Huỳnh Như Phương và "Những nguồn cảm hứng trong văn học" (Trần Thức)

     Trong rừng sách văn học đủ "thập bát ban võ nghệ", loại sách lý luận - phê bình ngày càng trở thành của hiếm. Có thể do loại sách này kén người đọc nên các nhà phát hành không "mặn", cũng có thể do sinh hoạt học thuật đang ngày càng trở nên xa xỉ và xa lạ với cuộc sống nên người đọc không hào hứng. Ấy vậy mà hai năm qua, trên cái nền lặng lẽ ấy, mỗi năm Huỳnh Như Phương đều "lặng lẽ" cho ra đời một tác phẩm. Năm 2007 là Trường phái hình thức Nga và tháng 12.2008 là Những nguồn cảm hứng trong văn học.

    Cuốn Những nguồn cảm hứng trong văn họclà tập hợp gồm 12 bài viết của Huỳnh Như Phương về một số tác giả như Trụ Vũ, Lê Đình Kỵ, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Thế Vũ, Trần Lê Sơn Ý, Từ Huy, Trương Thị Kim Dung, F. Petrarca, Saint - Exupéry... Bên cạnh đó còn có những bài viết đề cập trực diện đến những vấn đề "nóng" trong nhà trường hiện nay như: Dạy văn trong một xã hội đang thay đổi, Môn lý luận văn học trong trường đại học. Một luận điểm của tác giả rất đáng được quan tâm trong quá trình đổi mới việc dạy và học văn, đó là: "Dạy lý luận văn học... không phải là dạy một thứ lý luận do ông thầy hay các giáo trình "tái chế" mà là dạy những lý thuyết văn học từng cọ xát, tranh biện, chuyển hóa lẫn nhau và người sinh viên cần được tiếp cận với thông điệp của chính các "giáo chủ" chứ không phải chỉ thông qua lăng kính của "kẻ truyền giáo"
        Chỉ chiếm 11/182 trang của tập sách, nhưng theo tôi, bài Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 mang tầm vóc của một chuyên luận. Ở đó, tác giả đã làm rõ nhiều vấn đề mà lâu nay thường bị đối xử theo kiểu "vơ đũa cả nắm". Thực ra, đúng như Huỳnh Như Phương đã phân tích, chủ nghĩa hiện sinh được du nhập vào miền Nam từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tất nhiên, mỗi cách tiếp cận đều mang trong bản thân nó dấu ấn của hoàn cảnh lịch sử và của chủ thể tiếp cận, nhưng ở họ có một điểm chung nhất: "Hầu hết đều cho thấy tinh thần độc lập và tự trọng của người trí thức, nói theo những suy nghĩ riêng của mình mà không rập khuôn, một giọng".
     Chính điều đó đã góp phần lý giải vì sao "trước đây, trong khi các nhà nghiên cứu ở miền Bắc thường nhìn thấy chủ yếu ở Sartre khía cạnh phi mác-xít, thì ở miền Nam, những người trí thức khuynh tả lại tìm thấy ở Sartre một chỗ dựa và một nguồn động viên để đến gần với cuộc đấu tranh dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo".

TRẦN THỨC

Nguồn: Phụ Nữ TPHCM, nhavantphcm.com.vn  


Phamngochien.com - 13:52 - 27/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận