Nguyễn Ngọc Thiện - người bơi giữa hai dòng chảy (Hồ Sĩ Vịnh)

Nhà phê bình Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập
Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện. Sinh năm 1947. Quê quán: Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản: Văn chương và tác gi (tiểu luận, phê bình, 1995); Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (nghiên cứu, phê bình, 2000); Phong cách và Đời văn (tiểu luận - phê bình, 2005); Lý lun, phê bình và đời sống văn chương (tiểu luận, phê bình, 2010); Tuyn tập phê bình, nghiên cu văn học Việt Nam 1900-1945 (chủ biên, 5 tập, 1997); Hoài Thanh - Bình luận văn chương (chủ biên, 1998); Nguyễn Đình Chiểu - Về tác gia tác phẩm (biên soạn, 1998); Vũ Trọng Phụng - Về tác gia, tác phẩm (biên soạn, 2000); Văn Lý luận - Phê bình nửa đu thế kỷ XX (chủ biên, 5 tập, 2005); Văn Lý luận - Phê bình 1945-1975 (chủ biên, 5 tập 2008-2010)... cùng nhiều tác phẩm lý luận, phê bình văn học khác.

 

Ấy là tôi muốn nói đến PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn n nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tôi biết và là đồng nghiệp của ông ở Viện Văn học từ năm 1967, năm ông được nhận công tác ở Viện trên sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa VIII, cũng là những năm tháng cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đã lan ra khắp miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Còn nhớ, năm 1965 trở đi, Viện đã bắt đầu "chiến dịch" sơ tán về một vùng quê cách thị trấn Thắng (Bắc Giang) vài cây số, thế mà chính ở trụ sở 21 Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã diễn ra hai sự kiện đáng nhớ mang tầm cỡ quốc gia: Đó là cuộc hội thảo khoa học về "Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt" do Viện trưởng, giáo sư Đặng Thai Mai chủ trì, với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng; sau đó là sự thành lập lớp Đại học Hán - Nôm nhờ quyết định sáng suốt của Chính phủ và sự thiết kế chương trình giảng dạy của các giáo sư: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Phạm Phú Tiết, Nam Trân, Hồ Tôn Trinh và nhiều chuyên gia nổi tiếng khác. Bấy giờ, ngay cả người trong cuộc cũng lấy làm lạ về hai sự kiện trên, tưởng như nghịch cảnh, nghịch lý. Còn những người làm văn hóa, nghiên cứu văn học thì coi đó là tầm nhìn xa, tư duy biện chứng của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó của cả dân tộc, ở tuổi hai mươi làm việc ở Viện chưa đầy năm, Nguyễn Ngọc Thiện đứng, ngồi sao yên, anh dứt khoát tình nguyện gia nhập quân đội, "ra đi đầu không ngoảnh lại" với tư thế và truyền thống của người chiến binh Hà Thành thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, còn thời gian sau đó, anh được cấp trên điều động tăng cường cán bộ cho miền núi.

Là đồng nghiệp, đồng sự, đồng chí, đồng tâm, mặc dù giữa tôi và Nguyễn Ngọc Thiện cách nhau một thế hệ. Tuổi tác cách nhau là vậy, thế mà bao giờ chúng tôi cũng kính trọng nhau, ông thường đề sách tặng tôi bằng đại từ "đồng nghiệp đàn anh quý mến", về sau, có lần ông nói đùa với tôi: Thiên phú cho mình con số 7 (bảy): sinh năm 1947; về Viện Văn học năm 1967; tốt nghiệp tiến sĩ (A) tại Cộng hòa dân chủ Đức năm 1987, vào Đảng      - năm 1977; là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997; nhận chức Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam 2007, nhà ở quê xóm 7, xã Ninh Hiệp v.v...

Nguyễn Ngọc Thiện bước vào nghề trước hết bằng những bài viết trên một số báo chí ở Trung ương và tham luận ở các cuộc hội thảo khoa học, đến 1995 thì được Nhà xuất bản Thanh niên in thành tập tiểu luận, phê bình: Văn chương và tác giả. Sau khi hoàn thành khóa nghiên cứu sinh 4 năm, nhận bằng tiến sĩ (A) tại Cộng hòa dân chủ Đức, Nguyễn Ngọc Thiện trở lại Viện Văn học trong vai trò Trưởng Ban lý luận với một đội ngũ cộng sự phần lớn là tiến sĩ, thạc sĩ, có người về sau trở thành Viện trưởng như Nguyễn Đăng Điệp. Làm lý luận văn học, nghệ thuật nhất là chủ biên công trình đối với ông không phải dùng danh xưng của mình, tập hợp một số tư liệu, bài viết, thành con số cộng có khi có tài liệu "tam sao thất bản", vẫn được sự hỗ trợ kinh phí nhà nước, in thành những tập sách dày cộp nhưng thiếu ý tưởng...; mà là lối bơi ngược dòng, tìm tòi, khảo sát, chỉnh lý mới tìm ra được văn bản gốc, tương đối chính xác, tổ chức thành hệ thống với cách nhìn khả biến, với quan điểm biện chứng... Công trình tổng kết sáu cuộc tranh luận văn nghệ ở đầu thế kỷ XX, được giới khoa học đánh giá cao năng lực khái quát, phương pháp tổ chức tư liệu nhờ sự chỉ đạo của phương pháp luận mácxít... là một ví dụ. Với Nguyễn Ngọc Thiện, chủ biên trong vai trò người chủ xướng một đề tài lớn thực sự là người lao động có trí tuệ năng động, có phương pháp tư duy thực chứng, lại tập hợp được đội ngũ nghiên cứu tâm huyết đáp ứng được xã hội có nhu cầu, đòi hỏi của xã hội... Điều này từ thế kỷ XVII, R. Decartes gọi là duy lý thực tiễn, tức là muốn làm một công trình khoa học, thì phải có tầm nhìn khái quát qua ba công đoạn: nhu cầu (besoin), năng lực (capacité), và hành động (action). Về mặt này tôi coi ông là nhà tư liệu học đáng tin cậy, khả kính.

Hơn 30 mươi năm làm công tác nghiên cứu văn học chuyên nghiệp ở Viện Văn học, nhất là vào những năm 90 thế kỷ trước và thập niên đầu thế kỷ XXI với trọng trách trưởng Ban lý luận vừa là chủ biên, nhờ sự cộng tác hào hiệp của các Nhà xuất bản lớn, Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ biên 20 công trình với hàng mấy vạn trang tác phẩm, trong đó đáng chú ý là: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939 (1996); Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900 - 1945, 5 tập (1998); Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập (2003); Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) - chặng đường 60 năm (2004); Lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ đu thế kỷ XX đến 1945 (Chuyên luận, 2005) và đến năm 2004 trở đi là bộ tùng thư: Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Quyển năm, tuyển chọn các tác giả, tác phẩm lý luận, phê bình văn học Việt Nam của cả thế kỷ XX qua các giai đoạn: nửa đầu thế kỷ XX; 1945 - 1975 và 1975 - 2000 do Nxb. Văn học đã công bố 13 tập khổ lớn hơn 15.000 trang và đang tiếp tục hoàn tất việc tinh tuyển của 3 tập cuối bộ sách này. Qua hàng chục công trình mang tính chất tư liệu học về lý luận phê bình văn học văn học Việt Nam hiện đại nói trên, tôi có mấy nhận xét sau:

Các cuộc tranh luận đầu thế kỷ XX đã khép lại, tính đến nay vừa tròn 70 năm, nhưng triết lý văn hóa của chúng thật sâu sắc, hữu ích cho xã hội và tiến trình văn hóa dân tộc. Sức sống và mục đích của các cuộc tranh luận nổi lên vì một nền văn hóa dân tộc, vì "quốc hồn", "quốc túy", quốc học, quốc ngữ của dân tộc. Các quan điểm, các luận thuyết của các bên tranh luận dù đúng, dù sai đều lùi lại phía sau, nhường chỗ cho ý thức dân tộc, độc lập dân tộc. Bằng văn hóa tranh luận tiến bộ, các khuynh hướng tranh luận nói trên dù Tây học hay Hán học, dù thế hệ cao niên hay trí thức trẻ đã gặp nhau, gắn bó, cảm hóa được các tầng lớp tri thức, công chúng tiến bộ vào "đêm hôm trước" của Đề cương văn hóa 1943 ca Đảng Cộng sản Đông Dương, buổi bình minh của khuynh hướng lý luận mácxít mà nhà cách mạng, nhà văn hóa Hải Triều là chủ soái.

Đặc điểm nổi trội của lý luận phê bình vào 20 năm (1954 -1975) phản ánh một phần lịch sử của đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, vừa mở cửa vừa cảnh giác trước những thứ "văn hóa thứ cấp" từ bên ngoài tràn vào. Văn nghệ phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân được tôn vinh, những phương châm xây dựng nền văn nghệ có tính dân tộc - khoa học - đại chúng kế thừa từ Đề cương văn hóa 1943 được đông đảo văn nghệ sĩ, học giả đón nhận với động cơ trong sáng vì một nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cũng từ đây, ở miền Nam dưới sự chiếm đóng tạm thời của chủ nghĩa thực dân mới và chính quyền ngụy, nổi lên một dòng văn hóa tiến bộ, ra đời trong các đô thị với mục đích bảo vệ văn hóa dân tộc song song với phong trào văn nghệ cách mạng và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng ở các vùng giải phóng v.v... là phần tinh túy, thuần thục trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được nhóm biên soạn Nguyễn Ngọc Thiện trân trọng ghi công.

Những công trình sưu tầm, biên soạn, chỉnh lý, chuyên khảo của nhóm Nguyễn Ngọc Thiện với khối tư liệu "cao như núi" là loại sách công cụ hỗ trợ về phương pháp luận, về chất lượng khảo cứu, về cứ liệu phê bình giúp ích nhiều học giả, nhà phê bình hiện đại. Tôi được biết, nhiều nhà luận, phê bình khi tiếp nhận tư liệu khoa học của nhóm Nguyễn Ngọc Thiện đã vận dụng khéo léo "kinh nghiệm phủ định" của Lênin để nói mặt hạn chế, nhưng tôn trọng mặt còn lại của nhiều văn nhân thời trước có thế giới quan phức tạp trong đời người và đời văn; tức là phê phán không phải là mục đích, mà là phương tiện để đạt được mục đích khác cao hơn (lợi ích dân tộc). Ở những bài: Lời đầu sách, Nguyễn Ngọc Thiện tỏ rõ vai trò chủ kiến trong tư duy, công phu trong thao tác khoa học, vận dụng kỹ lưỡng tư liệu, sử liệu trung thực, với phong thái điềm tĩnh, chín chắn, nhất là ở những sự kiện văn học phức tạp.

Nhờ phương pháp luận khảo cứu biện chứng với vốn "ngân hàng tư liệu" quý giá nói trên, Nguyễn Ngọc Thiện đã thành công ở 5 tập tiểu luận phê bình, chuyên luận. Có thể kể Văn chương và tác giả (1995); Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000); Phong cách và đời văn (2005); Nghệ thuật vị ngh thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (2004); Lý luận phê bình và Đi sống văn chương (2010). Cuốn sau cùng được tặng thưởng của Hội đồng lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2013. Qua gần 2000 trang viết nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Việt Nam, hiện đại và đương đại, ở trang viết nào của Nguyễn Ngọc Thiện cũng hiện rõ sự nhận thức đúng mực, không ồn ào, không cực đoan phía tả hoặc phía hữu, ôn tồn ngay cả khi đấu tranh để bảo vệ chân lý trước những hiện tượng tư duy nông nổi, nhân cách suy thoái của một vài người trẻ mắc bệnh vĩ cuồng qua bài: Từ một công trình ngụy khoa học; lệch lạc về tư tưởng học thuật (Tạp chí Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, số 12, tháng 8 năm 2013). Sức thuyết phục hàng nghìn người đọc của bài viết chính là ở "nhân tâm thế đạo", trị bệnh cứu người.

Nhờ sở trường vận dụng sáng tạo tư liệu tham khảo của mình và của đồng nghiệp, Nguyễn Ngọc Thiện không mấy khó khăn khi tham gia giảng dạy chuyên đề và thực thi đào tạo trên đại học. Ông là người hướng dẫn khoa học một số nghiên cứu sinh và học viên cao học ở các trường Đại học lớn và không quên mời tôi cùng các chuyên gia khác nhiều lần hợp tác tham gia các Hội đồng chấm thi. Ông thường tâm sự với tôi về trách nhiệm khoa học của người thầy hướng dẫn như: trình độ tri thức, phương pháp luận để thiết kế một luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, thì tư liệu tham khảo có ảnh hưởng tiên quyết đến luận án của nghiên cứu sinh. Ông dễ dàng đồng tình với tôi, khi tôi dẫn những thông tin về chất lượng đào tạo bậc trên đại học ở các nước tiên tiến. Tại các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Corneille quy chế đào tạo nghiên cứu sinh rất nghiêm ngặt: giáo sư giỏi nhất cũng chỉ hướng dẫn tối đa từ 5 đến 6 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Ở Nga, Trung Quốc đều vậy. Còn ở nước ta thì sao? Thật hài hước khi có một vài giáo sư (đặc cách, chưa bao giờ tốt nghiệp Tiến sĩ bậc 1), do hư danh hay chạy theo thành tích đã tự mình nhận đào tạo mấy chục nghiên cứu sinh bảo vệ "thành công" luận án tiến sĩ. Thật tội nghiệp, "điếc không sợ súng" (!)

Là nhà nghiên cứu, văn học chuyên nghiệp năng động, ham viết, ham đọc, có điều kiện đi điền dã, Nguyễn Ngọc Thiện như người "dư sức" để làm nhiều việc có ích. Và trên thực tế vào tám năm gần đây ông chuyển sang làm báo ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tiền thân của tạp chí này là cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam - Tạp chí Văn nghệ - được thành lập từ năm 1948 ở Chiến khu Việt Bắc. Qua bao nhiêu thăng trầm về "thương hiệu", về trụ sở, về thể loại, về tổ chức v.v... nên trong nhiều năm tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam dường như vẫn "dẫm chân tại chỗ", ít gây ấn tượng trong tâm trí bạn đọc. Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật hôm nay cần có tiếng nói cởi mở hơn trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tình thế đó đòi hỏi tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam cần có người chủ trì. Chức danh Tổng biên tập được lãnh đạo Liên hiệp tin cậy và giao cho Nguyễn Ngọc Thiện. Tạp chí từ ngày có ông chủ trì cùng với nhiều đồng sự cần mẫn đã khởi sắc, bước sang trang mới. Thật đáng nói những lời cảm kích tri ân ông và tòa soạn của những bạn viết như chúng tôi. Đến với Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, chúng tôi bắt gặp những tiếng nói đồng thuận, đồng tình, vừa cởi mở, vừa tháo gỡ nhiều điều cần tranh luận. Thật khó nói hết những điều hay, lẽ phải, và cả những điều bất tri ở một con người. Đối với tôi Nguyễn Ngọc Thiện là một đồng nghiệp có nhân cách văn hóa, trung thực, không đố kỵ tài năng, ưu ái với mọi người, thật xứng đáng với câu nói của nhà khoa học cơ bản nổi tiếng người Mỹ: J. Robert Oppenhaime: "Giá trị chân chính của một con người là tổng hòa sự tôn trọng của những đồng nghiệp đối với người đó".

Hồ Sĩ Vịnh

Nguyễn Ngọc Thiện và Phạm Ngọc Hiền

.


Phamngochien.com - 08:26 - 30/10/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận