Phạm Ngọc Hiền với "Đời thực và mơ" (Huỳnh Văn Quốc)

    

     Cầm tập sách được tặng “Đời thực và mơ”[1] của Phạm Ngọc Hiền, tôi thầm chúc mừng ông bạn nhà giáo hơn mấy chục năm gắn bó với bục giảng, từ Phú Yên đến Sài Gòn, nhưng chưa đọc vội. Vậy mà vèo cái cũng sắp hết năm rồi, hôm gặp lại, bạn hỏi “Ông đọc thấy sao?”. Tôi hơi ngượng nên đánh trống lảng: “Mới đọc lướt lướt thôi, để đọc lại đã”. Tôi tự hẹn sẽ xong mọi việc mới đọc. Nhưng đời nào? Thế là xem qua mục lục, rồi thấy có 1 bài gần gần với nghề mình, liền mở ra đọc thử “Ở phòng biên tập”. Truyện khá cuốn hút, dí dỏm và tự nhiên, không làm duyên làm dáng hay gồng mình gồng mẩy gì, tôi thấy thích. Thế là đọc một mạch hết cuốn sách trong hơn một buổi.

     Tập sách được chia làm 2 phần (Phần 1: Truyện, gồm 11 tác phẩm; Phần 2: Ký, gồm 10 tác phẩm). Mỗi phần đều có những thú vị riêng, phần truyện có quyền “bịa đặt thêm thắt”, thì thú vị một kiểu; phần ký phải trung thành với “nguyên tác” ngoài đời tuy cũng có thể thêm mắm dặm muối, thì lại thú vị kiểu khác. Tuy nhiên, phần ký, theo tôi, nên gọi là tản văn hay tạp bút thì hợp lý hơn, bởi các bài thiên về cảm nhận cuộc sống qua cái tôi trữ tình của tác giả, không có số liệu, không có sự kiện, không có nhân vật rõ nét như các bút ký hay phóng sự; nói chính xác hơn thì cũng có những chất liệu đó nhưng mờ nhòe, nhờ vậy mà cảm xúc của tác giả được đẩy lên, nổi bật, làm trung tâm cho mỗi bài viết với những cảm nhận tinh tế về cuộc sống xung quanh, và tôi thích điều này. Đọc tản văn của Giả Bình Ao thuần cảm thì thú vị hơn đọc các bài ký nặng nề ôm hết vào mọi con số, mọi sự kiện, mọi nhân vật chứ. Chính vì vậy, tôi thích tản văn của Phạm Ngọc Hiền ở chiều sâu suy tư… không giống ai, là điều rất cần cho cá tính sáng tạo của mỗi tác giả: “Tôi yên tâm bỏ cái máy cơ yêu quý để chuyển sang máy vi tính để bàn. Rồi lại bỏ máy vi tính để bàn để chuyển sang dùng laptop. Bây giờ, tôi lại dùng cái laptop để viết lời tri ân cái máy cơ… Đó là cái đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính già, già để tuổi cho. Nhỡ sau này, laptop trở nên lỗi thời thì cũng có người tri ân nó chứ. Ngày nay, thỉnh thoảng, tôi cũng nghe tiếng máy cơ gõ tành tạch, đoán biết người gõ là mấy ông già. Tôi chợt nghĩ, có bao giờ máy cơ trở lại thời vàng son của nó? Điều đó cũng có thể xảy ra nếu như cúp điện trên diện rộng dài ngày. Người ta sẽ trân trọng mang chiếc máy cơ đặt trên bàn, lau chùi cẩn thận và nói thầm vài lời xin lỗi nó. Chiếc máy cơ sẽ tha lỗi lầm bội bạc của chủ và những tiếng tành tạch lại vang lên. Những con chữ nhảy nhót reo vui như trở lại mối tình đầu…” (Chiếc máy đánh chữ cơ).

     Ở bài khác, tác giả nhìn về hoa mà rưng rưng phận người, mà ngậm ngùi về hai mặt đối lập của cuộc sống: “Bây giờ, đêm ba mươi tết, trước mắt tôi là những chậu hoa xấu xí, hết duyên, chẳng còn hy vọng có khách mua hoa nào đó ngó ngàng tới. Các nàng hoa ủ rũ, lặng im, nép mình trong cái lạnh đầu xuân. Người bán hoa mệt mỏi bơ phờ, hết còn sức để chào mời nữa. Dòng người vẫn tuôn chảy trên phố hoa, họ biết bây giờ ít còn hoa đẹp nhưng vẫn săm soi các chậu hoa, cò kè trả giá ép chủ hoa bán rẻ cho mình. Mỗi lần có một chậu hoa được bốc lên xe, người mua hớn hở vì giá rẻ, người bán ủ ê vì tiếc cho công sức, tiền vốn của mình bị mất. Công lao trồng hoa cũng khổ nhọc chẳng khác nào nuôi một bé gái đến tuổi trưởng thành, gả cho nơi không xứng đáng, thật khổ lắm thay ! Sau khi bán rồi, chưa biết số phận đứa con của mình đi về đâu, sống như thế nào. Biết đâu, khách chỉ chơi hoa ba ngày tết, xong là vứt ra đường, xót công nuôi trồng biết mấy!” (Chợ hoa đêm cuối năm). Đó là những bài thiên về cảm xúc trữ tình, gần với thể loại tản văn hơn là ký, và neo vào người đọc bởi chất văn chương đi kèm những cảm nhận độc đáo của tác giả.

     Có lẽ, bài “Xóm nhà trọ” là gần với thể loại ký hơn cả. Ở đây hiện lên những phận người với đủ mọi thành phần xã hội thông qua từng nhân vật, nhưng tôi có ấn tượng với nhân vật Xông hơn cả. Ở anh, có sự giằng xé của thời cuộc, nhưng xuyên suốt là tính chất nhân hậu với ăm ắp cái nhìn nhân văn từ phía tác giả: “Xông không biết chữ nhưng vẫn biết sử dụng điện thoại di động. Tôi không hiểu anh ta tra tìm danh bạ bằng cách nào. Biết mình có nhược điểm vừa nghèo, vừa mù chữ nên Xông cũng kiếm một vài ưu điểm gia đình để khoe: “Má em nói tiếng Pháp giỏi lắm đó!” Tôi không rõ chuyện này có thật không nhưng thấy má anh có vẻ sang trọng. Cách đối nhân xử thế của bà cũng rất hay. Anh kể, ba má anh xích mích nhau. Có lần ba anh đánh má anh rớt xuống sông. Gia đình anh lại xích mích với họ hàng nên phải bỏ xứ lên Sài Gòn. (…) Tôi im lặng nhìn vào cái ly rượu rót đầy nhưng không ai được phép uống. Mỗi lần nhậu, Xông đều rót một ly để mời cha mình - người quá cố - về cùng nhậu với con.” Tôi hình dung Xông giống như lão Hạc đang tâm sự cùng ông giáo trong truyện của Nam Cao. Cũng vậy, “ông giáo” Phạm Ngọc Hiền cứ dần dà lắng nghe từ cuộc sống những chuyện đời, chuyện người để sẻ chia cùng bạn đọc.

    Với phần truyện, như “Lời nói đầu” của tác giả, truyện “Khoảng vắng trên sân trường” viết năm 1992 đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ văn của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Truyện này rất “học trò” và hơi “sến” một chút trong văn phong, cũng là điều dễ hiểu. Bởi đó là cuộc thi sáng tác dành cho sinh viên ở một trường đại học trong thời điểm ấy, nên với tôi, giải thưởng chỉ mang tính khích lệ động viên, và cũng mang tính kỷ niệm, không nói lên điều gì về sau này cả. Nếu đọc trúng truyện này, chắc tôi dừng lại, nhưng may là đọc trước cái truyện như trên đã nói! Ở đây, tôi lại rất thích các truyện khác với văn phong già dặn và cái nhìn độc đáo: Đắng cay có lúc ngọt bùi, Bốn bức tranh, Chuyện lão Cố tổ chuột, Tình sử của một bà lão ăn mày, Ở phòng biên tập, Độc thoại của gã què. Với “Đắng cay có lúc ngọt bùi”, hãy nghe mụ hàng xóm lắm điều đấu khẩu với anh nhà văn kín tiếng:

     “Một hôm, nhà văn cao quý của chúng ta không chịu nổi phải mở cửa sổ, thò đầu xuống đường hẻm gào lên:

    - Này bà kia, im cái miệng một chút có được không!

    - Gớm, ông thường nói đến tự do ngôn luận, thế ông có quyền gì cấm tôi nói?

    - Gia đình bà bất hòa thì đóng cửa lại bảo nhau. Còn với xóm làng có gì không vừa lòng thì phát biểu ở cuộc họp dân phố, không được làm ầm ĩ ở đây!

    - Tôi không ham phát biểu trong cuộc họp như cái thứ nhà thơ của các ông. Gớm, cái ông gì nhà thơ ở phường ấy, cứ thấy chỗ nào hội họp là xách thơ lên đọc. Mấy lần bị người ta lôi cổ xuống đấy, có vinh dự không!

   - Nhưng thơ là thứ cao quý nên có xuất bản miệng cũng không rác tai như lời lẽ của bà đâu.

   - Lời của tôi là văn xuôi đấy, thế ông nói văn xuôi không cao quý à! Thế ông viết có hay hơn tôi nói không?

    Đọc đến đây, khó mà nhịn cười với bà hàng xóm lắm điều này, và cũng khá buồn cho anh nhà văn không thể nào đưa văn chương “cao quý” của mình đến với cuộc sống muôn màu muôn vẻ khi đa phần còn bận bịu với những thứ khác hơn văn chương: “Nhà văn hận lắm, định viết một truyện nói xấu mụ nhưng khổ nỗi mụ chẳng bao giờ đọc sách báo. Mà cả cái xóm này cũng vậy. Văn chương không có tác dụng nhiều đối với người mù chữ.” Mù chữ ở đây không đơn thuần là mù bảng chữ cái!

    Truyện “Chuyện lão Cố tổ chuột” viết về thế giới loài vật quanh ta (chó, mèo, và nhất là chuột), với cái nhìn nhân bản về quyền đòi được bình đẳng của mọi sự sống nhưng bất thành, bởi “thân phận” khác nhau (chuột làm mồi cho mèo, trẻ con vặt đầu cánh côn trùng để chơi v.v…). Và đây là đoạn kết cảm động bi thiết của vợ chồng lão chuột khi chuột vợ bị dính bẫy keo của loài người: “Đến chiều, vợ lão đã kiệt sức và gục đầu xuống vũng keo, từ đó, không thốt lên được lời nào nữa. Đôi mắt ươn ướt của nàng nhìn lão một hồi lâu rồi nhắm lại dần, tắt thở. Lão đứng lặng giây lâu rồi đưa mõm hôn vợ lần cuối, chẳng may, mấy cọng râu dài dính vào vũng keo. Lão rùng mình xoay xở một hồi lâu mà vẫn không rút ra được. Lão than thở: hay là Định Mệnh bắt ta phải chết cùng nàng đây? Không, ta phải sống! Lão gắng chịu đau và giật đứt mấy cọng râu đã bạc màu sương gió. Lão không muốn nhìn cái bẫy quỷ quái đó chút nào nữa và lầm lũi ra về. Trong lòng tràn ngập nỗi thương nhớ đầy vơi người vợ quá cố. Chỉ trong vài ngày nữa thôi, tấm thân ngọc ngà năm xưa của nàng sẽ bị bọn dòi bọ rỉa tan tành. Sự đời sống chết vô thường, chẳng biết đâu mà lường.

    Mặt trời chầm chậm buông cuối phố. Lão đang đi về phía hoàng hôn.

    Đọc nhiều truyện về thế giới loài vật của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam và thế giới, tôi vẫn thấy thú vị với Phạm Ngọc Hiền ở truyện ngắn trên.

    Trong “Tình sử của một bà lão ăn mày”, dung lượng của tác phẩm có sức khái quát như một tiểu thuyết nếu triển khai theo hướng này, bởi một đời người (bà lão ăn mày) đã trải qua nhiều thời đoạn của lịch sử với vô vàn biến cố, như lời người vợ của nhân vật du khách bên bờ sông Hương: “Cuộc đời bà ấy phức tạp thật. Cứ nhìn vào lịch sử bà lão ăn mày, có thể biết được những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX." Ở nhân vật này, những thăng trầm của thời đại được dồn nén nơi bà, và nếu bà chết đi, thì không chỉ đơn thuần là cái chết của một sinh linh như nhân vật “tôi" đã nhận xét: “Một làn gió lạnh thổi lại làm tôi run rẩy cả người. Tôi chợt nghĩ đến một nấm mồ hoang lạnh. Nơi ấy, có một linh hồn đã mang một phần lịch sử dân tộc ra đi." Vì vậy, sức khái quát của truyện này khá cao. Chỉ có một chi tiết còn thiếu tính thuyết phục; đó là khi bà lão ăn mày mới gặp vợ chồng nhân vật “tôi" tại bờ sông lần đầu, mà đã tự kể tất tần tật mọi điều về cuộc đời bà!

     Đọc “Ở phòng biên tập” cứ giống như đọc truyện của Azit nêxin. Có rất nhiều nhân vật “quái kiệt” hay lui tới phòng biên tập, nhưng xin trích một đoạn về nhân vật này: “Cốc…cốc…cốc. Một cái đầu rối bù nằm trên một bộ quần áo rách rưới được vá bằng vô số mảnh vải nhỏ nhiều màu sắc. Một ông già lãng tử bước vào, kéo theo cái mùi hôi thối được tích hợp từ rất nhiều mùi vị khác nhau của cuộc sống trần ai. Dân thị xã này thường gọi ông là “ông già Nô ben”. Nhưng không giống với các “nhà thơ vĩ đại” khác, ông rất ít nói. Ông lẳng lặng ngồi vào bàn và không nói gì, mắt hau háu nhìn vào bình nước lọc. Văn Nhu định rót nước mời ông nhưng sợ bẩn cái ly nên thôi. Anh hỏi xã giao:

    - Dạo này chú làm thơ có nhiều không ?

    Ông già Nô ben trợn mắt nhìn Văn Nhu:

    - Anh quên nghiên cứu tôi rồi à? Dạo này tôi chỉ viết tiểu thuyết, hình như tạp chí của anh không đăng tiểu thuyết thì phải?

   - Dạ, đúng vậy!

   Văn Nhu thở phào, vui ra mặt. Lặng im một lúc, ông già Nô ben hỏi:

   - Muốn gửi tác phẩm dự giải Nô ben thì phải làm thế nào nhỉ, phải đăng ký chỗ Hội Văn học nghệ thuật của anh à?

   - Cháu cũng chả rõ, chú đã viết tới đâu rồi?

   - Đây này ! – Ông giơ cái túi nhàu nát ra – Đây là bản thảo cuốn tiểu thuyết sẽ đoạt giải Nô ben trong tương lai. Anh không tin là một nhà văn tỉnh lẻ như tôi đoạt giải Nô ben à?

   - Ấy, cháu đâu dám nghĩ thế!

   - Hay là anh nghĩ để đoạt giải Nô ben thì nhà văn phải ăn mặc sang trọng, đeo cà vạt, xức nước hoa thơm phức? Anh có nghe nói Bùi Giáng chứ ? Ông ấy ăn mặc còn lôi thôi lếch thếch hơn tôi. Nhưng ở miền Nam này hiếm có ai làm thơ hay như ông ấy.”

    Thật đúng là những tình huống dở khóc dở cười. Còn đây là sự lý giải cũng rất “quái đản” của tác giả về hiện tượng này: “Chờ cho nhà thơ Nô ben ra ngoài, Văn Nhu mới dám bật cười và nghĩ thầm, ai viết văn mà không mơ ước giải Nô ben! Mình cũng vậy. Nhưng chỉ có những người khùng mới dám nói công khai điều đó”.

    Theo tôi, truyện ngắn này đã “gánh” cho cả tập sách với tiêu đề “Đời thực và mơ”!

--------------------------------

[1] Tập Truyện và Ký của Phạm Ngọc Hiền, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018.  

Địa chỉ phát hành:
https://nxbhcm.com.vn/7/doi-thuc-va-mo-tap-truyen-va-ky-3663.
 

Đọc sách online:
https://sachweb.com/van-hoc-viet-nam/sach-doi-thuc-va-mo-tap-truyen-va-ky-dt2770.html


Phamngochien.com - 10:29 - 19/01/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận