CHỢ QUÊ NGÀY TẾT (Phạm Ngọc Hiền)

Một năm vui nhất là ngày Tết. Muốn biết không khí chuẩn bị Tết vui đến mức nào và đời sống tinh thần, vật chất của một vùng quê ra sao, ta hãy đến chợ Tết. Sau đây là một phiên chợ Tết điển hình ở làng quê Tuy Hòa, Phú Yên.

Người ta chuẩn bị hàng để bán chợ tết từ nhiều ngày trước. Có thể thấy rõ cái không khí rạo rực ấy qua những tiếng đòn gánh kẽo kẹt trên các ngả đường quê từ lúc trời chưa sáng. Người ta đi chợ sớm cũng có một phần do háo hức ngủ không được. Nhưng nguyên nhân chính là để giành một chỗ ngồi bán. Chợ không chứa đủ người nên họ tràn cả ra đường. Đường quê sáng hôm ấy gần như bị nghẽn. Tiếng còi xe ô tô, xe gắn máy, xe bục bịch đua nhau khoe chất giọng inh ỏi. Chen lẫn là những âm thanh hỗn tạp của gà, vịt, heo, bò... Một chú gà trống cất tiếng gáy to như để thiên hạ chú ý đến sự hiện hữu của mình trên cõi đời này. Những chị vịt cãi nhau quàng quạc với vẻ mặt thắc mắc tại sao hôm nay ông chủ không lùa mình ra đồng mà trói lại như thế này. Những chú lợn con nhựa sống căng tròn cũng góp mặt với đời bằng những tiếng kêu eng éc. Nhưng nổi bật hơn hết là những tiếng cười nói của con người. Dòng âm thanh sống động ấy chảy thành một con suối tuôn vào chợ. Tôi hòa vào dòng người và bị cuốn đến hàng cá. Loài cá thì xưa nay bao giờ cũng ít nói nhưng bù vào đấy, những bà bán cá thì quá nhiều lời. Bỗng tôi nghe tiếng âm thanh hỗn loạn phía sau. Thì ra một chiếc Honda 67 đang chẻ dòng người ra làm hai như người ta bổ củi ngày Tết. Hai thúng cá biển to tướng đặt ở hai bên xe. Ngồi trên là một bà mập ú. Anh chồng lái xe luôn mồm hét: "dô, dô, dô, dô...". Người ta chạy dạt ra hai bên. Số còn lại chúi đầu vào hai dãy cá, giơ những cái mông ra chào. Một bà bị càng xe hút vào mông té nhủi, mặt úp xuống chậu cá trê ngạnh tua tủa. "Trời đất ơi, đui hổng có mắt hay sao dẫy?". Anh tài xế vẫn ra vẻ thản nhiên hét tướng lên "dô, dô, dô...".

Tôi lại bước sang hàng thịt trong tiếng cò kè giá cả mang tính cổ truyền của kẻ bán người mua. Một bà bán thịt heo to như hộ pháp, ngồi chống nạnh trên tấm phản một cách oai vệ như nữ tướng thời bà Triệu. Với hai bàn tay đỏ lòm những máu, bà cầm thanh dao phay bổ phầm phập một cách điêu luyện xuống những khúc xương trắng nhởn. Trước mặt bà là một hàng thủ cấp máu rỏ lòng thòng. Vừa chặt thịt vừa luôn miệng chửi địch thủ: "Nẫu mua của ai thì nẫu mua, chớ mắc mớ gì bà níu kéo người ta lại". Bà bị chửi không to tiếng cãi lại mà trong miệng lầm bầm những câu gì đó giống như niệm thần chú. Chán cảnh hàng thịt, tôi sang hàng rau. Gặp hai bà đứng giữa lối đi để tâm sự với nhau: "Trời ơi, lâu quá mới gặp lại chị á. Dẫy nay con cái có gia đình hết chưa?". "Chưa. Thằng lớn thì lấy vợ ở dưới Hòa An, con giữa thì lấy chồng lên Hòa Hội rầu. Còn lại thằng út nay học ở trường cấp ba Trần Quốc Tuấn". "Dẫy nha, biểu nó lấy con gái tui cho rầu"(Hai bà cười giòn tan). "Bữa nào có dịp ra Hòa Quang ghé nhà tui chơi" "Ời, còn bà Tết nay nhớ tới nhà tui chơi đó nghen, quên là hổng được đó". Hai bà chia tay nhau bằng một nụ cười rất Việt Nam. Cả chợ người được ủ ấm trong nắng xuân. Gió từ cánh đồng thổi vào chợ mang theo hương lúa ngạt ngào hòa lẫn với mùi thơm mồ hôi của các bà, các cô và đủ các mùi vị khác của nông sản tươi rói tạo thành một thứ mùi không tên của chợ búa. Đâu đây thoảng tới mùi hương trầm ấm cúng. Nắng chiếu lấp lánh trên những hàm răng đen và trắng của những khuôn mặt đã từng sạm màu 30 năm chiến tranh.

Tôi cố lách đám người để tới chỗ một chị bán đậu ve. Nhìn vẻ mặt thèn lẹn của chị, tôi biết đây không phải là người buôn bán chuyên nghiệp. Một năm chỉ ngồi ở chợ vài buổi để bán những thứ rau quả mà nhà tự trồng lấy. Tôi hỏi trước: "Nửa ký đậu ve là bao nhiêu dậy chị?". Chị ta lúng túng trả lời: "Hai ngàn đó anh". Tôi định bỏ đi thì chị vội nói: "Chớ anh nói bao nhiêu?" "Ngàn rưỡi". Chị mượn ký của người bên cạnh, cân xong, chưa đưa cho tôi vội mà hai bàn tay mân mê thành quả lao động của mình suốt những tháng ngày vất vả. Gói lại cẩn thận đưa cho tôi rồi mà khuôn mặt chị vẫn còn phân vân vì không biết bán như vậy có làm thiệt thòi cho người mua hay không? Sợ người ta cho rằng mình vì ham tiền mà buôn bán không đứng đắn nên chị có vẻ muốn gọi tôi lại để bỏ thêm cho một ít nữa.

Tôi đi sang hàng kẹo bánh. Bất chợt gặp người quen là một cô học sinh lớp 11. Chắc đã thấy tôi trước nên cô cúi đầu thật thấp, để cái nón lá che gần hết khuôn mặt học trò. Để khỏi ngượng cho cả hai, tôi sang chỗ khác xa hơn và mua một tí bánh thuẫn, rim gừng, nhang giấy v.v... cho ba ngày tết. Đang mải mê triết lý về văn hóa chợ búa, tôi suýt đâm vào một chú ngựa thồ đang đứng nép mình vào hàng rào dâm bụt cuối chợ. Chú đang nhâm nhi một loại thực phẩm tươi xanh được trồng trên những dải cát của sông Đà Rằng lộng gió. Tôi cảm thấy vui vui khi nhìn chú ngựa đang ăn Tết trước tất cả mọi người.

Tôi lại hòa vào dòng người tuôn ra cổng thứ hai của chợ. Tay ai nấy cũng xách nặng giỏ. Thoảng hoặc cũng thấy có một vài người đi tay không. Có lẽ họ đi chơi chợ Tết cho vui, ở nhà rạo rực không chịu được. Tôi đến chỗ giữ xe. Hôm nay đông người nên cô gái giữ xe không niềm nở như mọi ngày vì phải bận phân phát nụ cười cho rất nhiều người. Tôi ngạc nhiên: "Ủa, sao hôm trước giữ xe lấy chỉ 500 đồng mà hôm nay lấy tới 2000 đồng dữ vậy?". Cô gái cười ngượng ngùng và nói ấp úng "Tết mà chú". Tôi cũng đành nở một nụ cười mừng thầm cho cô ta.

                                                                                        Tuy Hòa Bắc, 1999

PHẠM NGỌC HIỀN

 

Phạm Thị Ngọc Sương (văn phòng Sở Nông nghiệp Phú Yên) - (vào lúc: 11:03 - 03-12-2010)
Bài viết đã phản ánh rất chân thật phiên chợ tết cuối năm ở vùng quê Phú Yên. Tôi rất thích tác giả dùng nhiều từ ngữ đậm chất "nẫu" và thể hiện được đức tính thật thà, hiền lành của người dân quê tôi trong đoạn thoại của "Hai bà đứng giữa lối đi để tâm sự với nhau" và nhiều đoạn khác trong bài. Chúc tác giả sức khỏe và có nhiều bài viết đậm chất truyền thống như thế để lưu giữ những vẻ đẹp quê hương.
Đào Văn Chánh (GV trường Trần Quốc Tuấn - Phú Yên) - (vào lúc: 17:02 - 02-19-2010)
 Đọc bài viết này, mình thấy tác giả chỉ dừng lại ở một vài cảm giác tản mạn. Mình mong chờ một cái gì đấy bao quát hơn, suy tư hơn... Nếu mình không nhầm thì hình như bài viết này nói tới chợ Phong Niên (Hòa Thắng) ?
Phạm Ngọc Lân (Phó giám đốc Nhà máy xi măng Cosevco - Phú Yên) - (vào lúc: 11:02 - 02-18-2010)
Không biết có phải đây là phiên chợ ngày 30 tết. Phiên chợ này người mua, người bán ai cũng háo hức kể cả các "bác tài" chở các bà chị, bà mẹ đi chợ. Hồi mình còn ở nhà, thì hầu như năm nào cũng chở bà già đi chợ tết.    
Nguyễn Kim Tiến (TP. Tuy Hòa) - (vào lúc: 13:02 - 02-15-2010)
Mình rất thích bài " Chợ quê ngày tết" mới đăng của bạn. Nhưng mình hơi thắc mắc, giá đậu ve sao rẻ vậy ? ít ra cũng 10.000 đồng một ký

Phamngochien.com - 22:06 - 13/02/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận