Chuyện lớp tôi (Phạm Ngọc Hiền)

Bài viết về bạn bè cùng khóa với tôi nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường THPT Lê Hồng Phong - Phú Yên (1977 - 2017)

 

CHUYỆN LỚP TÔI

Trong suốt quãng đời đi học, có lẽ thời điểm đáng nhớ nhất là những năm tháng học trung học phổ thông. Đây là cái mốc bản lề kết nối giữa hai tuổi thiếu niên và thanh niên, giữa trường học và trường đời. Tôi cũng có những kỷ niệm đáng nhớ ở trường THPT Lê Hồng Phong - Phú Yên.

Tôi bước vào lớp 10 năm 1987. Những bạn cùng khóa với tôi hãnh diện ghê gớm khi vừa trải qua một kỳ thi chuyển cấp rất khó khăn, chỉ có một nửa số thí sinh được tiếp tục mộng đèn sách. Nhưng những thử thách và sàng lọc vẫn tiếp diễn. Đầu cấp, khóa tôi có 10 lớp chính khóa và 2 lớp ngoại khóa. Nhưng cuối cấp, chỉ còn 6 lớp chính khóa và 1 lớp ngoại khóa. Có gần nửa số học sinh đã rơi rụng trong ba năm học. Vì thế, phiên hiệu của lớp tôi cũng thay đổi từng năm: 10A7, 11B6, 12C5.

Lớp tôi được gọi là lớp Hòa Đồng, còn có tên cúng cơm là lớp Hòa Chuột. Bên cạnh đó là các lớp Hòa Đỉa, Hòa Dế, Hòa Nhái, Sắn Lùi, Bông Bí... Học sinh lớp Hòa Đồng có nhà ở gần trường nên thường xuyên "chạm mặt" các thầy cô mỗi lúc đi chợ chiều Phú Diễn. Có bạn mặc quần áo làm đồng, kéo cộ bò, thấy thầy cô đi ngang qua, cúi mặt xuống, ngại không dám chào... Mỗi lần ở trường có phong trào gì, các thầy cô cũng thường kêu lớp Hòa Đồng tới làm phụ bởi lẽ "tụi nó nhà ở gần trường".

Lớp tôi có truyền thống hoạt động phong trào rất sôi nổi, thường giật cờ luân lưu hằng tuần. Nhiều thầy cô chủ nhiệm các lớp khác cũng thường nhắc học sinh lấy lớp tôi làm gương. Ấy là tôi nói chuyện phong trào, chứ còn việc học vẫn thua một số anh hùng hào kiệt của lớp khác, nhất là lớp Hòa Bình. Thời học sinh của chúng tôi, ít có những con mọt sách và cũng ít bị chi phối bởi những loại sách báo linh tinh. Chúng tôi chỉ bám vào sách giáo khoa, làm hết các bài tập trong đó là đủ, học gì thi nấy...

Ngoài thời gian học ở trường, chúng tôi còn làm phụ việc cho gia đình. Đó là những công việc thường thấy ở nông thôn như: trồng trọt, chăn nuôi, làm thợ, buôn bán... Bởi vậy, đứa nào cũng có bàn tay chai sạn. Mấy mươi năm sau gặp lại ở phố thị, bắt tay nhau, vẫn cảm giác được cái chai sạn ấy. Ban ngày, chúng tôi học một buổi, đi làm một buổi còn buổi tối dành cho việc ôn bài. Thắp cây đèn hột vịt leo lét mà vẫn sợ tốn tiền dầu. Một số bạn cũng tham gia học nhóm, nhưng mỗi buổi tối gặp nhau, chỉ tán gẫu là chính.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ thời trung học là các buổi đi lao động trồng cây bạch đàn ở các núi đồi Hòa Mỹ, Hòa Phong... Chúng tôi dùng rựa phát cây, dùng xà beng chọc thủng đất rồi cắm cây bạch đàn nhỏ vào, lấp đất lại. Buổi trưa, chúng tôi bẻ nhánh cây rừng làm đũa ăn cơm khô. Một bạn làm nghề nấu rượu, mang theo một bi đông rượu và chuyền cho mỗi bạn nam một hớp nhỏ. Thầy giáo chủ nhiệm phát hiện, cũng uống thử và khen "Rượu ngon đó chớ !". Ăn uống xong, chúng tôi ngủ trưa dưới lòng suối khô cạn, phía trên rợp bóng cây rừng. Nằm nghe gió hát, chim ca và tiếng cười rúc rích...

Từ năm học lớp 11, một số nam nhi của lớp cũng quan tâm tới chuyện tán gái. Ban đêm, họ đạp xe đi từng đoàn, mang đèn pin, khi nào pin hết thì cũng thường lên bờ xuống ruộng. Các chàng Hòa Đồng thường đi tán các nàng Hòa Bình. Một vài anh chịu khó đi xa lên tận Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong 4. Sáng hôm sau tới trường, mang chuyện tối qua ra bàn, thỉnh thoảng liếc tìm bóng hình ai đó. Một vài lá thư tình chuyền từ lớp này sang lớp khác. Nàng nhận thư rồi lặng im. Chàng thẫn thờ chờ đợi trong tiếng ve râm ran báo hiệu năm học cuối đã đến...

Trên đây là chuyện của lớp tôi nhưng có lẽ cũng là chuyện của những lớp cùng niên khóa 1987 - 1990 của trường Lê Hồng Phong. Từ khi trường được thành lập năm 1977, có mấy chục khóa học sinh đã đến rồi đi, làm sao nhớ nổi nếu không có một đặc điểm nào đó ! Khóa chúng tôi vào trường khi đất nước vừa mới thoát khỏi thời bao cấp nhưng cũng chưa hẳn tiếp cận với kinh tế thị trường. Chúng tôi là khóa đầu tiên của trường học tiếng Nga nhưng rồi lỡ duyên. Chúng tôi là khóa đầu tiên được học thơ Mới và Tự lực văn đoàn (tính từ sau 1975). Và cũng là khóa chuẩn bị chia tay với chương trình giáo dục cũ... Đó là một cái khóa học lơ lửng, có tính bản lề. Một niên khóa đáng nhớ...

Phạm Ngọc Hiền


Phamngochien.com - 15:02 - 31/08/2017 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận