Bạn cũ (Nguyễn Tịnh Giang - Kon Tum)

 

Ngày mới ra trường, mỗi dịp được cơ quan cử đi công tác, đến tỉnh nào mà có anh em chiến hữu ở đấy là í ới gọi nhau và chỉ trong vòng nửa tiếng là quân số đã hòm hòm trừ những anh ở xa hoặc vì lí do đặc biệt nào đó mà không xuất hiện (đang chăm vợ đẻ, đưa con đi học thêm, nhà có khách...) nói chung vắng mặt là bất đắc dĩ. Anh em cùng học với nhau nhưng ra trường mỗi người mỗi nơi, mỗi người mỗi việc, ngày ấy làm gì có điện thoại di động, laptop nên rất khó liên lạc, có cơ hội được trông thấy nhau bằng xương bằng thịt là mừng lắm, còn không thì thắp nhang mà vọng. Tuổi trẻ ham chơi lại dư thừa sức lực nên gặp nhau dù mưa hay nắng, sớm hay muộn cũng có màn dạo đầu nâng lên hạ xuống rất đỗi khí thế rồi tào lao chuyện trên trời dưới biển nhiều khi quên cả giờ giấc, quên cả đường về...

Thời gian tựa cánh chim bay... Bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu cuộc gặp gỡ không thể nhớ hết chỉ biết là những lần gặp mặt ngày càng thưa, bạn bè ngày càng vắng, hầu hết như bị cuốn theo dòng đời cơm áo, gia đình, con cái... Sự hồn nhiên cũng dần mất đi nhường chỗ cho những nỗi lo toan đời thường rất thực, rất người. Không ngoại lệ, có anh tự xa lánh bạn bè vì mặc cảm gia cảnh khó khăn con cái nheo nhóc, nhưng cũng có anh được làm quan chức bỗng đổi tính đổi nết khó gần... Tất nhiên loại thứ hai thuộc nhóm văn hóa lùn tốt nhất nên ca bài “Giã từ dĩ vãng” và không hẹn ngày tái ngộ!

Bây giờ đã hưu không còn thường xuyên đi đây đó, nhưng thỉnh thoảng có việc cũng tạt qua tỉnh này tỉnh kia, cũng í ới gọi bạn nhưng đã khác xưa rồi: người thì không nghe máy, người thì bận trông cháu, người thì tai biến nằm một chỗ nhờ con cháu nghe điện thoại, người thì không thể gọi được vì đã gia nhập hội những người khỏe vĩnh viễn. Anh nào còn sót lại, vì nể tình bằng hữu mà cố đi thì cũng phải cả tiếng sau mới lọ mọ đến ngồi uống... nước khoáng hoặc cũng khui lon bia nhưng để đấy mà rưng rưng thành kính phân ưu (“Thôi rồi còn chi đâu anh ơi, có còn lại chăng dư âm thôi” ...). Những mái đầu đã bạc, những ánh mắt mờ đục nhìn nhau thay lời muốn nói và cái cười đã móm mém, héo quắt như chiếc lá khô cuối mùa. Chuyện trò cũng đã khác trước, không còn đủ sức để ăn to nói lớn mà chỉ khe khẽ chuyện đời, chuyện con, chuyện cháu... Nhắc chuyện ngày xưa anh nào cũng nhớ nhớ quên quên...

  • Các ông có nhớ thằng Mai không (chúng tôi hay gọi nhau như thế)?
  • Mai nào nhỉ?
  • Cái thằng đen đen lùn lùn ấy.
  • Nhớ rồi... mà sao ông nhắc đến nó?
  • Thằng nầy có lần nó đi công tác ngang qua chỗ tôi và gọi điện: mình đang ngồi ở quán... cùng với xếp của ông đây, ông đến nhé không xếp trị đấy! Tôi bảo: vậy thì ông cứ chơi với xếp đi, tôi bận, xong tắt máy luôn.
  • Mình cũng chúa ghét mấy thằng ngồi với bạn mà cứ khoe quen với xếp này, xếp kia, rặt những phường ếch nhái đầm lầy mà cứ tưởng thế là danh giá sang trọng... Lại cũng có thằng tỏ vẻ ta đây bảo: thằng A, thằng B (bạn học cùng lớp) giờ là lính dưới quyền, tao lệnh một phát là chạy té khói...
  • Loại đấy thì nên xóa số liên lạc đi là vừa.
  • Hồi trước mình nhớ ở tỉnh nầy còn có thằng Thu nữa mà?
  • À... Thằng nầy thì anh em loại khỏi danh sách lâu rồi. Một thằng học hành lem nhem nếu không nói là bét lớp, vậy nhưng nhờ láu cá và khéo nịnh mà ngoi lên làm giám đốc của một Sở nọ, nó ăn bẩn cực kì thuộc hàng có số má, anh em cũng không chừa. Giờ nghỉ hưu ôm cả trăm tỉ nhờ “cần cù tích lũy” nhảy tót vào Thành phố sống vương giả, thảnh thơi an nhàn, chả lò nào thui được nó.
  • Láu cá và khéo nịnh cũng là tài năng trời cho đấy. Con người ta thành công trong cuộc sống đâu chỉ là chuyện học hành. Các ông biết thằng An đấy, học giỏi nhất lớp mình, tính tình lại thẳng thắn thật thà nên... thua thiệt! Giờ hưu phải ngày ngày ngược xuôi kiếm sống chứ có được như thằng Thu đâu. Vậy ai hơn? Tôi nói thật, các ông mà không có cơ hội, chứ nếu có thì chắc các ông cũng thế thôi, đừng nói thánh!
  • Không chối cãi... có làm phải có ăn, nếu làm quan chức mà chỉ ăn lương chay, không có “phụ thu” gì như anh em mình rồi cuối đời chỉ sống nhờ vào mấy đồng lương hưu còm cõi, con cái nheo nhóc thì đố ai làm. Nhưng làm đĩ chín phương cũng phải chừa một phương chứ, đằng này nó ăn không chừa một thứ gì, ăn không còn một cái gì!
  • Thôi các ông đừng nói chuyện này nữa không khéo người ta nghĩ mình ghen ăn tức ở, mà loại người như thằng Thu bây giờ nhan nhản cứ ra ngõ là gặp, nói chỉ tổ mỏi miệng!
  • Chả ghen ăn tức ở gì nhưng nghĩ mà buồn khi thấy anh em bạn bè thay đổi quá nhanh. Như thằng Sun đấy...

Thằng Sun mà anh em vừa nhắc, họ tên đầy đủ là Bùi văn Sun nhưng anh em trong lớp thường đọc là Buồi văn Sun. Không biết nó có sun thật không nhưng tính tình bẽn lẽn như con gái, nói cái gì cũng đỏ mặt lí nhí và lành như cục đất. Chị em trong lớp thường nghịch ngợm bảo nhau: hôm nào đè nó ra xem thử có cái của nợ ấy không? May cho nó là chị em chưa có cơ hội để đồng khởi vùng lên thì đã đến ngày tốt nghiệp và tất nhiên hàng chưa bị lộ vẫn nguyên đai, nguyên kiện. Ra trường người ta chạy đôn chạy đáo cố tìm việc ở thành phố, riêng nó thì cứ bình chân như vại mà tính tình như thế thì cũng không thể khác được. Thành phố đất chật người đông, nói nôm na là ghế ít đít nhiều, rốt cuộc nó xin về công tác tại một huyện miền núi và được bố trí làm một viên chức quèn. Hai năm sau, không biết ăn may thế nào, cậu ta lại vớ được một cô xinh đẹp nhất nhì cơ quan rồi cũng nhanh chóng sinh con đẻ cái, có nếp có tẻ như ai. Sản phẩm ấy là minh chứng hùng hồn khẳng định bản lĩnh đàn ông đích thực khiến anh em mắt tròn mắt dẹt và cậu ta xứng đáng được đứng trong hàng ngũ những người... có râu!

Theo lời anh em kể, vợ chồng Sun rất chịu khó chăm chỉ làm ăn. Ngoài thời gian ở cơ quan, anh chị về nhà tranh thủ tăng gia sản xuất trồng rau nuôi lợn để bữa cơm gia đình có thêm tí cá, tí thịt và cuộc sống của họ tưởng chừng cứ thế lặng lẽ trôi đi như bao nhiêu phận người ở cái xứ sở bụi đỏ sương mù nầy. Nhưng ông trời không muốn thế...

Số là một lần nọ, tình cờ cậu ta phát hiện ra xếp trưởng cơ quan có biểu hiện tình cảm thân thiết trên mức bình thường với mẹ lũ nhỏ. Uất đấy, đau đấy nhưng vốn tính nhút nhát, cậu chỉ âm thầm chịu đựng và nỗi đau ngày một lớn đần khi cái cảnh trớ trêu kia vẫn thường xuyên tiếp diễn. Không thể dũng cảm tự biến đau thương thành hành động cách mạng, cậu đem tâm sự với bạn bè, có người bày phải làm thế này... thế này... Và ngạc nhiên chưa, Sun không cần phải gào lên “Ối làng nước ôi !...” như anh Chí Phèo khi rạch mặt ăn vạ mà vẫn khiến xếp trưởng sợ cậu ta một phép, bởi tất cả tang chứng vật chứng đều nằm trong tay cậu và nó có thể được đem ra cơ quan báo cáo với “các đồng chí ... chưa bị lộ” bất kì lúc nào, nếu như... Tuy nhiên, để giữ thể diện cho gia đình, Sun không làm ầm ĩ mọi chuyện và xếp trưởng vì lo cho cái ghế của mình nên phải cố xoa dịu bằng cách cất nhắc đề bạt cậu ta từ nhân viên lên phó phòng... rồi trưởng phòng... rồi phó chủ tịch và khi xếp trưởng hết nhiệm kì thì Sun lại ăn may được điền vào chỗ trống...

Bây giờ anh em gặp lại, dù có được giới thiệu cũng không thể hình dung đấy là cậu Sun hiền lành, nhút nhát, nói năng lí nhí ngày nào khi trước mặt lù lù một người đàn ông bệ vệ ăn to nói lớn và bia rượu thuộc hàng thượng thừa và nghe đâu cũng “ăn tạp” kinh lắm! Có chi tiết nầy đáng lưu ý: vợ con của chủ tịch Sun về sau được chuyển giao cho vị cựu chủ tịch theo đúng quy trình kiểm định thời công nghệ 4.0 vì một lí do rất đơn giản: cả hai đứa con đều đích thị là sản phẩm làm thêm ngoài giờ của đồng chí mình. Ra thế! Liệu Sun có khả năng kia không? Chỉ vợ cậu ta mới biết, chứ đến trời cũng bó tay chấm com!

Có người đã nói rằng đời sống quá ngắn ngủi, không nên phí thời gian để giận dỗi một ai đó. Biết vậy nhưng buồn. Phải chăng lòng người chỉ là chiếc lá mỏng manh giữa dòng đời giông bão?!


Phamngochien.com - 13:54 - 09/01/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận