Ngày xưa, ở một làng nọ, có hai vợ chồng sinh sống bằng nghề đốn củi, tuy nghèo nhưng họ sống rất tình cảm, chan hòa, thường hay làm phúc, giúp đỡ mọi người xung quanh. Chung sống với nhau nhiều năm nhưng vẫn chưa có con, họ ngày đêm cầu Trời, khấn Phật, xin một đứa con cho vui nhà vui cửa.
Ông Trời cảm thấu được lòng thành của họ nên đã cử một vị thần xuống trần đầu thai, người vợ có bầu rồi sinh một bé trai có dung mạo khác thường. Đứa bé ăn rất khoẻ và mau lớn, ở tuổi thiếu niên, nó đã có thân hình cao lớn, thích chơi đùa với các loài thú và đôi khi còn dám rượt đuổi cả cọp dữ. Vì thế, người làng đặt tên nó là chàng Cọp.
Sau khi cha mẹ qua đời, chàng Cọp sống một mình trong căn lều nhỏ ven rừng. Chàng chăm chỉ làm ăn và thường xuyên giúp đỡ dân làng, có việc gì khó khăn, dân làng đều đến nhờ giúp và chàng luôn nhiệt tình giúp đỡ họ đến nơi đến chốn. Bởi vậy, ai cũng quý trọng chàng.
Vào thời đó, Cọp, Beo nhiều vô kể, chúng kéo nhau cả đàn ra làng bắt heo, gà, có khi còn tấn công cả người. Mỗi lần vô rừng lấy củi hay tìm sản vật, dân làng phải đi nhiều người. Riêng chàng Cọp thì không sợ chúng, hàng ngày vẫn vô rừng một mình, các loài thú dữ đều né tránh khi thấy chàng. Để giúp dân làng có cuộc sống bình yên, an tâm làm ăn sinh sống, chàng Cọp đã đánh đuổi cọp beo, khiến chúng phải kéo nhau đi nơi khác.
Rồi một ngày nọ, người ta không thấy chàng Cọp đâu, mọi người nghĩ chắc là chàng đã đi nơi khác làm ăn. Nhưng từ khi vắng chàng Cọp, làng xóm không còn được bình yên như trước, thú dữ lại kéo về hoành hành, cuộc sống bị xáo trộn, đói khổ. Dân làng cử người đi khắp nơi tìm chàng Cọp nhưng không thấy. Một đêm nọ, có người già trong làng nằm mơ thấy một vị thần hiện ra và nói:
- Ta là con Trời, được Trời sai xuống đầu thai làm chàng Cọp để giúp dân làng, nay đã hết hạn ở trần gian nên ta lại trở về trời. Các người muốn có ta ở gần bên để trị thú dữ, hãy lập bức bình phong thờ thần Cọp trước đình. Khi nào có việc gì cần, các người cứ đến đó khấn nguyện, ta sẽ xuống trần giúp đỡ.
Hôm sau, cụ già kể lại lời của thần linh cho mọi người nghe rồi cùng nhau xây một bức bình phong thờ thần Cọp ở đình làng. Cứ mỗi lần cúng đình, người ta đặt một mâm thức ăn ở bàn thờ thần Cọp. Từ khi có bình phong này, cuộc sống trở lại bình yên, dân làng, làm ăn khấm khá hơn hẳn.
Thần Cọp rất linh thiêng, thường hiện ra giúp đỡ dân làng. Năm nọ, có một con Cọp xám về quấy nhiễu xóm làng; rất nhiều trâu bò heo và cả người cũng bị Cọp ăn thịt. Nó rất tinh khôn nên dù mọi người đã tìm hết cách nhưng vẫn không giết được. Dân làng bèn cầu khấn thần Cọp. Rồi một buổi sáng nọ, người ta thấy có một con Cọp bạch xuất hiện đánh nhau với Cọp xám; cuộc chiến diễn ra rất dữ dội, quần nát cả một khoảnh đất rộng lớn, xung quanh, cây cối gãy đổ, ngã rạp. Đến chiều tối, con Cọp xám bị giết chết, còn Cọp bạch bỏ đi mất; người ta đồn rằng Thần Cọp đã ứng nghiệm lời khấn cầu của dân làng, xuống trần diệt trừ thú dữ.
Tiếng tăm đồn xa, nhiều xóm làng lân cận cũng bắt chước xây bức bình phong thờ thần Cọp, đặt tượng thần Cọp trong đình hoặc dựng miếu thờ riêng. Để ghi nhớ công ơn thần Cọp, người ta đã khắc lên bức bình phong danh hiệu: Sơn quân chúa xứ, Sơn lâm hổ lang chi thần, Bạch hổ tướng quân, Lý Nhĩ đại tướng quân… Có nơi còn đọc Văn tế Sơn quân trong ngày lễ vía Ông Cả.
Phạm Ngọc Hiền
Tài liệu tham khảo:
- Cọp trong văn hoá dân gian (Nguyễn Thanh Lợi), NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2014
- Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, T.2 (Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Thiếu Hương), NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020)
- Động vật hoang dã dưới góc nhìn văn hóa dân gian của người miền Tây Nam Bộ (Trần Minh Thương, Bùi Túy Phượng), NXB Mỹ thuật, 2016