Trong tháng 6 năm 2020, Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi Học sinh giỏi cấp Thành phố ở hai bậc THCS và THPT. Năm nào cũng vậy, đề thi môn Ngữ văn thường gây sự chú ý của dư luận. Tôi xin có một vài lời bàn luận như sau:
Đề thi HSG lớp 9:
Câu 1: Đề thi mang tính thời sự: có nhắc đến cây ATM gạo vừa được sử dụng trong trận dịch Covid vừa qua. Từ sự kiện này, yêu cầu thí sinh bàn về sự liên quan giữa sáng tạo, phát minh khoa học kỹ thuật với tình yêu thương con người. Đọc đề thi, người ta biết rằng môn Văn không chỉ bàn chuyện trên cung trăng mà còn bàn chuyện dưới mặt đất nữa. Đề thi có kèm hình vẽ sinh động khiến cho những học sinh vốn lười môn Văn cũng ghé mắt trông vào.
Câu 2: Nói về thời gian trong tác phẩm nghệ thuật. Đây là một phạm trù thuộc về Thi pháp học. Chương trình THCS không có học phần này. Câu hỏi hơi khó với học sinh lớp 9 nhưng cũng không sao. Vì đã mang tiếng là học sinh giỏi thì phải gánh chịu những đề thi nặng ký. Câu này có sự kết hợp nhiều loại kiến thức: văn chương trung đại và hiện đại, lý thuyết và lịch sử văn chương, văn chương và cuộc sống. Về lĩnh vực Thi pháp học, thí sinh cũng cần biết vài kiến thức về thời gian nghệ thuật và kết cấu hình tượng thời gian. Cũng hơi nhức đầu với cả thầy và trò !!! Câu cuối yêu cầu thí sinh viết bài luận về "Bức thông điệp của thời gian". Từ thời gian nghệ thuật, thí sinh có thể liên hệ tới thời gian của cá nhân mình và thời gian lịch sử xã hội...
Đề thi HSG lớp 12:
Câu 1: Bàn về điểm nhìn, cũng có liên quan chút ít tới điểm nhìn nghệ thuật của Thi pháp học nhưng về cơ bản đây là điểm nhìn ngoài đời. Đề yêu cầu bàn luận về vấn đề: nên hay không nên lệ thuộc vào cái nhìn đánh giá của người khác về mình. Học sinh giỏi sẽ trả lời theo kiểu "ba phải": mỗi cái có một cái hay riêng. Lâu nay, con người Á Đông, nhất là ở nông thôn, phải làm nô lệ cho dư luận xã hội. Nay, đã đến lúc phải sống cho mình chứ không nên quá sợ dư luận xóm làng đến mức phải chịu thiệt thòi đủ thứ. Hàng xóm chỉ giúp đỡ một phần nào đó thôi chứ không thể mang lại sự tự do, hạnh phúc cho mình.
Câu 2: Nói về sự phản ánh hiện thực trong văn chương. Đề hỏi: giữa cái gương, máy hình và văn chương, cái nào phản ánh hiện thực đúng nhất. Học sinh giỏi sẽ trả lời là văn chương. Tôi cũng hùa theo quan điểm của học sinh giỏi. Vì trong quá trình nghiên cứu gần 200 cuốn tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975, tôi thấy có nhiều điều tế nhị, bí ẩn của lịch sử chỉ được phản ánh trong tiểu thuyết. Nên tôi có quan niệm: muốn hiểu lịch sử, phải đọc tiểu thuyết.
Hẳn có bạn sẽ hỏi: đề thi có nhược điểm gì ? Tôi xin trả lời, về cơ bản, đề thi không có lỗi gì đáng nói. Nếu bị ép phải chỉ ra một lỗi li ti nào đấy thì xin nói rằng: phần cuối của câu hai không có sự nhất quán trong cách dùng từ "văn chương" và "văn học". Tôi cũng giống như người ra đề, nhiều khi dùng lẫn lộn giữa "văn chương" và "văn học". Mặc dù tôi biết rằng trong trường hợp này, dùng từ "văn chương" hay hơn nhưng đôi lúc vẫn phải dùng từ "văn học" theo cách gọi quen miệng của mọi người. Nghĩa là, nhiều khi, ta phải nhìn theo cái nhìn của cộng đồng (giống như câu 1 đã nói). Khi nào dùng "văn chương" là nói theo ý mình, khi nào dùng "văn học" là nói theo ý người khác. Vì vừa phải nói theo ý mình, vừa phải nói theo ý người khác nên nhiều lúc lẫn lộn lung tung. Khi bản thân ta cũng mắc lỗi thì chẳng nên kiếm chuyện chỉ trích người khác làm gì. Nhất là trong những vấn đề khó phân định đúng - sai như cách dùng từ "văn chương" - "văn học". Trong trường hợp đề thi này, nếu chọn từ nào thì dùng nhất quán một từ, không nên dùng cả hai từ cùng một lúc. Tuy nhiên, nếu bỏ kính hiển vi ra, đó không phải là một lỗi đáng nói. Vậy xin kết luận: theo góc nhìn của cá nhân tôi, cả hai đề thi học sinh giỏi năm nay đều hay và thiết thực.
Phạm Ngọc Hiền
Xin giới thiệu vài sách có liên quan tới bài viết: