Diên Minh bình thơ của Nguyễn Hữu Thăng

 
HUẾ XƯA VÀ NAY
 
Gác lầu thành quách nguy nga
Đêm đêm ánh điện sáng lòa hoàng cung
Già nua trầm mặc dáng tùng
Kề bên tươi tắn trẻ trung hoa hồng
Mái chùa cổ kính cong cong
Cao cao khách sạn soi dòng Hương Giang
Nhạc Tây sàn nhảy rộn ràng
Mái nhì man mác, điệu đàn xa xưa
Cung đình khuất bóng nhà vua
Bốn phương du khách sớm trưa dập dìu
Khiêm lăng trầm mặc thềm rêu
Tiếng ô tô, tiếng thông reo giữa trời
Trăm năm vật đổi sao dời -
Còn chân dung Huế một thời cố đô.
 
NGUYỄN HỮU THĂNG
 
 
      HUẾ, “nàng thơ” muôn đời của các thi sĩ, tao nhân...Nói đến HUẾ, chúng ta nghĩ ngay đến dòng sông Hương, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, những thành quách, lăng tẩm nguy nga, cổ kính; những cô gái mặc áo bà ba, áo dài tím huế, tóc thề tha thướt theo gió bay; những câu hò Huế trên sông như níu chân người lữ khách...Đó là HUẾ XƯA, những HUẾ BÂY GIỜ sẽ như thế nào? Chúng ta hãy xem "chân dung Nàng Thơ" hiện nay có khác gì so với ngày trước qua bài thơ HUẾ XƯA VÀ NAY của tác giả Nguyễn Hữu Thăng.
       Thời Vua Chúa xưa, đèn trong cung được thắp bằng dầu, hoặc dùng nến...Ban đêm, ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn  làm tăng sự huyền ảo, kì bí nơi cung điện...Xa xa... những ngôi nhà hẻo lánh sau những cánh đồng thoắt ẩn thoắt hiện, làm người ta liên tưởng đến những oan hồn vất vưởng, vật vờ trong đêm...
“Đêm đêm ánh điện sáng lòa hoàng cung”
      Bây giờ đã có đèn điện thay thế, làm Hoàng cung sáng loà một góc trời. Sự văn minh của khoa học kỹ thuật hiện đại dĩ nhiên làm con người vui hơn, thoải mái, sung sướng hơn...Song sự kì bí, hoang liêu thời xưa vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng, hệt như người ta vốn sợ ma quỉ nhưng lại thích đọc sách, xem phim ma quái...Tôi nhớ ngày bé đi học về ngang con đường đất, chưa tối mà tiếng ễnh ương, cóc nhái kêu inh ỏi...Tôi sợ hãi nắm chặt tay vú em và hỏi : "Nó có cắn con không?" để rồi nghe vú trấn an bằng giọng nói đặc sệt HUẾ: “Có con chi mô nờ. Tau sống chỗ ni bao nhiêu năm có thấy con chi cắn người ta mô nờ”. Rồi những luống ớt vừa ra trái bị chị em tôi bẻ ăn sạch. Mà lạ, ăn ớt trên đất HUẾ không cảm thấy cay xé lưỡi như khi tôi vào Nam. Có phải khí hậu lạnh lẽo khiến chất cay không còn đọng trên lưỡi mà lại vô cùng thơm ngọt khiến dân HUẾ ăn ớt trường kì như ăn cơm? Bây giờ tôi không thể ăn nổi một khoanh ớt nhỏ, nghĩ lại kỉ niệm xưa tôi thấy thật may mắn khi mình được sinh ra ở vùng đất thiêng liêng, kì thú này…
 “Già nua trầm mặc dáng tùng”
      Vẫn kiến trúc già nua đó, vẫn những bức tường ẩm ướt rêu phong, những cánh cổng cũ kĩ, sét rỉ ...nhưng kế bên gác lầu ấy là những vườn hồng khoe sắc xinh tươi...Người dân đã khai phá đất trồng cây trái, hoa…cho cảnh vật thêm sinh động, cuốn hút tầm nhìn của du khách vốn mong muốn sự phong phú, mới mẻ…
 “Kề bên tươi tắn trẻ trung hoa hồng”
       Chùa chiền vẫn trang nghiêm, trầm mặc...nhưng khách sạn mọc nhiều chung quanh, soi bóng bên dòng sông khiến chúng ta thích thú khi ở đây, trên tầng cao có thể dõi mắt nhìn xa xăm sông nước lững lờ trôi...lác đác những con thuyền mộc như những chiếc lá điểm xuyết khiến ta ngỡ như đang ngắm một bức tranh thuỷ mạc buổi chiều tà...
 “Mái chùa cổ kính cong cong
Cao cao khách sạn soi dòng Hương Giang”
     Xuôi dòng sông Hương mà không được nghe hò Huế là một thiếu sót. Sau khi vào Nam, tôi cũng chỉ được nghe trên ti vi các o, các mệ hò Huế buồn da diết… Phát âm đặc quánh chất Huế cho ta như đang thưởng thức một ngụm cà phê nguyên chất thơm lừng...Giọng hò thiết tha, luyến láy, trầm bổng… như níu chân du khách quên lối về ngày xưa ấy...
      "Hơ....hớ...hơ...hờ...hợ...hờ...chờ tui lên bờ Hương Giang nước mặn...những chiều không mây trắng...lững lờ trôi...rồi xuôi ngược trên dòng đời năm tháng...thương quê người mà chẳng nhớ quê tôi...hơ...hờ...”
“Nhạc Tây sàn nhảy rộn ràng
Mái nhì man mác, điệu đàn xa xưa”
      Bây giờ nhạc Tây mở xập xình, xập xình...liệu có làm người ta nhớ nhung câu hò bên những mái chèo đẩy đưa xa vắng ?!?
“Cung đình khuất bóng nhà vua”
      Vua chúa xưa đã khuất núi, chỉ còn những nghi thức, lễ giáo phong kiến truyền lại đến giờ làm người ta hoài niệm về sự oai phong lẫm liệt của đấng Quân Vương, những chiến công hiển hách của các tướng lĩnh anh hùng...Máu xương họ đã đổ cho con cháu ngày nay, sống trên mảnh đất tự do không còn bóng giặc ngoại bang, há chúng ta không sung sướng, hạnh phúc, viên mãn... hơn sao!
“Bốn phương du khách sớm trưa dập dìu”
      HUẾ bây giờ, được xem là điểm du lịch nổi tiếng không kém Phố Cổ Hội An. Khách nước ngoài ưa chuộng sự nền nã, dịu dàng, trong veo của HUẾ; yêu sự thân thiện, gần gũi, chân chất của con người nơi đây. HUẾ ít xảy ra trộm cướp, đâm chém...như ở miền Bắc và Nam. Rẻo đất nhỏ trũng ấy như “cái nôi” của đất nước, dân ít, cây cối, sông nước bao la...thường hứng chịu bão lụt, thiên tai nên con người thương nhau, đoàn kết nhau hơn chăng? Nạn ngoại tình, hiếp dâm, lừa đảo cũng ít...Tôi được biết qua sách báo và những câu chuyện kể: đàn ông HUẾ vô cùng bình dị và chung thuỷ, họ ý thức và trân trọng gia đình mình hơn những gì quí giá ở trên đời! Còn đàn ông miền khác thì sao? Vài năm trước có việc ra HUẾ, khi tôi lưỡng lự không biết thuê khách sạn ở đâu, thì anh xe ôm đã mau mắn mời tôi về nhà vợ chồng anh "ở cho vui"(!) Thế đấy, sự chân chất, thật thà, nhiệt tình...của họ thật đáng ngưỡng mộ(!) Biết khách là người như nào mà dám mời về, họ không sợ và không nghĩ "rước cướp vào nhà" có thể mang tai hoạ...Ôi, sao mà dễ thương đến thế! Bởi vậy mới có bài hát HUẾ ĐẸP HUẾ THƠ, HUẾ ĐẸP TÌNH THƠ , HUẾ THƯƠNG, HUẾ CỦA TA ƠI, HUẾ TÌNH YÊU CỦA TÔI...Bao nhiêu ngôn từ đẹp đẽ, trìu mến mà con người dành cho HUẾ...Dù trải qua bao năm tháng, bao thay đổi thì HUẾ vẫn đậm chất "Huế", vẫn nên thơ, bãng lãng, mộng mị như sương...vẫn hiền hoà, an nhiên, miên man như dòng sông chảy êm đềm trong Kinh đô đầy lăng tẩm, đền đài Vua ngự. Xe cộ nối nhau từng hàng... khách bốn phương dập dìu tham quan, chiêm ngưỡng nền văn hoá, lối kiến trúc xưa, lịch sử, địa lý của HUẾ để biết về sự thoái vị của vua Bảo Đại, trao lại chính quyền cho nhân dân vào ngày 23/8/1945 tại tỉnh Thừa Thiên thơ mộng này.
      Nói về HUẾ, không thể không nói đến ẩm thực rất tinh tế, tuyệt vời của các món ăn Huế, đặc biệt là các món cung đình xưa…Các món ăn cung đình Huế thường cầu kì và có nguyên liệu quý hiếm...đặc biệt món "Bát chân" nổi tiếng của Vua chúa với : nem công, chả phượng, tay gấu, môi đười ươi, da tê ngưu, gân nai, thịt chân voi, yến sào ! Các món HUẾ dân gian ưa chuộng có cơm hến, bánh bèo, bánh khoái, bánh nậm, bánh bột lọc, bún bò, nem lụi, chả Huế, chè ván...Những món hàng rong cũng có sức hút khó cưỡng với mọi người không chỉ ở sự phong phú, đa dạng mà còn khá rẻ so với các món trong hàng quán sang trọng...Cho nên, nói không ngoa khi đến HUẾ để ngắm nhìn cảnh vật, non nước, mây trời; để giao tiếp với con người bình dị, chất phác; để thưởng thức món ăn ngon... để quên đi hết những muộn phiền, lo toan, nhiễu nhương trong cuộc sống đời thường của chúng ta!
 “Trăm năm vật đổi sao dời -
 Còn chân dung Huế một thời cố đô”
       Dù "vật có đổi sao có dời", tác giả vẫn khẳng định "chân dung HUẾ" không thay đổi. Vì sao ? Vì cảnh vật hay vì con người? Có lẽ vì cả hai, bởi xứ sở mà thiên nhiên vừa ưu đãi vừa khắc nghiệt (có nhiều cảnh quan sông nước hữu tình nhưng thiên tai, bão lụt cũng thường xảy ra...) đã khiến HUẾ không trộn lẫn vào đâu được! Người ta đến HUẾ một lần, nhiều năm sau gặp lại HUẾ cũng không đổi thay nhiều, bởi nơi "đất rộng người ít" này vốn dĩ đã rất yên bình, hiền hoà; dân đối xử nhau khách khí, thân thiện...chỉ còn những người bám quê cha đất tổ, "chân chỉ hạt bột", "hay lam hay làm"  trụ lại mảnh đất thân yêu này để khắc hoạ nên một HUẾ - nàng Thơ của biết bao thế hệ nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ... - cho chúng ta có quyền tin vào những huyền thoại truyền kì, những mảnh đời, những điều đẹp đẽ, chân thực nhất mà cả nước luôn hướng đến bằng sự thương yêu, đoàn kết, sẻ chia...
 DIÊN MINH

Phamngochien.com - 17:30 - 13/05/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận