Không gian thoát tục trong "Động hoa vàng" của Phạm Thiên Thư (Hồ Tấn Nguyên Minh)

( Bàn về không gian nghệ thuật của bài thơ " Động hoa vàng")

                                                        

          Bài thơ " Động hoa vàng" là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất trong cõi thơ Phạm Thiên Thư. Xuất hiện khoảng đầu thập niên 70 ở miền Nam, bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao khiết không nhuốm mùi tục lụy. Tựa một viên ngọc lung linh huyền ảo, nó dẫn người đọc tìm về một thế giới tịch lặng, đơn sơ đẫm hương Thiền. Nơi ấy con người có thể tìm được con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong một cuộc sống bình an, thanh thản. Hẳn không mấy khó khăn để nhận ra rằng văn hóa Thiền thấm đẫm trong từng câu, từng chữ và làm nên nét đẹp thâm trầm, ý nhị cho bài thơ. Hương Thiền tỏa trong " Động hoa vàng" trước hết ở không gian nghệ thuật. Từ câu chuyện " gã từ quan" coi thường danh lợi, chán ghét những thị phi, giành giật trong cõi đời mà tìm về nơi thông xanh suối biếc, nương náu chốn núi rừng, nhà thơ đưa ta đến không gian bát ngát của động hoa vàng. Động hoa vàng là đâu? Là một động Hoàng Hoa heo hút miền biên viễn trong thơ " Chinh phụ ngâm":

                    " Xót người lần lữa ải xa

                         Xót người nương chốn hoàng hoa dậm dài "

          Hay là một thung lũng hoa vàng nào đó trong thực tại. chỉ biết đó là không gian mơ ước của những con người quá mệt mỏi trước thời cuộc, muốn tìm về thiên nhiên để thanh lọc tâm hồn mình. Từ động hoa vàng, nhà thơ nói đến rất nhiều những hình ảnh thuộc về không gian. Đó là: miền tuyết thơm, suối tơ huyền, suối hoa rừng, cội thu xanh, đồi dạ lan, miền cỏ hoa, bến hoa tươi, đường lặng im, non xanh, thềm trăng, lưng núi phượng... Tất cả những hình ảnh thanh thoát mà đơn sơ ấy thuộc về một không gian thoát tục. Không ồn ào náo động, không phù phiếm lòe loẹt, tất cả ở trong một trạng thái vắng lặng, thanh bình, nhẹ nhàng và trong sáng . Đó là không gian của văn hóa Thiền - không gian tịch lặng, phảng phất nét sabi trong  thơ Hai- cư :

                                                           " Mái lều im

                                                             Một con chim gõ kiến

                                                             Gõ ngoài trụ hiên"

                                                                        ( Basô - Nhật Chiêu dịch)

          Đặc biệt, không gian thoát tục ấy là một không gian được phủ đầy hoa, đầy  trăng  và tiếng chim. Có đến 38 lần Phạm Thiên Thư nhắc đến động hoa, thảm hoa, giàn hoa... 15 lần nhắc đến trăng và 32 lần sử dụng hình ảnh cánh chim, tiếng chim trong bài thơ " Động hoa vàng". Đó là một đồi dạ lan trong miền u tĩnh:

                                 " Ta về rũ áo mây trôi

                                       Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan"

là hương hoa trong ấm trà mùa đông:

                                     " Đất nam có lão trồng hoa

                                       Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông"

hay cánh hoa dại ven đường:

                                    " Bông hoa trắng rụng bên đường

                                      Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng"

Đó là ánh trăng in dấu giày:

                                   " Người về sao nở trên tay

                                     Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót hoa"

hay bóng trăng thanh bình nơi hiên nhà:

" Bóng trăng tịch mặc hiên nhà

Thành đàn nảy hạt tỳ bà quyện hương"

Cùng với trăng, hoa là tiếng chim, người đọc có cảm giác tiếng chim như ngập tràn không gian:

" Tiếng chim trong cõi vô cùng

Nở ra bát ngát trên rừng quế hương"

Đó là tiếng chim linh thiêng theo văn hóa Thiền và đời sống tâm linh  người Việt,  là bầy nhạn trắng mùa xuân:

" Mười con nhạn trắng về tha

Như lai thượng trụ trên tà áo xuân"

là con hạc nhuốm màu huyền thoại:

" Hạc xưa về khép cánh tà

Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần"

        Trăng, hoa và tiếng chim, hương hoa thoảng thoảng, ánh trăng nhẹ nhàng, tiếng chim trong vắt làm cho không gian trở nên tịch lặng, linh thiêng, thấm đẫm thiền vị. Đó là nơi con người có thể lắng lòng lại, thả hồn vào cõi thinh không để tìm sự bình an, thanh thản. Không gian " Động hoa vàng" trong thơ Phạm Thiên Thư có nét gì đó tựa cõi Bồng Lai nơi chàng Từ Thức gặp tiên, tựa suối hoa đào trong " Đào hoa nguyên ký", tựa không gian trong thơ Hai-cư:

      "Quán bên đường

   Các du nữ ngủ

               Trăng và đinh hương "

                                                                                         (Basô - Nhật Chiêu dịch)

 

Hồ Tấn Nguyên Minh

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đức Đàn, Thiền học hay triết lý của sự im lặng, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật  ngày 4/1/2006

2. Lê Quang Đức, Ngồi chơi với Phạm Thiên Thư, báo Đà Nẵng ngày 25/10/2009

3. Nhất Hạnh, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, NXB Lá Bối, 1996

4. Bùi Công Thuấn, Một cách tiếp cận thơ Thiền

5. Phạm Thiên Thư, Thơ Phạm Thiên Thư, NXB Văn Nghệ, Đà Nẵng, 2006

 


Phamngochien.com - 18:52 - 05/03/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận