Chợ quê hai bên bờ sông Đà Rằng (Huỳnh Khang - Sài Gòn)

  

Chợ có lẽ là một trong những công trình có sớm nhất của mỗi làng quê. Thường khi mới lập làng, lập ấp thì chợ cũng xuất hiện để người dân mua bán, trao đổi hàng hoá, giao lưu, ăn uống…Tôi có nhận định như thế vì tôi có thấy tận mắt: Những năm sau chiến tranh thì huyện Tuy Hoà có lập các khu kinh tế mới trên xã miền núi Sơn Thành, tôi hay theo ba tôi lên đó và tôi để ý thấy ngoài cái chợ ngay cổng Hoà Bình thì trong các xóm mới thành lập cũng xuất hiện những cái chợ xổm nhỏ với chỉ vài ba người bán. Các món đồ bán trong chợ này chỉ là thúng rau muống hay vài ba bịch muối, bột ngọt, ớt, tiêu, đường... Trường học, trạm y tế và một vài công trình khác có thể chưa có ngay, nhưng chợ thì cứ có dân ở là có chợ liền.

Làng quê Tuy Hoà quê tôi nằm dọc theo hai bờ sông Đà Rằng (Sông Cái - thuộc hạ nguồn sông Ba). Thường ở mỗi xã có hai cái chợ: một cái ở đầu, một cái ở cuối xã. Một vài xã thì ở giữa xã có thêm một cái chợ nhỏ nữa và thường là chợ chiều hay chợ xổm.

Bây giờ đa số các chợ bán cả ngày chứ ngày xưa thì nói đến chợ thì ta hiểu chợ là chợ họp vào buổi sáng. Chừng bốn, năm giờ là bắt đầu rồi và thường kết thúc khoảng 11 giờ trưa. Ngoài các chợ họp sáng này ra thì có vài chợ chiều, họp từ khoảng 3h đến 5h chiều và các chợ xổm là chợ nhỏ trong thôn, họp xổm xổm chừng 1 tiếng, cao lắm chừng hai tiếng là vãn tuồng.

Đa số các chợ ngày xưa còn duy trì cho tới nay dù cho các cửa hàng, siêu thị hay dịch vụ mua bán mới đang phát triển nhanh, mạnh. Hồi đó, ngoài các mặt hàng mua bằng tem phiếu ở cửa hàng bách hoá tổng hợp thì chợ là nơi chủ yếu để buôn bán, mua sắm. Nói ra mọi người cười, tôi ít đi chợ nhưng khi đi chợ thì lại thích đi chợ truyền thống hơn là đi siêu thị!

Bây giờ chúng ta hay nói công trình chợ này nọ chứ trước kia chợ rất đơn giản. Chỉ cần một miếng đất nhỏ, chừng chục mét vuông là cũng có thể thành cái chợ rồi. Chợ nó đơn giản đến nỗi người ta hay ví von vui rằng: chỉ cần có 1 con vịt và hai người đàn bà là đã thành cái chợ! Chợ có lẽ là nơi ồn ào nhất ở thôn quê, hơn cả trường học. Thế nên, khi đi học thì thầy cô xưa cũng hay nói: Lớp học gì mà ồn ào như cái chợ để quở trách học sinh... Chợ cũng đi vào văn, thơ, ca dao. Chắc có lẽ đa số chúng ta đều biết câu ca dao:

Trai khôn lấy vợ chợ đông
Gái khôn chọn chồng giữa chốn ba quân.

Hay:

Không mợ thì chợ vẫn đông
Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui

Hồi đó làng Phước Nông quê tôi không có chợ nên hay đi chợ Phú Nông. Thế nên tụi Phú Nông hay chọc chúng tôi:

Phú Nông ăn cá bỏ đầu
Phước Nông chạy lại xỏ xâu đem dìa
Đem dìa nấu ngọt, nấu chua
Bà con, cô, bác xúm lua ào ào!

Tụi tôi thì thấy mấy đứa Phú Nông lùn, đẹt nên chọc lại:

Phú Nông là Phú Nông còi
Có vài bông bí cũng đòi chợ phiên.

Một cái chợ xưa thường là khu đất trống rộng chừng một vài sào đất. Trong chợ có cất những túp lều tranh hay lợp lá nhỏ để bày đồ buôn bán. Đồ có khi treo xung quanh lều và bày trên tấm bạt dưới đất bán. Các đồ bán giống nhau thường bán chung một một dãy: mua có bạn, bán có phường mà! Thường mỗi chợ có các hàng như là: hàng thịt, hàng rau, hàng cá, hàng xén (là hàng bán các đồ tạp hoá, hàng gia vị)…Ngoài ra, chợ cũng có hàng bán thức ăn ngay như bún, bánh xèo, bánh bèo, chè, cháo…Hàng rau, hàng cá thì thường bán ngoài trời chứ ít khi bán trong lều, cả những khi mưa gió cũng vậy, cứ mặc áo tơi, áo mưa mà ngồi bán.

Các món hàng bán chợ ngày xưa thường là do đánh bắt được, nuôi trồng dư nhiều đem ra chợ bán, nhà nào có thứ gì đem ra bán thứ đó. Chỉ trừ một vài hàng xén hay hàng thịt, gà, vịt…thì có cân bằng cân đòn xách tay, còn lại đa số bán theo kiểu ước lượng, bán nắm, bán bốc chứ không có cân, đong gì. Các món khác như cá tôm, đậu, khoai, rau, củ, quả...thì thường bán theo mớ, theo khóm mà người bán đã chia mớ hay chia khóm sẵn với giá tiền bằng nhau cho mỗi khóm, mỗi mớ. Các chợ đầu mối như chợ Lò (1,2,3) hay chợ Đông Tác thì có hình thức mua bán cá bán “mão”: là hình thức mua tổng cộng các thứ tôm, cua, cá…với giá tiền thoả thuận, sau đó các nhà buôn về mới lựa ra từng món riêng để đi các chợ bán lại.

Ngày xưa khu dân tộc miền núi Phú Yên có bán nhiều bò, heo mọi, gà và các loại trái cây như mít, đu đủ…Dân từ đồng bằng lên mua thì các anh em đồng bào dân tộc cứ bán theo con, theo trái và đồng giá nhau hết. Ví dụ mua bò thì cứ 1 con 1 chỉ vàng, cứ ra chuồng muốn con nào thì dắt về. Heo, gà hay trái cây…cũng vậy. Thế nên, mấy cha người Kinh lên mua cứ ra chuồng dắt hết bò to, heo lớn về.

Chợ ồn ào nhất có lẽ là hàng cá. Mọi hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời thường diễn ra ở đây. Mấy bà bán cá thường không phải người địa phương nên cách hành xử có khác hơn và lắm khi cũng không làm hài lòng người địa phương nên hay có các vụ chửi nhau. Một khi các bà bán cá khi bực mình lên chửi thì ta nói thôi á, không có từ gì mà không dùng tới.Thế nên, các bà bán cá mới có biệt danh là các bà rẩu: rẩu bán cá. Sau này ai hay chửi, con cái hay cãi cha mẹ thì cũng bị ghép là mỏ rẩu hoặc bị coi là giống mấy bà rẩu bán cá.

Về việc đi chợ thì người dân quê hay có thói quen rủ nhau đi chợ và gởi mua dùm. Hồi đó, trừ những ngày cần mua đồ nhiều thì má tôi mới đi chợ, còn không thì gởi mua. Gởi mua cũng có khi vì “dặng” công việc nhà, việc đồng áng…Thường thì gởi mua bó rau, khứa cá hay vài lạng thịt, trái cà, trái dưa, bịch mắm ruốc…Một người đi chợ nhưng khi về thì bốn, năm người xúm vô nhận đồ. Các bà rủ nhau đi chợ thì tay bà nào cũng xách giỏ kẹp nhựa hay giỏ lát, đầu đội nón lá, vừa đi vửa trò chuyện với nhau rôm rả.

Đa số hồi đó đi chợ là đi bộ. Những người bán đồ đạc thì gánh bằng đôi quang gánh kẽo kẹt trên vai hay đội đồ trên đầu đem đi chợ bán. Người ở xa thì chở đồ tới chợ bằng xe ngựa, xe lam…Mấy người bán cá từ Đông Tác hay Lò 1, Lò 2, Lò 3 lên chợ quê bán thì thường chở bằng xe máy để kịp bán, cần đi nhanh để cho cá còn tươi ngon.

Chợ quê thì người bán và người mua đều quen biết nhau cả nên chợ là nơi mua bán và cũng là nơi gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Trong chợ quê xưa thì bày bán đủ thứ, trừ vàng bạc thì phải đi xuống tiệm ở Phú Lâm hay lên Phú Thứ sắm. Mua gì thì tới chợ quê còn sắm gì thì đi tới tiệm ở phố hay chợ lớn Tuy Hoà. Nhiều khi má tôi đi chợ về mang về một giỏ đầy nhưng thật ra không phải mua mà vì gặp người quen đem đồ ra chợ bán, người này biếu cho món này, người biếu cho món khác. Giá trị các món tặng có khi chẳng là bao nhưng có giá trị tinh thần lớn, tạo nên tình nghĩa xóm làng, dòng họ khắng khít với nhau.

Các chợ quê xưa bán hàng ít khi thách giá. Các chợ ở thị trấn hay thị xã thì hay thách giá, kêu giá cao làm cho người dân quê đi xuống đó mua trả giá dễ bị lầm. Chợ quê ngoài mua bán hàng hoá thông thường phục vụ cho ăn uống hàng ngày thì đôi khi có bán thuốc nam, thuốc tể của các đoàn mãi võ từ các nên khác đến, nhất là các đoàn từ Bình Định vào.

Ở Phú Yên xưa kia thì chợ lớn Tuy Hoà là chợ đầu mối phân phối hàng hoá cho các chợ khác khắp trong toàn tỉnh. Vai trò là chợ đầu mối vẫn còn tiếp tục cho đến tận bây giờ nhưng không còn quyết định như xưa.

Ngoài chợ lớn Tuy Hoà thì dọc hai bờ sông Đà Rằng có các ngôi chợ nổi tiếng như là chợ Phú Lâm, chợ Đông Tác, Chợ Lò 1, Lò 2, Lò 3, chợ Đông Mỹ, chợ xổm Cảnh Phước, chợ Phú Nông, chợ Phước Mỹ, chợ chiều Hội Cư, chợ Chiều Phú Diễn, chợ Phú Nhiêu, chợ Đồng Cọ, Chợ Phú Thứ, chợ Mỹ Thạnh…thuộc Tuy Hoà 1 (Khu 1- Huyện Tuy Hoà xưa). Bên mạn bắc ( khu 2 - Thị xã Tuy Hoà xưa) thì có chợ: Phong Niên, Bầu Đục, Núi Sầm (Hoà Trị), Nho Lâm (Hoà Quang), Chợ Quán (Hoà An) Màng Màng( Bình Kiến)…Chợ Đồn Vân Hoà thuộc huyện Sơn Hoà cũng được nhiều người dân Tuy Hoà biết và lên đó mua các loại trái cây như thơm, mít, mật ong và than, củi... Trong số các chợ này thì có lẽ chợ Phú Lâm, chợ Đông Mỹ (Hoà Vinh), chợ Phú Thứ, chợ Phú Nhiêu (Hoà Mỹ Đông), chợ Đồng Cọ (Hoà Thịnh) thuộc khu 1 và chợ Phong Niên (Hoà Thắng), chợ Bầu Đục( Hoà Định), chợ Quán (Hoà An)...là những chợ lớn và đông người hơn cả.

Chợ quê vui nhất, nhộn nhịp nhất và nhiêu mặt hàng nhất có lẽ là chợ phiên và lúc chợ tết. Khắp vùng Tuy Hoà xưa có nhiều chợ phiên nhưng nổi tiếng nhất là chợ phiên Phong Niên thuộc xã Hoà Thắng – Phú Hoà bây giờ.

Ngày xưa chợ Phong Niên là chợ phiên nổi tiếng khắp vùng Tuy Hoà, là chợ đông vui và tấp nập nhất vùng. Ngày có chợ phiên thì người dân bên khu 1 gồng gánh các loại nông sản qua ngả bến đò Phong Niên; người dân Phú Lễ, Phước Lộc, Phú Hiệp, Phú Lâm hay Thị xã Tuy Hoà và các nơi khác lên bằng xe lam, xe ngựa chở mắm, cá , vải vóc, hàng xén...Người trên các khu vực miền núi gồng gánh hàng lâm sản, gánh heo con, lùa bò, thồ củi, than xuống. Cũng có nhiều ghe kinh chở hàng theo dòng sông Đà Rằng từ biển lên hay từ trên vùng núi xuống bán.

Chợ phiên Phong Niên mỗi tháng có 6 phiên vào các ngày mùng 5, mùng 9, 15, 19, 25 và 29 âm lịch hàng tháng. Dù mỗi tháng sáu phiên nhưng phiên nào cũng đông đúc lắm. Chợ phiên Phong Niên có lẽ là chợ trung tâm của cả vùng nông thôn Tuy Hoà xưa. Chợ phiên Phong Niên hồi đó giống như chợ đầu mối, kinh doanh theo kiểu vừa bán sỉ, vừa bán lẻ nên lượng khách thường đông. Nhất là bà con các nơi tụ về mua sỉ rồi đem về các chợ nhỏ bán lại kiếm lời.

Những ngày chợ phiên thì đường cái quan trước chợ từ khuya đã tấp nập ngựa, xe. Từ khuya đã nghe tiếng nổ bạch bạch của những chiếc xe lam, tiếng vó ngựa lộc cộc giòn giã, tiếng ngựa hí, tiếng xe đạp cút kít cút kít, tiếng kẽo kẹt của đôi quang gánh của những người gánh lúa, gánh than, gánh củi và tiếng cười nói rôm rả của khách vãng lai đi chợ…Mọi thứ diễn ra trong màn đêm và tất cả tạo nên một khung cảnh chợ nhộn nhịp khi trời còn chưa hửng sáng.

Hiện giờ chợ Phong Niên vẫn còn duy trì chợ phiên và có bổ sung thêm ba phiên phụ vào các ngày 2, 12, 22 âm lịch nhưng vẫn chỉ là bóng dáng nhỏ nhoi của chợ phiên xưa thôi và chủ yếu là bán cho nhân dân xã Hoà Thắng, Hoà An và các xã lân cận của huyện Phú Hoà chứ không còn quy mô khắp vùng như xưa.

Ngoài chợ phiên Phong Niên với quy mô lớn thì còn có các chợ phiên khác nhỏ hơn như chợ phiên Đông Mỹ, Đồng Cọ (Hoà Thịnh), Bầu Đục.., Số lượng hàng hoá và mặt hàng không đa dạng như chợ Phong Niên: lượng người tham gia gian hàng cũng ít hơn chợ Phong Niên nhiều lần.

Chợ Đông Mỹ (Hoà Vinh) ngày xưa là chợ chuyên bán lúa gạo. Lúa gạo các nơi chở xuống chợ bằng nhiều đường như xe lam, xe ngựa, có khi chở bằng đường mương hay đi ghe, bè trên sông Đà Nông về từ các từ các vùng phía thượng nguồn. Chợ phiên Đông Mỹ họp vào các ngày 3, 7, 13, 17, 23, 27 âm lịch hàng tháng.

Chợ Bầu Đục ( Hoà Định) thì họp phiên vào các ngày mùng 1, 4, 7, 11, 14, 17, 21, 24, 27 âm lịch hàng tháng và mặt hàng bán chủ yếu heo con, than củi, mật ong…các sản vật từ vùng Sơn Định, Sơn Long của Sơn Hoà đem xuống bán

Chợ Đồng Cọ (Hoà Thịnh) xưa kia cũng có chợ phiên và chủ yếu bán nông lâm sản: lúa, sắn, bắp, lá chằm nón, dầu rái, rổ thúng, các đồ đan đát từ Vinh Ba...Đến mùa rừng bán Đỏ, hạt ươi, hạt đát, sặc... Chợ phiên Đồng Cọ họp một ngày nghỉ một ngày và bán từ 3h sáng tới sáng sớm để các nơi tới lấy hàng đem về các chợ khác bán lại. Buổi sáng thì chợ Đồng Cọ trở lại như chợ bình thường. Trao đổi với nhà thơ Vũ Hoàng Giang người làng Đồng Cọ thì anh cho biết: thời chiến tranh có thời gian chợ phiên Đồng Cọ họp vào lúc chạng vạng tối để tránh bom đạn.

Các chợ: Phú Nhiêu, Phú Lâm, Phú Thứ, Phú Diễn dù không có phiên chợ nhưng mặt hàng lúc nào cũng nhiều, lượng người đi các chợ này hầu như ngày nào cũng đông.

Trước kia, chắc có lẽ duy nhất xã Hoà Thành là xã không có chợ! Dân Hoà Thành trước kia nếu ở khu Phước Bình: Vùng Trung, vùng Bắc, vùng Nam Trong, vùng Nam Ngoài, vùng Nhơn…thì hay đi chợ Phú Nông. Dân các thôn đầu dưới Phước Lộc: Vùng Đông, vùng 1, vùng 2, Vùng 3, Phú Lễ…thì đi chợ Phú Lâm. Mãi tới cuối năm 2015 khi xã Hoà Thành xậy dựng "xã nông thôn mới" mới thành lập chợ Hoà Thành tại đầu thôn Lộc Đông, chỗ ngã ba, đường rẽ đi xuống thôn Phước Lộc.

Làng Phước Nông quê tôi xưa kia cũng không có chợ nhưng trong xã Hoà Bình 1 có tới ba cái chợ là chợ Phú Nông, chợ Phước Mỹ và chợ Cây Quăng ở Lạc Nghiệp (là chợ chiều).Thỉnh thoảng tôi về quê cũng ghé chợ Phước Mỹ và chợ cây Quăng ở Lạc Nghiệp còn thường nhất là đi chợ Phú Nông. Theo thời gian các chợ cũng có nhiều thay đổi: xây cất mới và sửa san nhiều. Làng Phước Nông quê tôi nay cũng đã thành lập cái chợ chiều trên xóm quán. Năm rồi dìa quê tôi có đi dạo một vòng quanh các chợ ở quê này và tôi nhận thấy rằng chỉ duy nhất có chợ cây Quăng (Lạc Nghiệp, giờ đã đổi thành chợ họp buổi sáng) có lẽ là chợ còn giữ lại đậm nét chợ xưa nhất: chẳng thay đổi gì mấy so với ngày tôi còn trẻ cách đây 30- 35 năm về trước.

Đa số người dân quê rất mặn mà với cái chợ cũ, không muốn dời đi tới các chợ mới dù chợ mới khang trang hơn, đẹp hơn, rộng, thoáng hơn…có lẽ do cái hồn quê trong cái chợ cũ níu kéo họ! Có thể thấy điều này qua chợ Phú Thứ: Dù chợ mới Phú Thứ xây cất đã lâu, ngót nghét 10 năm rồi nhưng bà con vẫn đi chợ cũ, họp chợ cũ hay họp các chợ xổm!. Một số nơi xây cất chợ mới to lớn, khang trang nhưng…bỏ không chứ không ai tới buôn bán gì. "Chợ tan thì làng mạt", có lẽ vì vậy mà người quê không muốn bỏ chợ cũ!

Đối với những người sống ở quê thì có lẽ cái chợ quê chẳng có gì để nói vì nó quá quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi sự hiện diện của chợ như là điều tất nhiên, lẽ tất nhiên chứ không có gì để nói. Riêng đối với những người đi làm ăn xa xứ, những ai theo chồng hay những người lập nghiệp xa quê…thì chợ quê cũng là một trong những cái làm gợi nhớ mỗi khi nhớ về quê hương.

Nhớ quê là nhớ tới mẹ, là nhớ những ngày thơ ấu, nhớ tới những chuyện ngày xa xưa, những ngày mà ta vẫn hay thường ra cửa ngóng mẹ, đón mẹ đi chợ về để kiếm cái bánh bò, bánh cam hay bịch chè, vài cục kẹo...Nhớ về chợ là nhớ tới hình ảnh thân thương của những chợ quê, của những phiên chợ ngày xưa; những chiếc xe ngựa chạy lốc cốc trên đường cái quan; tiếng nổ bạch bạch của chiếc xe lam… Và, nhớ về chợ là nhớ tới tiếng những đôi quang gánh kẽo kẹt, tiếng bước chân lẹp xẹp đi hối hả cho kịp buổi chợ của những người buôn bán xưa…

Chợ quê thể hiện đời sống văn hoá và kinh tế của làng quê. Muốn biết đời sống kinh tế, văn hoá của một vùng quê nào đó thì cứ tới chợ xem hoạt động buôn bán thế nào là sẽ rõ nhất: Chợ đông, người mua, kẻ bán nườm nượp là kinh tế vùng đó khá giả. Chợ quê, nhất là các chợ phiên là một trong những nét đẹp văn hoá của làng quê. Chợ quê là một phần hồn của làng quê Việt Nam!

Sài Gòn, tháng 7.2021. Huỳnh Khang.

 


Phamngochien.com - 12:44 - 25/09/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận