Giới thiệu sách "Phản ánh nghệ thuật trong Mỹ học của Lukács György" của Trương Đăng Dung

 

PGS Trương Đăng Dung vừa ra mắt bạn đọc chuyên luận “Phản ánh nghệ thuật trong Mỹ học của Lukács György”. Sách do NXB Khoa học xã hội phát hành tháng 12 năm 2018, bìa cứng, dày 295 trang. Ngoài phần nội dung chính còn có phần phụ lục đăng lại các tác phẩm dịch thuật của Trương Đăng Dung và lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy.

Lukács György (1885 – 1971) là nhà lý luận văn học Marxist người Hungary. Ông đề cao chủ nghĩa hiện thực, xem văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều luận điểm của ông không còn thích hợp trong bối cảnh văn học thế giới thế kỷ XXI. Nhất là khi văn học hậu hiện đại ngày càng phát triển và vấn đề sao chép hiện thực cuộc sống không còn là nghĩa vụ bắt buộc của văn học.

Trước đây, Trương Đăng Dung đã từng có nhiều công trình giới thiệu quan điểm Nhận thức luận của Lukács György đến với bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, ông thấy phải nhìn nhận lại Lukács György trên tinh thần mới. Trương Đăng Dung không phủ nhận hoàn toàn những đóng góp của chủ nghĩa hiện thực. Ông nêu lên những hạn chế để thấy rằng không nên quá lệ thuộc vào những lý thuyết của nó. Cần phải khắc phục những nhược điểm của cái cũ, sẵn sàng tiếp thu những ưu điểm của cái mới để phát triển nền văn học hiện đại.

Tác phẩm của Trương Đăng Dung:

- Nghiên cứu, lý luận: Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên, 1990), Văn học và hiện thực (in chung, 1990), Từ văn bản đến tác phẩm văn học (chuyên luận, 1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (chuyên luận, 2004)

- Dịch thuật: Truyện Kiều (dịch sang tiếng Hungary, 1984), Đứa trẻ mồ côi (Moricz Zigmond, 1987), Lâu đài (Franz Kafka, 1998), Thằng điên và quỷ sứ (Sarkadi Imre, 2000)

- Sáng tác: Những kỷ niệm tưởng tượng (2013)

Phạm Ngọc Hiền

 

 


Phamngochien.com - 08:38 - 31/03/2019 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận