Đọc "Phú Yên kháng chiến" của Hoàng Việt Sinh (Phạm Ngọc Hiền)

    Cách đây 64 năm, năm 1946, đèo Cả là giới tuyến giao tranh ác liệt giữa quân đội Việt Minh và Pháp. Phú Yên trở thành tuyến lửa thu hút sự chú ý của cả nước. Đáp ứng sự quan tâm của công chúng, nhà văn Hoàng Việt Sinh đã kịp thời cho ra mắt cuốn ký sự "Phú Yên kháng chiến" - NXB Hoa Lư,  H. 1946. Đây là một trong những cuốn sách ra đời vào loại sớm nhất trong chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng đồng thời là cuốn sách đầu tiên thuộc thể loại ký viết về tỉnh Phú Yên.

     Cuốn sách gồm có các phần sau: Tinh thần đồng bào Phú Yên, Tình hình sinh hoạt ở Phú Yên, Phong cảnh Phú Yên, Tính chất người Phú Yên, Khởi nghĩa Phú Yên, Phú Yên kháng chiến, Địa vị trọng yếu của Phú Yên và mối liên quan giữa Phú Yên với các miền bị chiếm. Dễ nhận thấy rằng, tác giả muốn giới thiệu một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về Phú Yên. Vì biết địa danh này còn xa lạ với số đông người dân Hà Nội thời đó nên mở đầu cuốn sách, tác giả viết:"Phú Yên ! Tỉnh thành xa xăm quá, mà có lẽ bé nhỏ quá cho nên ít được công chúng thủ đô biết đến  (...) ít ai để ý đến tỉnh "cảm tử" cuối cùng của mặt trận hiện nay". Sau khi giới thiệu tầm chiến lược quan trọng của Phú Yên, tác giả đi vào giới thiệu chi tiết điều kiện địa lý, lịch sử, kinh tế, phong tục tập quán của người dân.  "So với các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung - bộ thì sự sinh hoạt ở đây có phần dễ dàng hơn hết (...) Phú - yên ít có bóng người hành khất hay nạn thất nghiệp. Vì những duyên cớ rõ rệt: người ít, ruộng nhiều, công việc nhiều". Trong khi các tỉnh Bắc Bộ vừa trải qua nạn đói khủng khiếp làm hai triệu người chết thì dân Phú Yên vẫn "no đủ như thường". Hoàng Việt Sinh cho rằng, người Phú Yên giỏi buôn bán và làm kỹ nghệ (có lẽ tác giả chỉ chú ý đến khu vực thành thị). Nhưng các thương gia và kỹ nghệ gia Phú Yên không chú ý đến việc khuếch trương hàng hoá của mình ra bên ngoài mà chỉ lo "cung cấp cho mình đầy đủ quá". Nói cách khác, người dân Phú Yên sống no đủ theo kiểu tự cung tự cấp. Tác giả cũng so sánh giá cả giữa Phú Yên và Hà Nội để thấy được dân chúng nơi đây có cuộc sống dễ chịu nhất so với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ. "Đất nhiều ruộng tốt, cho nên về gạo cơm cũng như các thực phẩm, hàng hoá khác rất rẻ. Khách tiêu 100 $ ở đây có thể trị giá gấp bội ở thủ đô. Cốc cà phê rất thơm và đầy chỉ có 0 $ 50, quả trứng 0 $ 50, các thứ bánh ngọt từ  0 $ 10 giở lên đến 0 $ 50 là nhiều. Bữa cơm 2 $ thế mà tưởng chừng như bữa cơm sang trọng nhất ở những quán khách sang trọng Hà-thành". Tác giả đã nhận xét đúng, không chỉ thời đó mà ngay cả bây giờ, giá cả ăn uống ở Phú Yên cũng chỉ bằng một nửa so với Hà Nội, Sài Gòn. Tác giả đã đưa ra viễn cảnh tươi sáng của của nền kinh tế Phú Yên như sau: "Rồi ra, Tuy-hoà sẽ là nơi đô hội lớn nhất của miền Nam. Tuy-hoà sẽ là nơi trung gian cho sự liên lạc của ba xứ Trung, Nam, Bắc và sự sinh hoạt dễ dàng nhất có lẽ là nơi đây... tỉnh Phú-yên".

     Về địa lý tự nhiên, Hoàng Việt Sinh cho rằng, so với các tỉnh khác thì Phú Yên ít cảnh đẹp. Hình ảnh tháp Nhạn cổ kính đã gợi tác giả nhớ đến những câu thơ sầu của Chế Lan Viên. Tác giả cũng nhắc đến cái "nhất" của Phú Yên là có cây cầu dài nhất Việt Nam bắc qua sông Đrang (Đà Rằng): "Sông rộng và dài quá nên cầu bắc ngang cũng dài hơn đâu hết; trên mặt sông êm đềm 22 nhịp cầu lơ lửng nằm ngang". Tuy Hoà còn có cái gió đặc biệt khác với các tỉnh miền ngoài. Bởi vậy mà nhà thơ Trần Mai Ninh (có mặt trong đoàn quân Nam Tiến thuở ấy) đã thốt lên: "Ơ cái gió Tuy Hoà / Cái gió chuyên cần và phóng túng". Còn Hoàng Việt Sinh cũng nhận xét về cái gió ở đây như sau: "Mỗi khi gió bể thổi vào, bụi cát bay mù trời, sức nóng không ít, làm khách bộ hành đi qua rất khó chịu". Người Tuy Hoà thường nghĩ, chỉ có Phan Rang, Phan Thiết là xứ nóng, nhưng dưới con mắt người Hà Nội thì Tuy Hoà cũng là xứ nóng.

    Muốn xác định đặc trưng của một vùng, người ta thường căn cứ vào những nhận xét của người vùng khác. Dưới con mắt của văn sĩ Bắc Kỳ Hoàng Việt Sinh, người Phú Yên có những nét độc đáo sau: "1) Về hình thể: Người Phú - yên có thể nói là tượng trưng của những thân hình lực sĩ, vạm vỡ bên Hy-lạp. Nước da cháy nắng ngăm ngăm đen, chắc nịch";"2) Về y phục: Ta không tìm được ở người Phú - yên một vẻ gì xa hoa, phù phiếm, đài các hoặc màu mè (...) Hình như việc phục sức là một việc phiền phức đối với họ, với những kẻ ưa sự giản dị, căn cơ làm lụng"; "3) Tiếng nói: Tiếng nói người Phú - yên lơ lớ gần tiếng Quảng -ngãi, nhẹ hơn tiếng Bình- định... và có vẻ hùng hồn, mạnh bạo lắm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều danh từ chưa được thanh nhã như người thủ đô sẵn có"; "4) Tính chất: Người Phú -yên rất trung thực và thẳng thắn. Vì thẳng thắn quá mà đôi khi thiếu xót ít nhiều trong câu chuyện xã giao. Tính chất người Phú -yên là tính chất của những hiệp sĩ đời trang cổ, vị nghĩa và ngay thẳng"; "5) Học vấn: Họ không có quan niệm nuôi các quan trường. Sinh viên đại học ở đây rất ít. Học để biết, để hiểu thôi, rồi về buôn bán"; "6) Văn - hoá: Nền văn-hoá ở đây chưa rõ rệt lắm. Ngành mỹ thuật, âm nhạc, văn chương và các ngành khác đều không có một quy định nào". Trong các nhận xét trên, mặc dù có đôi chỗ còn phải bàn luận nhưng cũng có nhiều điểm rất đáng để người dân Phú Yên suy ngẫm.

    Nội dung chính của cuốn sách là lịch sử cách mạng tỉnh Phú Yên từ 1945 trở đi. Tác giả đã tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Phú Yên chỉ xảy ra cách đó vài tháng: "Khởi nghĩa ! Hai tiếng thiêng liêng ấy đã từ miệng người này truyền sang người khác nhanh chóng vô cùng (...) Dân chúng hoan hô nhiệt liệt và gia nhập hàng ngũ rất đông. Những cuộc biểu tình liên tiếp, những bài hát cách mạng và những khẩu hiệu vang dậy khắp trời đã làm phấn khởi hết thảy mọi người". Cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên hơi muộn hơn các tỉnh khác. Chính quyền non trẻ vừa mới thành lập thì quân Pháp từ Nha Trang đã kéo ra gây chiến định chiếm lại toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Lúc bấy giờ, tỉnh Phú Yên "đóng vai trò cực kỳ quan trọng về quân sự cũng như về chính trị. Hơn thế nữa, Phú-yên đã là mối liên quan giữa nó và các tỉnh miền Nam bị chiếm". "những người dân Phú-yên đã tự nhiên trở nên những tên lính cảm tử, đang đương đầu cho Tổ quốc ở mặt trận Nam hiện nay". Tác giả thường nhắc đi nhắc lại rằng, người dân Phú Yên sẽ sẵn sàng hy sinh trên mảnh đất của mình. "Họ đã cùng nhau ban bố một khẩu lệnh: "Tuy- hoà mất thì người Tuy- hoà không còn nữa". Cho nên không một ai được bỏ đi ra khỏi tỉnh nếu không có mệnh lệnh (...) đào ngũ thì chỉ có một tội: tử hình. Không khí ở đây rất là trang nghiêm và quyết liệt". Tinh thần cảm tử đó được tác giả miêu tả sinh động qua những từ ngữ mang màu sắc cổ kính vốn phổ biến trong văn chương thời ấy: "Vũng Rô "đèo Cả" cách Tuy-hoà độ 30 cây số đã làm cho giòng máu người Việt đời Trần trong đêm truyền hịch của Hưng - Đạo -Vương rạo rực (...) người Phú - yên đã biểu lộ lòng yêu nước tuyệt đối. Câu "thề phanh thây uống máu quân thù" quả là lời tâm niệm in sâu trong óc họ"...

    Theo lời Nhà xuất bản Hoa Lư, cuốn sách được in ngay trong lúc "tiếng súng vẫn đang nổ" ở Phú Yên. Hoàng Việt Sinh đã kịp thời mang lửa từ Phú Yên ra góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong công chúng thủ đô. Tác phẩm không chỉ có tính thời sự nóng hổi, mà còn là một tài liệu lịch sử, khảo cứu có giá trị lưu giữ những năm tháng hào hùng của dân tộc. Cuốn sách cũng giúp cho bạn đọc cả nước hiểu biết hơn về Phú - yên, một tỉnh nhỏ khiêm nhường mà anh dũng trong buổi đầu kháng chiến.

                                                                                                                    PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 05:43 - 21/12/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận