Hội thảo khoa học: Hoàng Văn Bổn “Người của miền đất ven sông”

Sáng 7-5, Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với Nhà xuất bản Đồng Nai và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức Hội thảo khoa học: Hoàng Văn Bổn - "Người của miền đất ven sông" nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Nhà văn Hoàng Văn Bổn (2006 - 2016). 


Nhà văn - chiến sĩ
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh: "Đồng Nai tự hào là quê hương của nhiều bậc "tiền hiền". Bên cạnh Nhà văn Lý Văn Sâm "người anh cả" của làng văn Đồng Nai thì Chú Chín - Hoàng Văn Bổn được xem là "người ươm mầm" cho vườn văn của xứ Đồng Nai. Hội thảo khoa học: Hoàng Văn Bổn - "Người của miền đất ven sông" được tổ chức không chỉ nhằm mục đích tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà văn Hoàng Văn Bổn cho nền văn học Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng và mà còn nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác "đứa con tinh thần" mà ông để lại. Đây là dịp để khẳng định sâu sắc hơn cội nguồn, quê hương Đồng Nai, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa, đồng thời giúp độc giả một lần nữa nhận thức rõ chân giá trị những tác phẩm văn học của Nhà văn Hoàng Văn Bổn".

Hội thảo đã nhận được 32 tham luận của các tác giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài tỉnh. Có 9 tham luận tiêu biểu được trình bày tại hội thảo. Báo cáo đề dẫn đã nêu bật lên "đời người - đời văn" của Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Sự nghiệp văn chương của ông là cả một gia tài đồ sộ với hơn 50 đầu sách thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản... Trong đó, tiểu thuyết Vỡ đất được trao giải nhất của Hội Văn nghệ và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ năm 1951; Lũ chúng tôi được trao giải Hội đồng văn học thiếu nhi của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 1982; giải thưởng Văn học UBND tỉnh Đồng Nai cho các tác phẩm Vỡ đất, Bông hường bông cúc, Mùa mưa và Lũ chúng tôi năm 1985... Trong các bài tham luận, các tác giả đã làm rõ nhiều vấn đề về quê hương, gia đình, sự nghiệp và những đóng góp của Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Ngoài việc khẳng định lại giá trị các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, đã có nhiều tham luận đưa ra cách nhìn mới về vấn đề nghiên cứu như: Hoàng Văn Bổn với điện ảnh quân đội của Lê Thi (Đại tá, Đạo diễn, NSND, từng làm việc tại xưởng phim Quân đội); nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết "Trên mảnh đất này" của TS. Phạm Ngọc Hiền (giảng viên Trường đại học Sài Gòn)...

Thông qua hội thảo, các tác giả đã thống nhất việc đánh giá, nhìn nhận tổng quát và toàn diện về Nhà văn Hoàng Văn Bổn - người từng đi khắp mọi miền đất nước, sống trọn một đời sống kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng khi đi vào văn chương, những tác phẩm mà ông mang đến với đời chưa bao giờ "thiếu" hơi thở, hình ảnh đất, người Đồng Nai gian lao, anh dũng và trọn vẹn nghĩa tình. Tấm gương lao động không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi của ông mãi mãi là "ngọn đuốc" để các thế hệ sau học tập và noi theo. Năm 2007, Nhà văn Hoàng Văn Bổn được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa

Nói về đóng góp của Nhà văn Hoàng Văn Bổn cho tiểu thuyết, PGS.TS. Võ Văn Nhơn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: "Hoàng Văn Bổn là một nhà văn tiêu biểu của Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Vốn từ nhỏ đã ham mê tiểu thuyết, nên hiện thực của vùng đất Biên Hòa - quê hương "nghèo khổ" bên dòng sông Đồng Nai đã tạo thành chất liệu ngồn ngộn cho Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Cả cuộc đời của ông gần như dành hết cho tiểu thuyết. Gần hai mươi tiểu thuyết được ông viết trong suốt đời văn cho thấy sức sáng tạo dồi dào và niềm say mê viết tiểu thuyết trong ông không bao giờ vơi cạn. Sự nghiệp của ông để lại mang nhiều giá trị văn học, văn hóa, lịch sử. Đó là bài học vô giá cho muôn đời sau".

Nhiều tham luận tại hội thảo cho rằng, những tác phẩm của Hoàng Văn Bổn luôn gắn bó với lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động, với quê hương "Đồng Nai khoai củ" cũng như truyền thống gia đình, dòng tộc. Chính vì lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và vùng miền nói riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam. Văn nghiệp của Hoàng Văn Bổn tạo sức thu hút ở văn phong mộc mạc, chân tình; nội dung mang tính giáo dục đậm tính nhân văn, thiện - ác phân minh, cái tốt - cái đẹp cuối cùng vẫn chiến thắng. Lời văn đậm chất phương ngữ Nam bộ.

Nhà văn Thu Trân trong tham luận "Thưa lão nhà văn, chúng con đã bay cao, bay xa" xúc động: "Nghĩ đến thời ươm mầm hoàng kim của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai ngày ấy, tôi vẫn cảm thấy còn ấm áp quanh đây. Với tôi "ông già Chín Bổn" luôn ghi đậm trong tiềm thức với chiếc xe đạp cót két và chiếc mũ rộng vành. Văn chương, tác phẩm của chú - đa phần viết về vùng đất Biên Hòa xưa cũ - đã giúp những người viết trẻ thêm yêu thêm quý vùng đất mình được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Mười năm chú Chín đi xa. Mười năm bọn hậu sinh viết lách Đồng Nai chúng tôi không bao giờ quên chú - một người làm văn quyết liệt và luôn thanh tao với nghề".

Một trong những kiến giải mới đưa ra tại hội thảo được các các tác giả, nhà nghiên cứu tán đồng là làm sao để phát huy được những giá trị lịch sử, văn hóa, những thước phim tư liệu của Hoàng Văn Bổn vào trong trường học, nhất là các trường học ở Đồng Nai. Theo TS. Phạm Ngọc Hiền (giảng viên Trường đại học Sài Gòn): "Hội thảo diễn ra đã đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người. Các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn phản ánh hiện thực lịch sử cuộc sống, con người chân thực, khách quan. Đây chính là nguồn tư liệu quý giúp độc giả, nhất là các em học sinh, sinh viên sẽ hiểu thêm lịch sử Nam bộ đầu kháng chiến chống Pháp và cũng như vùng đất, con người Đồng Nai. Thông qua văn học, Hoàng Văn Bổn đã có sự lồng ghép các yếu tố lịch sử, địa lý. Vì vậy, đem những tác phẩm của ông vào trường học chính là cách nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc".

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Tới khẳng định hội thảo sẽ mở ra một giai đoạn mới trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ tôn vinh những giá trị của Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Hội thảo với sự hội tụ của các tác giả, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đã tạo nên một không khí học thuật sôi nổi, từ đó đưa ra những kiến giải phù hợp để tri ân, tôn vinh những đóng góp của Nhà văn Hoàng Văn Bổn.

Phạm My Ny

Nguồn: Báo Lao động Đồng Nai


Phamngochien.com - 08:32 - 09/05/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận