Đặc sắc nghệ thuật trong "Trên ngọn tình sầu" của Du Tử Lê (Nguyễn Hoàng Trang Nhung)

 

TRÊN NGỌN TÌNH SẦU

 Du Tử Lê

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngắt tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần

kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người

tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.

1967

Du Tử Lê là một trong những nhà thơ có công cách tân, làm mới thể thơ lục bát của dân tộc, như người ta hay nói “lục bát Du Tử Lê”. Nhất Chi Vũ cho rằng “Ta có thể ví lục bát là một khối vàng ròng, còn lục bát Du Tử Lê những nữ trang được sáng tạo ra từ khối vàng này”. Tuy nhiên, nỗ lực cách tân thơ Việt của ông không chỉ dừng lại ở thể lục bát mà còn thể hiện ở nhiều thể loại khác. Ở đây, tôi muốn nói đến thế giới nghệ thuật ngôn từ trong bài thơ tám chữ Trên ngọn tình sầu của Du Tử Lê. Bài thơ được viết  năm 1967 và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả yêu thơ ca Việt.

Trong Thi ca và Thi nhân, Cao Thế Dung đã nhận xét: “Đọc thơ ông (Du Tử Lê) thấy ngay ông làm thơ như người ta nói chuyện. Nhưng mỗi ngôn từ, mỗi mạch thơ càng đọc càng thấy có sự hiện diện của một nghệ thuật mới, có một giọng riêng, không thể lẫn lộn với bất cứ ai”. Quả thật như vậy. Lần đầu gặp bài thơ, ta sẽ ấn tượng với sự mới mẻ trong hình thức thơ. Cả bài thơ không có dấu câu, không viết hoa. Tất cả hai tám câu thơ tám chữ cứ trải ra những nỗi niềm, những cảm xúc, những kỉ niệm, những dư âm, những day dứt của tác giả - một chàng trai lần đầu rung động nỗi thương yêu, cũng là lần đầu nếm vị cay đắng vụn vỡ của một trái tim đau đớn vì tình. Bài thơ lúc đầu có tên “67 – Khúc thêm cho Huyền Châu”,  nó được Du Tử Lê viết cho nàng thơ Lê Huyền Châu, cũng chính là mối tình đầu đầy day dứt của ông.

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn

trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng

bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám

trời xanh xao chân nhỏ cũng không về

Bài thơ bắt đầu bằng “hạnh phúc tôi”, không phải tôi mà là hạnh phúc tôi như một ước mơ, khát vọng hạnh phúc, nhưng rồi những câu thơ sau lại chở đầy những thanh âm u ám, nặng nề, nhịp thơ gấp gáp, vội vàng rồi có lúc như gói cả nghẹn ngào trong những từ ngữ lạ lùng và khó hiểu  “bầy sẻ cũ hom hem”, “trời xanh xao chân nhỏ”. Những từ ngữ tả màu sắc lạnh và buồn cũ, xám, xanh; những từ láy gợi hình hom hem, xanh xao phác họa trong trí tưởng tượng của độc giả một bức tranh cũ kĩ, xám xịt, giăng mờ như màn sương của kí ức. Từ hom hem gợi một sự già nua, tàn úa, vụn vỡ, khi đọc lên ta nghe như rung lên những giai điệu của sự chia phôi. Trong không gian buồn bã và xám xịt ấy, có tiếng thở dài đang nén lại “chân nhỏ cũng không về”. Nhỏ (Huyền Châu) không về khiến trời xanh xao, ngói xám xịt, bầy sẻ cô đơn, hom hem, dường như không còn sức sống.

cây mộng nở từng ngón tay lá nõn

nôi tương tư cỏ ấm thịt da người

tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh

môi thâm khô từ thuở định xin hôn

ngày tháng hạ khi không mà trở rét

em khi không mà trở mặt điêu ngoa

tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ

ngọn me xa theo kí ức rì rào

chiều qua đó chân ai còn ríu rít

lời ai say cho trời đất lại gần

Những câu thơ tiếp theo là cả một trời thương nhớ, cả một trời kỉ niệm ùa về trong kí ức nhà thơ qua những câu thơ, những hình ảnh thơ mới lạ, gây ấn tượng. Những ngày đầu ân ái thật đẹp, thật ngọt “cây mộng nở từng ngón tay lá nõn / nôi tương tư cỏ ấm thịt da người”. Hai câu thơ gợi vẻ đẹp tuổi thanh xuân với cây mộng, với lá nõn, với da thịt ấm áp trong hơi thở, trong nỗi nhớ nhung, tương tư của những kẻ đang yêu, đang say trong men tình ái. Nhưng sự cuồng nhiệt, say đắm ấy chỉ bùng lên chốc lát rồi ta lại cảm nhận được vị chát đắng của mối tình đầy trắc trở. Những hình ảnh tương phản với hai câu thơ trên, như tình yêu muôn thuở có mật ngọt tất cũng có đắng cay. “Mắt em ngát tạnh”, “em trở mặt điêu ngoa” khiến ta chỉ còn biết gặm nhấm nỗi đau cào xé tâm can. Ta hiu hắt, ta đau đớn, ta bàng hoàng, ta thổn thức khi thực tại phũ phàng, lạnh lẽo còn quá khứ tươi đẹp và ấm áp lại cứ men theo dòng kí ức tràn về - ngọn me xa theo kí ức rì rào.  Dường như vẫn còn đó bước chân người ríu rít, rộn ràng. Dường như vẫn còn đây những lời yêu thương ngọt ngào say đắm. Dường như vẫn còn hương thơm da thịt, “mùi tóc mạ” thân quen khiến nhà thơ khao khát, nhớ nhung, trông ngóng. Bằng những từ ngữ gợi hình, những cảm xúc buồn / vui, hạnh phúc / đau đớn đan xen tạo nên một tâm trạng của nhân vật trữ tình rối bời, đầy day dứt.

kỉ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng

nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi

con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát

khi đêm về ru giọng đớn đau hơn

cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng

lá oan khiên lả tả mái hiên người

Vẫn là nỗi đau đớn, dằn vặt trong từng cọng kỉ niệm thiết tha mà con dế nhẩn nha gom đầy qua năm tháng. Nó yêu từ ngày vỡ tiếng. Nay nó đã trưởng thành. Nó không còn ca khúc ca oai oán nữa. Nó đã biết giấu nỗi đau, giấu nước mắt vào trong. Nhưng “khi đêm về ru giọng đớn đau hơn”. Thì ra nỗi đau khi được giấu đi là nỗi đau lớn nhất. Nó chỉ được bộc lộ ra “khi đêm về”, trong khoảng thời gian vắng lặng mà con người thường sống thật với chính mình, đối diện với lòng mình bằng những cảm xúc chân thật nhất. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đến đỉnh điểm. Và kết thúc chính là tận cùng nỗi đau. Như một sự giải thoát. Mầm trong sáng ở đây chính là đôi trẻ, vừa mới lớn vừa chớm yêu. Nhưng lại gặp phải lá oan khiên nên kết thúc đầy bi kịch, chia li. Oan khiên bởi nguyên nhân khiến đôi trẻ chia li thật khó chấp nhận. Dĩ nhiên không phải tại hai người. Âu cũng là số phận khi họ không thể cùng nhau vun trồng cây mộng của mình đến ngày hái quả ngọt ái tình. Mà số phận đã chia quyên rẽ thúy.

tôi èo uột từ những ngày cả gió

con dế buồn tự tử giữa đêm sương

bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ

ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ

em ở đó bờ sông còn ấm cát

con sóng tình vỗ mãi một âm quên

Một kết thúc buồn. Cho một chuyện tình buồn. Con dế tự tử trong đêm sương, bầy sẻ cũ qua đời lặng lẽ, người thiếu nữ bỏ đi. Em vừa đi, bờ sông vẫn còn ấm cát, thế mà khi ta đến tìm chỉ tiếng sóng vỗ về một thanh âm bị bỏ quên – có lẽ là lời tự tình hay lời hứa hẹn ngàn đời cho một tình yêu tuyệt đẹp. Bài thơ kết thúc bằng con sóng tình vỗ mãi một âm quên, âm thanh bị bỏ quên nhưng dường như vẫn vọng về trong tâm tưởng người đọc đầy day dứt, trăn trở.

 Nguyễn Hoàng Trang Nhung

(hoangnhungdhsp@gmail.com)

Bài hát Trên ngọn tình sầu:

https://www.youtube.com/watch?v=7AQU3vwbbSU


Phamngochien.com - 13:29 - 16/10/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận