rồi chạy ra cửa nhìn xem ai. Thấy Mai hổn hển, nói không ra hơi, ông hỏi ngay:

- Mai. Sao thế cháu? Có chuyện gì?

- Bác ra mà xem chị Lan và bác Liên … ở ngoài bờ ruộng thôn Cái Tắt. Cháu … cháu …

Mai chưa dứt lời, ông Hoà đã chạy thẳng vào trong nhà lấy chiếc mũ cối, dắt con xe đạp cũ phóng thẳng đi không để cho Mai kịp chạy theo. Vừa ra đến đầu ruộng đã thấy mọi người bu kín lại, thì thầm nhỏ to, rôm rả, người chỉ kẻ trỏ, ông Hoà vứt con xe đạp cũ ra bãi cỏ ven đường rồi len lởi qua đám người rất chật vật mới vào được bên trong. Ông Hoà thấy bà Liên đang túm đầu Lan đánh ấn dúi xuống ruộng. Chịu không nổi, ông Hoà hét lên bằng cái giọng khào khào của người bị hen suyễn đã lâu, cứ cò kè trong cổ:

- Giời ơi là giời, hai mẹ con bà làm cái gì đây. Định bôi gio trát trấu vào mặt tôi hay sao. Tôi làm gì có lỗi mà hai người đối xử với tôi như vậy.

Ông Hoà nói xong nấc lên một tiếng rồi ngất lịm đi vì tức. Cơn đau tim lại ập đến khiến tim ông thắt lại, đau nhói. May Mai vừa chạy ra nên đã kịp đỡ ông Hoà nằm xuống vệ cỏ cạnh bờ ruộng mới đắp. Bùn chưa khô, mùi tanh còn xộc lên đến tận óc. Mai vuốt vuốt ngực cho ông Hoà xuôi cơn tức rồi nhìn về phía tay ông đang chỉ:

- Bà … bà  … định giết con Lan nó bằng chết thì mới hả dạ hả …?

Bà Liên từ dưới ruộng đi lên, quần còn xắn ngược đến tận đầu gối, lấm lem bùn đất. Cái giọng chua ngoa của bà ta thì không lẫn vào đâu được:

- Phải rồi …Ông mở to mắt ra mà nhìn, cả cái làng này nó đang nói gì về đứa con dâu thảo hiền của ông đấy. Người ta còn viết chềnh ềnh ở gốc đa kia kìa, ông ra mà xem. Nay tôi còn bắt được tận tay nó đi về với cái thằng Hoàng, ánh mắt thì ran ríu với nhau. Đồ dâm phụ, đồ lăng loàn, … Mày là đồ con đĩ … nay tao bắt được tận tay day tận chán thì hết cãi nha con …

Nói đoạn, bà Liên lại lao xuống đánh Lan túi bụi. Lan chắp tay, nước mắt giàn giụa:

- Con lạy mẹ, thiệt tình con và Hoàng không có gì với nhau. Chỉ là Hoàng đưa con về thôi chứ chúng con trong sạch. Con vẫn một lòng với anh Long mà. Bố mẹ phải tin con …

Lan lấy tay quệt ngang lau nước mắt. Bùn đất từ trên tay áo dính lấm lem hết nửa trên của khuôn mặt Lan. Bà Liên cũng chẳng bận tâm Lan nói gì. Tay chống nạnh. Mặt vểnh ngược móc câu. Cái miệng thì bặm lại. Đôi mắt xếch ngược lên trên nhìn Lan, xỉa xói thêm mấy câu rồi mới chịu thôi. Trông bà ta như định ăn tươi nuốt sống Lan thêm một lần nữa. Cái đám người đang bu lại ấy cũng chẳng ho he lấy một tiếng can ngăn mà chỉ biết chỉ trỏ, cười đùa, giễu cợt nhau lấy làm vui. Có người lên tiếng thì bà Liên lại nhảy ngược lên rằng “chuyện nhà các người mà xía vào, đẹp mặt lắm đấy mà bênh, thích thì rước về … đây cho không … còn biếu thêm vào cái lá mít lót tay mà dẫn đi … tưởng báu bở lắm đấy … Đây không thèm …”. Bà Liên lại càng được đà quay sang trì triết Lan thậm tệ hơn:

- Một lòng. Mày tưởng con trai tao ngu hả. Mày định nhân lúc nó vắng nhà mà mèo mả với nhau hả. Đồ mất dạy. Tao không cho mày một bài học thì mày còn chưa biết điều. Ông Hoà, ông còn bênh nó này, bênh nó này …

Vừa nói, bà Liên vừa đấm uỳnh uỵch, chan chát vào người Lan. Lan không chống cự, chỉ van xin mẹ bớt giận. Từ đằng xa, mấy anh dân quân xã chạy lại, huýt còi một tiếng rồi dõng dạc quát:

- Nhà bà này định làm loạn ở đây đấy hả. Đưa hết lên xã giải quyết.

Hoàng đang chạy từ đằng xa, nghe vậy phải vội đến can ngăn. Hoàng quay lại nói nhỏ với mấy anh dân quân:

- Các anh thôi đừng làm rùm beng lên không hay. Xin cho gia đình về nhà tự giải quyết với nhau cho êm xuôi, thuận tình mà hợp đạo lý. Dù gì đâu cũng là chuyện tình cảm trong gia đình nên để gia đình tự giải quyết với nhau là tốt nhất … Mong các anh giải tán bà con giúp …

- Cũng may có anh Hoàng đến báo sớm. Thôi được rồi, cũng vì nể tình anh Hoàng đấy, chúng tôi bỏ qua. Còn mấy ông bà này rảnh rỗi quá rồi giải tán về lo chuyện nhà mình đi. Đã không giúp can ngăn còn đứng chật cả chỗ. Nóng bỏ mẹ đi được. Giải tán đi … Mất thời gian mà chẳng được việc gì … Toàn chuyện linh tinh từ nhà bà Liên này …

Mấy anh dân nhìn như đang lùa lũ vịt không chịu đi vậy. Hò hét inh ỏi. Đinh tai nhiếc óc. Tất cả đám người đang xúm xít lại không ai bảo ai tự động ra về. Chỉ còn lại bà Liên đang lội từ dưới ruộng lên mặc cho Lan còn đang đứng chôn chân dưới đám đất ruộng lầy lội. Hoàng đi dọc theo con đường nhỏ cạnh ruộng, với tay bảo Lan nắm lấy mình kéo lên. Lan không ngoảnh lại nhìn Hoàng, chỉ thì thào mấy câu:

- Anh cứ mặc kệ tôi …

- Lại còn định giở trò tình tứ trước mặt hai cái thân già này phải không. Vải thưa không che được mắt thánh đâu … Còn mày định đứng đấy cho cả làng cả họ xỉ vả vào cái nhà này à … Nhục … Oan ức lắm hả …

- Bác thôi đi. Cháu và Lan là chị em trong đội văn nghệ chứ có phải cái loại ấy đâu mà bác …

- Vâng anh thì đàng hoàng quá … Đúng là đi với ma thì mặc áo giấy … cấm có sai bao giờ … Hứ …

Bà Liên quay mặt đi rồi nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất. Hoàng cũng không buồn đôi co, chỉ thêm rách việc, mất thì giờ. Anh từ từ kéo Lan lên trên bờ rồi phủi bớt bùn đất, cỏ tranh bám đầy trên mặt cho cô. Ông Hoà càng tức điên lên, lấy hết thị uy của một ông chồng già hom hem mà quát bà vợ:

- Bà có thôi ngay đi không. Con Lan nó làm gì nên tội nên tình mà bà đối xử với nó như vậy. Bà thật là quá quắt … Mà sao bà cứ lôi cậu Hoàng vào làm gì … Nói người ta như vậy …hay ho lắm hả …

- Phải tôi quá quắt … Nhưng cũng chỉ vì cái gia đình này mà tôi mới vậy … Ông hỏi từ làng trên xóm dưới xem người ta nói gì … Con mụ Tám béo, nó đang rao cho cả làng cả tổng, cả họ hàng hang hốc biết  … Chỉ có mình là bị cái ngữ này dắt mũi … Nếu biết trước có ngày này thì trước kia tao có chết cũng không rước cái bản mặt mày về nhà. Tội nợ thật …

- Lại là con mụ Tám …

* * *

Đã gần 3 giờ sáng, Lan vẫn chưa ngủ, ngồi thu mình một góc mà thấy lòng ngậm ngùi xót xa, vừa cay đắng vừa tủi nhục hơn bao giờ hết. Cái thai trong bụng cô nào có phải của Hoàng đâu. Cô và Hoàng trong sạch. Cũng chỉ tại cái lũ thất đức, chết đâm chết chém ở xóm bãi Giữa dám giở trò đồi bại với cô đêm ấy ở nơi đồng không mông quạnh. Giá như cô không đi đường tắt thì đâu có vậy. Nghĩ lại cũng chỉ tại mình ngu. Chứ trách ai bây giờ.

Chúng nó thấy Lan đi qua, không có ai liền chặn đầu xe, buông lời lẽ thô thiển, tục tĩu, gạ gẫm chuyện mây mưa trai gái ngang nhiên. Lan không đồng ý, vùng vằng, bốn thằng thanh niên đứa giữ tay, đứa giữ chân, thằng bịt miệng, thằng nhét giẻ. Lan vùng vẫy, quẫy đạp nhưng làm sao một thân một mình, lại còn là thân con gái có thể chống cự được năm thằng thanh niên lực lưỡng, to khoẻ. Thú tính của chúng nó chẳng tha cho cô con đường sống. Năm thằng thay nhau làm nhục cô gái. Nước mắt Lan cứ ứa ra, chảy thành từng vệt dài. Thoả mãn cái dục vọng đê hèn, chúng nó cười hả hê. Thằng cầm đầu đứng dậy tụt quần ngay trước mặt Lan, đái một bãi, lắc lắc cái đầu chim đang tê cứng tỏ vẻ đầy mãn nguyện, sung sướng như để an mừng chiến công. Bọn còn lại vẫn nhìn nhau cười, tâm đắc hành động của đại ca mình. Mùi nước đái ấm nóng xông lên nồng nặc, khai nhức mũi. Thấy có tiếng người đi qua, năm thằng nháo nhác men theo đường ruộng bỏ chạy. Chúng nó lặn mất tăm giữa một khung cảnh xám xịt chỉ toàn một màu đen ngòm, bỏ lại cô gái một mình nằm vật vờ giữa trời khuya khoắt, không một mảnh vải che thân. Lan chống tay, lổm ngổm bò dậy, lấy áo che bầu ngực, hai chân khép chặt lại với nhau, khóc tức tưởi.

Tiếng khóc hoà lẫn với tiếng bước chân ai đó. Tiếng chân người ngày một gần hơn.

- Chị Lan, chị sao vậy?

Lan không nói gì chỉ biết gục mặt khóc. Thì ra người đang đứng trước mặt Lan là Hoàng. Anh vội bảo Lan mặc quần áo rồi dìu cô ngồi tựa lưng vào đống rơm cạnh đó còn thơm mùi lúa chín. Lan không dám nhìn Hoàng, ánh mắt nặng trĩu sự tủi nhục, căm phẫn. Hoàng hỏi han mọi chuyện:

- Đứa nào làm chị ra nông nỗi này? Chị nói để em tìm chúng …

- Nói cho anh biết thì làm được gì … Anh đánh chúng nó, bắt nhốt chúng nó cũng có lấy lại được thanh danh cho tôi không? Sự trinh trắng của tôi có còn không? Anh nói đi? Anh nói cho tôi biết đi?

Hoàng cố gắng trấn an Lan, rồi tìm bằng được cách để đưa cô về. Hoàng không muốn để cho ai biết chuyện này vì nghĩ đến Lan. Nó mà đến tai bà Liên thì chị Lan đâu có sống yên ổn được dù chuyện này đâu có phải nỗi của chị ấy. Ấy vậy mà cái lũ thanh niên xóm Giữa ấy lại tính toán, bàn bạc kĩ lưỡng với nhau cách đối phó chuyện này. Chúng chơi đòn phủ đầu, sáng hôm sau đi kể ngay với mụ Tám béo là anh Hoàng sàm sỡ chị Lan ở bờ rộng giữa đêm hôm khuya khoắt bị chúng nó bắt được tại trận, khiến chị ấy chửa ễnh bụng ra. Chúng nó nói với mụ béo nhằm dựng chuyện vu khống và đổ hết tội cho Hoàng. Nhân cái chuyện ấy, mụ Tám lại thêm mắm thên muối, chọc ngoáy để bà Liên về hành hạ, đánh đập, nhiếc móc Lan nhiều hơn.

Lan cũng không bận lòng lắm những điều bà Liên nói với mình. Mà cô cứ suy nghĩ day dứt mãi trong lòng không thôi về Hoàng. Nếu Hoàng không vô tình đi qua, xúm lại giúp thì đâu có bị vạ lây vì mình. Càng nghĩ Lan càng căm tức, xót thương cho tình cảnh của mình và Hoàng. Giờ cả cái làng Chùa này họ đồn ầm lên như vậy chỉ khổ cho Hoàng còn có vợ, có con, gia đình đang êm thấm. Mà vợ Hoàng sẽ nghĩ gì về cô? Thật sự Lan rất khó xử.

Từ ngày cô về làm dâu nhà này đến giờ, chuyện chăn gối, ân ái, cảm giác được làm vợ, làm mẹ nào có được như người ta. Anh Long cứ bỏ đi biền biệt, bặt vô âm tín, đến một lá thư, một cú điện thoại cũng không có. Cũng trớ trêu thay, từ ngày Lan gặp Hoàng và tham gia vào đội văn nghệ xã thì mọi chuyện mới lại càng thành ra ầm ĩ, rùm beng đến như vậy. Nhưng ở bên cạnh Hoàng, lòng Lan cũng bớt trống trải và giá lạnh hơn. Có điều Hoàng ít tuổi hơn Lan lại đã có vợ con đàng hoàng nên cô cũng giữ ý tứ, không suồng sã quá mức. Càng nghĩ, Lan càng thấy cuộc đời mình thật vô định, trống trải, hư vô, chẳng biết sẽ đi về đâu lúc này.

Tiếng gà gáy điểm canh năm. Lan giật mình, choàng dậy. Cô lấy chiếc xe đạp cũ dựng ở góc tường, gạt chân chống phóng thẳng lên phố huyện. Bà Liên và ông Hoà cũng đã dậy còn đang ngáp ngắn ngáp dài. Thấy Lan phóng vụt xe đi, bà Liên đánh tiếng ngay:

- Mới sáng ra đã bỏ theo trai rồi. Đúng là có đánh chết cái nết không chừa …

- Sao bà cứ chành choẹ, định kiến với con Lan như vậy … Nó là dâu con, bà không hiểu tính nó hay sao … Lấy cho tôi ấm nước. Uống xong tôi còn qua gặp con mụ béo … Để xem nó định giở trò gì để hại con Lan nhà mình.

- Gớm, có ông là tin được ngữ ấy. Chửa ễnh bụng ra rồi, sáng như mặt trời mà ông còn bênh nó chằm chặp. Bao giờ ông mới sáng mắt ra. Hay là ông muốn thằng Long nó chết nhục … ông mới vui. Còn mụ béo chỉ nói sự thật thôi … Không có mụ ta thì làm sao mà vạch mặt được con đĩ thoã ấy …

- Cái mồm bà chỉ để nói lời cay độc có bao giờ được lời hay ý tốt. Có chính bà chiều con quá hoá hư, cái thằng trời đánh ấy … Đúng là con hư tại mẹ.

- Hứ, con dâu … con dâu. Lúc nào cũng con dâu. Đấy ôm nhau mà sống …

- Bà định trêu tức điên tôi lên đấy à. Bà có thôi ngay cái giọng ấy đi không.

Bà Liên không chịu im, cứ nhảy dống lên, hoạnh hoẹ. Ông Hoà tức sôi máu, nhảy vào cho bà ta một cái táng vào mặt. Bà Liên ấm ức quẳng ngay cái phích nước còn đang cầm trên tay xuống sân vỡ cái choang.

- Tôi không hiểu, đến bao giờ bà mới chịu chấp nhận con Lan và coi nó là dâu con. Người ta lấy tình làm quý, còn bà chỉ vì chút vật chất mà làm mờ mắt đi. Phải trái trắng đen cứ đánh đồng lên hết mà đi tin cái con mụ Tám béo. Từ trước đến giờ, nó cứ hiềm khích với nhà mình vụ đất cát. Nếu không phải anh em họ hàng chắc tôi chém bỏ mẹ lâu rồi.

- Ông thì giỏi rồi. Đấy, tôi mặc kệ bố con ông muốn ra sao thì ra. Sau này, đừng trách tôi sao cạn tàu ráo máng, ….

Bà Liên vừa sụt sùi, nức nở vừa nói. Thỉnh thoảng lại lấy tay áo chấm nước mắt. Ông Hoà không đôi co nữa, đi vào trong nhà rót cốc nước, uống từng ngụm, súc sục sạo trong miệng rồi nhổ toẹt xuống đất. Ông lấy áo, mũ rồi dắt xe đạp ra cổng sang nhà mụ Tám béo nói chuyện.

*  * *

Ngoài cổng, tiếng chó cắn inh tai, điếc óc. Trong nhà, mấy đứa nhỏ đang húp mì sùm sụp, mặt mũi tèm lem hết cả với nhau. Đứa lớn nhất vừa bê bát mì đặt lên bàn, bà Tám béo đã quát nó xéo xắt làm con bé hậm hực mãi trong lòng. Lông mày nó chau lại, cái mặt nhăn nhó nhìn đến tức cười. Bà Tám dừng tay không bổ mít nữa, để chiếc dao dính đầy nhựa lên trên bàn, đứng ở cửa ngóng ra cổng xem ai rồi bảo đứa lớn:

- Con Hường, mày chỉ biết cắm đầu vào ăn, chạy ra xem cho tao chó cắn ai. Còn con này bê vào trong ăn, dẫn cả thằng Khoai vào trong. Ai hỏi bảo tao không có nhà, tao đi chợ chiều mới về. Nếu là cái lão hôm nọ đến dồn nợ thì mày cứ để chó đấy cho nó cắn bỏ mẹ hắn đi.

Cái Hường chạy ra mở cổng, dáng người nó mảnh khảnh, cứ thoăn thoắt thoăn thoắt. Con bé đon đả, dạ thưa lễ phép:

- Bác là ai? Tìm ai? Hỏi ai? Bố mẹ cháu đi vắng rồi. Chiều mới về.

- Ơ, con bé này. Bác Hoà đây, mày không nhận ra bác à. Bác thấy cái xe đạp mẹ cháu vẫn hay đi đang dựng ở góc sân mà. Cháu vào bảo mẹ cháu bác Hoà gặp có chút việc.

- A, bác Hoà, cháu nhớ ra rồi. Để cháu bảo mẹ cháu. Bác đứng chờ chút nhé!

Con bé nhanh nhảu chạy vào trong nhà, gọi rõ to:

- Mẹ ơi, có bác Hoà tìm.

- Hoà nào? Tao không quen. Mà đã bảo mày là tao không có nhà. Mày ngu lắm con ạ. Thôi ra cho lão vào … Dù gì lão cũng biết tao có nhà rồi … À … này, mày cứ cho vào rồi nói chuyện với lão một lúc … Tao không ra, không được gọi nhớ chưa … Một lúc không thấy ai là đi ngay ấy mà … Nhớ đấy … đồ ngu ạ. Nuôi báo cô mày …

Ông Hoà dắt chiếc xe đạp cũ dựng ở thành tường bên trái sân rồi vào trong nhà, ngồi lên ghế, mắt nhìn ngắm xung quanh.

- Mẹ cháu đâu? Bảo ra bác gặp.

- Cháu không biết mẹ cháu đâu rồi nữa … Bác cứ ngồi chơi … để cháu đi rót nước cho bác …

- Bố cháu đâu?

- Bố cháu … ấy ạ! Bố cháu đi ra Quảng Ninh chỗ Móng Cái hay sao đó bác để lấy hàng gì ấy … cháu cũng không biết …

- Thế cháu đang ăn mì sao không ăn đi, nó trương lên thì nuốt sao nổi.

Con bé vội bê bát mì vào trong buồng. Đi vội, chân nó vất vào miếng gỗ đồ chơi để vương vãi khắp dưới sàn nhà làm đổ cả tô mì xuống đất kêu cái choang. Bà Tám từ trong buồng lao ra định quát chửi con bé. Nhưng quên mất là đang trốn ông Hoà, giờ trót lao ra rồi đành nhỏ nhẹ vừa nói vừa ra hiệu cho cái Hường nhặt mảnh vỡ rồi đi vào trong:

- Tôi đây tưởng ai. Quý hoá quá, hoá ra là anh Hoà lại đến chơi. Ai ngờ có ngày rồng đến nhà tôm.

- Thôi. Cô bỏ ngay cái giọng ấy đi. Tôi không rảnh rỗi mà qua chỗ cô chơi với bời. Không để mất thời gian, tôi vào việc chính luôn. Nay tôi sang đây, mục đích là muốn làm cho ra nhẽ với cô mấy chuyện …

- Hứ. Tôi với anh chả có chuyện với nhẽ gì cần bàn cả. Còn anh đến để nói về chuyện con Lan thì tôi không biết. Đừng có nhiều lời không hay.

Bà Tám nhổ toẹt cái tăm trong miệng xuống đất, ngồi phịch xuống ghế, bắt chân chữ ngũ, mặt nhìn kiểu thách thức ông Hoà. Ông Hoà không chần chừ, đáp lời ngay:

- Cô hiểu chuyện nhanh đấy. Nhưng mà đừng có vụng chèo khéo chống. Trên có giời, dưới có đất, làm sao mà cô qua được mắt tôi.

Ông Hoà không nói không rằng cầm ngay tờ giấy cam kết đập thẳng xuống mặt bàn.

- Cô xem ngay đi. Khỏi chối. Ba mặt một nhời rồi. Trắng đen đấy …

- Sao anh … có nó ...

- Cũng là cái vô phúc cho nhà cô. Hôm cô bảo thằng Tư nghiện nó đi rải giấy nói xấu con Lan là nó tằng tịu bất chính với anh Hoàng. Nó đã bảo không làm mà cô cứ nài nỉ rồi hứa trả công cho nó thì nó mới chịu đi. Nó đang rải giấy quanh cổng làng thì đúng lúc mấy anh dân quân xã đi hỗ trợ đám tang cụ Hựu về bắt quả tang. Nó khai là do cô xúi nó làm để bôi nhọ thanh danh anh Hoàng và con dâu tôi. Nó tự tay đưa tờ giấy này ra để làm tin. Nó còn đang bị giữ ở ngoài uỷ ban xã. Không tin, mời cô ra kiểm chứng. Giờ cô còn chối, còn cãi nữa không hả? Sao cô thất đức vậy, hay ho lắm hả? Sao không lo cái thân mình đi mà chỉ suốt ngày bày tính đủ mọi mưu kế để hại người vậy. Con gái tôi làm gì mà cô phải dùng những trò ma mèo dơ bẩn đến như vậy!

Bà Tám béo, ngồi sụp xuống ghế, thở không ra hơi, mặt xám xịt lại.

- Cô không phải hoảng. Cũng may anh Hoàng là chỗ tử tế nên có báo lại với tôi chứ không tôi cũng không tin được là cô. Cô cứ yên tâm rồi trưa nay, dân quân xã sẽ mời cô lên chất vấn trực tiếp. À,  phải rồi … Hay là do cô đang có hiềm khích với nhà chúng tôi mà đang tâm phá hoại hạnh phúc con Lan với thằng Long.

Bà Tám béo vẫn chưa chịu thua, giọng gằn lên, vẫn một mực khăng khăng là mình bị vu vạ oan ức:

- Ai bảo ông là tôi bảo thằng Tư. Con này nói cho mà nghe không dễ vu vạ cho con này đâu nhé. Nó làm nó chịu, đây không can dự. Mà nài có sao tôi nói vậy. Thế cái thai trong bụng nó là của ai … của ai … ông nói đi. Còn chuyện đất cát, đây không thèm dây dưa với nhà ông. Ông xem mà giữ lấy đứa con dâu ngoan của ông đi.

- Đấy, chính miệng cô nhận rồi nhé, không còn gì chối cãi nữa. Còn cái thai của con Lan là của nhà tôi, chẳng của ai cả, là máu mủ của nhà tôi, là cháu tôi được chưa. Còn chuyện đất cát, cứ thử lấn sang một phần đất nhà Tổ xem, tôi chém mụ bỏ mẹ.

- Đất nhà tôi trước được cắt từ nhà Tổ ra một mảnh để vợ chồng tôi làm chỗ sinh sống nhưng anh Chiến lại định để làm nơi đóng gạch, mở trại lợn. Giờ tuy không có ai để làm chứng nhưng còn bản viết tay của cụ Lý để lại. Mà ai bảo hồi đó, các người không xây tường bao đi để giờ nó thành ra như vậy. Nói chung lại, không nói nhiều, cái loại giả nhân giả đức như các người, con này gặp nhiều rồi. Ông cứ nghĩ nhà ông đẹp mặt lắm hả, bà Liên vợ ông còn đi tằng tịu với ông Thống, phó chủ tịch xã. Cả cái làng này họ biết lâu rồi, chứ không lấy đâu ra tiền cho ông sửa lại cái nhà ọp ẹp. Chẳng qua chỉ vì ngậm miệng để ăn tiền mà ông làm ngơ đi thôi.

Ông Hoà không nói gì, sấn sổ vào túm lấy cổ mụ Tám béo, ấn dúi xuống dưới bàn uống nước nhưng không được vì ông nhỏ con hơn mụ Tám rất nhiều.

- Mày bảo ai ngậm miệng ăn tiền, ai … ai … Tao không phải cái loại người như vậy … Mày định làm tao bẽ mặt hả …

- Ông có bỏ ra không thì bảo. Ối làng nước ơi … lão Hoà … lão ấy …

Khua khua tay vớ ngay được con dao rựa vừa bổ mít còn đặt trên bàn. Bà Tám bổ ngay một phát vào đầu ông Hoà, máu chảy lênh láng. Mấy đứa nhỏ thấy vậy gào khóc om sòm. Bà Tám thấy con dao dính đầy máu, ông Hoà đang gục trên người mình thì mặt xanh đen lại, hoảng sợ, vất vội con dao xuống đất. Bà Tám vật ông Hoà ngã lăn ra đất:

- Anh Hoà ơi …anh Hoà … tỉnh lại đi … tôi lỡ tay thôi …

Bà Tám đưa tay lên mũi, thấy ông Hoà đã tắt thở. Bà ta ngồi sụp xuống đất, bay hết cả thần hồn. Mấy đứa nhỏ cứ gào rống lên vì sợ hãi. Căn nhà vốn đã hiu quạnh, lạnh lẽo giờ lại càng tan tác đau thương.

* * *

Liên về đến nhà cũng đã gần trưa. Trên tay còn đang cầm bọc thuốc được gói giấy báo cẩn thận. Vừa vào đến trong nhà, đã nghe thấy tiếng bà Liên:

- Chị còn biết vác mặt về cái nhà này hay sao. Tôi tưởng chị đi luôn rồi. Trưa trật rồi cũng có ai hay biết nước non cơm cháo gì. Dâu con rõ khéo. Mà tôi nói cho chị nghe này, chị không biết nhục hay sao mà còn để cái thai đó trong bụng, chị không phá đi ngay cho tôi nhờ. Ô uế thanh danh dòng họ, bôi gio trát trấu vào cái nhà này. Trên kia kìa bàn thờ Tổ dòng họ, chị không thấy xấu hổ nhưng chúng tôi không biết chui mặt vào đâu.

- Dạ thư mẹ, con cũng vừa lên huyện mua thuốc …

- Thuốc gì? Đưa tao xem nào?

- Dạ thuốc …

- Cứ đưa đây tao xem …

Cầm gói thuốc trên tay, bà Liên đã hiểu, tỏ vẻ tử tế:

- Mày cũng biết điều đấy …

- Mẹ ơi, con xin mẹ, dù gì không phải cháu mẹ nhưng là con con. Xin mẹ cho con được nuôi cháu đợi ngày anh Long về.

- Đợi ngày anh Long về ... đây đâu phải con nó …  Mày định làm nó bẽ mặt à … Mày mua rồi thì uống đi … Không nói nhiều … Lôi thôi với mày, tao mệt mỏi, nhức đầu … Tránh ra cho khuất cái mắt tao …

Lan đi vào trong buồng, cất gói thuốc trên bàn. Lủi thủi. Xuống bếp. Nấu cơm trưa. Ngoài cổng thấy có tiếng người nhốn nháo, xôn xao:

- Bà Liên có nhà không? Ông Hoà … ông ấy …

Rồi một toán người khiêng ông Hoà vào đặt trên chiếc giường mé trái gian giữa nhà bà Liên. Bà Liên đang ngồi vắt chân trên ghế chạy vội ra xem. Lan ngó đầu qua cửa bếp, thấy vậy, cũng bỏ cả cơm nước chạy vội lên nhà trên. Thấy ông Hoà nằm bất động, máu me be bét, hai mắt nhắm ghiền, bà Liên nắm lấy tay ông Tửu trưởng xóm:

- Bác Tửu, nhà em sao vậy, sao lại ra nông nỗi này hả giời đất ơi?

- Tôi thấy có người bảo ông nhà sang bên bà Tám béo có xích mích với nhau, lời qua tiếng lại, mụ Tám béo vớ được con dao rựa phang cho ông ấy một phát vào đầu. Rõ khổ, ra đi đúng cái tuổi 53, vận hạn hết mức cho ông ấy. Con mụ béo thì đang bị gô cồ trên uỷ ban xã rồi …

- Chỉ tội lũ trẻ, mắt chúng giờ nhuốm đầy tội ác của mẹ nó rồi. Chúng sẽ ám ảnh suốt đời. Rõ khổ ...

Bà Liên gục mặt xuống cạnh giường ông Hoà khóc nấc lên. Lan cũng khóc gọi tên ông Hoà. Bà Liên ngước mắt lên nhìn Lan, ánh mắt sắc như dao cau:

- Tất cả là tại mày. Tại mày mà chồng tao mới thành ra như vậy. Cút ngay khỏi nhà tao. Tao không muốn nhìn thấy cái mặt mày nữa. Đồ vô phúc, biến đi cho khuất mắt tao. Giời ơi là giời … tôi có ăn ở thất đức đâu … mà chồng con tôi … lại ra nông nỗi này … hả giời đất ơi …. là giời đất ơi … Tất cả là tại cái con trời đánh thánh vật kia … Nhà tao vô phúc mới có cái loại con dâu như mày … Cút đi …

Bà Liên gào khóc thảm thiết nhưng mảy may không rơi lấy một giọt nước mắt. Ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Lan. Bà ta tiện tay vớ ngay chiếc cốc đang để trên bàn ném về phía cô con dâu đang đứng nép mặt vào cánh cửa giữa, khóc thương người cha chồng quá cố. Lan né được chiếc cốc nhưng nghe những những lời bà Liên nói như ngàn mũi kim đâm thẳng vào tim gan mình. Lan chạy ra khỏi nhà vừa đi vừa khóc. Chẳng ai biết Lan đi đâu …

* * *

Vừa ăn cơm xong. Mai bưng dọn mâm bát xuống dưới nhà rồi lên uống nước với Hoàng.

- Anh Hoàng này, chuyện anh với chị Lan là sao mà cả làng Chùa cứ đồn ầm lên. Em đi qua mà không biết đi đằng nào cho đỡ …

-  Em cứ kệ họ. Anh với chị Lan là người như thế nào em biết rõ mà.

- Chị Lan khổ quá anh nhỉ. Gặp phải cảnh trớ trêu như chị ấy chắc em không sống nổi  …

- Thôi em nghĩ nhiều quá rồi …

Hoàng an ủi ôm Mai vào lòng lòng. Nói chuyện với Mai một lúc thì Hoàng kêu mệt, lên giường nằm ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn miên man, Hoàng như lạc vào một vùng đất lạ. Xung quanh ngập trong biển nước, lau sậy um tùm hai bên bờ. Hoàng mon men tiến lại gần một cái cây lớn gần đó, tán cây rợp bóng che phủ cả một khoảng rộng bao la. Càng tiến lại gần, Hoàng càng nhìn thấy rõ có một người con gái đang đứng dưới bóng cây ôm mặt khóc. Da dẻ nàng nhợt nhạt, tím tái, đôi mắt thì vô hồn, đôi môi thì thâm đen với từng mảng da bong tróc, máu rỉ ra xung quanh. Hoàng bạo rạn tiến đến gần, cất tiếng hỏi:

- Cô là ai? Sao lại ngồi đây khóc một mình vậy? Có chuyện gì và đây là đâu?

- Hoàng, anh không nhớ tôi sao?

Rồi người con gái ấy quay mặt lại phía Hoàng làm anh giật mình hoảng hốt:

- Có phải chị Lan không, sao chị lại ở đây? Đây là đâu?

- Không … tôi … không phải là … Lan … Lan đã chết rồi ... Chết cô đơn … lạnh lẽo ... Chết tức tưởi … oan khuất … Chết trôi … chết dạt … Chết không một nấm mồ … một di ảnh … Chết không ai nương tựa … nhang khói …

Người con gái ấy cất lên tiếng cười đầy chua xót, phá nát sự im lặng đến ghê rợn của cảnh vật xung quanh. Nó xoáy sâu vào tâm can, chạm đến từng thớ thịt, mạch máu, huyết quản đang chảy trong người Hoàng. Tim anh đập nhanh, loạn xạ. Hoàng rùng mình, cảm thấy lạnh sống lưng, mồ hôi hột vã ra như tắm. Anh chàng lúc này như đang bị hút hồn. Cả cơ thể bỗng nhẹ bồng bềnh như những đám mây trời, cứ trôi vô định, không có điểm dừng chân. Cô gái ấy tiến đến nắm chặt lấy tay Hoàng. Rồi cứ thế dẫn anh ta đi đến bên mép nước. Nước xanh màu ngọc bích rồi hoá đỏ như máu. Xung quanh cỏ cây bỗng úa tàn. Rắn rết, côn trùng, ruồi nhặng, sâu bọ lúc nhúc. Khung cảnh trông hệt như những khu rừng nơi có những mụ phù thuỷ trú ngụ và ẩn nấp. Cô gái từ từ kéo anh xuống chỗ nước sâu. Miệng không ngừng thì thầm vào tai Hoàng:

- Sao anh không ở lại đây với tôi. Nước sông lạnh lẽo … buốt giá … lạnh vô cùng … anh ở lại với tôi cho vui … Ta làm bạn tri kỉ với nhau …

Anh đi như người đang bị thôi miên, từ từ biến mất dưới làn nước trong xanh. Chỉ còn lại những bọt bóng khí cứ lăn tăn trên mặt nước cho đến khi biến mất hẳn. Không gian trở lại yên tĩnh lạ thường, cỏ cây, hoa lá lại xanh tươi. Rắn rết, côn trùng biến mất chỉ còn lại tiếng ca, tiếng hót của bầy chim xanh. Nước thôi không đỏ nữa lại xanh hiền hoà như xưa. Hoàng giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm như tắm, miệng vẫn còn lắp bắt, kêu to:

- Chị Lan …

Mai thấy vậy chạy vào trong nhà đỡ Hoàng dậy. Cô lấy tay lau mồ hôi còn lấm tấm trên trán anh. Hoàng gạt tay Mai, vụt ra sân rồi cứ theo thẳng hướng con đường đi ra đê mà chạy. Trời tối đen như mực. Mai chạy ra đến cửa, gọi trong vô vọng, thanh âm hoà vào bốn bể mịt mùng:

- Anh Hoàng, giờ này anh còn đi đâu đấy …


Phamngochien.com - 12:39 - 14/06/2022 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận