Cảm nghĩ về một bức tranh (Phạm Ngọc Hiền)

     Tôi thích chơi tranh nhưng ít khi treo tranh trong nhà. Vì lý do nhà chật và những người xung quanh ít quan tâm tới tranh nghệ thuật (có cũng được, không có cũng chẳng sao). Một phần nữa, mua tranh đẹp thì hơi đắt, tự vẽ tranh thì hơi… xấu. Nấn ná mãi, cuối cùng, trong dịp chuẩn bị đón tết 2020, tôi quyết định chơi một bức tranh hoành tráng cho thỏa lòng yêu thích nghệ thuật.

     Tôi đi lang thang tới các hiệu tranh trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 nhưng chưa chọn được những bức tranh ưng ý. Tôi vào google tìm tranh và khi đoán được bụng dạ của tôi, anh facebook nhảy vào quảng cáo ngay. Qua các trang quảng cáo, tôi cũng tìm được vài bức tranh ưng ý. Và sau khi đặt cuộc hẹn qua tin nhắn, tôi tới tận xưởng bán tranh. Hóa ra, nó không nằm trên mặt đường mà nằm trong một căn hộ chung cư cao cấp ở quận 8 (hình như ở tầng 30). Trong một căn hộ, có nhiều phòng, nhiều tầng, có bậc thang lên xuống như nhà lầu ngoài phố. Khi vào đến văn phòng công ty, tôi thấy có gần 20 cô gái ngồi bên máy tính. Ban đầu, tôi cứ nghĩ đó là những người học vẽ trên máy tính. Sau đó, mới biết là nhân viên tiếp thị quảng cáo tranh. Một công ty vẽ tranh mà có gần 20 nhân viên tiếp thị !!! Nghe nói khách hàng đông lắm, họ đặt hàng qua mạng rất nhiều, nhất là dịp tết. Hóa ra, bán hàng trên mạng có lời hơn bán hàng ở cửa hiệu.

     Tôi được nhân viên dẫn vào một phòng vẽ tranh. Tại đây, tôi cũng chứng kiến thêm nhiều cái mới, từ chất liệu màu vẽ tranh, vải và khung vẽ, quy cách đóng khung…Tôi vốn cũng là thợ vẽ nhưng vì vẽ xấu quá nên phải bỏ nghề để đi làm nghề dạy học. Nhưng nhờ dạy ngành Văn nên cũng biết chút ít lý luận nghệ thuật. Tôi nêu ý tưởng cho họa sĩ vẽ. Sau khi vẽ xong, nhân viên chụp hình gửi qua zalo để tôi xem góp ý. Vì thấy có nhiều chỗ cần phải sửa, tôi tới xưởng vẽ lần nữa để trao đổi trực tiếp với họa sĩ. Thỉnh thoảng, tôi cũng cầm cọ, pha màu và vẽ vào vài chỗ (thật thú vị khi mình cũng góp thêm vài đường nét cho bức tranh). Có lẽ anh họa sĩ chưa gặp khách hàng nào kỹ tính như tôi. Anh nói: “Mỗi người một ý, anh thích như vậy nhưng người khác lại thích kiểu khác”. Vâng, đúng vậy, nghệ thuật là chín người mười ý. Nhưng cái nào đúng theo ý mình thì sẽ thích hơn. Và cuối cùng, tôi cũng có một bức tranh tương đối theo ý muốn.

      Đó là bức tranh vẽ ruộng bậc thang Tây Bắc. Nội dung của nó vừa hiện thực nhưng lại vừa… siêu thực. Những đám ruộng được làm trên sườn núi, vòng vèo uốn lượn, đánh đố như tranh siêu thực. Đối với người dân sống ở miền xuôi và quen nhìn những cánh đồng phẳng lỳ thì ruộng bậc thang Tây Bắc quả là một kỳ quan. Nó vừa là kỳ quan thiên nhiên, vừa là kỳ quan lao động, không chỉ là lao động cơ bắp mà còn là lao động nghệ thuật. Trong quá trình lao động, người dân Tây Bắc đã sáng tạo nên một bức tranh nghệ thuật. Nhìn bức tranh ấy, người ta hình dung ra quá trình lao động vất vả từ nhiều đời để tạo ra những nấc thang no ấm. Có nhà văn nói rằng, hồi năm 1945, trong khi ở miền xuôi, có 2 triệu người Kinh chết đói thì ở Tây Bắc, những đám ruộng bậc thang của đồng bào Mèo vẫn tươi tốt, màu mỡ. Lúa trên ruộng bậc thang hút nước sương mà sống, không cần phải có hệ thống thủy lợi và cũng không lo lũ lụt mất mùa. Không cần chăm sóc nhiều, nó cứ sống hồn nhiên như người miền núi vậy.

     Tôi treo bức tranh ở gian phòng nấu ăn. Mỗi lần nấu ăn, tôi nhìn lên bức tranh và nghĩ đến người làm ra hạt gạo. Bản thân tôi ngày xưa cũng làm ra hạt gạo. Bức tranh gợi cho tôi sự hồi tưởng về quá khứ và mơ ước tương lai (sẽ đi thăm ruộng bậc thang ở Tây Bắc, ngồi trong căn nhà chông chênh ở sườn núi ngắm cảnh yên bình). Bức tranh đẹp là bức tranh có khả năng gợi liên tưởng và khơi dậy ước mơ…

Phạm Ngọc Hiền

Địa chỉ vẽ tranh: satoart.net

https://www.facebook.com/SatoArt.sondau/

 


Phamngochien.com - 06:27 - 19/12/2019 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận