Thư của nhà văn Trần Thanh Giao gửi Phạm Ngọc Hiền

           Được sự đồng ý của nhà văn Trần Thanh Giao, chúng tôi xin đăng bức thư email này cho bạn đọc có thêm tư liệu về văn học Việt Nam 1945 - 1975.
 
          Anh Phạm Ngọc Hiền thân mến !

          Mấy hôm nay, tôi mới có thời giờ đọc sách "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975".

         Cảm giác chung là cuốn sách được viết công phu, cẩn thận với một phương pháp khoa học. Nhiều tư liệu quý khá đầy đủ từ thời kỳ đầu CMT8 qua chống Pháp, chống Mỹ. Càng quý hơn khi nhìn tiểu sử thấy anh sinh năm 1971, vậy mà các tư liệu về thời chống Pháp, nhất là ở Nam Bộ, anh nêu ra khá tỉ mỉ, đầy đủ.

         Tôi có sống ở chiến khu U Minh Nam Bộ thời ấy, có xem diễn các vở kịch như 2747 của Vân An, có in một số sách được Giải Văn Nghệ Cửu Long như Vỡ đất của Hoàng Văn Bổn. Tôi chỉ dựa vào trí nhớ nên hình như Vỡ đất được giải Cửu Long 51 - 52 chi đó. Tôi nhớ NXB DCM còn in mấy cuốn được giải nữa như Tâm sự người du kích (của ai không nhớ), một truyện vừa của Phạm Hữu Tùng viết về vùng kháng chiến Khu 6...  Vì lúc đó tôi là thư ký của NXB Dân Chủ Mới, "vẽ" lô-gô NXB (chỉ có 3 chữ DCM lồng nhau thôi mà), làm bìa cho vài cuốn sách chính trị của NXB (bìa sách văn nghệ thường do anh Hoàng Thơ vẽ), sửa mo-rát tất cả sách của NXB này... Có một chi tiết: vì nhà in Độc lập, nơi in báo Độc lập và sách của NXB DCM chỉ có bộ chữ chì gọn nhẹ đủ in môt lần vài trang báo khổ in-octavo (1/2 khổ báo Tuổi trẻ bây giờ, in xong, trả chữ mới xếp tiếp những trang khác) nên khi in sách mỗi tờ hai mặt 16 trang 13x19 phải tính chữ, cắt trang sao cho khi gấp sách lại, câu văn các trang liền lạc, ăn khớp, vì có một số trang sau phải in trước; nếu thiếu chữ, trang sách chèn trắng sẽ rất xấu, còn nếu thừa chữ phải cắt cúp hoặc thêm bớt, sao cho câu văn không bị bạn đọc nhất là tác giả kiện cáo. Đó là một "mánh" làm sách của NXB trong kháng chiến. Chuyện xuất bản sách trong kháng chiến ở Nam Bộ có nhiều chuyện cũng vui lắm.  Tôi đi bỏ sách của nhà DCM cho "tiệm sách" của Nguyễn Bính ở Chắc Băng và "đòi tiền" cũng vui... 

          Xin nói để anh rõ thêm: nhà văn Vân An (tác giả của 2747), tên thật là Trần Vạn An (không phải Trần Văn An như lâu nay nhiều tài liệu đã viết). Anh Vân An tập kết ra Bắc làm ở báo Thống nhất (trưởng ban sơ khảo các cuộc thi của báo mà tôi được đứng đầu giải đợt I, và Nguyễn Quang Thân đầu giải đợt II). Anh Vân An sau giải phóng về quê Tây Ninh, có thời gian làm giám đốc Đài phát thanh tỉnh, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nay anh đã mất, tôi có lên Tây Ninh dự đám giỗ anh...

          Những tư liệu quý về giai đoạn này tôi cứ nghĩ chúng đã thất lạc hết rồi. Nay chúng đã được đưa vào sách anh thì mừng quá ! 
          Hẹn hôm nào gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều...  

 

TRẦN THANH GIAO

 

Xem thêm tiểu sử nhà văn Trần Thanh Giao



Phamngochien.com - 20:44 - 30/03/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận