Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014 đã tạo ra một bước đột phá lớn khiến nhiều người ngỡ ngàng, thú vị. Tuy nhiên, do đề thi quá mở nên Ban đề thi phải thận trọng đến mức công bố đáp án muộn hơn các năm. Sau khi thi môn Ngữ văn, họ lắng tai nghe ngóng sự đánh giá của dư luận rồi mới đi đến cân nhắc các phương án trả lời.
Sau khi thi môn Ngữ văn được vài giờ, đáp án gợi ý được các tờ báo tung lên mạng. Đáng chú ý nhất là việc xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn nói về biển Đông. Lời giải của các báo đều cho rằng đoạn văn này theo phong cách báo chí. Cùng ngày 2/6, tôi công bố trên mạng bài Bình luận đề thi TN THPT môn Ngữ văn năm 2014. Tôi cho rằng, đoạn văn này theo phong cách chính luận. Nhưng để an toàn, tôi nói nước đôi: "phải chấp nhận cả hai phương án trả lời: phong cách chính luận hoặc báo chí". Sau khi đăng bài phát biểu lên mạng, tôi hồi hộp chờ xem thử mình nói đúng hay sai.
Mấy ngày sau, đáp án của Bộ công bố: "Thí sinh xác định đúng một trong ba phương án sau: phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận kết hợp phong cách ngôn ngữ báo chí". Như vậy, một câu hỏi nhưng có ba phương án trả lời, nghĩa là nói kiểu nào cũng đúng. Cũng may đây là bài tự luận nên chấm kiểu nào cũng được. Chứ nếu theo hình thức trắc nghiệm thì máy không hiểu được sự lòng vòng trong bụng dạ con người.
Tôi ủng hộ cách làm của Bộ, không phải vì thấy Bộ sang trọng nên bắt quàng làm họ mà vì lâu nay tôi cũng coi trọng kỹ năng viết bài hơn là quan điểm. Ví dụ như bình luận câu: "Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Thí sinh sẽ có ba phương án trả lời: 1. Đúng hoàn toàn, 2. Sai hoàn toàn, 3. Vừa đúng vừa sai. Thí sinh có thể chọn phương án nào cũng được, miễn là lập luận hùng hồn, sắc sảo, đọc bài văn lên nghe rung động lòng người là được.
Cách đây hơn 20 năm, đề thi môn Sử ở Pháp có câu: Bạn nghĩ gì về sự kiện Liên Xô sụp đổ. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều phương án trả lời: 1. Tán thành, 2. Không tán thành, 3. Giận thì giận mà thương thì thương. Có lẽ các giám khảo chỉ chấm thao tác lập luận, còn quan điểm thì "Lấy học sinh làm trung tâm". Hèn chi, nghe nói học sinh các nước phương Tây yêu thích môn Sử dữ lắm !
Nhân mùa World Cup, tôi xin tạt ngang một chút nói về các cầu thủ bóng đá. Khi xem bóng đá, bạn chú ý đến quan điểm hay lối đá của cầu thủ ? Lắm lúc, ta nghe huấn luyện viên lầm bầm với danh thủ: "Có thể anh không thích tôi nhưng khi ra sân cỏ, anh phải đá thật đẹp mắt để làm vừa lòng khán giả". Tháng sau, cầu thủ đó chuyển sang đá cho đội khác. Tuy lập trường thay đổi nhưng anh ta vẫn tiếp tục đá bóng bằng những thao tác cực kỳ đẹp mắt và khán giả vẫn cổ vũ ầm ầm.
Phạm Ngọc Hiền
.