Đêm trắng (Thảo Dương - SV ĐH KHXH & NV TP.HCM)

Part 1. Tịnh.

Tôi là Tịnh.

Mẹ nói, thanh tịnh là điều an nhàn hạnh phúc, nên mẹ gọi tôi là Tịnh.

Bố tôi là một người đàn ông thành đạt, không quá giàu có nhưng đầy danh vọng. Ông có một gia đình chuẩn mực, một người vợ học thức cao và một cô con gái rượu đáng yêu. Gia đình văn hóa. Người ta nói vậy.

Cô con gái ấy không phải là tôi.

Mẹ đã ngã vào vòng tay người đàn ông đó như thế nào tôi không bao giờ được biết cụ thể. Song mẹ dạy tôi phải yêu thương ông ấy. Bố. Là bố, nên không thể không yêu thương. Tôi không thể không yêu thương bố vì lời mẹ, nhưng vì chính tôi, tôi không cảm thấy mình yêu ông. Có điều, bố yêu thương tôi. Không như trong tiểu thuyết kịch tính của Danielle Steel, sau một số năm nhất định, bố bày tỏ mong muốn với cả hai người đàn bà trong cuộc đời ông rằng ông muốn hai đứa bé yêu thương nhau như chị em thực sự. Bà ấy, mẹ cả, quá kiêu hãnh và quá tổn thương, đã im lặng, điều đó được cho là sự chấp thuận. Sáu tháng sau ngày tôi được giới thiệu với người em gái nhỏ hơn mình hai tuổi, bố qua đời. Tai nạn giao thông nhàm chán, nạn nhân tử vong tại bệnh viện, không có gì để kể thêm ngoài một vài dòng "Tin buồn" trên tờ nhật san buổi sáng. Nhưng vào đám tang ngày ấy, tôi và người em gái nọ đã có thể cùng nắm tay nhau nơi nghĩa trang, rất chặt, như là chị em thực sự.

Đấy là một phần lý do về sự đặc biệt của Thụy đối với tôi.

Quay về thời điểm hiện tại, tức là năm năm kể từ ngày bố mất, tôi học xong một chương trình đào tạo ngắn hạn, kiếm được nhà riêng thay phòng trọ, bắt đầu cuộc sống tự lập, không còn nhờ chu cấp từ mẹ, thì Thụy đến tìm.

Thụy nói, em có thai hai tháng rồi, em cần phải đi, không, mẹ không đuổi em, chỉ là em cần phải đi. Tôi hỏi, vì sao. Thụy lại nói, đi để biết rằng em có thực sự sinh được đứa bé này không. Tôi không đề cập đến đề nghị phá thai ngay lúc ấy. Tôi nghĩ Thụy biết. Nhỏ hơn hai tuổi nhưng Thụy xinh hơn tôi và hẳn nhiên có lẽ cũng thông minh hơn như lời các thầy cô trong quá khứ vẫn phê vào sổ liên lạc hàng tháng. Những chuyện kiểu kia, Thụy biết nhiều, có lẽ.

Nhưng Thụy không đến một mình.

Căn nhà bé, tôi dọn lên tầng áp mái, nhường phòng ngủ chính cho Thụy và người yêu. Lại nói về nhân vật "người yêu", anh ta trước hết tên là Thiên, chẳng biết bao nhiêu tuổi, đoán chừng trên dưới ba mươi, hẳn nhiên hoàn toàn không còn trẻ dại. Thiên không có chút gượng ép nào khi theo Thụy đến. Như vậy, hẳn nhiên lần nữa là anh ta không phải kẻ ưa trò quất ngựa truy phong. Nhưng cũng hẵng còn một sự thật. Thụy luôn nói về việc có nên sinh đứa bé không chứ chưa từng nói về tương lai với Thiên.

Thiên rời nhà của mình chuyển đến ở cùng Thụy. Gặp tôi, anh ta cười. Không hề ngại ngùng. Anh ta gọi tôi bằng tên, không xưng anh, chẳng gọi em. Anh ta xin lỗi vì sự  phiền hà này, đề nghị trả hộ cả phần tiền ăn ở của Thụy. Tôi từ chối sự bảo bọc ấy. Không phải vì lịch sự. Anh đưa tiền cũng không phải chỉ vì một thỏa thuận sòng phẳng về vật chất. Thiên muốn sự thừa nhận ở tôi, thứ anh không tìm thấy ở mẹ cả, thậm chí, ngay ở chính Thụy.

Khi tả Thụy, chúng ta sẽ có một bức tranh màu nước. Nếu bạn là một đứa trẻ con sống nơi thành thị, thuở nhỏ từng háo hức được bố mẹ đưa đến một nhà thiếu nhi quận huyện nào đấy, tham gia cái gọi là quá trình khai mỏ tài năng thì hẳn sẽ hiểu ngay hai tiếng "màu nước" có nghĩa như thế nào. Không giống bột màu hay sơn dầu, cũng không đến nỗi bình dân như chì màu gỗ hoặc bút sáp. Màu nước là một bước chuyển. Khi thầy dạy vẽ quyết định đã đến lúc bạn có thể bắt tay vào vẽ bằng thứ màu này thì cũng không khác gì thời điểm vào giữa năm lớp Một, bạn chuyển từ viết bút chì sang bút mực. Lem nhem đấy. Nhưng mà, ừ thì bạn đang lớn. Thụy cũng vậy. Thụy cũng là một bước chuyển. Thụy xinh xắn, nhỏ nhắn, mắt buồn, ít cười thành tiếng, có mối thiện cảm đặc biệt với màu xanh lục. Em, giống như một bức tranh từ chối cơ hội tiếp cận bột màu và vì thế không bao giờ nghĩ đến một tương lai thăng hoa với sơn dầu, từ năm mười sáu tuổi, Thụy vĩnh viễn dừng lại.

Thụy là một bước chuyển, chuyển mãi không ngừng trong sự ngưng đọng của thời gian. Có một vòng tròn rất lớn, Thụy cứ đi mãi, đi mãi, bỏ mặc những ngã rẽ, đôi khi lạnh lùng, đôi khi mỉm cười rồi lại cất bước với vòng tròn vô tận của bản thân.

Trong một tuần đầu tiên, tôi thường rời nhà cả ngày đi làm những chuyện lặt vặt trong thời kì chờ việc làm chính thức. Lý do chính là tạo một bầu không gian riêng tư nhất định giúp Thụy và Thiên làm quen với ngôi nhà. Sang ngày thứ ba, khi tôi đang trong cửa hàng sách thì nhận được điện thoại của mẹ cả.

"Con hãy khuyên nó đi phá thai, Tịnh à. Nếu quá ba tháng thì sẽ không được nữa đâu. Con hiểu ý mẹ mà, phải không ? "

Đại ý thì tôi nhớ nội dung là vậy. Nếu còn có gì khác thì đó chỉ là chút gì hẫng nhẹ trong lòng. Ấy là lần đầu tiên sau chừng ấy năm, mẹ cả xưng "mẹ" với tôi.

Đêm thứ tám, Thụy gọi tôi vào phòng ngủ chính. Em nói, em muốn tôi vào, em không ngại gì cả. Khi ấy đã là nửa khuya, trên tấm nệm đơn vốn không đủ cho hai người, Thiên nằm nghiêng, mặt hướng ra ngoài. Bóng tối lờ mờ vì Thụy không mở đèn.

"Cảm ơn chị, em rất thích phòng này.", Thụy nói bằng giọng mũi như thói quen cố hữu, "Nó có cửa sổ thật là to."

Chất giọng của Thụy làm tôi nhớ đến một lời nhận xét xa xôi nào đó không nhớ của ai rằng, giọng mũi không bao giờ vút cao hay hạ thấp thực sự được. Nó thoạt chừng dịu dàng, thoạt chừng êm ái, song thật ra bản chất thì mỏng tang. Như cánh chuồn chuồn vậy... Chẳng bao giờ bừng nở trên các cung bậc thanh âm.

Chúng tôi ngồi dưới sàn, gần nệm. Ô cửa kính thực ra không to nhưng bù lại, rất cao, chạy dọc từ trên trần xuống. Bầu trời tím sẫm, vẩn những vệt mây mù như khói tỏa, mong manh và vô định, không hề có trăng.

"Có một vì sao rất sáng.", tôi bảo, đưa tay chỉ.

"Là sao Hôm."

"Sao em biết ?"

"Mẹ nói, nếu chỉ có một vì sao trên trời, thì đó chỉ có thể là sao Hôm."

"À..."

Tôi quay nhìn Thụy. Em đang hướng nhìn bầu trời. Chiếc cằm nhỏ khẽ hếch cao. Bóng tối ngăn không cho tôi nhìn rõ đường nét trên khuôn mặt thanh tú ấy.

"Tịnh này, đêm của em trắng lắm, toàn là giấc mơ."

Thụy ngừng một lúc, không phải là chờ tôi lên tiếng, em thở ra một hơi nhẹ rồi nói tiếp.

"Em mơ nhiều. Không ngủ, chỉ ngồi thế này. Hồi còn ở nhà mẹ ấy mà. Em hay ngồi lắm. Và cứ thế mơ hoài. Từ ngày mẹ đuổi chị đi..."

"Mẹ cả không đuổi chị."

"Vậy sao..."

Hẳn nhiên là mẹ cả đã đuổi tôi. Có nhiều cách để khiến một người không muốn ở gần một người nữa. Phải, có nhiều cách để khiến một kẻ chướng tai gai mắt, nhìn phát tởm bị đá văng ra khỏi cuộc đời ta, trôi tuốt luốt đến tận một miền sơn cước xa xôi hẻo lánh nào đó. Trong trường hợp có đến hai đối tượng, mẹ cả chỉ việc làm phép nhân đơn giản. Bằng không, hẳn mẹ cả là một người giỏi trò domino.

Hơn chục năm sau ngày bố mất, những lời trăn trối dần mất đi tính thời sự. Mẹ cả ghét mẹ con tôi. Nên, chúng tôi đi. Rồi tôi rời mẹ, đi học xa. Nhiều chuyện đã qua, mẹ dặn tôi, bố mất rồi, không còn gì cả, con hãy quên. Thế rồi Thụy đến và tôi nhớ lại tất cả.

"... những suy nghĩ có thể khiến em khóc, đôi khi thôi.", Thụy vẫn đang nói, "Em cứ nghĩ mãi về những gì đã qua và những gì sẽ đến, em cảm thấy, chúng đã và sẽ chẳng bao giờ thực sự chạm đến em được. Như giấc mơ vậy. Bao giờ thì giấc mơ kết thúc ? Em có lẽ không muốn biết."

"Thụy... em còn trẻ nhưng em cần phải lớn. Em mười chín tuổi rồi."

"Em thích đêm. Đêm đem đến những giấc mơ. Khi đêm đến, những gì hào nhoáng của ngày sáng đều không còn giá trị. Đêm cho em thấy bầu trời. Bầu trời, ở trên ấy, em thấy chính em."

"Thụy à, nghe chị nói, em không thể cứ nói về những thứ mông lung như vậy, chúng ta..."

Thụy không nhìn tôi.

"Em thấy chính em.", Thụy lập lại, "Em chẳng thấy ai khác nữa cả. Em thấy em trên đó, rất cao. Cao lắm. Chị biết vì sao em chỉ thấy mình em trên đó không ?"

Dĩ nhiên em không có ý hỏi tôi thật.

"Vì em ích kỷ.", Thụy cười to, âm thanh vang động. Nhưng Thiên thậm chí không cựa mình.

Thụy hầu như chẳng cười to bao giờ nên lúc ấy tôi đã không thể giấu nổi chút sửng sốt cỏn con. Tiếng cười mau chóng tắt lịm như thể nó chỉ là ảo giác của riêng tôi, tôi thấy Thụy quay nhìn mình. Trên cao, rất cao như lời em nói, mây mờ đang tan, ánh trăng le lói hắt qua màn khói nhạt, phả sáng một nửa bên trái khuôn mặt trái xoan của người con gái mười chín tuổi. Mắt em sáng long lanh như ngấn nước. Sắc hồ thu lạnh băng.

Thụy hạ giọng, chẳng còn dư vị tiếng cười:

"Chị có ghét em không ?"

"Cũng bình thường."

"Không yêu em phải không ?"

Tôi im lặng. Thụy không hỏi nữa, em bảo :

"Em mệt rồi. Thôi, em ngủ. Chị cũng đi ngủ đi."

"À...", tôi lưỡng lự rồi cũng đứng dậy, hơi khó xử một chút, tôi đứng hồi lâu trong khi cô em gái vẫn ngồi, hướng tia nhìn ra vầng trăng vừa ló. Cuối cùng tôi quyết định nói, "Thụy, mẹ cả đã gọi cho chị, mẹ cả nói..."

"Mẹ thì biết gì.", Thụy cắt ngang.

"Nhưng mà...", tôi toan nói thêm song lại thôi, "Ừ, chúng ta sẽ nói chuyện sau, đừng thức khuya, nó không tốt cho em đâu, nhất là lúc này."

Tôi bước ra khỏi căn phòng tối, đưa tay dợm đóng cửa lại thì ánh mắt chợt nhận ra điều nãy giờ tôi không hề để ý. Bàn tay Thiên đang nắm chặt tay Thụy để lơi gần mép nệm tự bao giờ. Dù anh ta ngủ, hoặc có vẻ ngủ.

"Sao vậy chị ?", giọng Thụy vang lên, cũng đã nhận thấy chút sững lại của tôi.

"Không có gì. Ngủ ngon.", tôi lắc đầu, định kết thúc cuộc trò chuyện tại đây.

Có điều, Thụy chợt đổi ý, em nói tiếp, không có ý chờ tôi đáp lại. Tôi cũng không định đáp. Vì em nói:

"Tịnh này, cô ấy cũng đẹp lắm. Vợ của Thiên ấy mà."

 

Part 2. Thiên.

      Kết hôn năm hai mươi bảy tuổi, chỉ sau một năm, đã nhận ra mình sai lầm trong quyết định trọng đại ấy, nhưng không thể từ bỏ, từ dạo đó đến nay. Đấy không phải là tất cả những gì số phận đã chất vào đời người đàn ông tên Thiên mà Thụy đem đến nhà tôi. Điều làm nên chỗ chốt yếu của vấn đề là việc : Thiên sắp đón hai đứa con cùng chào đời.

      Thụy nói tất cả với tôi qua một tờ giấy nhét dưới khe cửa gác xép. Tôi tìm thấy nó vào buổi sáng hôm sau. Cả Thụy và Thiên đều không có ở nhà, ghi chú là họ đi xem đồ dùng cho đứa trẻ. Ghi chú thứ hai : "Chị có thể đưa tờ giấy này cho mẹ em, nếu muốn.". Tôi kẹp nó vào sổ tay.

      Sau ngày ấy, Thụy không nói gì thêm cả. Vẫn gọi tôi vào hàng đêm để trò chuyện, nhưng đều là những thứ tầm phào - những thứ làm tôi sợ. Chúng như một hàng rào bọc đầy gai tầm ma giấu dưới triệu cánh nguyệt hồng mềm mại màu nhung, như một lằn ranh giới sắc lạnh mà Thụy vạch đến gãy cả phấn giữa tôi với em.

      Mẹ cả lại gọi, song tôi không nghe điện thoại. Mẹ cũng gọi, song không nói gì đến Thụy.

      Thiên thì im lặng.

      Tôi không biết Thiên đã biết những gì. Buổi sáng, anh ta chào tôi, hôn Thụy rồi đi làm; chiều đến, hôn Thụy, chào tôi và cư xử như một người chồng đĩnh đạc. Đêm, khi Thụy gọi tôi vào phòng, anh ta đều nằm ngủ, y như lần đầu. Vẫn nắm tay Thụy.

      Thiên im lặng. Không một lời thuyết phục Thụy về quyết định sinh đứa bé mà em bỏ lửng lơ đầy mập mờ cố ý, cũng không hề kể về thân phận của mình. Nhưng Thiên cho tôi một cái cảm giác mơ hồ rằng anh ta sẽ nói tất cả nếu tôi hỏi. Ấy cũng chỉ là giả thuyết. Tôi không có ý hỏi điều gì từ Thiên vào lúc ban đầu. Tôi lo cho Thụy. Em không nhắc lời nào đến chuyện phá thai. Dù vậy, Thụy từ chối thay đổi chế độ ăn phù hợp với thai kì như lời khuyên của bác sĩ khi Thiên đưa em đi khám. Bù lại, Thụy có vẻ thích thú đối với những sự thay đổi khách quan ví dụ như đi mua sắm những bộ đầm rộng rãi hơn, xem vài sách báo nói về các thai phụ, bàn luận một chút về xu hướng đặt tên con hiện nay, v.v... Nhưng, tuyệt đối chẳng có sự thay đổi nào được em quan tâm nếu nó tác động trực tiếp đến bản thân mình.

      Khi nước da Thụy trở nên tái nhợt vì thiếu máu sau hai tuần rưỡi kể từ ngày chuyển đến, tôi quyết định đã đến lúc đối mặt thẳng thắn với Thiên. Không dễ để có thể gặp anh ta riêng ở nhà, vì vậy chúng tôi hẹn ở bên ngoài, trong một quán cà phê khá xa nhà tôi hòng loại trừ mọi khả năng Thụy có thể tình cờ bắt gặp.

      Thiên đến lúc gần giữa trưa, cà vạt có phần lơi lỏng so với buổi sáng. Có lẽ anh ta đã có một buổi làm việc tương đối căng thẳng. Hoặc, thời tiết dạo này đã bắt đầu nóng lên.

"Tôi sẽ nói nhanh thôi. Thiên này, anh đã quyết định việc này phải như thế nào ?"

Anh ta lại đưa tay nới thêm cà vạt ra dù trong quán có máy điều hòa.

"Tôi muốn đứa bé.", thế rồi anh ta đáp, đảo ánh mắt khắp lượt khách xung quanh một vòng rồi nhìn thẳng vào tôi, "Tôi thực sự yêu Thụy."

"Vậy hãy ly hôn đi."

Thiên không có vẻ bất ngờ.

"Không được."

"Tại sao ?"

"Trong cuộc sống này có rất nhiều thứ không thể thay đổi được, đúng không."

"Như thế là không công bằng.", tôi nói.

Thiên mỉm cười.

"Còn vợ anh thì sao ? Đã biết chưa ?"

"Chưa chính thức. Nhưng chắc cũng đoán được rồi. Tôi có về nhà đâu."

"Anh thật là ích kỷ. Làm cho cả hai người phụ nữ yêu anh đau khổ."

Thiên chập mười đầu ngón tay vào nhau, khẽ nghiêng đầu :

"Tịnh biết vì sao tôi không ly hôn không ?"

Tôi nhướng mày, không có ý trả lời.

"Vì Thụy sẽ không lấy tôi.", lần này, anh ta bật cười thành một tiếng khô ran, "Tôi chỉ ly hôn vợ mình nếu ít ra có thể lấy Thụy. Còn nếu không, tôi không thể. Với tôi, cô ấy chỉ quan trọng kém Thụy mà thôi.", bắt gặp ánh mắt tôi, Thiên nói nhẹ nhàng, "Tôi không có ý định khiến Tịnh tin vào lời giải thích đó."

"Tôi... nghĩ là mình sẽ phải giải quyết chuyện này một mình, cách này hay cách khác. Cảm ơn anh về cuộc gặp ngày hôm nay."

      Tôi đứng dậy, không che giấu sự khó chịu trong lòng. Thiên cũng không có vẻ muốn xoa dịu điều đó. Nhưng anh ta bỗng nói tiếp :

"Tịnh à, Thụy..."

"Sao ?"

      Thiên ngước nhìn tôi, đó là lần đầu đôi mắt đẹp của anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong một khoảnh khắc giữa cơn giận, tôi chợt có một suy nghĩ buồn cười. Phải chăng Thụy yêu người đàn ông này vì đôi mắt ấy ? Đôi mắt thật là giống...

"Không.", Thiên khẽ lắc đầu.

      Tôi đứng nguyên đó trong vài giây, chờ đợi. Nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng, thế nên cuối cùng tôi chào anh ta và rời quán.

      Bước vào tuần thứ mười một, nhìn Thụy vẫn chưa có gì thay đổi. Mẹ cả rất lo lắng, chính xác hơn là sốt ruột, bà gọi tôi suốt, bảo rằng chẳng còn thời gian nữa, tôi phải nhanh lên, nhanh mà đưa cô em cùng cha khác mẹ mười chín tuổi kia đi giải quyết hậu quả một mối tình hư hỏng tệ hại. Tôi cũng đã quyết định hỏi ý kiến mẹ. Nhưng bà nói tránh. Tôi thôi không hỏi mẹ nữa. Thiên vốn đã im lặng, nay lại ít gặp anh ta ở nhà hơn. Thiên thường về muộn hơn bình thường. Thụy không có thái độ gì về điều đó, ít ra là không trước mặt tôi và khi hai người về phòng, tôi cũng không nghe thấy âm thanh một cuộc xích mích. Chúng tôi đều hiểu. Người vợ chính thức của Thiên đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Đứa trẻ có thể sinh non bất cứ lúc nào khi tinh thần người mẹ không được ổn định.

      Dù vậy, không đêm nào Thiên không về căn nhà nhỏ của chúng tôi ngủ, vẫn nằm như thế và nắm tay Thụy như thế. Còn Thụy, em vẫn nói với tôi về những cơn mộng mị khó hiểu. Tôi nhớ, hôm đó là thứ năm, chúng tôi cùng xem xong một chương trình tạp kỹ vô thưởng vô phạt trên truyền hình rồi vào phòng Thụy như thường lệ. Thiên đã nằm ở chỗ của mình. Thụy mặc một bộ váy trắng đơn giản bằng vải mềm, tóc buông xõa. Trông em như một nữ sinh Trung học, không có vẻ gì của một người sắp làm mẹ trong vòng nửa năm tới.

      Lúc chiều muộn, khi tôi vừa từ chỗ làm ra, mẹ cả lại gọi, giọng bà giá lạnh hơn mọi lần trước. Bà nói bà sẽ đến vào cuối tuần. Bà muốn tôi lừa Thụy tách khỏi Thiên sau đó cùng bà ép Thụy đến một trung tâm y tế tư nhân đầy danh tiếng phía Tây thành phố. Đấy là cách giải quyết thỏa đáng, Thụy nó sẽ hiểu khi bình tĩnh lại, mẹ cả quả quyết. Tôi không nghĩ vậy. Song ít nhất bà đúng một chuyện, đã không còn thời gian nữa nếu Thụy không muốn đứa con. Vậy nên tối hôm ấy, tôi quyết định phải nói rõ ràng mọi chuyện với em.

"Hôm qua, em có một giấc mơ, em khi ấy bé lắm, chỉ cao chừng này, được dẫn đến một buổi hội chợ. Mẹ không cho em ăn kẹo bông, bảo không sạch.", Thụy lại luyên thuyên, "Nhưng bố vẫn mua cho em. Bố nói, con gái cưng nhất của bố, con còn thích gì không...", em cười rất nhẹ.

      Từ dạo nọ, để có thể nắm bắt phần nào những thứ đôi khi rất hoang đường mà Thụy nói, tôi đã cố sức gom góp vài cụm từ cơ bản thường được nhắc đến và định cho chúng những cái nghĩa cố định để làm mốc dò ra toàn bộ câu chuyện. Ví dụ như ở đây, khi Thụy nói "giấc mơ", tôi hiểu rằng em muốn nói đến những chuyện hoàn toàn có thật và thường là thuộc về quá khứ.

"Chị nghe câu đó có hay không Tịnh ? Con gái cưng nhất của bố, con còn thích gì không.", Thụy lập lại lần nữa, nhoẻn cười to hơn, "Em thích giấc mơ này. Nó thật là đẹp."

"Ừ, đẹp.", tôi liếm môi, cảm thấy hơi đắng trong mồm rồi cất lời, "Nhưng Thụy à, mình không nói về giấc mơ một chút được không ? Chúng ta nói về đứa bé đi."

"Đứa bé nào ? ", Thụy nghiêng đầu nhìn xuống tay mình.

      Tôi thoáng bối rối. Thụy thay đổi thái độ nhanh quá. Em luôn giỏi hơn tôi trong việc diễn đạt mọi thứ. Rồi cũng nhanh như vậy, Thụy cười:

"Em đùa thôi. Nhưng sao ?"

"À... em quyết định sinh nó à ?"

Thụy im lặng một lúc.

"Ngày nào mẹ cũng gọi chị phải không? Vào khoảng chiều ?"

"À ừ, sao em biết ?"

"Vì mẹ cũng gọi em. Lần đầu mẹ gọi từ lúc em chuyển đến đây, em hỏi, mẹ có gọi chị Tịnh không, mẹ chối một lúc nhưng em bảo, không sao đâu, vậy là mẹ nói. Các lần sau, lần nào em cũng bảo không sao đâu cả."

Tôi nhẹ nhõm đi phần nào khi nghe vậy, bất chấp việc Thụy đã giấu tôi việc vẫn liên lạc với mẹ cả.

"Nếu em đã có thể nói chuyện với mẹ cả, em có thể cải thiện tình hình nhiều, à, chị cũng không thực sự cụ thể việc gì, nhưng mà..."

"Vì chị đấy.", Thụy cắt ngang, "Vì em muốn biết mẹ và chị trao đổi với nhau những gì nên em nói thế với mẹ. Chỉ có thế thôi."

Bị hẫng, tôi nhắc lại :

"Chỉ có thế thôi ?"

"Tức là, mẹ vẫn chẳng biết gì cả."

Tôi chợt hiểu, phút nhẹ nhõm vừa qua chỉ là một thứ tôi tự huyễn hoặc mình.

"Nhưng Thụy, em có thực sự hiểu những khó khăn em sẽ gặp không... Anh ta,", tôi hướng mắt về phía Thiên đang nằm, "Anh ta không hề có ý ly hôn vợ. Tương lai cho em và đứa trẻ sẽ không dễ dàng. Em còn trẻ, Thụy à, sẽ không hề đơn giản đâu em..."

      Tôi còn nói nhiều, nói nhiều lắm. Thụy không ngắt lời tôi lần nào, chỉ mở to mắt nhìn, không buồn đến vòm trời đầy sao bên ngoài. Có lẽ ấy là lần lâu nhất mà Thụy để cho tôi nói thay vì bắt tôi nghe những câu chuyện của em suốt mấy năm qua từ khi còn ở chung nhà mẹ cả. Đến mãi sau này, chính tôi cũng không thể nhớ mình đã nói những gì. Chỉ biết, cuối cùng, trong lúc nói, tôi đã bật khóc và không thể nói thêm gì nữa.

Thụy kéo tay khỏi tay Thiên, dùng cả hai tay để nắm lấy tay tôi. Em nói rất khẽ :

"Chẳng có gì để khóc đâu chị. Dù là vì chuyện gì đi nữa. Đau khổ trong cuộc sống này cũng như hạnh phúc thôi. Đều là mộng cả. Như em đây, em đã thấu suốt rồi..."

      Sau đấy không ai nói gì nữa. Nước mắt cũng khô. Chúng tôi im lặng ngắm sao trời. Trời trong vắt. Đêm đẹp đến yên bình...

Đêm ấy, Thụy đã không để Thiên nắm tay mình.

 

Part 3. Thụy.

      Theo chẩn đoán của bác sĩ, Thụy đã bị một thứ được gọi là sốc thai kỳ. Các triệu chứng đến rất nhanh, thường là ra máu và sau đó là đau dữ dội. Nếu không kịp thời xử lý, sẽ dẫn đến sẩy thai, thậm chí tử vong nếu sức khỏe thai phụ quá yếu, không đủ vượt qua.

      Tôi đang nói về điều đó : Thụy chết.

      Thiên kể rằng, vào lúc gần sáng, Thụy vào nhà tắm, rất lâu. Anh ta có hỏi thì Thụy bảo là không có gì, anh hãy ngủ đi. Nhưng sau một giờ đồng hồ, khi hỏi mãi không thấy Thụy trả lời khi được gọi, Thiên phá cửa xông vào.

      Và chẳng còn gì để kể nữa cả. Thụy đã chết rồi.

      Lại theo chẩn đoán của bác sĩ, có lẽ Thụy không biết rõ về một căn bệnh nguy hiểm như vậy nên khi nó xảy đến, với bản tính xấu hổ không dám nói cho người đàn ông biết, Thụy như bao cô gái khác, khi làm mẹ hẵng còn quá trẻ, đã bối rối cố gắng tự giải quyết. Nhưng máu ra quá nhiều cùng cơn đau đã khiến em kiệt sức nhanh chóng rồi ngất. Rồi chết.

      Tôi không tin.

      Thụy không thể chết như vậy được. Không thể. Không thể. Tuyệt đối không thể.

      ...

      Thụy chết, mọi thứ cơ hồ không còn gì. Lễ tang tổ chức lặng lẽ, em được an táng cạnh mộ phần của bố. Vài người thân thiết đến dự. Mẹ cả vẫn ngẩng đầu mang phong thái một mệnh phụ học thức cao, đúng mực khi tiếp khách. Song khi nhìn vào mắt bà, tôi biết, trong bà cũng chẳng còn gì cả. Cái chết của Thụy đã cuốn sạch đến kiệt cùng. Tất cả.

      Tôi không cảm thấy đau. Sau tang lễ, tôi cùng mẹ về nhà, đưa bà lên gác xép nghỉ rồi tôi quay xuống, đẩy cửa vào phòng ngủ chính. Trời ban trưa, phòng tối, những tấm rèm dày phủ kín ô cửa. Vali hành lý đã sắp xếp gọn gàng cạnh lối đi. Trên tấm nệm đơn, Thiên nằm nghiêng, mặt hướng ra ngoài.

Tôi ngồi xuống chỗ Thụy vẫn ngồi, nhìn Thiên. Anh ta nhắm mắt.

"Tịnh à, Thụy tự sát, tôi biết.", Thiên nói, giọng lào khào.

"Không phải đâu."

"Không. Tịnh cũng biết mà. Cô ấy tự sát."

"Không đâu mà."

"Thụy... làm sao một người đã mua và đọc chừng ấy sách viết về thai sản lại có thể không biết về căn bệnh không hề hiếm gặp như thế ? Bác sĩ bảo, bệnh này chỉ xảy ra khi thai phụ có cú sốc nặng hoặc nỗi đau khổ triền miên khó nói nào đó cứ phải chôn giấu mãi, lâu ngày dẫn đến kiệt quệ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, phải không ...? Tịnh à, nói tôi nghe đi, cô ấy cố tình giảm chế độ ăn uống khiến sức khỏe suy kiệt để làm gì ... ?... Không phải là để khi cú sốc kia đến nó có thể chắc chắn giết được cô ấy sao ?"

Tai tôi ù đi. Tôi biết. Tôi biết, biết tất cả những điều đó. Nhưng mà...

"Thiên, Thụy không như thế, Thụy yêu anh mà, Thụy..."

"Thụy không yêu tôi! Cô ấy đến với tôi không phải vì yêu!", Thiên bất ngờ thét lên rồi anh ta bật khóc, lần đầu tiên từ khi Thụy mất. Một từ "khóc" không thể biểu hiện hết được cảnh tượng khủng khiếp ấy. Đó là những tiếng gào dài thảm thiết và nước mắt tuôn ra đầm đìa trên khuôn mặt của người đàn ông trưởng thành. Bàn tay vẫn nắm tay Thụy nay bấu chặt vào ngực, anh ta tựa hồ muốn moi trái tim đau đớn khôn cùng ấy ra khỏi cơ thể mình rồi bóp nát nó ra như cát vụn.

Tiếng khóc dội vào những bức tường, đập ngược lại những gì nó chứa bên trong : Thiên, tôi và không gian của Thụy...

      Tôi ôm lấy Thiên, nhè nhẹ vỗ về, không còn cảm thấy hơi ấm từ cơ thể chính mình... Và tiếng khóc, cứ như sóng biển, rồi lại thành triều dâng, mênh mông và sâu thẳm, cứ thế cao dần, rồi vùi chôn tất cả trong sự thinh lặng vô biên...

      Rất lâu sau cái chết của Thụy, chừng bốn hay năm năm sau đó, khi đến viếng mộ em cùng mẹ, tôi có gặp lại Thiên. Nhưng chúng tôi đơn giản là lướt qua nhau. Chẳng còn gì để nói. Thụy vẫn ở đó, như chưa từng tan biến, cũng như chưa từng có ai thực sự chạm đến được...

      Khi chúng tôi đứng trước mộ phần, trong di ảnh, nụ cười em hiền, mắt buồn như ngày còn sống trên trần thế bi ai này. Rồi mẹ tôi thở một hơi dài, bà bảo :

"Đời người vốn dĩ nên xem như giấc mộng. Đôi khi cũng nên nhắm mắt lại. Nếu không nghỉ ngơi thì hẳn sẽ đến lúc ngã quỵ..."

      Câu nói chợt làm tôi nhớ đến Thụy, đến đêm đầu tiên chúng tôi cùng ngồi ngắm bầu trời qua ô cửa hẹp năm nào. Giờ thì tôi đã hiểu, sau chừng ấy năm... Khi đó Thụy nói :

"Tịnh này, đêm của em trắng lắm, toàn là giấc mơ."

Thảo Dương

Hoài Mai - (vào lúc: 01:01 - 01-30-2013)
Chị viết rất hay, em đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy rất cuốn hút.

Phamngochien.com - 18:12 - 17/07/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận