Trong năm học 2013 - 2014, Phạm Ngọc Hiền hướng dẫn 6 khóa luận tốt nghiệp. Tất cả 6 sinh viên này đều thuộc lớp DVA khóa 10 trường ĐH Sài Gòn. Sau đây là một vài ghi nhận về các đề tài:
1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu (Đào Quốc Việt).
Lý do để SV Đào Quốc Việt chọn đề tài này là do hồi nhỏ thích đọc các tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Đọc loại tiểu thuyết này nhiều quá nên lối hành văn của Việt cũng mang hơi hướng của con người Nam Bộ cách đây 100 năm. Phải nhờ bạn bè gọt đi giũa lại nhiều lần mới mang một chất giọng tương đối hiện đại. Trong khóa luận này, Việt đã chứng minh vai trò to lớn của Lê Hoằng Mưu trong tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Bạn đọc sẽ thấy rằng, ở Nam Kỳ lục tỉnh vào thời đó không chỉ có Hồ Biểu Chánh mà còn có "nhà văn khét tiếng" Lê Hoằng Mưu. Năm trước, Việt làm một công trình khoa học cấp trường về đề tài Bình Nguyên Lộc. Năm nay, ngoài khóa luận về Lê Hoằng Mưu, Việt còn đang làm một công trình khoa học cấp trường nữa về Vương Hồng Sểnh. Toàn là những nhà văn "mới tinh". Nhiều sinh viên ngành Văn trố mắt ngạc nhiên hỏi: đó là mấy ông nào vậy ? Việt cười hề hề: mấy ông hàng xóm nhà mình chớ ai.
2. Kết cấu cốt truyện "Kính vạn hoa" của Nguyễn Nhật Ánh (Đỗ Ngọc Quỳnh Như).
Lý do để SV Đỗ Ngọc Quỳnh Như chọn đề tài này là do hồi còn "tuổi ô môi", lỡ nghiện các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Đến khi sắp giã từ tuổi mộng thì thấy người ta nghiên cứu nhà văn này quá nhiều, biết chọn đề tài nào bây giờ ? Sau mấy ngày bàn bạc, hai thầy trò thống nhất chọn nghiên cứu "Kính vạn hoa" từ góc độ kết cấu cốt truyện. Soi chiếu kính vạn hoa từ góc độ Thi pháp học cho nó có vẻ mới lạ một chút. Hy vọng rằng, vì đây là lãnh vực "khó gặm" nên không đụng hàng với ai. Được một cái là Quỳnh Như cũng có khả năng viết lách nên cũng không đến nỗi quá vất vả khi cày xới cánh đồng tuổi thơ trong Kính vạn hoa. Sau này, nếu đi dạy học, thấy học trò không chịu học mấy tác phẩm trong SGK mà chúi đầu vào Kính vạn hoa thì cô giáo Quỳnh Như nói rằng: Hồi còn sinh viên, cô cũng làm khóa luận về ông nhà văn này.
3. Thân phận người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai và "Bến không chồng" của Dương Hướng (Phạm Thị Bông Quế).
Sinh viên Phạm Thị Bông Quế chọn đề tài này trên cơ sở sự gợi ý của giảng viên hướng dẫn. Cả hai tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" và "Bến không chồng" đều đã có người đi trước cày xới trong mùa làm luận văn. Tuy nhiên, lắp ghép hai tác phẩm lại trong thế đối sánh thì có lẽ chưa ai làm. Với lại, đề tài này khai thác nhân vật từ góc độ "thân phận", nghĩa là thoát khỏi cái tư duy cổ kính: ta tốt - địch xấu, ta thắng - địch thua... Đọc hai tiểu thuyết này, ta có thể hình dung được phần nào đặc điểm của văn xuôi Việt Nam thời kỳ sau 1986 (tôi không dùng chữ Đổi mới). Không giống như những tác phẩm thuộc dòng "văn học minh họa", hai tiểu thuyết này đã cho ta thấy được nhiều sắc màu đen trắng, những mặt được và mất của cuộc chiến tranh Việt Nam.
4. Đề tài tình yêu đôi lứa trong truyện ngắn Việt Nam 1945 - 1975 (Phạm Thị Thùy).
Khi thực hiện đề tài này, bạn Phạm Thị Thùy giống như một thám tử tư có nhiệm vụ điều tra xem thử có mối tình nào trong truyện ngắn cách mạng thời chiến hay không. Kết quả rất phũ phàng: số lượng truyện về đề tài tình yêu chỉ đếm trên đầu ngón tay mà phần lớn lồng ghép tình yêu vào tình đồng chí, như Mảnh trăng cuối rừng, Mùa lạc... Mặc dù không có truyện ngắn viết về tình yêu thuần túy nhưng không thể kết luận rằng người dân miền Bắc thời đó không biết yêu. Có thể, họ cũng biết yêu nhưng nấp vào chiếc áo khoác đồng chí, kiểu như Nhớ nhau anh gọi: em đồng chí (Vũ Cao), Anh yêu em như yêu đất nước (Nguyễn Đình Thi). Chớ họ không viết một cách lộ liễu như: "Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! (...) Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt" (Xuân Diệu). Hoặc hiện đại hơn: "Xắn tay mở khoá động đào / Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai" (Truyện Kiều). Còn Hồ Xuân Hương thì siêu hiện đại nên nếu so sánh với đám hậu sinh thì khập khiễng lắm.
5. Hình tượng người lưu dân mở đất trong truyện ngắn của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc (Nguyễn Tuấn Anh).
Năm ngoái, bạn Nguyễn Tuấn Anh cộng tác với Đào Quốc Việt làm đề tài về Bình Nguyên Lộc nên có duyên nợ với nhà văn này. Bạn Tuấn Anh quê ở Cà Mau, nơi đi vào văn chương với tác phẩm Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam. Vì hai lẽ đó mà Tuấn Anh chọn nghiên cứu đề tài về người lưu dân mở đất trong truyện ngắn của hai nhà văn này. Thực ra thì trước đây cũng có một vài luận văn nghiên cứu về hình tượng nhân vật trong truyện ngắn của Sơn Nam. Nhưng bạn Tuấn Anh chỉ giới hạn, đào sâu trong phạm vi những người nông dân thời mở đất và đặt trong thế so sánh với người lưu dân của Bình Nguyên Lộc. Xuất thân từ nông dân miền Tây, bạn Tuấn Anh viết về quê mình có vẻ sâu sắc hơn những người xứ khác. Khi làm đề tài này, bạn có cái "sướng" là được viết thỏa mái về ông bà của mình và những gì mình yêu thích về đất và người Cà Mau.
6. Bức tranh văn hóa đô thị Sài Gòn trong tác phẩm của Sơn Nam (Phạm Thị Ngọc Trâm).
Cũng nghiên cứu về Sơn Nam nhưng bạn Phạm Thị Ngọc Trâm lại có niềm sung sướng khác với Tuấn Anh. Nếu Tuấn Anh sung sướng khi hít thở mùi đất đai cây cối quê nhà thì Ngọc Trâm say mê chiêm ngưỡng các tấm ảnh cổ xưa về vùng đất Sài Gòn - nơi mình sinh ra và lớn lên. Qua các tác phẩm của Sơn Nam, bạn Trâm có dịp tìm hiểu về Hòn Ngọc Viễn Đông ở cả hai phương diện: văn hóa vật chất và tinh thần. Luận văn đã cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích về quá trình phát triển đô thị Sài Gòn, cảnh quan kiến trúc, di tích tôn giáo, lễ hội truyền thống, báo chí nghệ thuật, văn hóa giải trí, ẩm thực... Qua luận văn, người đọc cũng biết được sự dung hợp văn hóa trên đất Sài Gòn, tính cách con người Sài Gòn hiện đại. Nếu Sơn Nam là thư ký của đất Sài Gòn thì Ngọc Trâm xin làm thư ký của Sơn Nam vậy.
Nhìn chung, làm luận văn vất vả mà vui, làm xong để lại cho đời một cái gì đấy. Rồi mai sau, mình sở hữu riêng mảnh đất đã dày công vun xới, đố ai dám tới trồng khoai ở xứ này.
Phạm Ngọc Hiền
Từ trái qua: Tuấn Anh - Quỳnh Như - Ngọc Trâm - (Ngọc Hiền)
- Bông Quế - Thị Thùy - Quốc Việt
Tuấn Anh
Bông Quế
Giảng viên hướng dẫn nhận xét tinh thần làm việc của sinh viên
Góc Kính vạn hoa ở nhà Quỳnh Như (ảnh sưu tầm trên facebook)
.