Bửu Đình (1903-1931) sinh ra trong gia đình hoàng tộc, lớn lên trong thời buổi nhiễu nhương đất nước bị đô hộ.Nguyên quán Huế nhưng sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, viết văn làm báo tại Sài Gòn nên ông cũng được xem là một trong những tác giả đặt nền móng cho nền báo chí và văn học mới Việt Nam bắt đầu từ Nam bộ.
Là một nhà văn, nhà báo có tâm có tài, ông rất được độc giả đương thời và cả sau này mến mộ.Không phải ngẫu nhiên nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét về ông: "Văn chương Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ, phải xúc động và hay như thế nào thì nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953".Có người còn xem văn chương của ông là "văn chương thượng thừa" (chữ dùng của thám hoa Nguyễn Đức Đạt) như một cách khẳng định tài năng của ông.
Trong văn học phương Đông, giấc mộng giữ một vai trò quan trọng như một cách để thoát khỏi thực tại không như ý hay thông qua đó tác giảthể hiện ý kiến, quan điểm của mình trước thực tại.Giấc mộng Nam Kha và giấc mộng Hoàng Lương rất quen thuộc với chúng ta bởi nó là ác mộng của hiện thực: giấc mơ và đời thực rất khác nhau thậm chí trái ngược nhau.Bửu Đình cũng thế, ông sử dụng giấc mộng như một phép ẩn dụ để diễn tả quan điểm của mình về chính trị, quan niệm và giá trị cuộc sống...
Hình tượng giấc mộng xuất hiện ngay ở tác phẩm được coi là sáng tác đầu tiên của ông Bạn hiền khó kiếm trên ĐPTB vào tháng 6 năm 1923.Đại để có hai người bạn rất thân, học vấn rộng, hiểu biết nhiều, chán vòng danh lợi nên ở nhà lo việc ruộng đồng.Một bữa trời mưa, Huỳnh Quảng Kiến đang nằm mơ thì Châu Đại Nghĩa nhân đi thăm ruộng ghé chơi. Trong giấc mơ, Quảng Kiến gặp một vị con quan Thượng Nguyễn tên Tín Nghĩa, hai người đàm đạo và có cùng chủ kiến về nhân tình thế thái: thích vui thú điền viên, sống cuộc sống thanh nhàn không ưa cuộc sống phú quý vinh hoa. Tín Nghĩa nói: "Huynh nghĩ mà coi, người người đều ích kỉ chẳng biết yêu nhau chỉ mong tiểu lợi mà quên mất bổn phận mình đứng trong xã hội, đối với đồng bang. Nếu ra ăn lộc nước phải trọn nghĩa vụ mình, phán đoán rõ điều ngay lẽ vạy, làm phụ mẫu dân thì phải mến dân, dạy dỗ dân bỏ tối tìm sáng, bỏ điều vạy làm chuyện hay. Hễ một mực thanh liêm thì chẳng có tư lợi, chẳng có ý hối lộ quan trên, xu phụ quyền thế thì ắt phải mang tai, cái họa bên mình tránh đâu cho khỏi. Làm quan mà cứ ngạnh ngạnh thầm lo hoài, đã không ích quốc lợi dân mà lại phải bị cái này cái khác thì chi bằng chịu chữ vô tài mà ẩn núp" [3].
Ông gián tiếp thể hiện chủ kiến mình về sự tự do trong ngôn luận: "Đệ những mong trong nước chúng ta có lập được nhà báo, được phép suy nghĩ ăn nói tự do như các nước thái Tây thì đệ nguyện đem cả tài hèn mọn này, cả chí bình sanh ra làm tôi câu văn để phải từ mới đồng bang mới thỏa dạ." Ông đã nêu lên một thực tế, nước ta vốn giàu tài nguyên khoáng sản thế nhưng vẫn nghèo do "... học thức còn hèn, cách trí chẳng hay nên chưa biết cách dùng. Người có quyền có thế chẳng chịu xuất tiền để lựa người cho đi du học các nước văn minh để mở mang trong nước, chẳng chịu giao thông vạn quốc đễ rộng đường thương mại nên nước ta cứ còn hủ lậu, chẳng biết sau đời anh em ra thế nào...".
Tác giả để cho Đại Nghĩa phát biểu mang tính khách quan: "Giấc mộng hay, giấc mộng quý!" để bày tỏ thái độ của mình về quan niệm coi thường bạc tiền, danh vọng... coi trọng những ai biết lo lắng cho đất nước, quốc gia, dân tộc chỉ tiếc rằng người đó lại chỉ là người trong mộng nên hiện tình đất nước vẫn rất đáng lo. "Ta chỉ biết người là hay, là giỏi đáng tri kỉ của ta, mà phiền là vì người là người trong mộng."
Lần thứ hai, hình tượng giấc mộng xuất hiện trong đoản thiên tiểu thuyết Giấc mộng.Lần này, ông phê phán một cách kịch liệt hơn, đầy ý thức bản lãnh hơn đối với chế độ quan trường, với phần lớn những hạng người thanh niên học sinh đi học chỉ là để thực hiện một nghĩa vụ lấy một tấm bằng thật giỏi, xin được việc cho tốt để sung sướng riêng mình chứ không hề nghĩ đến việc giúp cho nước mạnh, dân cường. Lần này, tác giả tiếp chuyện với một cụ già có tấm lòng ưu thời mẫn thế, buồn vì trong bốn đứa con lão đều làm ông này bà kia song "lão chưa thấy đứa nào có tấm lòng hay ho cho nhơn loại cả. Chỉ chơi bời tiêu xài cho sướng mà thôi, càng biết tiêu xài là càng có tội lỗi lắm".
Tác giả luận suy ra ở đời con người ta đi học chẳng qua là vì một tấm bằng cấp để có thể kiếm được một việc làm tốt, có một chức vụ gì ở trong xã hội chứ đâu ai có ý nghĩ đến việc đem lại lợi ích cho quảng đại quần chúng đang u mê. Cho nên xác định mục đích học tập sẽ là công việc suốt đời của một con người chứ không phải chỉ là kiếm được tấm bằng cho giỏi để kiếm một công việc lương cao. Để trả lời câu "Mục đích học vấn là như thế nào?" của cụ già, tác giả trả lời: "Khi trước cốt học để sau được sung sướng xác thịt mà quên mất sự sung sướng xác thịt ấy là cái đàng dẫn mình vào làm món lợi khí cho người; bây giờ học là muốn sai sử lấy mình, muốn tinh thần làm thầy xác thịt, muốn tự trị tự chủ trong lúc vui buồn tủi giận, mình là người mình phải học làm người, phải học đạo làm người." Học để cho biết: "Làm người là biết đau biết khổ biết nhục, biết giận, biết giữ lợi quyền cho mình, biết bênh vực lợi quyền cho người, biết thương kẻ lâm nạn, biết khuyên người cô quả, thấy giàu phi nghĩa chẳng màng, thấy sang bất nhân chẳng ham, phải thì làm trái thì thôi, chẳng khinh người nghèo chẳng hiếp người yếu..."
Để trả lời câu hỏi: "vậy còn học khó là làm sao?" tác giả bày tỏ ý kiến: Cái học thật khó làm sao, học làm ông này bà nọ, để người ta sai khiến thì dễ, chớ học mà để tự chủ cuộc đời mình thì khó biết bao: "Học mà luyện con mắt biết nhìn xấu đẹp, luyện lỗ tai nhẹ biết điều phải trái, luyện mình nhẹ nhàng như không còn cái xác thịt nặng nề này nữa thì sự học đó mới thật là khó. Càng biết học khó bao nhiêu thì lại càng sợ càng kính phục sự học bấy nhiêu.... Học làm sao cho thấu được cái lòng người, đo được cái dạ người, luận rõ cái lưỡi không xương của người thì bấy giờ mới là thiệt học." [4]
Suy nghĩ của ông đã và đang đánh động hiện trạng rất nhiều thanh thiếu niên, kể cả người trưởng thành ngày trước và cả ngày nay coi rằng học chỉ để ích lợi cho mình, học để làm con ngựa hay cho người cưỡi chớ ít ai xác định cho mình một nhiệm vụ học tập suốt đời, học để làm chủ vận mệnh, chủ tương lai của mình.
Cái sự học nó quan trọng như vậy đấy nhưng khi thức dậy, chẳng một ai có thể chia sẻ sự lo nghĩ này của tác giả mà chỉ có một chú mèo tam thể nằm bên biết mà thôi. Nên tác giả lo lắm, lo mà chỉ hỏi một câu rằng: "Hàng thanh niên ở Đế Kinh có quan tâm đến chăng? Hay là chỉ như chú mèo tam thể chỉ lo ăn với ngủ hay không? Thật đáng lo biết bao." Đó là một lời cảnh tỉnh của ông đối với hạng thanh niên mang linh hồn của một dân tộc mà èo uột, mà không có chí khí chỉ lo kiếm miếng cơm cho ngon, manh áo cho đẹp, nhà cho to, vợ cho xinh... Thế thì nói gì đến việc quốc dân Nam Việt một ngày nào đó sẽ sánh với các nước.Thanh niên rất quan trọng của một đất nước, một quốc gia, nếu ở họ không hề tồn tại một hoài bão tự tôn tự cường thì sao mà hy vọng đất nước một ngày nào đó sẽ có thể ngẩng cao đầu mà tự xưng mình là con rồng cháu tiên.
Một độc giả của báo TTK đã hưởng ứng tinh thần, ẩn ý của ông bên trong câu chuyện mà viết bài Mục đích học vấn là chú mèo tam thể [10; số 17] rằng: đọc xong truyện Giấc mộng, đến câu chót (ở trên) thì người viết cười: "Cái cười không phải là cười vui mà là cái cười cay đắng xót chua" đối với cái tình trạng người ta đi học chỉ vì một chức ông thông, ông phán, ông ký... chớ có mấy ai đi học để mục đích là giúp nước giúp dân đâu cơ chứ? Và "cười cái hạng người thỉ chung chỉ như con mèo mà thôi. Hạng người ấy khác thú vật chính là có một cái hình người chớ ngoại không gì khác. Mục đích của họ sống ở đời nầy là mục đích của con mèo chạy, nhảy, ăn rồi nằm queo mà ngủ, nhơn tình thế thái họ chẳng có quan tâm gì đến cả".
Hình tượng giấc mộng xuất hiện lần thứ ba là trong một bức thư tác giả gởi cho bạn: Thơ lời cho bạn, mơ màng trong giấc chiêm bao [5]: kể về một giấc mộng mà tác giả lạc vào một đất nước có tên Vô Quốc, một đất nước hẳn chỉ có trong mơ nhưng những người dân ở đây dù già, dù trẻ đều rất yêu đất nước mình, họ cũng gặp cảnh bọn quan lại tham tàn, bạo ngược, song họ vẫn luôn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Hình tượng giấc mộng xuất hiện lần thứ tư là ở đoản thiên tiểu thuyết Giọt máu chung tình kể chuyện một cô gái đã gặp cảnh, gặp người y như trong giấc mơ của mình đêm qua. Chàng trai mà cô gặp là một thuyền trưởng gan dạ, anh dũng có tên là Nguyễn Vệ Quốc hay đây chính là một mẫu người anh hùng như trong lịch sử đã từng xuất hiện những người anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung... những con người bình thường đã làm nên lịch sử. Có phải cô gái xinh đẹp hiền hoà kia tượng trưng cho đất nước Việt Nam thơ mộng, và hình tượng chàng trai là những anh hùng trong lịch sử xuất hiện để viết nên trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta không? Chàng trai xuất hiện với vóc dáng: "Một vị thanh niên mắt xanh, da trắng, mũi rộng, trán cao, nương chiếc thuyền con rong ruổi giữa ba đào giữ dội. Chàng cầm lái nhìn khắp bốn phương trời, không chút gì kinh sợ. Dường như chàng là chúa biển, sóng gió quen mặt, non nước quen danh... chàng cợt cùng sóng, chàng vui cùng nước, chàng rút gươm vỗ mạn thuyền mà ca bài ca anh hùng hữu chí..." [6]
Hình tượng giấc mộng lần thứ năm xuất hiện trong tác phẩm truyện thơ: Giọt lệ tri âm. Truyện có tất cả 545 câu thơ song thất lục bát, và việc mô tả giấc mơ của người chinh phụ là: 83 câu thơ, chiếm hơn 15% toàn bài thơ. Giấc mộng đưa người chinh phụ vượt nghìn quan san đi tìm chồng, mặc cho bao nhiêu cạm bẫy, hiểm nguy đón chờ trước mặt:
"Đường diệu vợi cách xa non núi,
Mấy núi non mà cổi tơ vương?
Vó lừa thân liểu dăm trường,
Khinh quen gió bụi xem thường cọp beo.
Ngày ngày những trèo đèo lội suối,
Đêm đêm từng đốt củi nằm cây.
Nhọc nào thân cũng không cay không nồng..." [7]
Với một tâm nguyện rằng chỉ khi được nhìn thấy mặt chồng, rồi lại trở về nhà thành người vợ hiền, dâu thảo, chăm sóc con cho chồng an tâm đánh giặc. Nàng chỉ dám mơ được nhìn thấy chồng mạnh khoẻ để trả ơn nước, trả nợ vua. Nàng không bi luỵ, khóc lóc làm nản chí người anh hùng mà cho dù có nhớ chồng, có thương chồng vì con người ai mà chẳng có yêu, có ghét, ai cũng muốn mình được: "Chim đủ cặp cùng nhau vui vẻ, cây liền cành san sẻ tình chung" nhưng không vì thế mà bi lụy khóc lóc. Nàng cũng là một con người bình thường, một người vợ, người mẹ lúc nào cũng muốn ở bên cạnh con và chồng mình.
Thấy chồng xông pha vào nơi lửa đạn lòng nào chẳng xót, chẳng đau: "Lằn tên đạn nám mày nghĩa sĩ, cảnh biệt ly càng nghĩ càng đau." Rồi thì là: "Tưởng chàng gối vác nằm sương, nuốt châu chẳng khoẻ ăn vàng không ngon". Người chinh phụ này cũng là người, cũng đau, cũng xót cho chồng xông pha nơi mũi tên, làn đạn. Nàng dẫu có thương chồng song không vì thế mà nàng làm luỵ lòng quân tử, nàng mơ một giấc mơ được ra đến trận tiền, giáp mặt người thương mạnh khỏe: "Chàng dựa ghế đèn chong sáng rạng, tay cầm gươm bào mảng đoan trang. Rõ ràng khí tượng hiên ngang, sợ oai thiếp muốn tìm đàng lui ra...".Và chỉ cần như thế, chỉ cần "nhìn thấy mặt là khuây khoả lòng". Nàng ra về biết chồng mạnh khoẻ và nhất là biết tin chồng yêu vẫn: "Miễn chàng đặng trung cùng chúa thánh" thế là thoả nguyện.
Một người phụ nữ như thế hẳn chẳng phải người đàn ông nào cũng có thể xứng đáng được với nàng. Mà muốn được nàng nể phục và thương yêu thì ít ra cũng có một sự nghiệp phi thường nào đó, và nàng hiểu rằng: "Anh hùng sự nghiệp phi thường, rủi may chi cũng làm gương cho đời".
Sự bi luỵ, tang thương trong tác phẩm này không hề tồn tại, không hề có một tiếng thở dài, không hề có những giọt nước mắt, không hề có sự oán thán trời thẳm đất dày làm "chim lìa cành", làm vợ xa chồng, con xa cha...
Người thiếu phụ trong tác phẩm này không khóc vì xa chồng, xa con mà vì tủi mình là phận nữ nhi nên không thể cùng chồng xông pha trận tuyến. Nàng khóc vì:
"Tức Tạo Hóa trớ trêu kẻ thế,
Ỷ quyền cao áp chế thân ta;
Bực mình muốn gánh sơn hà,
Làm cho nổi tiếng con nhà thế gia.
Ngặt một nỗi cha già gần đất,
Ngặt một điều con rất ấu thơ.
Bằng không mình nhẹ như tờ,
Cũng liều mà phấn mà thờ nước chung..." [7]
Lấy giấc mơ để nói lên những điều mình
Năm giấc mơ với màu sắc và hương vị khác nhau để nói lên tâm tư nguyện vọng của một trí thức luôn "ưu thời mẫn thế" với thời cuộc, một con người không khuất phục cường quyền, thách thức tất cả để được làm một con người tự do trên chính quê hương, tổ quốc mình.
Nghiên cứu văn học Nam bộ không thể bỏ qua chiến sĩ - văn sĩ Bửu Đình và những nhà văn cùng thời của ông, những người đã lót những viên đá đầu tiên cho nền văn học mới nước nhà. Trên cái nền ấy nền văn học ta ngày càng hiện đại, tiến bộ hơn, phản ánh cuộc sống và bắt kịp với thế giới.
Trương Thị Linh (GV ĐH Thủ Dầu Một)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (1988), Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 - 1945), NXB TPHCM
[2]. Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, NXB ĐHQG TPHCM
[3]. Bửu Đình, Bạn hiền khó kiếm, truyện vừa, Đông Pháp thời báo, từ số 12/4.6.1923 - số 21/27.6.1923
[4]. Bửu Đình, Giấc mộng, truyện ngắn, TTK, số 5/9.10.1926
[5]. Bửu Đình, Thơ lời cho bạn, mơ màng trong giấc chiêm bao, TTK, số 19/1926
[6]. Bửu Đình, Giọt máu chung tình, TTK, số 6/1926
[7]. Bửu Đình, Giọt lệ tri âm, trường ca, TTK, từ số 10/16.11.1926 - số 41/ 22/12/1926
[8].Bằng Giang (1992), Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, NXB Trẻ, TP HCM
[9]. Đông pháp thời báo
[10]. Báo Tân thế kỷ
[11]. Nguyễn Q Thắng (1990), Tiến Trình văn nghệ miền Nam, NXB Tổng hợp An Giang
[12]. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế, Báo Văn nghệ số 34.