Đất nước đã bước vào quá trình thay đổi lớn, sâu sắc và toàn diện về cấu trúc kinh tế, tổ chức xã hội...đẩy mạnh ngành kinh tế mũi nhọn: Du Lịch.
Trước những chuyển biến về hệ thống chuẩn mực và quan niệm giá trị về tài nguyên du lịch trong cảnh quan tự nhiên và nhân văn, bao gồm nhiều giá trị vật thể lẫn phi vật thể...dựa trên cấu trúc không gian vật lý dung hợp tương ứng với không gian tâm lý, trong hoạt động sử dụng - tiêu dùng các giá trị văn hóa trên tinh thần bảo tồn và phát triển...
Bối cảnh lịch sử Xứ Đàng Trong của nước Đại Việt từ thế kỷ XIV-XVIII, với góc nhìn tổng quan về yếu tố địa lý - thiên nhiên đến yếu tố địa chính trị - hành chánh.
- Năm 1069 vua Lý Thánh Tôn thân chinh đánh Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, sau đó dời đô về Trà Ban (Vijaya) còn gọi là Đồ Bàn (chỉ cả vùng đất Bình Định ngày nay).
- Năm 1306, Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô - Lý làm sính lễ (đất Thuận Quảng, tức Quảng Trị - Huế - Bắc Quảng Nam, thuộc bờ bắc sông Thu Bồn), quan hành khiển Đoàn Nhữ Hài đem quân, dân vào trấn nhậm, khai khẩn lập làng dựng ấp.
- Năm 1402, chúa Chiêm dâng đất Chiêm Động - Cổ Lũy. Hồ Quí Ly chia làm bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (nay thuộc Quảng Nam và Quảng Ngãi thuộc bờ bắc sông Trà Khúc).
- Năm 1471 đánh phạt Trà Toàn, chiếm thành Đồ Bàn. Lê Thánh Tôn lập đạo Thừa Tuyên thứ 13, lấy Thạch Bi Sơn làm giới hạn.
- Năm 1578 công phá Thành Hồ, lập Trấn An Biên Tuy Viễn. Lương Văn Chánh chiêu dân lập ấp (Công lệnh 06/02/1597) chính thức khẩn hoang lập làng.
- Năm 1611 Lập phủ Phú Yên, gồm Đồng Xuân và Tuy Hòa...danh xưng Phú Yên có từ đấy.
- Năm 1629 Lập dinh Trấn Biên, phong Nguyễn Phúc Vinh làm Trấn thủ, đặt trị sở tại thôn Bình Thạnh - An Ninh Tây - Tuy An (nay gọi là Thành Cũ), đảm nhận vai trò phòng thủ phía Nam của Đại Việt.
- Năm 1653 mở rộng đến (Khánh Hòa - Phan Rang).
- Năm 1698, lập Trấn Biên Dinh tại Biên Hòa và Phiên Trấn Dinh tại Gia Định Thành.
- Năm 1732 lập Châu Định Viễn và Dinh Long Hồ tại Vĩnh Long, biên giới Đại Việt đã đến Hà Tiên.
- Năm 1754, Lập đội Hoàng Sa, Bắc Hải.
Trong xuyên suốt chiều dài lịch sử của Xứ Đàng Trong nói chung, Miền Trung nói riêng...sự vuông tròn của cảnh quan thiên nhiên, của núi sông, đất trời trên từng dặm dài đường thiên lý...môi trường tự nhiên hòa hợp với công sức của con người đã tạo nền cho lịch sử văn hóa dân tộc phát triển rực rỡ. Từ xa xưa, người xưa đã đem hết thảy tâm lực, trí lực, và cả xương máu để mở nước và dựng nước Đại Việt...đã chuyên chú vào phát triển thương mại, hàng hải, đặc biệt nhất là ngoại thương.
Buổi đầu, lịch sử phát triển của Xứ Đàng Trong là đường bộ, đường sông...hệ thống đường thủy phát triển cực thịnh nhờ có nhiều sông ngòi chảy từ tây sang đông, với nhiều cửa(tấn) thông ra biểm. Tập quán di chuyển của người Việt (có cả người Chămpa) đã từng thông thạo trong việc giao thương giữa miền núi cao - đồng bằng và các miền phụ cận duyên hải. Tuy nhiên, con đường ngoại thương trên biển vẫn là quan trọng bậc nhất. Các Chúa Nguyễn đã có những quyết sách đúng đắn trong việc mở rộng cảng và khai thác tiềm năng các cảng biển như: cảng Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lắm, Tiên Châu (Phú Yên)...các phố cảng chiếm một vị trí chiến lược trong quan hệ ngoại thương. Các thương thuyền Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa, Hà Lan, Anh Quốc...Hội An, Nước Mặn là hai phố cảng đóng vai trò hết sức đặc biệt trong lịch sử phát triển văn hóa, tôn giáo và sự vững mạnh trong phát triển kinh tế, chính trị...tạo dựng quân đội cho việc mở rộng bờ cõi từ nhiều phía.
Phố cảng Hội An cách Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam, gần Cửa Đại bên bờ bắc của sông Thu Bồn, con sông lớn nhất của Quảng Nam...hạ lưu của Thu Bồn khi đổ ra biển lại chia ra làm nhiều nhánh. Nhánh gần khu phố Cổ có tên là Hội An, dòng chảy giữa cồn Cẩm Nam, Cẩm Kim lại là dòng chính của sông Thu Bồn. Hội An trên bờ bắc sông Thu Bồn hòa với biển Đông bằng Cửa Đại. Linh mục Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) gọi Hội An là Hải Phố (Faifo) tức là thành phố biển.
Phố cảng Nước Mặn là một thương cảng sầm uất của phủ Qui Nhơn (Bình Định ngày nay).
Đường thiên lý từ Thuận Hóa đến Phú Yên được Lê Quí Đôn ghi nhận như sau: "Đường xá từ trấn Thuận Hóa đến Quảng Nam, nhật trình đi bộ từ quán Lòn Voi đến quán Trà nửa ngày, quán Trà đi tối đến quán Tuần Ải. Tuần Ải đến quán Sảng nửa ngày, quán Sảng đi tối đến quán Thanh Khê. Quán Thanh Khê đi đến quán Cẩm Sa nửa ngày, quán Cẩm Sa đi tối đến dinh Quảng Nam. Dinh Quảng Nam đi đến Hà Lam nửa ngày, lại tối đến quán Ông Bộ. Quán Ông Bộ đi quán Bến Ván nửa ngày, lại tối đến Tri Bình, lại đến quán Ô Sông nửa ngày, lại đi tối đến quán Trà Phúc. Lại đến quán La Hà nửa ngày, quán La Hà đi tối đến quán Địa Thi. Lại đi đến quán Hoa Sơn nửa ngày, lại đi tối đến quán Cát. Lại đi đến Mân Khê nửa ngày, lại đi tối đến quán Bến Đá. Lại đi đến quán Bồ Đề nửa ngày, lại đi tối đến quán Phủ Cũ. Lại đi đến quán Tre nửa ngày, lại đi tối đến quán Lang Kha. Lại đi đến quán Chùa nửa ngày, lại đi tối đến quán Mới. Lại đi đến quán Canh Hàn nửa ngày, lại đi tối đến quán Phú Bình. Lại đi đến quán chân đèo Truông Ninh nửa ngày là giáp địa giới Phú Yên...tổng cộng là 14 ngày rưỡi".
Trên đường thiên lý, chính quyền thường đặt những dịch trạm, mỗi dịch trạm có phu trạm và ngựa để kịp truyền công văn, phu khiêng cáng kiệu hay đồ đoàn của quan lại đi qua dịch trạm...những chợ quán và các dịch vụ phụ trợ, thị trấn mọc lên cận bên để phục vụ khách lữ hành hoặc binh trạm.
Xứ Đàng Trong là một dải đất dài và hẹp nằm giữa dãy Trường Sơn và Biển Đông, đồng thời bị chia cắt bởi những dãy núi mọc ngang chồm ra tận biển, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo thành nhiều vùng đất biệt lập, cách trở khó tạo gắn kết nhau về địa lý. Hệ thống đường bộ rời rạc, khó phát triển, đi lại khó khăn, cách trở...Tuy nhiên, bù lại hệ thống đường thủy, ghe xuồng, tàu bè lại thuận lợi hơn trong vận chuyển và đi lại buôn bán, trao đổi. Bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, nơi các dòng sông chảy về với biển tạo thành những cửa biển, cảng vũng, vịnh đầm lớn thuận tiện cho giao thương, vận chuyển bằng tàu bè. Các dòng sông tạo sự thuận lợi giao thươngtreen nguồn dưới biển băng đò dọc, tuyến đò ngang cũng phục vụ đắc lực cho việc thông thương giữa hai bờ.
Đường thủy trên sông và trên biển đóng vai trò then chốt trong việc buôn bán, trao đổi, giao lưu văn hóa giữa hai miền xuôi ngược mà còn với nhiều vùng gần xa trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.
Vào cuối thế kỷ XVII, vương quốc Đàng Trong đã mở rộng đến Gia Định - Long Hồ. Tại các cửa sông hay ven bờ biển, cảng vịnh, bến bãi được hình thành. Người Việt xưa thường đặt các trạm dừng nghỉ ngơi, tiếp sức trong các chuyến hải hành dài ngày...đặc biệt hơn, đây còn là nơi trao đổi hàng hóa, chuẩn bị vật dụng cho chặng đường tiếp theo, đồng thời còn là nơi đóng tàu mới và sửa chữa tàu thuyền.
Đặc thù địa vực của Xứ Đàng Trong là đất hẹp và thấp dần theo hướng đông, lại bị chia cắt bởi những dãy núi ngang, sông suối lớn nhỏ, lẫn với ao hồ, đầm vịnh. Những dòng sông chính từ Quảng Bình đến Đồng Nai như sau:
- Tại Quảng Bình có sông Gianh hay Linh Giang đổ ra biển ở cửa Gianh. Sông Nhật Lệ đổ ra biển tại cửa Nhật Lệ.
- Quảng Trị có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành ba hệ thống sông chính: sông Bến Hải đổ ra biển ở cửa Tùng; sông Thạch Hàn đổ ra biển ở cửa Việt; sông Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang.
- Thừa Thiên - Huế: sông Hương, sông Bồ chảy vào phá Tam Giang. Vào thế kỷ XVII, bên bờ sông Hương hình thành thương cảng Thanh Hà; sông Truồi đổ vào đầm Cầu Hai, chảy ra biển ở cửa Tư Hiền.
- Quảng Nam: sông Hàn chảy ra biển ở cửa Hàn, sông Cu Đê chảy ra biển ở cửa Nam Ô, sông Thu Bồn chảy ra biển ở cửa Đại, sông Vu Gia chảy ra Bến Giằng, sông Trường Giang chảy đến Kỳ Hà, sông Bà Rén chảy vào ngã ba Vạn Lý, và có đảo Cù Lao Xanh.
- Quảng Ngãi: sông Trà Bồng chảy ra biển ở cửa Sa Cầu thuộc Bình Sơn, sông Trà Khúc chảy ra biển ở cửa Đại, Cổ Lũy thuộc Sơn Tịnh, sông Vệ chảy ra biển ở cửa Lở, sông Trà Cầu chảy ra biển ở cửa Mỹ Á và có đảo Lý Sơn.
- Bình Định: sông Tân Quan(Tam Quan) chảy ra cửa biển Kim Bồng, sông Lại Giang chảy ra biển An Dũ, sông Châu Trúc chảy ra biển ở cửa Hà Ra, sông La Tinh chảy vào đầm Đề Gi rồi đổ ra biển ở cửa Đề Gi, sông Kôn và Hà Thanh đổ vào đầm Thị Nại.
- Phú Yên có 50 con sông lớn nhỏ, rất nhiều đầm vịnh, đảo hòn và với 198km đường biển...tất cả những co sông lớn nhỏ dưới chân đèo Cù Mông đổ nước vào đầm Cù Mông và đổ ra biển bằng cửa Cù Mông, sông Bình Đông đổ về đập Đá Giải chảy qua cầu Thị Thạc đổ vào Vịnh Xuân Đài, sông Hảo Danh chảy qua cầu Lò Vôi đổ vào Vịnh Xuân Đài tại Triều Sơn - Chợ Huyện, sông Hà Đan chảy qua cầu Đá Chát hòa vào Sông Cô - Long Nguyên hòa vào sông Cái Kỳ Lộ chảy về Tuy An qua cầu Ngân Sơn, chảy qua Đập Tam Giang (sông Tam Giang) và Nhơn Mỹ (sông Bình Bá - Sông Vét) cùng chảy về Vịnh Xuân Đài qua cửa Tiên Châu, nhánh sông Hà Yến chảy qua đập Hà Yến chảy về cầu Long Phú vào Đầm Ô Loan chảy ra biển bằng cửa Phú Sơn và cửa Lễ Thịnh tại thôn Phú Lương - An Ninh Đông - Tuy An, nơi đây còn có danh thắng quốc gia cấp đặc biệt: Gành Đá Đĩa. Sông Ba, dòng sông dài nhất Miền Trung với hơn 380km(phát nguyên từ đỉnh Ngọc Lĩnh KonTum), phía hạ lưu chảy qua Phú Yên với hơn 90km cùng với rất nhiều dòng sông lớn nhỏ phụ lưu hòa dòng như Sông Hinh, sông Dinh, sông Chùa, Sông Bơ, sông Bến Lội..., sông Bàn Thạch, sông Bến Củi đổ về Bàu Hương, Biển Hồ - Hảo Sơn.qua cầu Bàn Thạch, đoạn này còn gọi là sông Đà Nông chảy về biển qua cửa Đà Nông.
- Khánh Hòa: sông Dinh chảy qua cửa Hà Liên đổ vào vịnh Nha Phu, sông Cái chảy qua cửa Bé(Tiểu Cù Huân) và cửa Đại (Đại Cù Huân)
- Ninh Thuận: sông Dinh còn gọi là sông Phan Rang chảy ra biển tại vịnh Phan Rang.
- Bình Thuận: sông Lòng Sông chảy ra biển cửa Liên Hương, sông Lũy chảy ra biển tại Phan Rí Cửa, sông Cái đổ ra cửa biển Phan Thiết, sông Dinh chảy ra biển ở cửa La Gi.
- Đồng Nai: có sông Đồng Nai và các phụ lưu là Đạ Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai, sông Vàm Cỏ Tây chảy ra biển tại khu vực Cần Giờ.
Các Chúa Nguyễn đã có những quyết sách đúng đắn và còn tận dụng mọi nhân tố, mọi điều kiện thuận lợi tự nhiên sông núi, đặc biệt là sử dụng môi trường hàng hải, giao thương thủy vận nhằm xây dựng cho mình một thế đứng vững mạnh ở Đàng Trong. Với tầm nhìn đó, Chúa Nguyễn (và Nhà Nguyễn sau khi thống nhất gian sơn) đã dốc toàn lực nhằm phát triển thương mại, cũng chỉ mới trong vòng vài thập niên đã trở nên hùng mạnh, tạo thành thế đứng độc lập, tiến về phía Nam, lên phía Tây và vươn xa ra biển Đông. Ngoại thương là yếu tố quyết định cho tốc độ phát triển kinh tế, quân sự và ôbr định chính trị. Nối liền vùng cao nguyên với nhiều cảng biển phía đông. Những tiềm năng được khơi thông mà các Chúa Nguyễn dốc tâm khai thác như: cảng thương mại Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Bình Định), cảng Tiên Châu, Vũng Lắm (Phú Yên). Các phố cảng này chiếm một vị trí thiết yếu, quan trọng trong quan hệ ngoại thương với các đoàn thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa, Hà Lan, Anh Quốc...trong đó, thương cảng Hội An là quan trọng bậc nhất. Đặc biệt hơn nữa là cũng tại đây (Hội An - Nước Mặn) là điểm khởi đầu cho việc hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ bằng ký tự La Tinh, mà Linh mục Alexandre De Rhodes(Đắc Lộ) đã có hơn bốn lần đến Phú Yên với mục đích truyền giáo và chỉnh lý hoàn thiện cuốn tự điển "Việt - Bồ - La", biên soạn quyển sách "Phép Giảng Tám Ngày"(quyển sách đầu tiên được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ vào những năm 1636 - 1645) và được in ấn tại Roma Italia năm 1651, bản in gốc hiện còn lưu giữ tại Nhà thờ Mằng Lăng - Tuy An - Phú Yên. Ngày 01/03/1645 giáo sĩ Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Xứ Đàng Trong và trở về Châu Âu. Tại Roma, vào đầu năm 1651 ông đã xuất bản cuốn tự điển Việt - Bồ - La, trong cuốn tự điển này có in chung quyển Văn Phạm Tiếng Việt (Lunguae Annamiticae Seu / Tunchinensis Brevis Declaratio), đây là một tác phẩm riêng biệt chia thành tám chương và được đánh số trang riêng. Cuối năm đó (1651)xuất bản quyển "Phép Giảng Tám Ngày", sách này do Thánh bộ Truyền bá Đức tin đỡ đầu in ấn và cho phép xuất bản. Đây là hai tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ (Tiếng Việt).
Tiến trình tạo lập Xứ Đàng Trong, cũng là sự liên tục của sự chiêu dân lập làng, tổ chức khẩn hoang. Trong xuyên suốt quá trình đó, lưu dân phải nổ lực lao động, ra sức thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống tự nhiên còn hoang sơ, lam sơn chướng khí, của rừng thiêng nước độc và mãnh thú hoang dã...Đoàn lưu dân phải chung vai bảo vệ lẫn nhau, gắng sức gìn giữ đời sống tinh thần qua những tập tục, văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Đây là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong cộng đồng dân cư, cũng như ngay trong cơ cấu tổ chức nền cai trị của các Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn.
Ngoài việc người Việt đã mang theo tín ngưỡng, tôn giáo đã dung hợp của mình...khi lập cư tại vùng đất mới họ cũng cần có thêm một sự tiếp nhận thêm sự tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân tại vùng đất này (văn hóa Chămpa), văn hóa bản địa cũng cần được qui nạp, dung hợp giữa Việt - Chăm. Cụ thể như Po Ino Nagar, một nữ thần của người Chăm thành Thiên Y Ana được giản hóa thành Bà Ngọc hoặc Bà Hậu Thổ.
Nói chung, tôn giáo cũng được đón nhận, sùng bái từ trong cuộc sống của người Đàng Trong, trong nếp văn hóa một cách đầy đặn trong tính chiết trung, không có sự gò bó, trói buộc vào tư duy cố định nào. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, các lưu dân còn thờ cúng thành hoàng, hậu thổ, nhiên thần bổn xứ, nhằm kiếm tìm sự độ trì an ổn trong an cư lạc nghiệp. Đâu đâu trong bổn xứ, từ làng xã đến phố thị đều có những đền tháp...lầu chuông gác trống, đình chùa, miếu mạo để tôn kính thần linh, đặc biệt là rất nhiều miếu khai canh trong từng xóm, vức, ô, ấp...
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê năm 1601 phía tả ngạn Sông Hương. Nhiều ngôi chùa như: Bửu Châu - Trà Kiệu (1607), chùa Kính Thiên - Lệ Thủy (1609)...ba tỉnh phía nam là Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, Phật giáo phát triển cực thịnh ở giai đoạn này. Đặc biệt, Phú Yên là vùng đất đầy sắc mầu huyền thoại đã vừa sinh Phật vừa sinh Thánh với câu nói lưu truyền mãi đến sau này:
" Tu Phật về Phú Yên, Tu Tiên về Bảy Núi"
- Tổ Liễu Quán (1668 - 1742) quê xứ Bạc Mã (An Thạch - Tuy An - Phú Yên), chữ Bạc trong nghĩa "thuyền ghé bến" hoặc "cái đầm, hồ" được thi vị hóa thành thơ trong "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế, "Bạc Tần Hoài" của Đỗ Mục..."Dạ Bạc Nguyệt Biều, Kim Long Dạ Bạc" của Tùng Thiện Vương...một " Thương Bạc" rất Huế tạo vẻ thanh thoát và rất thơ trên đất Phật và người Phú Yên với Đà Rằng - Tháp Nhạn, với Nựu Sơn - Đá Bia trên Tuyên Đỉnh báu vật quốc gia...với Vịnh Xuân Đài - Ô Loan và Chiêm Đại với Cù Mông - Đại Lĩnh.
Thánh An Rê Phú Yên đã tử vì đạo ngày 26/07/1644.
Những tuyến điểm liên kết ở khu vực Miền Trung, Bình Định là một vùng đất có bề dày hơn 550 năm lịch sử mở đất và hơn cả ngàn năm với sự phát triển nền văn hóa lúa nước cùng những di tích đền tháp Chămpa với mật độ khá đậm đặc. Nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn (bao gồm vật thể và phi vật thể), kinh đô Đồ Bàn, xứ sở của ba vua cùng rất nhiều chùa chiền Phật giáo như: Thiên Hưng, Thập Tháp....
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Vương triều Tây Sơn có một vị trí khá đặc biệt...mở đầu cho thắng lợi bằng khởi nghĩa nông dân, những vị vua nông dân đã viết nên trang sử hào hùng, sáng rạng vẻ vang cho dân tộc với chiến thắng nhanh gọn quân xâm lược phương Bắc, đánh bại giặc ngoại xâm ở phía Nam, thống nhất đất nước.
Theo Nhà thơ Quách Tấn, trong Non Nước Bình Định thì nhân dân đã bí mật thờ phụng từ khi Nhà Tây Sơn vừa bị mất.
Mỗi năm đến ngày lễ Đống Đa, nhân dân toàn tỉnh hợp nhau làm lễ...Nhân dân Bình Khê tổ chức ngày kỵ ba vua vào tháng 11 âm lịch hàng năm - tế hiệp tại Tây Sơn điện. Đến năm 1979, khu di tích Tây Sơn, Cây me, Giếng nước được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1998, đại trùng tu, tôn tạo khang trang, mở rộng khu di tích, xây dựng được mô phỏng theo mô hình điện cũ, cấu trúc kiểu dáng nhà lá mái Bình Định. Năm 2004, Điện thờ được nâng cấp làm mới, 9 tượng thờ bằng chất liệu gốm sứ dát vàng lá; gồm năm án thờ...ba án thờ giữa, vua Quang Trung ở trung tâm, vua Thái Đức và Đông Định Vương ở hai bên. Tả, hữu ban hai bên thờ văn thần, võ tướng tiêu biểu.
Đến năm 2014, khu Di tích Đền thờ Tây Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt và được đầu tư tôn tạo, chỉnh trang mở rộng như hôm nay. Phía nam đền thờ giáp đến bờ bắc Sông Kôn, bao gồm cả khu di tích bến đò Trường Trầu, nơi Nguyễn Nhạc dùng làm kho bãi, bến tập kết, liên lạc và giao tiếp từ đầu khởi nghĩa. Nhân kỷ niệm 230 năm (1789 - 2019) chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Nhà trưng bày Quang Trung được xây dựng và mở rộng hướng cảnh quan ra phía bắc, nâng diện tích tổng thể toàn khu Di tích lên đến 18ha nhằm phục vụ du lịch...Đầm Thị Nại và chiếc cầu dài nối bán đảo Nhơn Lý - Kỳ Co, Eo Gió có khoảng 30 km để gần lại với thành phố Qui Nhơn, với biển xanh nắng vàng. Đây là một tuyến điểm du lịch hấp dẫn mới được đầu tư khai thác đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tham quan nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
.....
Kỳ Đài Huế, trực hướng thần đạo Đông Nam kinh thành tỏa rộng từ Điện Thái Hòa ra Ngọ Môn, thẳng hướng Phu Văn Lâu ra Đình Lương Tạ gần sát bờ Sông Hương, trông rõ cảnh tượng Đàn Nam Giao...một quần thể di tích văn hóa - lịch sử đã hoàn mỹ trên xứ Thần Kinh, một xứ thơ rất Huế và kì vĩ. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã miêu tả: "Kỳ Đài, ở thẳng trước Ngọ Môn trong Kinh thành, đài xây dựng ba tầng...trụ cờ dài 7 trượng 6 thước 5 tất, ở trên đặt vọng đầu, phàm có việc triều hạ, từ tuần hành cho đến việc cảnh cấp đều có ký hiệu, thi thoảng lên vọng đầu lấy kính thiên lý dòm ra ngoài biển, trên Kỳ Đài có đặt 8 xưởng súng...". Kỳ Đài Huế bao gồm nhiều chức năng chính trị, quân sự, thiên văn, văn hóa, lịch sử...Một biểu tượng quốc gia, không linh thiêng sao được. Đây quả là một linh đài, được biểu thị bằng bốn từ: "Kinh thủy Linh đài".
Một sự kiện hết sức trọng đại, khi Cách Mạng Tháng Tám thành công...ngày 23-08-1945 cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên Kỳ Đài Huế.
Kỳ Đài Huế đã được tu sửa nhiều lần, đây là một biểu tượng quốc gia sáng rạng. Cột cờ trên Kỳ đài cao đến 37m, được tôn tạo lại bằng bê tông cốt thép năm 1948, sau này còn được tu sửa nhiều lần nữa để vững bền như hôm nay.
Nguyễn Văn Hưng
DC20 - VNH - ĐHPY