Gợi ý giải bài thi Cao đẳng môn văn năm 2010 (của Phạm Ngọc Hiền đăng trên báo Tuổi trẻ)

Bài đăng báo Tuổi trẻ online http://chuyentrang.tuoitre.vn/Tuyensinh/Index.aspx?ArticleID=390223&ChannelID=142

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2010

Môn NGỮ VĂN

 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH:

Câu 1(2 điểm): Anh/ chị hãy nhận xét ngắn gọn về cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Câu 2 (3 điểm): Hãy viết một bài văn ngắn khoảng (600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về mối quan hệ giữa tàiđức.

PHẦN RIÊNG

Câu 3: (5 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu 3.a Theo chương trình Chuẩn:

Trong Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm viết:

Trích đoạn từ câu

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khen trong nỗ nhới thầm

Đất là nơi " con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"

Nước là nơi " con cá ngư ông móng nước biển khơi"

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(Ngữ văn 12, tập Một, NXB Giáo dục, 2008, tr.118-119)

Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của tác giả về đất nước.

Câu.b Theo chương trình nâng cao:

Anh/ chị hãy phân tích nét đẹp trong nhân cách của nhân vật Bà Hiền (Một người Hà Nội -Nguyễn Khải) để làm rõ lời bình của người kể chuyện:

" Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lòng đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở một góc phố Hà Nội hạy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng".

(Ngữ văn 12 nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.82)

 

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI MÔN VĂN CAO ĐẲNG NĂM 2010

 

Câu 1

- Xuân Diệu được xem là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ Mới". Thơ của ông bộc lộ nhiều quan niệm mới mẻ, nhất là ý thức về cái tôi cá nhân rất mạnh mẽ. Có thể thấy rõ điều đó trong bài Vội vàng (1938).

- Xuân Diệu có lòng ham sống mãnh liệt, thiết tha với cuộc sống thiên đường nơi trần thế, khát khao được giao cảm tuyệt đích với đất trời, con người và sống hết mình cho thời trẻ. Cách nhìn đời của thi nhân rất trẻ trung, say đắm, rạo rực nhưng đôi khi cũng buồn bã, băn khoăn về sự hạn hữu của thời gian đời người và sự cô đơn trước vũ trụ bao la. Qua bài Vội vàng, Xuân Diệu muốn gửi gắm thông điệp: hãy sống hết mình, sống mãnh liệt, biết quý trọng từng giây phút của tuổi trẻ để tận hưởng hạnh phúc thiên đường trên mặt đất.

- Cái tôi trữ tình của Xuân Diệu được thể hiện bằng giọng thơ say mê, giàu cảm xúc và chất triết luận, nhịp điệu gấp gáp, thể thơ tự do phóng túng, nhiều sáng tạo ngôn từ và hình ảnh mới lạ theo lối thơ tượng trưng siêu thực.

Câu 2

- Tài năng và đức độ là hai phẩm chất cơ bản của con người. Tài được hiểu là kiến thức, năng lực, khả năng sáng tạo trên từng lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội... Đức cũng có nghĩa là đạo lí, chỉ cách sống tốt ở đời và được mọi người thừa nhận.

- Tài và đức kết hợp hài hòa sẽ làm cho nhân cách con người hoàn thiện. Người ta sẽ dễ thành công trong cuộc sống, được mọi người trọng vọng, đóng góp nhiều cho xã hội. Tài và đức có mối quan hệ tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Tùy vào hoàn cảnh mà có lúc tài đặt cao hơn đức hay ngược lại ("Đánh thiên hạ thì dùng võ. Trị thiên hạ thì dùng văn").

- Trong thực tế, có khi tài và đức không song hành với nhau. Có những người có đức mà không có tài nên khó thành công trong cuộc sống. Ngược lại, có những người rất có tài nhưng không có đức nên không được mọi người ủng hộ và có khi gây tác hại cho xã hội.  Bác Hồ nói: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó"

- Tài và đức cần phải đi liền với nhau. Mỗi thanh niên cần không ngừng trau dồi kiến thức và đạo đức. Chống lại những biểu hiện lệch lạc về nhân cách trong xã hội ngày nay.

Câu 3a

- Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là trường ca Mặt đường khát vọng, viết tại chiến khu Thừa - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974. Phần đầu chương V thể hiện nhiều quan điểm mới mẻ và sâu sắc của tác giả về đất nước, nhất là đoạn: "Đất là nơi anh đến trường... Đẻ ra đồng bào ta trong bộc trứng".

- Tác giả quan niệm, đất nước là phần lãnh thổ mà dân tộc ta cư trú từ ngàn xưa (Thời gian đằng đẵng / Không gian mênh mông / Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ...). Đất nước kết tinh từ nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa... Đất nước là của Nhân Dân, của "dân mình", của "anh" và "em" chứ không phải của vua chúa. Đất nước có trong máu thịt của mỗi người, bởi vậy, mỗi người dân phải có trách nhiệm với đất nước. Đây là quan niệm mới mẻ của tác giả.

- Cái sâu sắc trong cách cảm nhận của tác giả là: Đất nước không phải là cái gì xa lạ, trừu tượng mà rất gần gũi thân thiết với mỗi người, gắn liền với những kỷ niệm riêng tư đẹp đẽ ("nơi em tắm", "nơi ta hò hẹn", "nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm"); cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, giàu đẹp ("con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc (...) con cá ngư ông móng nước biển khơi"). Nó nằm ngay trong trong ca dao dân ca, truyện cổ tích thân thuộc với mỗi người (truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ). Những hình ảnh đó đã chạm vào những gì sâu thẳm nhất trong tâm thức dân tộc. Qua đó khơi dậy lòng tự hào và tình yêu nước cho thanh niên.

- Đoạn thơ kết hợp giọng điệu chính luận và trữ tình, sử dụng chất liệu văn học dân gian và sinh hoạt đời thường làm cho câu thơ giàu ảnh và gợi tưởng. Tạo không khí sử thi và lãng mạn. Dùng kiểu chiết tự từ ngữ Đất - Nước để thể hiện các khía cạnh khác nhau rồi hợp nhất hai từ để cho thấy sức mạnh của tình đoàn kết. Ngôn ngữ bình dị, thể thơ tự do phóng túng bay bổng...

Câu 3b:

- Nguyễn Khải sinh năm 1930 ở Hà Nội. Tác phẩm của ông thường thường bám sát những vấn đề có tính thời sự. Một người Hà Nội (1990) là một truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Khải sau giải phóng. Tác phẩm nêu bật được phẩm chất cao đẹp của nhân vật bà Hiền, người tiêu biểu cho số đông những người Hà Nội nói chung trên các chặng đường lịch sử đất nước.

- Bà Hiền chứa đựng trong mình tất cả những dấu ấn của thời đại. Đó là những giá trị truyền thống bền vững "thuần túy Hà Nội, không pha trộn". Những phẩm chất quý giá đó là tấm gương cho thế hệ trẻ. "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lòng đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở một góc phố Hà Nội hay mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng"  

- Bà Hiền là một người bình thường như bao người Hà Nội khác - cùng đất nước trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng vẫn giữ được cốt cách người Hà Nội - sống bản lĩnh và có văn hoá.

- Bà sống rất chân thành trước sự thay đổi của đất nước, không hề giấu bất cứ điều gì về gia đình mình. Bà thẳng thắn, không ca ngợi theo kiểu tung hô phiến diện một chiều, thấy được cái được và cái chưa được ẩn giấu trong cuộc sống mới ở Hà Nội. 

- Bà có đầu óc thực tế, không a dua, lãng mạn viển vông, bà tính toán rất khôn khéo, có trước có sau và làm chủ được mình. Thậm chí, tự chủ đến mức không bao giờ thèm quan tâm đến những lời điều tiếng xung quanh.  

   - Bà lấy chồng để hoàn thành thiên chức của một người phụ nữ. Cô giáo dục con rất tỉ mỉ, có phương pháp và cũng hết sức thực tế. Sau giải phóng, bà Hiền cũng luôn giữ vững tư cách phẩm giá của một công dân, làm ăn buôn bán chính đáng, theo đúng chính sách của Đảng.

- Bà có lòng yêu nước và biết rõ trách nhiệm công dân của mình. Thời chống Mỹ, bà vô cùng thương con nhưng cũng sẵn sàng cho con ra trận. Bà tiêu biểu cho những phụ nữ thời chiến tranh: giỏi việc nước đảm việc nhà.

- Truyện được viết với giọng điệu trần thuật đa thanh trải đời nhưng tự nhiên, dân dã, suy tư giàu chất triết lý. Tất cả làm nên chất tự sự vừa đời thường vừa hiện đại. Cách thức xây dựng tình huống mang tính khám phá.

TS. Phạm Ngọc Hiền

(khoa ngữ văn, Đại học Văn Hiến)

 


Phamngochien.com - 22:31 - 15/07/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận