Chuyện người thợ cạo (Nguyễn Tịnh Giang - Kon Tum)

 

Ngày trước người ta hay gọi những người làm nghề cắt tóc là thợ cạo, phó cạo (tương tự như phó nhòm hoặc phó nháy, phó cối, phó mộc...). Nếu là người lớn tuổi thì gọi ông thợ cạo, bác thợ cạo, trẻ hơn gọi là chú thợ cạo, anh thợ cạo... Bây giờ hiếm người gọi như thế mà gọi luôn là thợ cắt tóc cho đơn giản dễ hiểu. Tây hóa một chút để hội nhập thì gọi là barber, shaver, hair dresser hoặc chung chung thì gọi là make-up artist... hay gì gì nữa thì tôi không biết. Chỉ biết rằng nghề cắt tóc cho phái mày râu trước đây dường như là độc quyền của giống đực và thực tình mà nói, dụng cụ để cắt tóc như cái tông-đơ (tondeuse) đời... 0.4 chẳng hạn, rõ ràng là không mấy phù hợp với bàn tay mềm mại của phái đẹp. Hơn nữa, để chị em đè đầu cưỡi cổ là điều vô cùng cấm kị còn nếu sờ mờ lờ tờ nữa thì... mô Phật! Nhưng giờ đã khác, công nghệ hiện đại cùng với nền kinh tế thị trường đã thúc giục chị em hăng hái tham gia mần nghề này khá đông. Những tiệm cắt tóc nam nữ nhan nhản khắp phố len vào tận hang cùng ngõ hẻm. Điều này khiến những tiệm cắt tóc của quý ông thất thu thấy rõ, có khi cả ngày mở cửa ngồi chơi xơi nước làm bạn với mấy quân cờ.            

Nhưng đấy là nói tình hình chung, chứ tiệm cắt tóc của anh Hưng mà tôi quen thì chẳng mấy khi vắng khách dù đó là những ngày trong tuần. Để tránh cảnh phải ngồi chờ lâu sốt ruột, khách quen thường gọi điện trước, nếu anh rảnh là vù đến ngay vì cũng có khi gọi rồi nhưng chậm chân vẫn phải đợi, nguyên tắc ai đến trước mần trước, ai đến sau mần sau, ở đây không có ngoại lệ. Khách của anh Hưng gồm đủ thành phần nam phụ lão ấu, quan chức, thường dân giàu nghèo có tất. Nhưng thường xuyên nhất vẫn là những người lớn tuổi, họ thích đến đây vì thấy anh hiểu biết lại rất cẩn trọng trong công việc. Mà nghề này sự tỉ mỉ cẩn trọng phải đặt lên hàng đầu nhất là ở công đoạn cạo mặt ngoáy tai, nếu lơ đểnh hoặc nhỡ tay một tí là có thể làm thủng màng nhĩ hay cắt mũi gọt cằm khách như chơi dù họ chẳng có nhu cầu làm đẹp theo mốt của chị em thời công nghệ 4.0. Do vậy, dẫu có khách đang ngồi chờ, anh vẫn tỉ mỉ từng công đoạn, không làm qua loa vội vã... Ở anh có tác phong của một thợ cạo ngày xưa: cũng mặc áo khoác ngoài chuyên dụng như bác sĩ mặc áo blouse khi làm việc và thỉnh thoảng để luyện tay nghề, anh lôi cái dao cạo vang bóng một thời ra rồi vẫy tay múa xoèn xoẹt trên sợi dây nịt cũ kĩ làm bằng da bò treo ở góc tường (bây giờ khách sợ bị lây AIDS nên anh chỉ sử dụng dao lam), tôi thích gọi anh là thợ cạo hơn là thợ cắt tóc là vì thế. Có rất nhiều người ở đây đã gắn bó với tiệm của anh từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc, anh dời chỗ làm mấy lần họ cũng theo số điện thoại mà tìm đến chứ nhất định không chịu để cho anh khác sờ đầu, hệt như nam nữ trót đã phải lòng nhau. Cũng có những đứa bé ngày nào được mẹ dẫn đến cắt tóc trái đào giờ đã lập gia đình lại tiếp tục bế con đến... Có quan chức là khách quen quý mến anh, ngày tết mang cho hộp bánh, bì hạt dưa nhưng có lẽ ngại gì đấy nên dừng xe ngoài đường và gọi anh ra nhận quà dù biết mấy ngày này tiệm rất đông khách ... Anh buộc phải ra nhưng không vui mà cảm thấy tủi thân. Thì ra của cho không bằng cách cho.             

Theo lời anh kể thì lúc còn học phổ thông, nhà anh ở sát tiệm cắt tóc. Ông chủ tiệm có mấy đứa con cùng lứa với anh nên những lúc không bận học anh thường sang chơi xem họ làm. Xem mãi rồi anh cũng học lỏm được chút ít, vả lại ngày ấy các kiểu tóc cũng đơn giản, không quá cầu kì như bây giờ. Khi học xong phổ thông vì hoàn cảnh gia đình khó khăn anh đành bỏ dở giấc mơ bước chân vào giảng đường đại học và rồi anh đã chọn nghề cắt tóc để mưu sinh như một lẽ tự nhiên. Thế mà thoắt đã hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, nhờ nó anh nuôi nấng con cái khôn lớn trưởng thanh, từ anh thợ cạo thành chú thợ cạo và sắp thăng hạng thành bác thợ cạo... Anh bảo theo nghề này như làm dâu trăm họ, khách bảo sao làm vậy nhất là đám thanh niên hay bắt chước cầu thủ, người mẫu, diễn viên thay đổi mốt xoành xoạch nào là tóc đuôi gà, tóc mào gà, tóc đuôi ngựa, tóc bờm ngựa, tóc chổi xể, tóc chổi cùn... tính ra có đến mấy chục mẫu tóc nam (còn nữ thì vô kể), rồi lại yêu cầu nhuộm xanh đỏ tím vàng các kiểu... thành ra mình phải luôn tìm hiểu cập nhật thông tin đi tắt đón đầu để tránh bị tụt hậu làm ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình đang ở thời kì đói nghèo bền vững. Gặp khách không nói năng gì mà chỉ lẳng lặng ngồi vào ghế, mình phải tinh ý quan sát họ rồi hình dung ra kiểu tóc sẽ cắt cho phù hợp, sợ nhất là lúc cắt xong nhìn lại thấy người ra đằng người tóc ra đằng tóc! Ngay cả cắt tóc cho trẻ con tưởng là đơn giản nhưng hóa ra lại khó. Gặp đứa nhút nhát mới thấy đưa tông-đơ lên là khóc ré vùng vẫy thì thợ phải cùng với phụ huynh vừa dỗ dành, vừa giữ chặt bé rất vất vả, vậy mà có trường hợp phải sửa đi sửa lại mấy lần mới trông tàm tạm. Và trong đời làm nghề, cũng có khi anh phải làm bác sĩ bất đắc dĩ: một người mẹ bế con chạy đến khóc lóc xin anh giúp vì đứa bé chơi dại nhét hạt đậu đen vào mũi, hay một bác nông dân tuốt lúa chẳng may hạt lúa văng vào tai không biết nghe ai mách cũng tìm đến... rồi đến cô gái trẻ ở nhà trọ phía sau tiệm không biết quan hệ thế nào bị đánh ghen cạo đầu bôi bẩn nham nhở như cóc gặm cũng chạy sang...             

Tuy suốt ngày chỉ quẩn quanh trong mấy mét vuông, nói đúng hơn là đi quanh chiếc ghế cắt tóc nhưng anh cũng được nghe đủ thứ chuyện thượng vàng hạ cám từ thượng đế. Đó là chuyện về những con đường cao tốc hàng trăm nghìn tỉ đồng mới nghiệm thu tháng trước thì tháng sau đã ổ trâu ổ voi mà nguyên nhân theo chủ đầu tư là do xe đi lại quá nhiều hay chuyện về những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân mới đóng hàng chục tỉ đồng (vay vốn ngân hàng) vừa ra khơi được mấy chuyến đã bị hoen rỉ mục đáy phải đắp chiếu nằm bờ chỉ tại vì nước biển mặn, rồi chuyện cây cầu vượt biển dài mười mấy cây số bỗng dưng bị nứt là do gió biển thổi suốt đêm ngày, chuyện hàng mấy chục héc ta đất công bỗng nhiên biến thành thành đất tư là do lỗi vi tính... Còn những chuyện như dân ta đầu độc dân mình, chuyện quan tham vào lò vì ăn vặt... vài chục tỉ, chuyện cướp đêm cướp ngày, chuyện buôn bán ma túy, băng đảng tranh quyền chém giết lẫn nhau, chuyện quan chức nọ nhờ kiên trì bó chổi đót, nuôi heo mà sắm được siêu xe, xây được biệt phủ... thậm chí đến cả chuyện ca sĩ kia tối qua mất ngủ, người mẫu nọ vừa nâng ngực, độn mông sửa cằm hay chuyển giới tính... thì ngày nào anh cũng được nghe như điệp khúc của một bài hát buồn. Lại cũng có khách hay tâm sự chuyện riêng tư thì anh nói thật lòng: họ tin mình thì mình cũng phải biết quan tâm, chia xẻ, động viên và luôn luôn lắng nghe dù lâu lâu mới hiểu.            

Mỗi lần đến cắt tóc tôi hay để ý đến giá sách con con ở góc phòng, ngoài một số tờ báo để khách đọc giải trí trong khi chờ đến lượt thì có một số tác phẩm văn học được bao bìa cẩn thận. Thấy tôi quan tâm, anh bảo anh mê đọc sách nhưng không có thời gian nên nghe giới thiệu có cuốn nào hay thì dành dụm tiền mua để đây, lúc nào vắng khách tranh thủ đọc, còn về nhà tắm rửa ăn cơm xong đã chín mười giờ đêm mệt mỏi quá không mở mắt ra được. Nói thế, chứ mình mua cũng lâu rồi mà chưa đọc được cuốn nào trọn vẹn vì mới mở ra vài trang khách vào, lại bỏ xuống, cứ thế vài lần đến khi mở sách đọc tiếp thì mất cả hứng. Kiểu này chắc đến khi không làm nghề nữa thì mới có thể đọc được. Tôi bảo: không làm nghề được nữa liệu còn sức để đọc? Anh gật đầu thừa nhận làm nghề này mắt phải tinh, tay phải mềm mại, nếu mắt kém tay run thì tốt nhất là nên đóng cửa tiệm về nhà đuổi gà giúp vợ, không thì mang họa cho cả khách lẫn chủ.             

Thỉnh thoảng, người ta thấy anh treo bảng đóng cửa tiệm dăm ba ngày, thường là dịp hè, hỏi ra mới biết anh cùng vợ du lịch bụi. Anh bảo mình rất thích đi đây đi đó, nhưng không có tiền nên chỉ dám đi quanh quẩn ở mấy tỉnh gần, trước khi lên đường cũng phải nhờ ông Google chỉ đường đi nước bước để liệu sức người, sức của. Xong đâu đấy là khởi hành, vợ chồng đèo nhau xe máy, chỉ mang theo những thứ cần thiết đến đâu mệt thì nghỉ, khỏe lại đi tiếp cứ thế vi vu vài ba hôm, may mà vợ mình cũng có máu xê dịch. Tất nhiên không phải mọi chuyến đi đều suông sẻ nhưng nói chung là nhiều kỉ niệm rất thú vị. Mình nghĩ con người ta sinh ra không chỉ để làm, ăn, ngủ rồi ra nhà vệ sinh và cứ thế lặp đi lặp lại năm này qua năm khác suốt cả cuộc đời... sống như thế thì có ý nghĩa gì? Còn có sức khỏe mà không đi, đến khi về già có muốn cũng chẳng được vì không thể chống gậy leo núi hay trèo đèo vượt thác... Tiền nhiều mà cứ cất kĩ trong tủ thì cũng khác nào giấy vụn. Tiếc là mình không có nhiều tiền nếu không mình đã đi du lịch nước ngoài từ lâu. Nhưng thế nào rồi cũng có dịp, mình đang cố dành dụm để vợ chồng đi đâu đó một chuyến để biết người ta ăn ở thế nào mà còn học tập làm theo... Mấy năm sau vợ chồng anh đi thật. Với những người có của ăn của để thì chuyện du lịch nước ngoài là quá đơn giản hệt như đi siêu thị mua đồ, nhưng với vợ chồng anh là cả một sự kiện lớn trong đời bởi phải mất bao nhiêu năm chi tiêu dè xẻn tích góp. Đợt ấy anh treo bảng nghỉ đến mươi ngày, biết anh cũng là tín đồ của đạo facebook tôi lên mạng tìm mới hay vợ chồng anh đang du lịch ở Hàn Quốc. Lần đầu tiên xuất ngoại, anh chị phấn khởi lắm, thấy cái gì cũng mới, cũng lạ nên chụp hình quay phim rất nhiều kể từ lúc xuống sân bay cho đến tận khách sạn và sau đó là những danh lam thắng cảnh họ đi qua. Có rất nhiều hình đẹp, nhưng tôi nhớ nhất là hình hai vợ chồng chụp ở một góc phố nọ, cả hai mặc áo khoác, tay trong tay miệng cười tươi, phía sau là những hàng cây đang độ vào thu lá đổi màu vàng rực cả khung trời. Dưới tấm ảnh anh đăng chú thích: Một góc phố nhỏ xứ Hàn vô cùng yên tĩnh sạch sẽ, nhìn quanh rồi hỏi anh phiên dịch mới biết, ở đây không có khẩu hiệu: Toàn đân quyết tâm xây dựng khu phố văn hóa xanh sạch đẹp!           

Vậy là anh đã thỏa ước nguyện xuất ngoại và lại trở về với công việc dao kéo mưu sinh thường ngày... Một ngày vẫn như mọi ngày, chỉ có chút thay đổi là trong câu chuyện giữa khách và chủ bây giờ có thêm đề tài mới: chuyện về xứ sở Kim Chi tươi đẹp cổ kính và hiện đại... Ngày nọ cắt tóc cho tôi, anh cũng vẫn sôi nổi câu chuyện xứ Hàn như là mới vừa đi về hôm qua. Lúc tôi đứng dậy, anh vừa chải tóc vụn trên vai áo vừa nói: cái anh Hàn Quốc ngày xưa cũng lam lũ giống ta, sao bây giờ giàu thế? Tôi cười: ông hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai?  


Phamngochien.com - 14:08 - 27/10/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận