Tình quê trong "Những vần thơ kỷ niệm" (Phạm Ngọc Hiền)

 

(Đọc tập thơ Những vần thơ kỷ niệm - Nguyễn Đắc Tấn, NXB Thanh Niên, 2010)

 

            Quê hương là đề tài rất quen thuộc trong thơ ca xưa nay. Hầu như người làm thơ nào cũng có ít nhất vài bài viết về quê hương. Nguyễn Đắc Tấn cũng vậy, xa nhà đi tập kết từ lúc 17 tuổi: "Tôi mang quê hương theo bước quân hành / Trong giấc ngủ vẫn hiện về thôn xóm" (Nhớ quê). Hình bóng quê nhà luôn canh cánh trong lòng tác giả và phản ánh khá rõ trong tập Những vần thơ kỷ niệm.

            Đắc Tấn quê ở Hòa Đồng, mảnh đất mà thời chiến tranh nổi tiếng với địa danh Cầu Cháy và bà mẹ anh hùng chặn xe tăng. Ngày nay, Hòa Đồng cũng là nơi có phong trào văn nghệ phát triển mạnh, sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ thành danh như: Phan Hoàng, Phạm Ngọc Hiền, Đắc Hoa, Hải Sơn, Đắc Tấn... Số còn ở lại địa phương "giữ lửa" cho phong trào có: Cao Trung, Kim Khoa, Văn Nhiên, Tấn Quy, Quang Bình, Đắc Dinh (anh ruột Đắc Tấn)...Hai tố chất anh hùng và nghệ sĩ của quê hương đã đi vào thơ Đắc Tấn rất tự nhiên. Ông có nhiều bài viết về đề tài người lính và kỷ niệm chiến trường nhưng sâu lắng hơn cả vẫn là những bài viết về quê hương. Tác giả luôn giữ cái nhìn tươi rói mỗi lần "Về lại Hòa Đồng": "Đêm nay trở lại Hòa Đồng / Tiết trời chuyển vụ, tơ lòng vấn vương / Mùa vui trải khắp nẻo đường / Bình minh nắng trải, xua sương cuối trời (...) Mênh mông biển lúa Tây Hòa / Êm êm dòng chảy sông Đà đầy trăng".

            Tác giả có nhiều đêm trải lòng hoài niệm, tận hưởng cảm giác bình yên, nồng ấm nơi quê nhà, tắm mình trong không khí dân dã của tiếng cuốc kêu và mùi thiền của tiếng chuông chùa. Cảnh làng quê đêm trăng hiện lên bàng bạc, tuyệt đẹp: "Ngả lưng nằm xuống bên hè / Nghe con cuốc gọi bờ tre cuối vườn / Mây trời loáng đục pha sương / Trăng trôi lững thững qua vườn nhà tôi (...) Trăng vàng pha lẫn ly trà / Chuông ngân nhè nhẹ vọng xa cuối trời" (Đêm Hòa Đồng). Tác giả thích đắm chìm trong hồi ức quê nhà. Kỷ niệm một đời người dồn nén lại trong một đêm "Mơ màng" và bộc phát thành thơ khi trời rạng sáng: "Bình minh gọi cửa bao giờ / Xôn xao giọt nắng hồng tơ ngoài thềm / Ngày rồi cứ tưởng còn đêm / Nắng reo cứ tưởng ngoài thềm đầy trăng".

            Ngoài Phú Yên ra, Đắc Tấn còn có một quê hương thứ hai nữa là quê vợ Thái Bình.  Ông có nhiều bài thơ nói về vẻ đẹp của đất và người Bắc Bộ như Trở lại Thái Bình, Thăm mẹ Thái Bình, Cảm ơn tạo hóa... Đó là tấm lòng của người mẹ già dành cho đứa con xa: "Nghe gà đối đáp xôn xao / Sương đêm phủ kín bờ ao trước nhà / Nhớ con ở mãi Tuy Hòa / Năm nay có hẹn về nhà đón xuân (...) Thái Bình quê mẹ ta ơi / Điệu chèo quyến rũ những lời thiết tha" (Ngày hội ngộ). Dẫu đi đâu, ông cũng nhớ về Thái Bình da diết: "Chiều về phố núi Sông Hinh / Nghe con chim gọi - nhớ Thái Bình mẹ ơi !" (Phố núi xuân về).  

            Với một tập thơ dày gần 200 trang, Đắc Tấn đã gói gọn bao ân tình kỷ niệm gần suốt một đời người. Xen kẽ những bài thơ là các bức ảnh lưu dấu những sự kiện đáng nhớ trong đời và thơ của tác giả được phổ nhạc. Có thể nói đây là cuốn bút ký viết bằng thơ - ca - nhạc - họa.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 21:39 - 19/12/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận