Phạm Ngọc Hiền nhận xét đề thi ĐH môn Văn, khối C năm 2012

Đề thi môn Ngữ văn khối C

 

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), ở phần nói về thượng nguồn sông Hương, Hoàng Phú Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông này với hình ảnh hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?

Câu 2 (3,0 điểm)

Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc câu 3.b) 

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) 

Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

 

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

                                                                            (Tương tư - Nguyễn Bính)

 

PHẠM NGỌC HIỀN BÌNH LUẬN ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN, KHỐI D NĂM 2012

Xét trong mối tương quan giữa hai đề thi ĐH môn Văn khối C và D năm 2012, ta thấy đề thi khối D có phần hấp dẫn hơn. Đề thi khối C có vẻ không hấp dẫn không phải vì có ít thí sinh dự thi mà là cách ra đề không quá mới mẻ và đôi chỗ khó hiểu.

Câu 1: Nói về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Tác phẩm này mới được đưa vào nhà trường và do viết theo thể loại kí, không có cốt truyện, nhân vật nên học sinh khó nhớ kĩ. Nhìn chung, phần đông học sinh không quan tâm lắm mặc dù vẫn biết đó là một tác phẩm hay. Vả lại, phải đi tìm hai cô gái sông Hương trong cái rừng từ ngữ, lau lách bạt ngàn ấy cũng là điều khổ nhọc. Có thể trong lúc đi dạo sông Hương, các sĩ tử quên để ý tới hai kiều nữ này nên không biết dung nhan của các nàng thế nào, tiếc thật ! Nhưng cũng có người cho rằng, thí sinh thi khối C là dân văn chương nên phải chịu khó, chịu khổ học cho kĩ từng dấu chấm, dấu phảy trong các trang thi phú. Nhưng thực ra, đâu phải ai thi khối C cũng theo nghiệp văn chương.

Câu 2: Đề yêu cầu bàn về kẻ cơ hội và người chân chính, đây là vấn đề còn mới lạ với học sinh phổ thông. Bởi nhiều cô cậu còn chưa rời khỏi con gấu bông thì làm sao biết chủ nghĩa cơ hội là gì. Từ "thành tích" bỗng gợi liên tưởng đến bệnh thành tích trong nhà trường. À, hay là đề thi ý muốn ám chỉ "kẻ cơ hội" là các thầy cô giáo của mình ? Thầy cô giáo mà là "kẻ" không "chân chính" thì biết tin vào ai bây giờ ? Đề thi bảo, muốn lập nên thành tựu thì phải kiên nhẫn nhưng thực ra, nhiều khi cơ hội tốt cũng tạo ra thành tựu lớn. Nói chung, thí sinh sẽ lạc vào một ma trận không biết giải quyết như thế nào một vấn đề chẳng liên quan gì tới mình. Trong khi câu nghị luận xã hội của khối D bàn về thần tượng của giới trẻ, mang tính thiết thực hơn. Có thể nhiều bạn đang thi khối C cũng khao khát nhảy sang phòng thi khối D để tham gia tranh luận bảo vệ thần tượng của mình.

Câu 3a. Nói về "vẻ đẹp sử thi" của nhân vật Tnú. Truyện Rừng xà nu thì không lạ, từ thời cha mẹ của các thí sinh đã biết phân tích anh Tnú rồi, thậm chí có người còn mổ xẻ rất kỹ để kết luận rằng anh Tnú không có móng tay. Nay, người ra đề quyết tâm sơn phết lại anh Tnú cho mới một chút bằng cách tiếp cận anh từ "vẻ đẹp sử thi". Đây là một cụm từ hơi mới, lâu nay người ta nói "sử thi" đã nhiều nhưng ít khi nói "vẻ đẹp sử thi". Bản thân tôi đã có nhiều bài viết về cách tiếp cận Rừng xà nu từ góc độ loại hình sử thi và có nhiều công trình nghiên cứu về sử thi nên tôi biết để hiểu đúng thuật ngữ này không phải dễ. Thí sinh không biết "sử thi" là gì nên dễ làm theo đề thi khuôn mẫu mấy mươi năm nay "phân tích nhân vật Tnú". Nếu đề yêu cầu dùng thao tác "phân tích" thì dễ làm. Nhưng làm sao "cảm nhận" được mười đầu ngón tay bị cụt của Tnú cùng với một rừng lửa đạn, giáo mác tuốt trần, máu tuôn xối xả ? Trong khi những thí sinh này đang sống trong thời hòa bình, và có thể cha mẹ của các em cũng chưa từng sống trong thời chiến.

Câu 3b. Lại "cảm nhận" một lần nữa, lần này dùng từ "cảm nhận" là chính xác, bởi vì đối tượng tiếp cận là hai đoạn thơ trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ và Tương tư. Cái khoản này thì thí sinh "tán" rất giỏi, tha hồ mà "cảm" và "nhận", yêu và thương. Tuy nhiên, xin góp ý nhỏ một chút với người ra đề là dùng cái câu "Cảm nhận hai đoạn thơ sau" sao mà cụt lủn, không có chủ - vị gì cả, người ta gọi đây là câu "què". Nên chăng, nói một cách đầy đủ là thế này: "Nêu cảm nhận của anh / chị về hai đoạn thơ sau". Như vậy, thí sinh sẽ căn cứ vào chữ anh / chị để biết rằng đề thi đang yêu cầu mình chứ không phải yêu cầu một ai khác ở ngoài phòng thi giải đề này.

Trên đây là một vài góp ý nhỏ không đáng kể. Về cơ bản, đề thi như vậy là tương đối được, có một số điểm mới mẻ. Nhưng cũng có một vài điểm nên xem xét lại mặc dù những điểm này không làm giảm sự thành công của kỳ thi.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 20:42 - 10/07/2012 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận