Nghệ thuật ngôn từ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Phạm Ngọc Hiền)

 

TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành 

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

                                                                  Quang Dũng

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Sáng tác thơ ca là tạo ra những hình thức diễn đạt mới lạ, hấp dẫn. Tài năng của nhà văn thể hiện rõ nhất ở cách thức sử dụng ngôn từ. Chính vẻ đẹp của từ ngữ đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương. Thơ ca cách mạng Việt Nam có khá nhiều tác phẩm viết về đề tài người lính nhưng không phải bài nào cũng có nghệ thuật ngôn từ điêu luyện như Tây Tiến của Quang Dũng.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Mở đầu bài thơ là một lời hô gọi tâm tình tha thiết. Tác giả như thảng thốt, ngỡ ngàng, không ngờ xa Tây Tiến thật rồi, những kỷ niệm về nó còn mới tinh nguyên ngày nào. “Nhớ chơi vơi” là một cụm từ mới lạ, mang tính sáng tạo, thể hiện nỗi nhớ vô hình, không trọng lượng, rất khó tả, dường như chỉ có ở những nơi nhiều sương khói mông lung như Tây Bắc. Toàn đoạn một gieo theo vần “ơi” và tác giả còn sử dụng khá nhiều từ gần âm này: rồi, ơi, chơi vơi, mỏi, hơi, trời, khơi, đời, người, ôi, khói, xôi… Nó góp phần tạo ra nỗi nhớ chơi vơi, bồng bềnh như đang bơi trôi nổi trong biển mây trời Tây Bắc xa xôi. Nỗi nhớ nhung ấy được nhấn mạnh hơn qua việc lặp từ “nhớ” hai lần. Đó là nỗi nhớ xanh màu núi rừng Tây Bắc, xanh màu của những giấc mơ tuổi trẻ. Địa hình rừng núi Tây Bắc qua nét vẽ gân guốc của Quang Dũng thật hoang sơ, dữ dội:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Từ “dốc” lặp lại hai lần như để nhấn mạnh hình ảnh đồi dốc trùng điệp, rất nhiều dốc mà dốc nào cũng khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút. Những từ láy tượng hình đã vẽ nên sự hiểm trở, hoang vắng của núi rừng. Trong câu thơ: Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, nhạc điệu bị bẻ gãy bởi dấu phẩy nằm giữa câu, tạo dựng hình dáng gãy khúc của dáng núi, dựng đứng, rất nguy hiểm. Điệp ngữ “ngàn thước” và các từ “lên”, “xuống” cho thấy sự tương phản dữ dội của địa hình, rất cao và cũng rất sâu. Nó gây không ít khó khăn cho người lính khi leo lên và cũng rất nguy hiểm khi tụt xuống. Họ cũng rất tốn công sức khi đi hết “ngàn thước” này đến “ngàn thước” nọ, mà núi đồi thì trùng điệp vô tận, nghĩa là nỗi vất vả gian nan là vô tận, không kể xiết. Có lúc, họ tưởng chừng chạm phải trời. Biện pháp nhân hóa “súng ngửi trời” làm cho câu thơ giàu hình ảnh sinh động và lột tả được nỗi vất vả của người lính khi leo lên những đỉnh núi cao chọc trời.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến không chỉ hiểm trở về địa hình mà còn kỳ bí, rùng rợn bởi không khí thâm u của chốn rừng sâu núi thẳm. Các điệp ngữ “chiều chiều”, “đêm đêm” cho thấy ngày nào cũng vậy, người lính luôn đối phó với những nguy hiểm rình rập. Từ “chiều chiều” gợi cảm giác buồn do láy âm “iu” và hai thanh bằng trầm. Đây cũng là thời gian giao hòa giữa ban ngày và ban đêm, ánh sáng và bóng tối, gợi cho những con người tha phương cảm giác buồn nhớ mông lung. Còn ban đêm, bóng tối bao trùm tăng thêm màu sắc huyền bí ghê sợ của rừng núi. Khung cảnh “oai linh” với tiếng thác gào thét, cọp gầm… mang không khí thần thiêng, ma quái. Có thể trước đây, người lính trẻ chỉ đọc thấy những điều này trong các sách dã sử, kiếm hiệp. Chi tiết “cọp trêu người” miêu tả rất hay cái dữ dội của rừng hoang. Con cọp xem con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé, yếu ớt để hù dọa, đùa bỡn. Thiên nhiên quá to lớn, dữ dội, con người quá nhỏ bé, yếu ớt, luôn bị cái chết rình rập.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

(…) Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời !

Trong điều kiện sống khắc nghiệt ấy, nhiều người đã bỏ xác dọc đường. Quang Dũng không ngại nói đến những hy sinh mất mát của người lính nhưng có điều, ông đã dùng biện pháp tu từ nhã ngữ để giảm bớt tính bi thảm của nó. Từ “lấp” mang hai ý nghĩa: sương mù che lấp đoàn quân. Nhưng cũng làm cho ta liên tưởng đến việc lấp đất, lấp cát… chôn người chết. Núi rừng Tây Bắc chỉ toàn đá và mây. Không dùng đá để lấp được thì dùng mây. Những người lính mỏi mệt, đầy thương tật đi trong sương mù. Nếu không đủ sức đi nữa thì giục xuống, bị sương lấp kín. Không ai nhìn thấy anh ta. Cụm từ “không bước nữa” là cách nói giảm (nhã ngữ) có tác dụng tránh gợi lên sự đau thương và tỏ lòng trân trọng, thành kính người đã khuất. Từ “gục” thể hiện rất hay cái thần thái dũng mãnh của người lính ngay cả trong lúc chết. Chi tiết “bỏ quên đời” có thể nảy sinh hai cách hiểu trái ngược nhau. Một là người lính đã gục ngã giữa cuộc hành quân, xác nằm đè lên súng mũ. Cái chết đến rất nhanh, không còn đủ sức để sửa soạn tư thế chết cho mình. Hai là người lính quá mệt mỏi, không đủ sức bước tiếp nên nằm gục xuống đất ngủ một giấc quên hết sự đời. Dù hiểu theo nghĩa nào, hai câu thơ vẫn nói lên được sự gian nan quá sức chịu đựng của người lính.

Để góp phần tạo dựng cái bi của cuộc hành quân, tác giả còn sử dụng nhiều thanh trắc lột tả cái dữ dội của núi rừng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “thác gầm thét”… Cách sử dụng địa danh cũng rất ấn tượng: to lớn (sông Mã), lạ lẫm (Sài Khao, Mường Lát, Mai Châu), dữ dội (Mường Hịch), xa xôi (Pha Luông)… Chúng tạo dựng cái khung cảnh xa lạ, hiểm trở của núi rừng, kích thích trí tò mò, ham phiêu lưu mạo hiểm của các chàng lính trẻ Hà Nội. Đồng thời, góp phần nói lên sự gian lao vất vả của người lính Tây Tiến.

Đối lập với sự gian gian chết chóc, người lính cũng có những phút giây lãng mạn, sống trong bầu không khí đẹp đẽ, ấm áp tình người. Trong đêm sương lạnh giá, người lính xa nhà cần nhất hơi ấm tình người. Và những hình ảnh đẹp của núi rừng đã đến sưởi ấm lòng người lính trẻ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Hình ảnh “hoa về” rất mới lạ, hơi khó hiểu và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tế nhị. Thông thường, hoa chỉ đứng một chỗ cho bướm ong tìm tới. Nay, hoa chủ động tìm tới bướm ong. Hoa có thể là một hình ảnh ẩn dụ chỉ các sơn nữ đã tới sưởi ấm lòng những chàng trai trẻ, giúp họ có thêm niềm vui trong cuộc sống. Nó đã trở thành những kỷ niệm không thể quên đối với các chàng lính trẻ hào hoa. Binh đoàn Tây Tiến cũng có nhiều kỷ niệm đẹp với những buôn làng đậm tình nặng nghĩa.

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(…) Nhớ ôi, Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Trên đường hành quân, người lính khổ sở nhất vì ba thứ: lạnh lẽo, đói khát, ít có cơ hội giao lưu với nhân dân. Mỗi lần gặp các buôn làng, những thiếu thốn ấy được đền bù đầy đủ: có lửa sưởi ấm (khói), có thức ăn ngon lành (cơm, thơm nếp xôi). Có người để trò chuyện, đặc biệt là các cô sơn nữ đang tuổi yêu đương khao khát giao lưu với những chàng trai trẻ. Cụm từ “mùa em” là một sáng tạo độc đáo và đa nghĩa. Đó có thể là mùa thu hoạch lúa, ngô của nhà em, suy rộng ra là mùa ấm no, hạnh phúc. Cũng có thể hiểu là mùa dậy thì của người con gái, mùa yêu đương đang bừng nở. Chỉ có hai từ mà tác giả vẽ lên được cái khung cảnh thi vị ngọt ngào của cuộc sống. Bạn đọc tự hình dung ra cái cảnh lãng mạn như sau: người lính trẻ ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, một cô gái xinh đẹp bẽn lẽn mang tới cho anh ta một chén cơm nếp xôi đầu mùa thơm phức… Những vất vả dọc đường hành quân đã tan biến theo làn khói bếp. Những câu thơ nhiều thanh bằng cũng góp phần diễn tả được tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng của người lính.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Ở đoạn hai, tác giả dùng thủ pháp kết hợp từ ngữ cùng trường ngữ nghĩa khi miêu tả cảnh sinh hoạt dân quân. Lửa trại được đốt lên, chữ “bừng” không chỉ thể hiện trạng thái bùng cháy của lửa mà cũng chỉ sự tưng bừng trong lòng người. Những cô sơn nữ mặc quần áo đẹp e ấp và nhảy múa theo điệu khèn của đồng bào miền núi. Tuy nhiên, những hình ảnh trên cũng gợi ta liên tưởng đến một đám cưới, do cách dùng từ ngữ đắc địa của tác giả. “Đuốc hoa” gợi liên tưởng đến cảnh “động phòng hoa chúc” của đôi trai gái đêm tân hôn. Từ “Xiêm áo” gợi liên tưởng đến trang phục cô dâu trong ngày cưới. Từ “e ấp” cũng làm ta nghĩ đến cử chỉ thẹn thùng của cô dâu. Và cả giọng khèn, điệu nhạc dập dìu cũng là những âm thanh tạo không khí vui vẻ của đám cưới.

Câu “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” cũng gợi nhiều cách hiểu thú vị. Đó có thể là mộng ước xây tổ ấm gia đình ở thủ đô hoa lệ. Hoặc cũng có thể là giấc mơ chiến thắng và thanh bình. Vì khi bộ đội tiến về Viên Chăn cũng có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn và mở ra thời kỳ hòa bình cho nước Lào tươi đẹp. Sự liên tưởng trong bốn câu này được xây dựng trên một cơ sở hợp lý. Trong những đêm lửa trại, những chàng lính trẻ chưa vợ và những cô sơn nữ chưa chồng gặp gỡ, múa hát bên nhau. Không ai có thể ngăn cản những ước mơ chính đáng của họ. Sự liên tưởng phóng túng ấy đã tạo không khí bông đùa, vui vẻ, xua tan những nỗi vất vả trên đường hành quân.

Ở đoạn hai, tác giả sử dụng kết cấu hợp – tan, hay đoàn tụ - chia ly. Đêm lửa trại tưng bừng gợi giấc mơ đẹp đẽ, tưởng rằng họ có thể bên nhau mãi mãi. Nhưng rồi, hôm sau những người lính lại ra đi, trước mắt họ là một chân trời mờ ảo.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Ở bốn câu này, tác giả vẽ lên một Tây Bắc mông lung. Buổi chiều sương lạnh lẽo khó nhận mặt người. Chữ “ấy” lại càng khó xác định thời gian vì Tây Bắc không có lịch. Cả không gian cũng không rõ ràng: “nẻo bến bờ”, không xác định được dáng người đi đâu về đâu trong dòng nước lũ đang cuộn chảy. Nghĩa là họ rất khó có thể gặp lại trong một không gian rừng núi bao la, hiểm trở và trong dòng thời gian cuộn chảy về dưới miền xuôi. Tác giả dựng lên một không gian quen thuộc của Tây Bắc: chiều sương, lau lách, con người, thuyền độc mộc, nước lũ, hoa... Nhưng khung cảnh ấy cũng phảng phất hồn bóng con người. Một nỗi buồn cô quạnh (“chiều sương”), một cuộc đời trôi nổi (hoa trong nước lũ)... Từ “hồn lau” là một sáng tạo độc đáo của tác giả. Ở đây, có sự kết hợp giữa con người (“hồn”) và thiên nhiên (“lau”). Đó là một sự kết hợp chặt chẽ như thể xác và tâm hồn. Nó xuất phát từ một tình yêu gần như máu thịt giữa những người lính với thiên nhiên và con người Tây Bắc. Điều này gợi chúng ta liên tưởng đến hai câu thơ của Chế Lan Viên cũng viết về Tây Bắc trong những năm tháng đó: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.

Một vấn đề nữa cần xác định ở đoạn này là dáng người trên thuyền độc mộc là ai. Có thể là một người dân bình thường nào đó, đàn ông hoặc đàn bà, già hoặc trẻ. Đây là những hình ảnh quen thuộc mà người lính thường gặp trên đường hành quân. Bởi vậy, cũng trở thành nỗi nhớ của họ. Nhưng bạn đọc cũng có quyền liên tưởng đó là các cô sơn nữ. Cơ sở để suy diễn như vậy là do sự kết hợp ngữ nghĩa giữa “dáng người” và “hoa” (hình ảnh ẩn dụ để chỉ thiếu nữ). Những chàng trai trẻ độc thân, hào hoa, đa tình không bỏ lỡ cơ hội ghi khắc vào tim hình dáng người đẹp trên thuyền độc mộc. Rồi từ đó, mỗi người có một kiểu mơ mộng khác nhau để tự sưởi ấm lòng mình trong suốt những chiều hành quân lạnh giá.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Tác giả dùng những nét vẽ gân guốc để dựng lên chân dung người lính. Những cụm từ gây ấn tượng và sự tò mò của độc giả là: “không mọc tóc”, “xanh màu lá”... Tác giả dùng thủ pháp “ý tại ngôn ngoại”, không nói rõ nguyên nhân của hiện tượng ấy. Bạn đọc cũng có thể tự tham gia sáng tạo cùng tác giả. Hình ảnh người lính không được đẹp, có thể là do hoàn cảnh sống khắc nghiệt, sốt rét, bệnh tật hoặc do ngụy trang, quân trang... Những từ “dữ”, “trừng” cũng rất mạnh mẽ, ấn tượng, cho thấy cái thần thái của người lính khi đối mặt với quân thù. Tuy nhiên, những từ ngữ này cũng có thể gây hiểu lầm là người lính quá dữ dằn. Thực ra, cái hành động, thần thái căm hờn này đã nhanh chóng tiêu tan giống như sắt nung gặp nước lạnh. Các cụm từ “mộng”, “” như những cơn gió mát trữ tình thổi vào người lính để điều hòa bớt chất thép khô cứng. Như vậy, người lính không chỉ có chất thép mà cũng có chất tình. Ta cũng thường thấy sự kết hợp hài hòa này trong thơ cách mạng.

Nếu như ở đoạn hai, tác giả tạo không khí vui vẻ, lãng mạn thì ở đoạn ba, tạo không khí buồn bã, bi tráng. Giấc mộng về Hà Nội chiêm ngưỡng “dáng kiều thơm” đã không thành hiện thực nữa rồi. Tác giả sử dụng khá nhiều từ Hán Việt có tác dụng tạo không khí trang trọng cổ kính khi nói về cái chết của người chiến sĩ: đoàn binh, biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành... Từ “áo bào” cũng tạo không khí chiến trận thời trung đại, tái hiện lại giấc mơ đẹp đẽ của người chiến sĩ lúc “Giã nhà đeo bức chiến bào” (Chinh phụ ngâm). Khi ra đi, tráng sĩ nào cũng mong ước ngày trở lại trong chiến thắng huy hoàng, được các kiều nữ ngưỡng mộ, tôn vinh thần tượng. Nhưng không phải ai cũng quay trở về. Nhiều tráng sĩ Hà thành đã bỏ xác dọc biên cương xa thẳm. Khi họ ngã xuống, không có da ngựa bộc thây, không có áo bào bao phủ, chỉ có một manh chiếu rách thay cho quan tài. Tác giả dùng từ “áo bào” để tôn vinh vẻ đẹp lúc ra đi nhưng dùng từ “thay chiếu” để gợi tả hiện thực nghiệt ngã. Đó là hai hình ảnh tương phản, cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc chiến. “Áo bào thay chiếu” nói lên chất bi tráng trong cái chết của chiến sĩ. Tác giả không trực tiếp nói đến cái chết mà bạn đọc vẫn hiểu được. Từ “về đất” là cách nói giảm (nhã ngữ) để tránh xúc phạm tới vong linh người mất, giảm bớt sự đau lòng cho người sống. Người chiến sĩ ấy sẽ không chết, vì anh đang trở về với đất mẹ như các nhân vật thần thoại. Người tử sĩ Tây Tiến về đất, bắt đầu cho một chu kỳ sống khác. Nghĩa là sự nghiệp và hình ảnh người lính sẽ bất tử với non sông Tổ quốc.

Bài thơ Tây Tiến có hai lần nhắc đến con sông Mã có tác dụng nhấn mạnh và gây chú ý về tầm quan trọng của nó. Con sông Mã là hình ảnh rất quen thuộc với người lính Tây Tiến nên dĩ nhiên là họ nhớ nhiều, nhắc nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn, con sông Mã là biểu trương cho núi rừng Tây Bắc. Bởi vậy khi nói đến sông Mã là ta hiểu tác giả đang nói đến Tây Bắc (theo hình thức hoán dụ, lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể). Có thể có nhiều con sông, con suối gắn bó với người lính không kém gì sông Mã. Nhưng tác giả vẫn chọn sông Mã vì nó to lớn hùng vĩ, thích hợp khi hát bài ca vang dội để ca ngợi sự vĩ đại của người lính. Mặt khác, sông Mã còn gợi nhớ đến hình ảnh con ngựa chiến của các tráng sĩ, góp phần tạo không khí cổ kính. Lý do tiếp theo để tác giả chọn con sông Mã vì nó có khả năng trường tồn, khác với những con suối nhỏ hoặc con vật có thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bởi vậy, ngàn năm sau, núi rừng Tây Bắc vẫn còn vang dội khúc tráng ca về người lính. Và lý do cuối cùng để tác giả chọn sông Mã vì nó chảy xuống đồng bằng, giao lưu với miền xuôi, nơi quê cha đất tổ của người lính. Sông Mã giống như một chiến mã đơn độc (độc hành), một sứ giả của Tây Bắc mang tin tức của người lính về quê hương của anh ta.

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Đoạn cuối bài thơ tái hiện lại buổi đầu ra đi chinh chiến của người lính Hà thành và cũng tổng kết lại kết quả của một chặng đường hành quân gian khổ. Khí thế buổi đầu ra đi thể hiện trong lời thề “đi không hẹn ước” ngày về. Cụm từ “mùa xuân ấy” gợi nhiều cách hiểu: có thể là mùa xuân khởi đầu cho một năm, tức là mùa xuân người lính giã từ quê nhà. Có thể là mùa xuân của cách mạng, bước khởi đầu của một chế độ. Hoặc cũng có thể hiểu là tuổi xuân của các chiến sĩ. Cách dùng từ như vậy là súc tích, đa nghĩa, buộc bạn đọc tích cực tham gia giải mã ý nghĩa ngôn từ. Nhưng con đường chinh chiến càng ngày càng xa thẳm, sự “chia phôi”, cách xa quê nhà càng lớn. Kết cục của cuộc hành quân đầy gian khổ ấy thể hiện trong câu cuối. Nhưng đây là một kết cục mở và đa nghĩa, gợi ra hai cách hiểu trái ngược nhau, thể hiện tính hai mặt của cuộc hành quân. Có thể hiểu theo nghĩa bi thương như sau: người lính hy sinh, xác và hồn ở lại nơi đất lạ quê người, không về miền xuôi được nữa. Hoặc cũng có thể hiểu theo nghĩa ngược lại: Đất và người Tây Bắc có sức quyến rũ, lôi kéo người lính ở lại, không còn mong muốn về xuôi nữa. Như vậy, một câu thơ vừa gợi nghĩa bi tráng, vừa gợi nghĩa lãng mạn, tổng kết hai cảm hứng chủ đạo của toàn bài.

Nhìn chung, trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã sử dụng khá thành công nghệ thuật ngôn từ. Trước hết là dùng nhiều biện pháp tu từ làm cho câu thơ hàm súc, giàu hình ảnh, gợi nhiều liên tưởng thú vị. Cách lựa chọn từ ngữ, địa danh, gieo vần, nhạc điệu… cũng rất thành công và có nhiều sáng tạo. Bài thơ được làm theo thể hành, ngôn từ vừa cổ điển nhưng cũng vừa hiện đại. Vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ trong bài thơ đã góp phần khắc họa thành công vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn của người lính Tây Tiến.

Bài đăng báo Giáo dục và thời đại, số 31/3/2018, in trong sách Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ Thi pháp học (chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền), NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018

 

Quốc Tỷ - (vào lúc: 02:02 - 02-17-2023)
Cụm từ hồn lau trong bài tây tiến là gì
Hiền trả lời:
Đây là từ sáng tạo của tác giả

Phamngochien.com - 15:06 - 26/04/2018 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận