Dịch giả Đào Minh Hiệp - người mang tâm hồn Nga đến Việt Nam (Phi Hà)


Câu chuyện tình yêu có tên gọi "Đức mẹ mặc áo choàng lông" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Ali, một thời trước giai đoạn mở cửa, đã làm thanh niên Việt Nam rất say mê. Ngày đó, chưa đầy một năm, hơn 100.000 bản in đã được tung ra và bán rất chạy, trong đó, hai phần ba bản in đầu tiên trên giấy rơm vàng khè - bởi những khó khăn về kinh tế của một thời hậu chiến. Sau này, khi truyền hình bắt đầu phát triển, từ một đài địa phương - đài Phú Yên, loạt phim đầu tiên du nhập vào Việt Nam như "Người giàu cũng khóc", "Trở về Êđen"... tạo nên cơn sốt khán giả trên cả nước. Những tác phẩm đó vào Việt Nam, đều thông qua một người chuyển ngữ có tên Đào Minh Hiệp.

 

Tất nhiên, không thể so sánh tác phẩm văn học với phim truyền hình, cũng như sau "Đức mẹ mặc áo choàng lông", còn một loạt các tác phẩm văn học nổi tiếng khác được cùng một dịch giả đó giới thiệu với bạn đọc Việt Nam và đều tạo được sự chú ý. Nhưng điều đáng quan tâm là làm thế nào để một dịch giả sống và làm việc ở xa các thành phố trung tâm, nhưng đã luôn tìm kiếm và giới thiệu được cho bạn đọc những tác phẩm đích thực từ văn học thế giới? Đào Minh Hiệp giải thích, vì ông thực sự say mê tìm những câu chuyện hay và muốn giới thiệu cho những người khác cùng thưởng thức. Thuở ấy, hàng tuần ông đều phải từ Phú Yên vào hiệu sách ngoại văn và bưu điện ở Nha Trang, đặt mua những tạp chí Nga như Thế giới mới, Văn học nước ngoài, Người đương thời... Trong cái khó khăn vẫn có cái may, vì lúc đó sách báo của Nga được trợ giá bán rất rẻ, với đồng lương thời bao cấp ông vẫn có thể mua được sách. Và từ những tìm kiếm đó, ông bắt đầu dịch.
Đào Minh Hiệp từng là kỹ sư địa chất, lăn lộn hàng chục năm trên các vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên, bên cạnh hành trang vẫn kèm theo cái giá vẽ. Người ấy, lúc ấy làm đúng chuyên ngành mình học ở Đại học thăm dò địa chất Matxcơva. Nhưng khi quay trở về giảng dạy tại trường Trung học Địa chất ở Tuy Hoà (nay là Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), đam mê một thuở lại trỗi dậy. Căn nguyên sâu xa, từ thời sinh viên ở Nga. Khi ấy vốn say mê hội họa nhiều hơn, nhưng giao tiếp với những người bạn Nga, hiểu hơn về đất nước, tâm hồn Nga, ông bắt đầu tìm hiểu về văn học Nga, cũng chỉ định để rèn luyện tiếng, nhưng rồi đam mê từ lúc nào không hay biết. Từ năm thứ hai, Đào Minh Hiệp tập dịch một vài truyện ngắn của Tuôc-ghê-nhép - tác giả ông yêu thích. Có điều thú vị mà ông luôn nhớ, là năm 1975 khi về nước, đến hiệu sách, ông nhận ra những truyện đó đều đã có người dịch. Với ông, đó là điều may mắn lớn, vì "Có điều kiện để đối chiếu lại với bản dịch của những người có nhiều năm kinh nghiệm, để nhận ra nhiều chỗ mình vẫn chưa hiểu hết tâm hồn Nga và dù sống ở Nga rất lâu, nhưng vốn kiến thức về văn hoá Nga vẫn chưa thật sự sâu sắc, vẫn phải học hỏi thêm nhiều."
Vừa dịch vừa tập viết truyện ngắn, hành trình của một dịch giả bên cạnh công việc giáo viên, có thời làm thư ký văn xã cho 5 đời Phó chủ tịch tỉnh, đến làm Trưởng phòng ngoại vụ của tỉnh, rồi Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh và nghỉ hưu... Cuối cùng vẫn là một dịch giả tài hoa. Hành trình ấy đã có điểm xuất phát đáng nhớ, chính là bản dịch "Đức mẹ mặc áo choàng lông" - một câu chuyện tình đẹp và buồn. "Đó là cuốn sách đầu tiên mà tôi dịch, không hiểu sao tôi rất thích cuốn đó, dù đã đọc rất nhiều những truyện khác. Có thể vì nó mang nhiều yếu tố tự truyện của tác giả, cũng từng là một du học sinh. Tôi dồn hết tâm sức, có thể nói là sống hẳn trong câu chuyện, vì sự đam mê của chính mình. Cũng không ngờ cuốn sách đầu tiên mình dịch lại thành công đến như vậy. Sự đón nhận nhiệt thành của người đọc đã tạo động lực rất lớn cho việc dịch thuật của tôi sau này" - Đào Minh Hiệp tâm sự.
Ngoài việc dịch văn học Nga, ông còn chọn dịch nhiều tác phẩm văn học các nước khác qua tiếng Nga. Ông dịch cuốn "Khát vọng đổi đời" của Stefan Zweig, khi người ta mới phát hiện ra bản thảo của nhà văn nổi tiếng này, vốn bị thất lạc từ nhiều năm trước. Ông bảo "Mặc dù dịch từ một ngôn ngữ khác, nhưng khi mình hiểu tinh thần tác phẩm và cố gắng truyền tải được tinh thần đó thì bạn đọc sẽ đón nhận. Chưa có ai dịch lại truyện đó từ tiếng Đức, nên bộ sách Văn học thế giới của NXB Văn Học vẫn dùng bản thảo tôi dịch từ tiếng Nga."
Sự dịch văn học của những dịch giả Việt Nam ở thời kỳ thông tin chưa phát triển, có những cái khó bội phần. Khi dịch một cuốn thì phải đọc hàng chục cuốn, để chọn lấy cuốn hay. Đào Minh Hiệp cho biết: Chỉ đọc các tác giả nổi tiếng thì không kể, nhưng nếu muốn phát hiện ra tác giả mới, sách mới, mà hay, thì buộc phải đọc rất kỹ, rất nhiều. Sau này, tận cuối thập kỷ 90, khi mạng internet phát triển, sự tìm kiếm cũng đỡ vất vả đi phần nào. Và người đam mê tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu ấy tiếp tục chọn dịch những tác phẩm của một số tác giả được giải Nobel, tuyển tập truyện ngắn của các tác giả Nga đương đại - khi văn học đương đại Nga ngày càng vắng bóng ở Việt Nam vì thiếu thông tin và thiếu cả người dịch.
Suốt một thời gian rất dài, trong và sau chiến tranh, có một thế hệ mà như nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà đã viết trong một bài báo rằng: Khi lớn lên, "món ăn tinh thần" phổ biến nhất đối với chúng tôi là văn học, nhất là văn học dịch. Qua tác phẩm văn học dịch, chúng tôi hiểu biết thêm về thế giới... Cái sự "hiểu biết thêm" ấy được gửi gắm vào một số dịch giả, nhiều khi biết tác phẩm do dịch giả mình tin cậy dịch là tìm mua, mua không được thì tìm mượn. Sự tin cậy ấy có được trước hết là ở dịch giả, bởi họ là người có khả năng phát hiện và dịch tác phẩm trên nền tảng một "phông" văn hóa rất đáng kính trọng. Nói cách khác, dịch giả đã vừa tìm hiểu kỹ lưỡng về tác giả, vừa "nhập thân" vào nền văn hóa đã khai sinh ra tác phẩm, từ đó làm cho tác phẩm văn học dịch có thể tồn tại như một "sinh thể" trong một môi trường văn hóa khác.
Nhiều độc giả biết ơn những trải nghiệm văn hoá khác, những điệu tâm hồn khác, mà các dịch giả đáng kính trọng - trong đó có Đào Minh Hiệp - đã mang tới cho tâm hồn họ.

                                                                                                                                              Phi Hà

Theo Báo Đại đoàn kết (03/07/2010)


Phamngochien.com - 19:33 - 08/07/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận