THẦN LỬA TRONG NGÀY TẾT Ở VIỆT NAM (Phạm Ngọc Hiền)

            Lửa là một trong những nhân tố cấu thành vũ trụ và có một vai trò rất lớn đối với con người. Thời cổ đại, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có tục thờ thần lửa. Ngày nay, phần lớn các dân tộc ở Việt Nam vẫn còn giữ tục lệ đó nhưng cách thức thể hiện và mức độ có khác nhau. Có những dân tộc thờ lửa quanh năm nhưng không có lễ cúng riêng dành cho thần lửa vào dịp tết. Trong khi ở các dân tộc khác thì lễ tết luôn gắn liền với nghi thức thờ thần lửa.

            Dân tộc Dao ở Hà Giang mở đầu cho ngày tết âm lịch của mình bằng nghi lễ cúng thần lửa. Từ nhiều ngày trước, người ta đã chuẩn bị đầy đủ các đồ cúng tế và thức ăn cho thời gian dự hội. Một đống củi to được đốt lên trước bàn cúng tế. Ông chủ lễ, với trang phục màu đỏ như lửa, bắt đầu bài cúng thần lửa, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh và mời thần lửa về vui cùng lễ hội để mang lại hơi ấm mùa xuân cho dân làng. Sau đó, ông dùng gióng vầu (hay tre) gieo quẻ xin âm dương. Nếu gióng vầu cho ra một ngửa, một sấp thì phải cúng tế lại cho đến khi thần lửa đồng ý. Những người muốn tham gia hội nhảy lửa thì phải hầu lễ, đến khi chủ lễ gieo quẻ âm dương thấy thần lửa đồng ý nhảy thì từng đôi một bước vào lửa. Lễ hội "tắm lửa" bắt đầu, những chàng trai được thần linh ban cho sức mạnh diệu kỳ, đi chân trần trên đống than đỏ rực, họ nhảy, họ lăn trên than nóng một cách cuồng nhiệt, dũng cảm. Nhìn các chàng trai nhảy, các cô gái cũng rừng rực say mê, ánh mắt đượm lửa yêu đương. Để rồi khi lễ hội kết thúc, nhiều mối tình bén rễ, thành vợ chồng, rồi tết năm sau họ lại địu con đến lễ hội lửa để xin thần luôn giữ cho họ hơi ấm của tình yêu hạnh phúc gia đình.

            Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cũng có tục nhảy lửa vào tháng giêng âm lịch. Dân làng mang gạo thịt và củi đốt đến một bãi đất rộng và bằng phẳng. Lễ hội thường tổ chức vào ban đêm, người ta đốt lên một đống lửa rất to. Thầy cúng vừa gõ nhạc cụ vừa đọc bài cúng xin thổ địa cho phép nhảy lửa và mời các ma trên trời xuống nhập vào các thanh niên đang ngồi chờ. Lần lượt từ thanh niên này đến thanh niên khác rung lên, lắc lư người đi vào lửa như bị ma nhập. Họ đi trên than hồng, bốc than và tro nóng xoa lên mặt mà không hề bị bỏng. Họ không có cảm giác nóng mà chỉ thấy mát mẻ, nhẹ nhàng. Họ như rơi vào trạng thái vô thức, như làm theo sự chỉ đạo của người từ thế giới khác. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có nhiều nét khác với các dân tộc khác. Thầy cúng Pà Thẻn không làm việc nhảy vào lửa mà để cho những thanh niên khỏe mạnh làm. Trong khi ở người Tày thì chỉ có thầy cúng mới làm việc này. Với người Chăm ở Ninh Thuận thì thầy Bóng đảm nhiệm công việc nhảy qua, nhảy lại để dập tắt lửa. Đống lửa được dập tắt thì năm đó dân làng làm ăn khấm khá, khỏe mạnh yên vui.

            Các dân tộc ở Tây Nguyên rất coi trọng vai trò của thần lửa, trước đây đã từng có vùng Hỏa Xá do vua lửa cai trị. Người Ca Dong thờ bếp thiêng ở trong buồng kín, bảo vệ cẩn mật, xem thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình. Người Ê đê và Mnông xem lửa là vị thần may mắn luôn bảo vệ con người. Bởi vậy, lửa đóng một vai trò quan trọng trong ngày lễ hội của dân tộc. Người ta lấy ngọn lửa thiêng từ bàn thờ nhà Chung (nhà Rông), già làng khấn vái xin được phép đốt. Người châm lửa phải là người tốt, có uy tín trong dân làng. Ngọn lửa thiêng được thắp suốt mùa lễ hội để truyền hơi ấm và sức mạnh cho dân làng. Người Xê đăng thường tổ chức lễ lấy lửa trùng với lễ máng nước vào mùa xuân. Người ta dùng nước tinh khiết hoặc cát sạch để dập tắt tất cả lửa cũ trong các bếp và lấy lửa nguyên thủy từ nhà rông. Phương pháp tạo lửa là dùng đá cọ xát nhau hoặc siết sợi dây thật mảnh vào khúc tre để đốt cháy bùi nhùi. Lửa được rước từ nhà rông về từng gia đình. Chủ nhà hiến sinh một con gà trống với lời khấn: "Xin lửa hãy ở yên trong bếp... hãy nhận và ăn hết những gì người thích tại đây... đừng ăn ở nơi khác trong nhà hay ngoài kho...". Người Kơ Ho cũng có lễ tục cúng thần lửa vào đầu năm mới. Sau lời khấn Yang của già làng, người ta cọ hai thanh tre vào nhau cho phát lửa và chia lửa cho các nhà, ngọn lửa thiêng ấy được giữ gìn suốt năm.

            Dân tộc Kinh có dân số đông nhất và cũng có lễ thờ thần lửa hoành tráng nhất. Người Kinh gọi thần lửa là ông Táo. Trong cổ ngữ Việt Mường, tiếng "táo" có nghĩa gốc là "tá", dùng để chỉ các vị thần thuộc dòng lửa (như Tá Cần, Tá Cài...). Có thể thấy "tá" đồng nghĩa với "hỏa" trong cụm từ "tá hỏa tam tinh" mà người Việt vẫn thường nói. Ở Trung Quốc và Việt Nam có khá nhiều truyền thuyết liên quan tới thần lửa và có nhiều chi tiết không giống nhau. Người Việt quan niệm trong mỗi gia đình có ba ông Táo: Thổ Công (Phạm Lang), Thổ Địa (Trọng Cao), Thổ Kỳ (Thị Nhi), nghĩa là có đủ cả Táo ông, Táo bà. Cả ba vị Táo này chụm lại thành kiềng ba chân trong nhà bếp. Lại có người cho rằng, con số ba này bắt nguồn từ chữ Ly (là lửa). Việt Nam nằm ở phương Nam, thuộc Ly Hỏa. Trong Kinh dịch, chữ Ly được ghi là I O I, hình tròn ở giữa là hào âm, hai dấu gạch đứng là hào dương, tức là một bà ở giữa hai ông. Điều này gợi nhớ đến chế độ nữ quyền của người Việt ngày xưa, và nhiều dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn. Biết rằng nhà Táo có hai ông một bà, nhưng người ta vẫn quen gọi chung là ông Táo.

Táo quân có nhiệm vụ trông coi nhà cửa, chăm lo việc ăn uống trong gia đình. Táo chỉ đi ra khỏi nhà vào dịp cuối năm âm lịch. Trong thời gian Táo quân lên trời để tâu báo công việc dưới trần gian, người ta phải dựng cây nêu thay Táo để xua đuổi ma tà. Việc tiễn Táo được chuẩn bị khá công phu. Người ta dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị nhang đèn, mua sắm lễ vật làm hành trang cho Táo. Lễ cúng Táo diễn ra vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, có hoa quả, gà luộc, các thứ vàng mã như áo, mũ cánh chuồn, hia, ngựa, giấy vàng bạc... Người ta cũng thả vào chậu một con cá chép rồi sau đó phóng sinh ra ao hồ. Con cá chép được xem là có thể hóa rồng để chở Táo về trời. Nhìn chung, tùy vào địa phương và từng gia đình mà lễ vật và cách thức cúng ông Táo có thể thay đổi chút ít. Trong thời gian Táo ở trên trời thì ở dưới trần gian, công việc chuẩn bị Tết diễn ra rất tưng bừng. Đến mùng 30 tết, người ta làm lễ đón Táo quân trở về. Từ mùng một trở đi, mọi người dùng lửa mới và giữ lửa cẩn thận, không cho ai xin lửa trong suốt tháng giêng. Người Việt đưa ra rất nhiều quy định xung quanh việc thờ ông Táo. Chẳng hạn, không được bước qua bếp lửa, không được gõ đũa lên ông Táo. Khi không dùng bếp lò cũ nữa thì đặt nó vào nơi khuất ít người đụng đến. Người qua lại không được phóng uế lên bếp lò cũ... Không được nói những chuyện bậy bạ bên ông Táo, không làm những điều xấu xa trong nhà vì người ta tin rằng ông Táo biết tất mọi chuyện.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thờ thần lửa nói chung chứ không riêng gì vua Bếp nhưng người Việt xưa nay thờ thần lửa gắn liền với thờ ông Táo. Ở phương Tây, hình tượng của lửa gắn liền với truyền thuyết Promethee ăn cắp lửa thiêng của thần thánh đem về cho con người để rồi chàng phải chịu một hình phạt đau đớn. Hình tượng đó mang dấu ấn đậm nét trong văn hóa nghệ thuật phương Tây. Còn ở Việt Nam, hình tượng ông Táo cũng in dấu ấn đậm nét trong văn hóa nghệ thuật. Cứ mỗi dịp tết đến, hàng loạt dịch vụ văn hóa ăn theo ông Táo: làm đồ mã, vẽ tranh, dựng kịch, sáng tác thơ văn...Báo viết, truyền hình, phát thanh...cũng đưa hàng loạt tin bài liên quan tới ông Táo. Phải nói, vua lửa có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

Tài liệu tham khảo:

 

1. Nhảy lửa với người Dao - Nguyễn Quang -  Báo Biên phòng, số tết 2008

2. Lễ hội tắm lửa trên Tây Côn Lĩnh - Kiên Cường - Báo Nông nghiệp, số tết 2008

3. Tục nhảy lửa của người Pà Thẻn-Nông Quốc Tuấn-Kiến thức ngày nay, số 567

4. Lửa nguyên thủy - Nguyên Ngọc - Báo Văn Nghệ, số 27 - 10 - 2007

5. Lửa thiêng của người Ê đê và Mnông - S' Sim Hậu - Báo Dân tộc và phát triển (điện tử), số 10/8/2007

6. Đạo của thần bếp - Tâm Nhung - Pháp luật và đời sống, số tết Đinh Hợi.

 


Phamngochien.com - 21:18 - 16/02/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận