Giếng nước làng (Huỳnh Khang - Sài Gòn)


Giếng, vò nước và trụ cần vọt có thể được xem là một trong những biểu tượng của làng quê Tuy Hòa - Phú Yên xưa nói riêng và của làng quê Việt Nam nói chung. Ngày xưa, giếng thường hay đào phía trước nhà, nên vào nhà là bắt gặp ngay giếng và không gian của giếng nước. Đi kèm với giếng là trụ cần vọt, cái vò nước, cái gàu, gáo dừa và cái thùng đất đựng nước…

Nước giếng của người dân Tuy Hòa quê tôi là nước lấy từ mạch nước sông Ba nên trong veo và ngọt lịm. Ngày xưa chúng tôi hay tụ tập chơi bắn bi, đánh trổng hay chơi u mọi...ham chơi đến nỗi khát khô cả họng. Những lúc đó chạy vào nhà ai gần đó, múc một gáo nước, uống ừng ực là mát đến tận gan, ruột…

Dân quê tôi quan niệm: “cái giếng đi trước, cái nhà đi sau”, có nghĩa là làm nhà thì làm giếng trước để có nước phục vụ trong lúc xây nhà và mọi sinh hoạt sau này. Giếng nước hầu hết là đào ở phía trước nhà, chứ ít có ai làm giếng ở sau hè, nếu có thì cũng chỉ là giếng phụ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì tất cả các công trình phụ như nhà cầu, chuồng heo, chuồng bò, chuồng gà, chuồng vịt…đều cho ra phía sau nhà, nên giếng phải đào ở phía trước dể tránh ô nhiễm .

Trước khi nói về giếng, vò nước, trụ cần vọt thì chắc cần phải nói một đôi chút về ngôi nhà ở thôn quê Tuy Hòa- Phú Yên ngày xưa. Nhà ngày xưa đa số là nhà lợp tranh, vách đất. Sau năm 1975, nhà dần dần được thay bằng tường gạch, lợp ngói nhưng cấu trúc thường thấy nhất vẫn là gồm nhà trên và nhà dưới, từ ngoài nhìn vào nhà giống như chữ L. Nhà trên thì đa phần là nhà ba gian, hai mái, nhà dưới thường hai gian, hai mái và nhỏ, thấp hơn nhà trên. Hai nhà thông nhau bằng một cái cửa gọi là cửa hông. Phía sau nhà dưới là khu bếp, thông với nhà dưới bằng cửa sau. Nhà bếp thường tách biệt ra để khi nấu nướng tránh khói bụi vào nhà. Phần mái trước của gian sau nhà dưới úp vào tường nhà trên, và có làm một cái trổ máng bằng tôn để thoát nước. Sau này có nhiều cải tiến như phần đầu hè của nhà trên thành cái phòng lồi, phần trổ máng thay bằng máng đúc, cửa sổ gỗ thay bằng cửa sắt…Nền nhà thì thường phải đắp cao so với mặt đường để tránh nước lụt hàng năm vào mưa. Nhà thường có khoảng sân rộng để phơi lúa thóc và hoa màu. Sân cũng là nơi để cả nhà quây quần bên nhau trong những bữa cơm chiều. Thường trẻ con cứ ngồi bệt xuống đất mà ăn, còn người lớn thì ngồi trên những cái đòn ngồi.

Nhà trên chủ yếu là thờ tự và tiếp khách nên cần cao ráo, rộng rãi, khang trang. Cửa ngõ, lối vào nhà, thường là nằm ở đầu nhà trên, nên giếng nước hầu hết nằm ở đầu đưới, nơi tiếp giáp giữa nhà trên và nhà dưới (thẳng từ chỗ trổ máng đổ nước ra) và cách bờ sân chừng hai, ba mét. Có lẽ người xưa và thầy phong thủy thường chọn làm giếng chỗ này để lấy luôn nguồn nước trời (là nước mưa từ trổ máng đổ ra) và để cân bằng âm - dương cho cả ngôi nhà. Nhà dưới là nơi tập trung mọi sinh hoạt như nấu nướng, ăn uống...nên giếng ở vị trí này cũng rất thuận tiện cho việc lấy nước hàng ngày.

Nhà của quê tôi đa phần xây theo hướng đông nam, là hướng quay về núi Đá Bia.Nhà hướng đông nam thì vào buổi sáng ánh mặt trời chiếu rọi vào nhà làm xua tan ẩm mốc, diệt vi khuẩn, tránh được dịch bệnh…Còn buổi chiều sẽ tránh được cái nắng gắt nên tạo mát mẻ cả ngày cho ngôi nhà. Nhà hướng đông nam sẽ hứng được gió nồm mát rượi từ biển thổi vào vào mùa thu. Hướng này cũng tránh được ảnh hưởng của mưa và những cơn gió bấc lạnh thấu xương vào mùa đông. Ngoài ra, hướng nhà đông nam cũng tránh được một phần gió nam, hay còn gọi là gió Lào, là gió khô, nóng bức thổi ù ù từ phía tây về vào mùa hè.

Đối với người dân ở làng quê ngày xưa thì giếng nước là cái không thể thiếu đối với mỗi nhà. Người xưa xem trọng cái giếng chỉ sau cái nhà, thế nên mới có câu: “Nhất tỉnh, nhị táo, tam môn đường”. Câu này ý nói là sau cái nhà thì giếng là số 1, bếp đứng thứ 2, cửa ngõ đứng thứ 3. Hầu như nhà nào cũng có một cái giếng. Đặc điểm của giếng ở Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung là giếng tròn, bộng đất. Sau này mới thay bằng bộng xi măng. Mỗi bộng giếng cao chừng nửa mét, một cái giếng thường có chừng mười đến mười lăm bộng chồng lên nhau. Phần thành giếng nhô lên trên mặt đất thường là một cái bộng cái: là cái bộng to, thường là gấp rưỡi các bộng bình thường. Sau này bộng cái cũng được xây thêm, bao xung quanh bằng một lớp gạch cho chắc chắn.

Bộng giếng làm bằng đất sét, thường phải lựa đất rất kỹ càng, sau đó đem nắn thành cái bộng hình trụ, rồi đem đi hầm trong lò lửa như hầm gạch, ngói. Nếu hầm đúng kỷ thuật, bộng giếng sẽ đỏ au như màu của ngói, gạch .

Việc đào giếng là việc hệ trọng, giống như khi làm nhà, nên không phải cứ thích đào là đào. Ngày xưa muốn đào một cái giếng tốt thì phải thỉnh thầy phong thủy tới chọn chỗ đào, chọn ngày tốt, giờ để cúng kiếng rồi mới đào. Giếng đào xong để lắng chừng mười bữa, nửa tháng là xách nước lên uống được.

Giếng đào một lần là sử dụng mãi mãi, ít khi thấy ai phá bỏ giếng hay lấp giếng. Nếu giếng không sử dụng nữa thì đậy lại để đó chứ không phá bỏ. Đập phá giếng, lấp giếng là một trong những điều đại kị. Vì là thế này:Theo thuyết Âm - Dương thì nếu như xem nhà là phần Dương thì giếng có thể xem là phần Âm của toàn bộ khu nhà ở. Khi các thầy phong thủy xem nơi làm giếng thì đã tính toán sao cho vị trí cái giếng sẽ giúp cân bằng âm - dương của sinh khí trong khu nhà ở. Một khi lấp, phá giếng thì sẽ làm mất cân bằng âm - dương trong khu nhà, nên có thể gây ra những điều không tốt và ảnh hưởng sức khỏe cho người sống trong ngôi nhà đó.

Nạo vét giếng cũng vậy, cũng phải cúng vái đàng hoàng rồi mới nạo vét. Để tránh bị ngạt khí (thường là khí mê tan) khi nạo vét giếng thì trước khi nạo vét phải lấy cây sào dài chọt xuống giếng, chọt sâu xuống lớp bùn, ngoáy cho khí độc thoát ra. Sau đó, lấy cành cây bụi có nhiều nhánh, cột vào dây thả xuống đáy giếng, nắm dây kéo lên, thả xuống nhiều lần cho  khí độc bay lên hết rồi mới xuống nạo vét. Cách thử để biết còn khí độc hay không là cột một mồi lửa rơm thả xuống gần mặt giếng, mồi lửa tắt là còn khí độc, chưa đủ khí ô xy, phải tiếp tục khử hết khí độc đi. Một số người không biết chuyện này, khi đi nạo vét giếng hoang, bị chết thương tâm, oan uổng vì khi leo xuống giếng bị khí độc bay lên làm mê man bất tỉnh, rớt xuống và chết dưới giếng .

Hiện nay người dân quê tôi vẫn còn tục cúng giếng trong dịp tết và thường cúng lúc giao thừa. Cúng giếng với ý nghĩa cầu mong giếng luôn đầy nước, cho nước luôn trong lành và mát mẻ quanh năm. Cúng giếng thì thường có dĩa bánh ngọt: bánh thuẫn, bánh kẹp, cốm, bánh in, kẹo…và có thêm chén gạo, chén muối, ly nước, bát nhang và giấy vàng mã. Sau cúng giếng lúc giao thừa thì mọi thứ vẫn để nguyên vậy, đến mùng ba tết cúng lại một lần nữa, đốt giấy vàng mã, rải gạo, muối xung quanh giếng là xong thủ tục cúng giếng. Nhiều nhà kỹ thì trong ba ngày tết không đụng tới giếng, không xách nước giếng, nên trước giao thừa đã dự trữ nước để xài đủ cho ba ngày tết. Một số người kỹ hơn nữa thì khi xách nước không để cho gàu đụng vào thành giếng vì họ quan niệm nếu đụng vào thành giếng gây ra tiếng vang là làm động vào Hà Bá, Thủy Thần. 

Ngày xưa thì mỗi làng có cái giếng làng cho người dân xách nước, lấy nước chung. Sau này mỗi nhà làm một cái giếng riêng nên giếng làng không sử dụng nữa và trở thành giếng hoang hay giếng lạng (kiểu như mả lạng là mả hoang, không ai chăm sóc). Các giếng hoang này chủ yếu để tưới hoa màu là chính. Vì là giếng hoang, là của chung nên thường không ai bảo quản, trẻ con hay tới chơi, leo lên miệng giếng và ném đất, gạch, xả rác rến xuống…nên giếng làng ngày càng cạn dần và khô nước. Ngày nay các làng ở Tuy Hòa hầu như không còn giếng chung của làng nữa.

Cái vò thì phải đi kèm với cái gáo dừa và thường đặt ngay cạnh góc sân, chỗ ngõ vào nhà giáp với sân. Cạnh vò nước thường trồng một cây khế hay cây mận, cây vú sữa hay cây mãng cầu…cho mát mẻ .

Thường vò nước được đặt trên một cái trụ vuông bằng gạch. Một vài nhà  có khi đặt vò nước trên một gốc cây to: một phần gốc chôn dưới đất, đầu trên cưa bằng để đặt vò nước. Nước đựng trong vò có nắp đậy lại thì mát quanh năm. Vò dùng lâu năm thì đóng rêu xanh, lúc đó nước càng mát hơn. Đặc điểm của vò đất là: vào mùa hè dù nóng cỡ nào nước trong vò vẫn mát, mùa đông dù lạnh cỡ nào thì nước trong vò cũng chỉ mát lạnh chứ không lạnh lắm.

Người quê tôi đặt cái vò nước chỗ góc sân, gần với cửa ngõ vào nhà là  có ý để cho những ai đi đường khát nước thì vào múc uống, vì ngõ vào nhà luôn luôn để luông tuồng chứ không có làm cửa, cổng gì. Nếu vào gặp chủ nhà thì hỏi một câu, đại loại như: “xin miếng nước nghen”, còn nếu không gặp ai thì cứ tự nhiên vào múc nước uống, chứ không cần phải  hỏi xin gì. Dân quê tôi xưa kia chủ yếu là đi bộ. Đi thăm nhau, đi chơi xa, đi ăn đám tiệc gì cũng đi bộ. Mà đi bộ nhiều thì dễ ra mồ hôi, gây mất nước và gây khát. Một gáo nước vò là giải pháp nhanh và hiệu quả để giải quyết cơn khát và làm tiêu tan mệt mỏi. Thế nên, việc đặt cái vò nước ở góc sân, cạnh ngõ vào nhà này để cho người đi đường dễ dàng vào múc nước uống đã cho thấy được sự tinh tế và tấm lòng nhân hậu của người dân quê tôi.  

Trụ cần vọt thì làm theo nguyên tắc đòn bẩy, gồm ba phần chính là cây trụ, cây cần và cây vọt. Một số người vẫn quen gọi hệ thống này là cây cần vọt, nhưng chính xác thì phải gọi là trụ cần vọt mới đúng. Rõ ràng rằng:cây trụ, cây cần, cây vọt hợp lại thì phải thành cây trụ cần vọt chứ! Còn cây cần vọt hay cây sào cần vọt là chỉ để nói riêng cái cây nhỏ, gắn với cái gàu, để thòng xuống giếng lấy nước mà thôi. Nhưng mà thôi, gọi sao cũng được, miễn hiểu là được. Gọi trụ cần vọt hay cây cần vọt gì cũng được.

Phần trụ thường có một hay hai cái trụ bằng lõi cây chắc chắn.Nếu một trụ thì đầu trên phải gắn thêm cái ba chạc có đục lỗ, xỏ cây chốt qua. Hai trụ thì đục một cái lỗ mộng ở cả hai trụ, ngang bằng nhau (ở đầu trên) để xỏ cái chốt sắt hay chốt tre qua. Cây chốt này là để gắn cây trụ với phần chính là cây cần vào. Sau này, trụ cây đã được thay thế bằng trụ xi măng. Trụ như là điểm tựa trong đòn bẩy và thường cách xa giếng chừng hai đến ba mét. Cây cần như là cánh tay đòn trong đòn bẩy và thường dùng nguyên một cây tre dài, thường là tre mỡ già. Cây cần cũng đục lỗ để gắn với cây trụ qua cái chốt. Đằng sau cây cần có mang thêm một vật nặng như là gốc cây hay hòn đá, trái bom hư…làm cho cây cần ngỏng đầu lên trời. Phần đầu của cây cần buột với một cây sào dài, nhỏ gọi là cây vọt. Cây vọt hay cây sào cần vọt thường là cây tre gai, vót các mắt tre và vỏ ngoài cho trơn bóng, gắn với cây cần bằng sợ dây xích hay dây thừng. Đầu dưới cây vọt gắn với cái gàu để thòng xuống giếng xách nước. Chiều dài của cây vọt này phải dài hơn khoảng cách từ miệng giếng xuống mặt nước của giếng để dễ dàng lấy nước. Những người thợ làm trụ cần vọt phải tính toán sao cho toàn bộ cây trụ cần vọt phải cân đối, hoạt động nhẹ nhàng, không bị vướng, kẹt hay khó lấy nước.

Chắc ai cũng biết cụm từ “cái đồ té giếng” hay “cái thứ té giếng” là để chỉ những ai không tập trung, mơ mơ màng màng, ngớ ngớ ngẩn ngẩn, người lơ đãng trong công việc, học hành…Tình trạng này thường thấy nhất là ở mấy đứa trẻ bị bệnh tự kỷ hay ở người già mắc bệnh alzheimer - là bệnh mất trí nhớ. Nhưng có hay không chuyện người bị té giếng thì thường sẽ ngu ngơ, khờ khờ ? Theo tôi là có. Vì những lý do sau: Giếng để bị té thường là các giếng hoang, giếng lạng không còn nước, nên sâu ít nhất cũng năm hay sáu mét, có khi tới mười mét. Người bị té giếng thường là trẻ con nghịch ngợm, chơi đùa, leo lên miệng giếng chơi.Tôi nhớ ngày còn nhỏ, chúng tôi cũng hay leo lên miệng của các giếng hoang chơi và đi lòng vòng trên miệng giếng. Té xuống giếng thì sẽ bị va đập người, va đập đầu vào thành giếng rồi mới rớt xuống giếng.Với độ cao như thế, lực va đâp như thế, cộng với sự sợ hãi quá mức, hồn vía lên mây…sẽ ảnh hưởng của não bộ của đứa trẻ, sẽ gây ra rối loạn thần kinh và đôi khi để lại những di chứng lâu dài sau này.Thế nên, trẻ bị té giếng, lớn lên thường khù khờ, ngu ngơ là có khả năng cao! Ngày xưa, các cụ hay hóa giải bằng cách gọi hồn, hú vía về bằng cách ôm thằng bị té giếng trong lòng rồi la lớn: “Quớ hồn, Quớ día (vía) thằng (kêu tên người bị té giếng ra) hồn día mày ở đâu dìa đây, quớ hồn quớ día, bớ hồn bớ día thằng…ơi, mày ở đâu hãy dìa đây. Hú hồn, hú día, hú hồn hú día con (nói nhỏ)…”. Chuyện hú hồn, hú vía về thật ra là liệu pháp tâm lý ngày nay. Nó giúp đứa trẻ bớt sợ hãi: ôm nó vào lòng thì nó cảm thấy đưọc yêu thương, chia sẻ thì sẽ không còn sợ hãi nữa và chính vì vậy mà thần kinh sẽ nhanh ổn định lại, ít để di chứng sau này. Những người bị té giếng mà sau này lớn lên bị khù khờ thường là do không được hú hồn día về, không được an ủi, động viên, chia sẻ sau khi lỡ bị té giếng. Thay vào đó, còn bị hăm dọa, đòi đánh đập…

Ngày nay, chuyện té giếng, té cây thì hi hữu lắm, chứ ngày xưa chuyện té giếng, té cây là xảy ra thường hơn. Thời nay mà lỡ bị té giếng, té cây thì cũng hú hồn hù vía về, nhưng sau đó tốt nhất là nên đi bệnh viện chụp phim, chụp MRI…và (có thể) bác sĩ sẽ ho uống thuốc kháng viêm, thuốc tan máu bầm nếu như có vết thương. 

Nước thuộc hành thủy trong ngũ hành tương sinh tương khắc, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa.Trong đó, thủy sinh mộc và khắc hỏa.Theo thuyết Âm - Dương của phương đông thì thủy thuộc âm. Giếng nước làm cho ngôi nhà cân bằng âm - dương, tạo sinh khí và hài hòa cho ngôi nhà. Giếng nước là nơi hội tụ những tinh hoa của đời sống, văn hóa của người dân quê vì là nơi diễn ra các sinh hoạt hàng ngày như: vo gạo, rửa rau, làm gà, làm cá, mổ heo, tắm rửa, giặt giũ…Vò nước như là quầy giải khát nhanh: nước giếng cho vào vò, đậy nắp lại sẽ lắng trong vắt, uống vào ngọt lịm, mát rân cả người. Thùng đất thì để dự trữ nước, nhất là vào mùa mưa lụt, tết…và để đổ đường trong mùa phát mía. Còn trụ cần vọt giúp lấy nước nhanh, giúp thuận lợi cho việc tưới cây trồng quanh giếng và tắm gội. Khu vực giếng là nơi tập họp của cây cối sum sê, trĩu quả vì gần nguồn nước. Hình ảnh của trụ cần vọt có lẽ là nên thơ nhất trong toàn bộ khu giếng nước.

Với sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật, đất đai ngày càng hạn hẹp, cao giá…thì nhà xưa đã dần thay bằng nhà lô, giếng đào dần thay bằng giếng khoan, trụ cần vọt thay bằng bơm mô tơ, vò nước thay bằng bình nhựa. Có lẽ bây giờ khó để mà tìm ra một nhà nào đó ở quê mà còn đủ cả bộ ba: giếng nước, vò nước và cây trụ cần vọt .

May thay, tết rồi tôi tìm được một nhà trong xóm dưới của làng Phước Nông còn có đủ cả bộ ba: giếng, vò nước và trụ cần vọt và còn có cả cái gàu bom nữa. Tôi mừng húm, xin phép được chụp lại để làm kỉ niệm và làm tư liệu để viết bài này.

Tôi là người từng sống cả tuổi thơ của tôi ở nơi gọi là “nhà quê cũ lĩn, đụng da thúi thịt”, là dân gốc rạ chính hiệu. Thế nên, mỗi lần nhìn hình ảnh cái giếng, cái vò nước và trụ cần vọt là đủ để làm cho tôi nhớ quê, nhớ nhà đến nao lòng.

 Sài Gòn, tháng 3 - 2021.

Huỳnh Khang

Huỳnh Khang - (vào lúc: 13:04 - 04-06-2021)
Cám ơn anh Mạnh Minh Tâm đã đọc và có lời động viên rất quý giá. Cám ơn anh!
Mạnh Minh Tâm - (vào lúc: 21:04 - 04-04-2021)
Một bài viết thấm đẫm tình quê. Thật quý giá khi nó được phổ biến và lưu giữ tại đây!

Phamngochien.com - 13:57 - 04/04/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận